Nguyễn Ngọc Tư – Nhà văn của mộc mạc và bình dị thôn quê
Kể từ lần đầu gây ấn tượng với giải Mai vàng cho hạng mục Nhà văn xuất sắc vào năm 2000, đến nay cái tên Nguyễn Ngọc Tư vẫn được xem là một hiện tượng văn học đặc biệt và là hy vọng của nền văn trẻ đương đại.
Được độc giả yêu mến và gọi bằng cái tên đầy thân thương là cô Tư, Nguyễn Ngọc Tư ghi dấu ấn với văn phong đầy dung dị, mộc mạc và chân thành.
Vài nét về thời niên thiếu và hành trình đến với văn chương của Nguyễn Ngọc Tư
Cô sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Trước khi bén duyên với nghề văn, Nguyễn Ngọc Tư chỉ là một cô gái nông dân bình thường của vùng sông nước.
Hàng ngày, cô chăm sóc ông ngoại và phụ giúp cha mẹ những công việc đồng áng, chưa từng nghĩ sẽ có cơ hội nổi tiếng.
Học hết trung học cơ sở, Tư xin làm việc tại một cơ quan văn nghệ báo chí ở tỉnh Cà Mau, truyện ngắn đầu tiên của cô cũng được in tại đây.
Kể từ đó Nguyễn Ngọc Tư mê mẩn con chữ, cảm thấy mình như có duyên nợ với văn chương, thế là cô cầm bút và đến với nghề văn. Sau đó, Tư đồng thời vừa đi học bổ túc văn hóa vừa tiếp tục sáng tác.
Với Tư, viết giống như một cách giải tỏa và thể nghiệm, cô luôn muốn đưa những điều gần gũi và bình dị nhất vào trong văn chương, bởi thế mà những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư được rất nhiều người đón đọc và yêu thích.
Các tác phẩm tiêu biểu và thành quả đạt được
Đến với văn chương bằng cách thức đầy âm thầm và lặng lẽ nhưng rồi hữu xạ tự nhiên hương, tài năng của Nguyễn Ngọc Tư sớm được nhìn nhận và đánh giá cao.
Đổi thay là truyện ngắn đầu tiên của cô, được đăng trên tạp chí Văn nghệ Cà Mau nhưng chưa tạo được tiếng vang, phải đến tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt thì Nguyễn Ngọc Tư mới được độc giả trên cả nước biết đến.
Năm 2000, Ngọn đèn không tắt của cô đạt giải nhất trong Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ hai và giải Mai Vàng ở hạng mục Nhà văn xuất sắc, một năm sau tiếp tục đạt giải B của Hội nhà văn Việt Nam.
Cái tên Nguyễn Ngọc Tư vụt sáng, trở thành tâm điểm của hy vọng vào một nền văn trẻ đương đại ở thời điểm đó, là một trong Mười nhân vật trẻ xuất sắc tiêu biểu của năm 2002.
Cô tiếp tục sáng tác và xuất bản một vài tập truyện ngắn như Ông ngoại, Biển người mênh mông, Giao thừa, Nước chảy mây trôi, Cái nhìn khắc khoải và Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.
Năm 2005, Nguyễn Ngọc Tư cho ra đời tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận, tác phẩm nhanh chóng nổi tiếng và trở thành một hiện tượng xuất bản của văn học Việt Nam.
Cánh đồng bất tận nhận được nhiều phản hồi tích cực của độc giả, một năm sau ngày ra mắt đã đạt Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam. Cuốn sách đã được dịch ra tiếng Hàn và được nhà xuất bản Asia ở Seoul phát hành vào năm 2007.
Một năm sau, Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục nhận được Giải thưởng văn học ASEAN với hai tác phẩm Ngọn đèn không tắt và Cánh đồng bất tận.
Mới đây vào năm 2018, Cánh đồng bất tận tiếp tục ghi dấu ấn ở trời Tây với giải thưởng LiBeraturpreis do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tại Đức (Litprom) bình chọn.
Sau thành công của Cánh đồng bất tận, cô tiếp tục miệt mài sáng tác, một số tập truyện ngắn có thể kể đến như Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Khói trời lộng lẫy, Không ai qua sông và Cố định một đám mây.
Bên cạnh đó là các tập tản văn như Yêu người ngóng núi, Gáy người thì lạnh, Đong tấm lòng và gần đây là Hành lý hư vô (2019). Không chỉ thành công ở truyện ngắn và tản văn, Nguyễn Ngọc Tư còn thử sức với tiểu thuyết và thơ, xuất bản hai tác phẩm Sông (tiểu thuyết) và Chấm (thơ).
Âm thầm sáng tác, lặng lẽ cống hiến và không hề chiêu trò nên cô được tạp chí Forbes bình chọn là một trong số 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam năm 2018.
Những trang văn đầy dung dị và mộc mạc
Nguyễn Ngọc Tư có thể coi là một hiện tượng văn học đặc biệt ở khu vực Nam Bộ, hiếm có một nhà văn nào với thời gian sáng tác và hoạt động ngắn như cô lại có thể khẳng định được vị trí, vùng sáng tác và phong cách chuyên biệt.
Gây tiếng vang từ tập truyện Ngọn đèn không tắt rồi đến Nước chảy mây trôi, Giao thừa, Cánh đồng bất tận, cô lấy được cảm tình của độc giả bằng một phong cách nhẹ nhàng, trong trẻo, lối văn chương bình dị, mộc mạc đầy nắng gió phương Nam.
Các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư có đề tài không mới, chỉ là những câu chuyện đời thường của những người nông dân bình dị, quê mùa nhưng lại lôi cuốn người đọc bởi cái nhìn đầy chân thật và nhân hậu.
Cái chất bình dị ấy trước hết được thể hiện trong ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ mà nhà văn sử dụng một cách tinh tế và triệt để, mật độ phương ngữ xuất hiện dày đặc và gần như rộng khắp trong những sáng tác của cô.
Ngôn ngữ mà Nguyễn Ngọc Tư sử dụng không hề cao sang, chau chuốt mà là thứ từ vựng dân dã bắt nguồn từ chính cuộc sống đời thường:
“…ông nói như chỉ nói với mình:
– Mai mốt mình đi nữa hen Cộc?
Con vịt cạp mắt cá chân ông, đi thì đi chớ gì.
– Mày đi hoài, mầy mệt không?
Nó há mỏm đốm đen cạp ngón cái chân ông, thì mệt chớ.
Tao đốn tràm, làm nhà lại, ở luôn nghen”
– Cái nhìn khắc khoải – Nguyễn Ngọc Tư
Và những lời văn bao giờ cũng nghèn nghẹn nơi cổ họng một nỗi xót xa không thành tiếng:
“Chú thường vòng qua chợ Bách Hóa, chú không hát, không dừng lại bán, chỉ kêu con Như tỏ mắt nhìn con Ý coi bữa nay nó mặc áo màu gì, mập ốm ra làm sao, tóc dài bao nhiêu rồi.
Đứa con gái lớn buồn bã bảo, “em con mập lắm, trắng hơn hồi nó còn ở nhà mình. Nó cắt tóc tém, coi giống con trai lắm, nó nhìn thấy con mà giả đò như không thấy vậy, ba”.
Không mặc đồ xanh ba mua à? Không, lâu rồi nó không mặc nữa. Chú nghe vừa mừng vừa đau. Vậy là nó quên chú rồi, nó yên lòng bên người mẹ mới. Vậy là từ nay chú đã xa mãi đứa con này.
Lụi hụi hết mùa nắng, giọng chú tắt khèn khẹt trong cổ họng, thậm chí không thể cất lời rao. Chú đờn cho con Như ca, tiếng ca ngọng nghịu và non nớt lắm, vô vọng cổ luôn bị đứt giữa chừng.
Tội nghiệp, con nhỏ không có tài, ngáy còn lạc giọng mà ca nỗi gì. những lúc bên con, nghe nó ăn giá sống cho họng bớt khan, chú Đời muốn khóc, thấy mình bất lực trước bệnh tật. Chú bảo, “Thôi, bỏ nghề, con”.
– Đời Như Ý
Có thể nói, phương ngữ Nam Bộ trong văn chương của Nguyễn Ngọc Tư đã được thể hiện một cách đầy tinh tế và xuất sắc, cô là một trong số ít những nhà văn trẻ còn tiếp nối và lưu giữ được hồn cốt Nam Bộ của các nhà văn cha ông từ đầu thế kỉ XX.
Tiếp nối và học tập văn phong của Hồ Biểu Chánh khi lấy phương ngữ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long làm chất liệu sáng tác nhưng kết hợp với những sáng tạo riêng đầy dịu dàng và giản dị đã tạo ra tính chuyên biệt và đầy độc đáo trong những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư.
Hiện thực đời sống và con người Nam Bộ là hai nguồn cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trong các sáng tác của cô.
Trước Nguyễn Ngọc Tư, cùng viết về đề tài này có một số tác giả như Sơn Nam, Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng nhưng đến Nguyễn Ngọc Tư người ta vẫn không thấy nhàm chán mà bị ấn tượng và yêu thích bởi lối viết mộc mạc rất riêng.
Những nhân vật trong trang văn của cô chủ yếu là những người nông dân hồn hậu, chất phác của thôn quê, thông qua đó tái hiện một dải đồng bằng với những tỉnh lẻ, ruộng vườn, sông nước.
Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư phản ánh trung thực về những hiện thực cuộc sống. Về những mảnh đời nhỏ bé, đơn dị còn nhiều những éo le và nghèo khổ song hào sảng một tấm lòng đáng quý và lúc nào cũng tiềm ẩn một nỗi cô đơn u hoài tràn chảy.
“Người ta buồn nhất, cô đơn nhất là khi ngủ dậy. Và khi ngoài trời nắng ráo mà không biết phải đi đâu, về đâu.”
– Biển người mênh mông
Đó không phải là thứ văn chương đớn đau, buồn bã hay day dứt, ủ rũ, mà nó buồn cái buồn của cơn mưa, của ngọn gió vùng sông nước Cà Mau và long lanh khi nắng lên mây quang.
“Cũng đề cập đến nỗi cô đơn của con người nhưng chúng tôi nhận thấy quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư rất khác. Cô đơn luôn là nỗi đau, là bi kịch tinh thần lớn nhất của con người. Nhưng đọc Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta cảm nhận rất rõ niềm cô đơn mà không thấy sự bi quan tuyệt vọng. Nhân vật của chị tự ý thức về sự cô đơn. Họ chấp nhận bởi họ tìm thấy trong nỗi đau ấy một lẽ sống. Và, từ trong nỗi đau ấy, họ vươn lên, làm người. Cô đơn trong quan niệm của Nguyễn Ngọc Tư là động lực của cái Đẹp, cái Thiện.”
– Phạm Thái Lê
Nó phản ánh cái nhìn đầy trong sáng và hồn nhiên, hiền hậu của cô với chuyện đời, chuyện người.
Nguyễn Ngọc Tư và quan niệm sáng tác
Trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ, cô đã có những trải lòng đầy chân thành và nhẹ nhàng về nghề văn của mình:
“…Còn sáng tác thì cứ lúc nào thấy xúc động, đủ cảm xúc, có suy nghĩ về cái mình đã trải qua, có nhu cầu phải viết, nếu không viết chắc… tự tử thì Tư viết thôi”.
– Nguyễn Ngọc Tư
Đó hoàn toàn không phải là cái nhìn cẩu thả về cảm xúc và dễ dãi với con chữ, bởi chính bản thân cô cũng đã từng ý thức và khẳng định rằng viết văn là “một lựa chọn khó, đầy nhọc nhằn, nặng nề, dằn vặt”.
Nguyễn Ngọc Tư không thần thánh hóa văn chương nhưng luôn dành cho viết lách một sự trân trọng đầy kính nghiệp, cô viết miệt mài, đam mê như một cách giải tỏa và thể nghiệm, để văn chương hòa vào cuộc sống của chính mình.
“Không tách bạch được hai con người đó. Bởi lúc tôi đang nấu những món cơm canh quen thuộc, hay đưa đón tụi nhỏ đi học, tôi viết một câu chuyện trong đầu. Tranh thủ ngồi vào bàn viết giữa những khoảng thời gian bị cắt vụn, tôi cho chữ nhảy ra. Tôi nghi là mình chỉ ngưng viết vào lúc ngủ sâu, vô ý thức. Nhưng vài lần tôi thấy mình ngồi viết gì đó, trong mơ”.
Có thể nói đối với nghề viết thì Nguyễn Ngọc Tư luôn giữ một thái độ đầy nhẹ nhàng, hồn nhiên và trong sáng. Chính bởi vậy mà văn phong của cô vừa ngây thơ lại vừa chín chắn, vừa hiền lành nhưng cũng đầy bản lĩnh.
Nguyễn Ngọc Tư với tài năng của mình xứng đáng là niềm tự hào và hy vọng của nền văn trẻ đương đại.
Hải Quỳnh
=============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét