Những trang viết tuổi thơ của Lê Văn Nghĩa
Bìa truyện dài Mùa tiểu học cuối cùng của nhà văn Lê Văn Nghĩa
1. Trong bài Lê Văn Nghĩa trong cõi nhớ Sài Gòn, nhà lý luận phê bình Huỳnh Như Phương viết:
“Tôi thực sự yêu thích văn kể chuyện tự nhiên, hoạt náo của Lê Văn Nghĩa khi đọc bốn cuốn truyện anh viết về học đường miền Nam, bắt đầu với Mùa hè năm Petrus và gần đây là Mùa tiểu học cuối cùng. Tác phẩm của anh lôi cuốn không chỉ nhờ cốt truyện mà còn nhờ những chi tiết từ đời thực được tái tạo trong văn hư cấu”.
Truyện dài Mùa tiểu học cuối cùng của Lê Văn Nghĩa do Nxb Kim Đồng ấn hành cuối năm 2020 và tái bản ngay sau đó, đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền, Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi, một người cùng thế hệ và đọc kỹ hầu hết tác phẩm của nhà văn Lê Văn Nghĩa, cho rằng, Mùa tiểu học cuối cùng là cuốn truyện hay, có kết cấu chặt chẽ, dẫn chuyện độc đáo, hài hước và hiếm có viết về kỷ niệm tuổi thơ Sài Gòn trước năm 1975. Điều thú vị là qua truyện của nhà văn Lê Văn Nghĩa ở miền Nam và nhà văn Bình Ca ở miền Bắc, có thể thấy được thế giới tuổi thơ của hai miền có những chi tiết tương đồng về sự tinh nghịch hồn nhiên hay những trò chơi dân gian dù hoàn cảnh cách trở vì chiến tranh.
Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét:
“Đọc Mùa tiểu học cuối cùng bỗng giật mình vì hóa ra bấy lâu nay chúng ta không biết gì về cuộc sống thường ngày của trẻ em miền Nam trước những năm 1975. Và ta chợt nhận ra, luôn có một thế giới kỳ diệu - thế giới của những đứa trẻ, luôn giống nhau và rất khác nhau, lung linh muôn sắc thái, khiến ta có thể khóc và bật cười bất cứ lúc nào với ăm ắp hoài niệm về những gì đã vĩnh viễn rời xa, những gì ta không thể tìm thấy trong thế giới người lớn”.
Những cuốn sách viết về Sài Gòn trước năm 1975 không ít, nhưng viết sâu sắc và thú vị về thế giới tuổi thơ trong giai đoạn đặc biệt đó như nhà văn Lê Văn Nghĩa thì rất hiếm, vì ông cũng là một trong những cây bút hiếm hoi sinh trưởng và cả đời gắn bó với thành phố phương Nam này.
2. Lê Văn Nghĩa thuộc thế hệ đầu tiên làm Báo Tuổi Trẻ, sau đó phụ trách tờ Tuổi Trẻ Cười. Ông có duyên với thể loại trào phúng, viết dưới các bút danh quen thuộc: Đại Văn Mỗ, Điệp Viên Không Không Thấy, Thằng Hề…, đặc biệt là Hai Cù Nèo.
Sau khi nghỉ công tác quản lý tờ Tuổi Trẻ Cười, Lê Văn Nghĩa chuyên chú hơn vào sáng tác văn chương cho tới khi lìa xa cõi trần vì bệnh nan y ngày 25-7-2021. Những tác phẩm mang tính hồi ức, tự truyện của ông về thời niên thiếu thập niên 1960 học dưới mái trường Bình Tây (tức trường Nguyễn Huệ ở quận 6 hiện nay) và trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở quận 5, TPHCM) đã lần lượt được xuất bản:
Mùa hè năm Pétrus, Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ, Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), Mùa tiểu học cuối cùng (2020).
Khi viết cho thiếu nhi, cái chất trào lộng của Lê Văn Nghĩa được phát huy làm cho cốt truyện lôi cuốn, quyến rũ hơn. Hãy nghe ông mở lời trong truyện Mùa tiểu học cuối cùng: “Bạn ngồi xuống đây nghe tui kể chút nè, về mấy thằng bạn cà tưng lớp nhứt Hai trường tiểu học Bình Tây của tui. Cũng lâu lắm rồi á, hồi năm 1967 lận… Bạn nghe đã thấy cà tưng chưa? Mời đọc tiếp để biết tụi học trò tiểu học tụi tui ngày ấy đã quậy tưng bừng thế nào nhé. Không thua gì các bạn bây giờ đâu!”.
Bằng thế mạnh trào phúng và lối viết đặc sệt Nam Bộ của nhà văn Lê Văn Nghĩa, qua 22 chương, truyện dài Mùa tiểu học cuối cùng là câu chuyện sinh động, dí dỏm, đầy ắp tiếng cười xen lẫn sự xót xa, tình thương yêu, nghĩa khí của những đứa trẻ “cà tưng thích làm mấy chuyện cà tửng” ở xóm lao động nghèo cùng học dưới một mái trường.
Nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét: “Cái hay của Lê Văn Nghĩa là trên cơ sở chất liệu đời thực kết hợp với văn hư cấu, pha trò, ông đã dựng nên những câu chuyện sinh động, cả nghịch ngợm tươi vui lẫn ngậm ngùi xa xót về thế giới tuổi thơ của một thời mà có sức lan tỏa nhiều thời…”. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét