Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

đọc thêm (3) về Nguyễn Ngọc Tư: " Gs Trần Hữu Dũng dạy môn 'kinh tế vĩ mô' .... " bài viết: Hoà Bình / source : VietTimes < https://viettimes.vn/author/ho... >

 ăm, ngày 31/03/2022

GS Trần Hữu Dũng - người “rong chơi” với những quan điểm riêng trên Viet-studies (Bài 1)

VietTimes – Chủ nhân của những luồng thông tin đa chiều Viet-studies không muốn gây chú ý nhưng vẫn được một lượng lớn người yêu thích tìm đọc bởi cuộc “rong chơi” cực kỳ nghiêm túc.

GS Trần Hữu Dũng, chủ nhân của trang web thông tin Viet-studies

GS Trần Hữu Dũng, chủ nhân của trang web thông tin Viet-studies


Người sáng lập Viet-studies là ai?

Nhiều năm gần đây, cư dân mạng muốn đọc thông tin bằng tiếng Việt thích thú follow thông tin từ trang web Viet-studies - một trang thông tin tổng hợp do GS Trần Hữu Dũng lập ra để cập nhật thường xuyên các bài báo, bài viết cũng như một số báo cáo nổi bật trong và ngoài nước về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.

GS Trần Hữu Dũng – chủ nhân của trang web Viet-studies là giáo sư kinh tế học của Đại học Wright State tại Dayton, Ohio, Mỹ. Ông chuyên về nghiên cứu kinh tế vùng Đông Á. Ông đã từng đưa ra nhiều ý kiến nổi bật khi chứng kiến sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Trung Quốc, bàn luận về công bằng thương mại cho tất cả, định nghĩa rửa tiền và toàn cầu hóa, đọc “Thú tội của một sát thủ kinh tế” (“Confessions of an Economic Hit Man”, NXB Penguin, New York, một cuốn sách gây dư luận đình đám của John Perkins), phân tích những quan hệ giữa tham nhũng và tăng trưởng kinh tế, chú trọng đặc biệt đến trường hợp các quốc gia cần phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam…

Bàn về rửa tiền và toàn cầu hóa, GS Trần Hữu Dũng cho rằng: “Vì bản chất tiền bẩn là tài sản giấu giếm, và “bẩn” thì cũng có nhiều mức độ (từ “thật bẩn” đến “hơi bẩn”), không ai biết được chính xác tổng số tiền này. Tuy nhiên, để có sơ một ý niệm: theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) thì độ 640 tỉ đến 1,6 ngàn tỉ USD, tức là khoảng 2-5% GDP toàn cầu, hàng năm, là tiền bẩn. Phân nửa số này là từ các nước ngoài tây phương chảy vào tây phương, một phần tư là giữa các nước tây phương. Khoảng 250 tỉ USD tiền bẩn này đi vào Mỹ”.

“Rửa tiền không phải là một hiện tượng mới. Theo nhiều sử gia, thương nhân Trung Quốc đã biết “rửa tiền” hơn ba ngàn năm trước để tránh thuế của triều đình. Tuy nhiên, hoạt động này đã bùng nổ với toàn cầu hoá, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc chuyển tiếp. Nhiều scandal rửa tiền, dính líu đến các quan chức cao cấp, đã gây khủng hoảng chính trị ở một số quốc gia. Gần đây hơn, liên hệ giữa tiền bẩn và các hoạt động khủng bố đã trở thành quan tâm hàng đầu của các cơ quan công lực” – GS Trần Hữu Dũng viết.

GS Trần Hữu Dũng sang Mỹ du học từ năm 1963, sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tử và cử nhân vật lý năm 1967, ông về nước làm chuyên viên tại Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt. Năm 1972, ông trở qua Mỹ lần nữa và tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học Syracuse năm 1978. Từ năm 1982 đến nay, ông dạy môn kinh tế vĩ mô, kinh tế quản lý và kinh tế thế giới cho bằng thạc sĩ (MBA) tại Đại học Wright State.

GS Trần Hữu Dũng - người “rong chơi” với những quan điểm riêng trên Viet-studies (Bài 1) ảnh 1

GS Trần Hữu Dũng dạy môn kinh tế vĩ mô, kinh tế quản lý và kinh tế thế giới cho bằng thạc sĩ (MBA) tại Đại học Wright State. Ảnh: Internet


Không có mục đích gì lớn lao


Từ góc nhìn khách quan, phải khẳng định rằng GS Trần Hữu Dũng và nhiều trí thức Việt kiều khác trong những năm gần đây đã có những đóng góp cho Việt Nam những tư duy kinh tế trong việc hoà nhập với nền kinh tế thế giới. Dù rất bận rộn với công việc giảng dạy nhưng ông vẫn dành thời gian viết bài cho một số tờ báo kinh tế ở trong nước. Ngoài ra, hàng năm ông cùng một số trí thức Việt kiều, trí thức ở trong nước thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Ngoài quản lý trang web Viet-studies, GS Trần Hữu Dũng còn là biên tập viên quản lý của cổng thông tin nổi tiếng Arts & Letters Daily, một cổng thông tin tiếng Anh, kết nối tới mấy chục ngàn bài viết, đưa ra nhiều luận điểm từ các báo cáo và những cuốn sách mới, suốt từ năm 1998 đến nay. Website này được tờ New York Times khen tặng là "Điểm hẹn của trí thức toàn cầu". Cho đến nay, suốt hơn 20 năm liền, GS Trần Hữu Dũng đã làm cái công việc tỉ mỉ, miệt mài là đọc hàng trăm bài viết chỉ để điểm lại những thông tin ngắn gọn, súc tích, hữu ích, tiết kiệm thời gian cho độc giả nhưng đồng thời cung cấp một hàm lượng tri thức tối đa.

GS Trần Hữu Dũng - người “rong chơi” với những quan điểm riêng trên Viet-studies (Bài 1) ảnh 2

Giao diện trang web Art and Letters Daily (Ảnh chụp màn hình)

Sau khi GS Trần Hữu Dũng đảm nhận công việc biên tập, trang web Arts & Letters Daily nhận được nhiều giải thưởng quan trọng. Năm 2002, trang này nhận giải thưởng Tiếng nói của công chúng cho trang web tin tức tốt nhất của Giải thưởng Webby - giải thưởng có uy tín trong lĩnh vực Internet. Năm 2007, tạp chí PC Magazine xếp trang web vào danh sách 100 trang web cổ điển nhất, ghi nhận trang web cung cấp một số trong rất nhiều thông tin đáng đọc trên mạng.

Để nói về những luồng quan điểm đã được chia sẻ trên Viet-studies, GS Trần Hữu Dũng chỉ chia sẻ giản dị với một diễn đàn quốc tế: “Những bài đó không phải là những bài hay hết cả đâu. Nó chỉ là tư liệu thôi, đừng tưởng tôi cho những bài đó là hay hoặc tôi tán thành những ý tưởng trong đó. Có những bài buồn cười hay dở quá thì tôi cũng bỏ vô để anh em đọc chơi cho vui. Mục đích là tôi muốn giới thiệu cho bạn bè những bài tôi đọc mỗi ngày”.

“Chúng tôi chỉ là một nhóm người quan tâm đến những vấn đề của đất nước và chúng tôi có một diễn đàn có những nghiên cứu nghiêm túc. Anh em gặp nhau trao đổi ý kiến rồi đăng lên đó những đóng góp tích cực, không có mục đích gì cao cả, chuyên về học thuật nhiều hơn là chính trị” – GS Trần Hữu Dũng nhấn mạnh – “Chúng tôi có dành những số đặc biệt chẳng hạn như về Giáo dục, chúng tôi đăng rất nhiều về nội dung, đó là một cách để đóng góp thẳng trên công luận, ở nhà ai muốn đọc thì cứđọc, tôi không giấu giếm hay đóng góp cho riêng cá nhân nào hết”.

GS Trần Hữu Dũng - người “rong chơi” với những quan điểm riêng trên Viet-studies (Bài 1) ảnh 3

GS. Trần Hữu Dũng (trái) và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư, trong lần về thăm quê hương năm 2009. (ảnh: vannghesongcuulong.com)

Ngoài những thông tin, kiến thức, quan điểm đã chia sẻ ở mảng kinh tế, GS Trần Hữu Dũng có một “thư phòng ảo” trình bày các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, mặc dù ông khẳng định không coi Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn đầu đàn, xuất sắc nhất Việt Nam mà chỉ là vì thích đọc văn của cô Tư nên sưu tầm lại.


=============



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét