Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

đọc thêm (3) : " gíao sư Phan Cự Đệ - 50 năm trên bục giảng với một niềm say đắm khoa học"/ Đào Anh San -- nguồn: http://100years.vnu.edu.vn>

 

 Trang chủ ĐHQGHN |  Trang nhất
 
Ngày 27 Tháng 3 Năm 2022  Số người truy cập: 628571

 
GS. Phan Cự Đệ - 50 năm trên bục giảng với một niềm đắm say khoa học

ĐÀO ANH SAN

Tốt nghiệp THPT vào năm 1951, Phan Cự Đệ đã có một quyết tâm phải bước vào ngưỡng cửa đại học và phấn đấu trở thành một nhà khoa học xã hội. Nhà nghèo, không có tiền ra Thanh Hoá học Dự bị Văn khoa, anh đang buồn cho thân phận của mình thì một linh mục làng bên đến chơi.

Ông nói với bà mẹ: "Cháu nó mới có 18, nên cho vào trường dòng học, chỉ độ 25 tuổi là có thể trở thành linh mục, cai quản một vùng…". Bà mẹ nghe bùi tai, dẫn con sang nhà thờ làng bên. Hôm ấy không phải ngày chủ nhật, nhà thờ vắng tanh, gió thổi hun hút dọc các hành lang, chỉ thấy một người bõ già đang ngồi bắt rận, anh hoảng quá, giật tay bà mẹ bỏ chạy về làng. Cuộc đời suýt nữa rẽ ngoặt vào một con đường xa lạ.

Anh là một trong vài người tốt nghiệp phổ thông vào loại ưu tú nên khá nổi tiếng trong hàng huyện. Nhiều nhà giàu có con gái một bắn tin muốn gả. Nhưng anh quyết tâm chưa lập gia đình để còn tiếp tục đi học. Anh nhận dạy Toán lớp 7 ở một trường cấp II dân lập của huyện, vừa dạy học, vừa làm gia sư, lương bỏ ra mua sách tự học để chờ thời. Năm 1954, huyện Quỳnh Lưu mất mùa, dân bị đói, học sinh không có tiền nộp học phí, anh phải ngày bữa cơm, bữa cháo. Nghe tin Thủ đô giải phóng, anh mừng quá, xin từ giã nhà trường để ra Hà Nội học đại học. Khi Nam Cao từ rời trường tư Thụy Khê về Hà Nam, ông hiệu trưởng còn chia cho hai chiếc ghế mây cũ. Còn Phan Cự Đệ ra đi với hai bàn tay trắng, ông hiệu trưởng chạy theo khóc vì còn 2 tháng lương chưa trả.

Lên thị trấn Cầu Giát, anh gặp may, bắt được một chiếc xe hàng chạy bằng than, chết gí ở Đồng Hới suốt 9 năm chiến tranh, đây là chuyến chạy thử đầu tiên ra Hà Nội. Khách lên xe không phải trả tiền, nhưng xe chết ở đâu phải xuống ở đấy.

Từ Nghệ An ra Hà Nội xe chạy mất 6 ngày, chết ở thị xã Phát Diệm đúng 3 ngày. Trong 3 ngày đó, anh lang thang trong nhà thờ Phát Diệm, hết ôm cột đá trắng này lại đến tựa lưng vào cột đá trắng khác… Vào Đại học Văn khoa năm thứ nhất, những đoàn viên thanh niên cứu quốc như anh phải nhường học bổng cho sinh viên cũ ở nội thành Hà Nội! Thế là lại đi bán sách, lại làm gia sư ở phố Triệu Việt Vương. Đây là lần làm gia sư thứ 13 trong quãng đời vừa làm vừa học của anh. Rồi cuối cùng anh vào ở trong ký túc xá. Hàng ngày đi về 6 cây số từ Việt Nam học xá lên 19 Lê Thánh Tông, đi bộ, nhưng anh rất say mê và tự hào được học với một thế hệ giáo sư nổi tiếng cả nước như: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy… Được giữ lại Trường làm trợ lý cho GS. Hoài Thanh, anh quyết tâm đi vào con đường phê bình và nghiên cứu văn học. Và anh đã hoàn thành các chuyên luận khoa học đầu tiên của mình trong những hoàn cảnh rất khó khăn…

"Phong trào Thơ mới" được viết 3 năm liền ở ngoài ban công một căn phòng nhỏ chứa chất đến 7 người. Có hôm rét đến 5 độ, anh phải quây ni lông lại thành cái buồng nhỏ ngoài trời, ngồi trong đó mà viết. Khách đến không thấy, hỏi: "Bố cháu đang ở đâu?", bà con gái trả lời: "Bố cháu ở trong buồng đi!". Và chuyên luận "Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại" (hơn 800 trang) được viết ở khu sơ tán miền núi, vùng Đại Từ, Bắc Thái. Trong Lời tựa cho lần tái bản thứ hai, Phan Cự Đệ viết: "Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại được viết dần từng phần trong 8 năm chiến tranh (1966 - 1973), dưới ngọn đèn dầu trong một mái tranh nghèo của nông dân miền núi. Có đêm đông, tôi ngồi viết đến khuya, nhìn ra xung quanh là cảnh núi rừng hoang vu, lạnh lẽo, căn nhà trở thành một hòn đảo ánh sáng trôi bềnh bồng giữa một bầu trời mưa giăng mờ mịt. Tôi viết rất say mê như thế, đêm này qua đêm khác, nhiều đêm thèm nhớ ngọn đèn nê - ông sáng rực của Thư viện Quốc gia những tối thứ bảy, thời tôi còn trẻ tuổi. Tôi viết như chạy đua với những chiến sĩ phòng không thời ấy, những người anh hùng mà tôi rất ngưỡng mộ. Trong 8 năm, tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: được viết, được sáng tạo, được cống hiến một cái gì đó nhỏ bé cho sự nghiệp văn học của dân tộc".

*

Năm 1982, GS. Phan Cự Đệ là trưởng đoàn Việt Nam đi dự Hội thảo khoa học quốc tế về Việt Nam học tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ). Chính chuyến đi đó và không khí khoáng đạt của thời kỳ đổi mới tư duy từ 1986 đã gợi ý cho ông đứng ra thành lập Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế (RICC) từ năm 1991. Đó là một trung tâm thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với tư cách là Giám đốc Trung tâm, ông giữ cương vị Chủ tịch 10 hội thảo khoa học quốc tế ở trong và ngoài nước. Đó là hội thảo về văn hóa, văn học, sử học, đất nước học với các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Rumani, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Những cuộc hội thảo khoa học quốc tế này đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới, góp phần vào công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN hôm nay, đồng thời giúp giáo sư và sinh viên các ngành khoa học xã hội mở rộng tầm nhìn ra thế giới.

GS. Phan Cự Đệ còn là trưởng đoàn hoặc đại biểu Việt Nam duy nhất tại cuộc Hội thảo về văn hóa ba châu Á, Phi, Mỹ Latinh ở Stockholm (1991), về văn hóa châu Á ở SOAS (London - 1995), ở Đại học Tổng hợp Diliman (Philippines - 1997) và từng là giáo sư thỉnh giảng ở SOAS và Chulalongkorn (Thái Lan).

Từ năm 1995, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, GS. Phan Cự Đệ đã tổ chức Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế Văn hóa Quốc tế mà thành viên là các đại sứ, tổng giám đốc các nhà băng và công ty nước ngoài, các bộ trưởng và phó thủ tướng của Việt Nam, các nhà hoạt động văn hóa, ngoại giao, kinh tế nổi tiếng của Việt Nam. Cho đến hôm nay, Câu lạc bộ đã tổ chức được 184 cuộc trình bày về văn hóa, chính trị, kinh tế ngoại giao mà diễn giả là các đại sứ và bộ trưởng. Câu lạc bộ cũng đưa các đại sứ và tổng giám đốc các công ty nước ngoài về 12 tỉnh để bàn chuyện hợp tác đầu tư với các địa phương. Do những hoạt động quốc tế, nhất là thông tin quốc tế trong suốt 15 năm nên năm 2000, GS. Phan Cự Đệ đã được Viện Hàn lâm Thông tin Quốc tế Liên bang Nga (trực thuộc Liên hiệp quốc) bầu làm Viện sĩ chính thức. GS. Phan Cự Đệ là Viện sĩ chính thức đầu tiên thuộc châu Á tại Viện Hàn lâm này. Trong suốt 15 năm hoạt động đối ngoại, GS. Phan Cự Đệ đi theo con đường tự lực cánh sinh, chưa hề xin tài trợ của nhà nước. Ông được mọi người gọi là "Người ăn cơm nhà thổi tù và quốc tế".

*

GS. Phan Cự Đệ thuộc thế hệ những nhà khoa học xã hội đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được đào tạo chủ yếu từ trong nước. Đất nước còn nghèo, lại mấy chục năm chiến tranh nên từ năm 1982 về trước, GS. Phan Cự Đệ chưa hề ra khỏi biên giới. Các nhà khoa học xã hội phải bám chắc thực tiễn Việt Nam, phải sống còn với vận mệnh dân tộc, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng muốn cập nhật những vấn đề lý luận và phương pháp luận tiên tiến của thế giới thì phải nhanh chóng giải quyết vấn đề dạy và học ngoại ngữ. Năm 1961, Phan Cự Đệ ngày 2 buổi, đạp xe vào Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ để học xong lớp chuyên tu Nga văn do Tiến sĩ Niculin, nhà Việt Nam học của Liên Xô giảng dạy. Chính nhờ có tiếng Nga mà từ năm 1963 Phan Cự Đệ đã tiếp xúc với những công trình lý luận của Liên Xô với những tác giả như Friedlander, Kojinov, Matyleva, Ermilov, Kuzenetsov, Bosarov, Pospelov, Bakhtin, Khrapchenko, Vinogradov… Cuốn "Mác - Ăngghen và những vấn đề văn học" (NXB Văn nghệ Quốc gia, M., 1962) của Friedlander đã giúp cho Phan Cự Đệ rất nhiều trong việc nâng cao tầm vóc lý luận của "Phong trào Thơ mới" (1966). Những tác phẩm của M.Bakhtin như "Những vấn đề mỹ học của Dostoievsky" (1963), "Sử thi và tiểu thuyết" (1970) đã giúp tác giả "Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại" (1974 - 1975) đi sâu vào những vấn đề lý luận về thi pháp thể loại. Từ 1982Phan Cự Đệ tập trung nâng cao tiếng Anh. Sau chuyến thăm Hoa Kỳ (1982) và Anh (1995), ông mới có điều kiện tiếp xúc với những công trình lý luận về thể loại tiểu thuyết của Ian Watt, Frank Kermode, Sandra M. Gilbert và Susan Gubar, Andrew Michael Roberts, về thể loại truyện ngắn của Frank O’Connor, Sean O’Faolain, H.E. Bates, Ian Reid, Charles E. May, Susan Lohafer và Jo Ellyn Clarey… Sự bổ sung những tài liệu phương Tây cộng với những tài liệu của Liên Xô (cũ) đã giúp GS. Phan Cự Đệ hoàn thành những tiểu luận mới về "Thi pháp tiểu thuyết" và "Thi pháp truyện ngắn". GS. Phan Cự Đệ được đánh giá là chuyên gia hàng đầu về thi pháp các thể loại văn xuôi. Cho đến hôm nay, ở tuổi 74, GS. Phan Cự Đệ vẫn là đầu tàu cho thế hệ trẻ trong nghiên cứu khoa học và bản thân mình vẫn là người thợ cày cần mẫn đang mở những luống cày mới./.


Đào Anh San [100 Years-VietNam National University,HaNoi





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét