Nhà thơ NGUYỄN ĐỨC BẠT NGÀN mất ở Canada ngày 27.9. 2019. Nhà thơ DU TỬ LÊ mất ở Mỹ ngày 7.10.2019. Nhà thơ TRẦN TUẤN KIỆT mất ở Việt Nam ngày 8.10.2019. Các anh nối nhau rời bỏ chúng ta. Sự ra đi đột ngột của các anh làm tôi sửng sốt, tiếc thương, buồn rũ rượi và đỗ bệnh suốt tháng nay.
1.
Anh NGUYỄN ĐỨC BẠT NGÀN từ Canada qua Cali thăm tôi vào đầu tháng 8 năm 2018. Buổi gặp gỡ thân mật hôm đó còn có các nhà thơ, nhà văn, nhà báo Hà Nguyên Du, Nguyễn Lương Vỵ, Trịnh Y Thư, Phan Tấn Hải, Lê Giang Trần. Không những tôi thích thơ Nguyễn Đức Bạt Ngàn vì thơ anh gần như là hơi thở, là sự sống khổ lụy của tôi mà tôi còn thích nhân cách của anh. Anh bộc bạch: “Thơ đến với tôi như ám chướng, viết vì không thể không viết”. Anh làm thơ trước 1975, đăng thơ khá nhiều, các tác phẩm của anh được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Canada. Anh định danh qua tài năng thi ca của anh chứ không định danh qua hội nhóm hay hình bóng người khác. “An Vi” là một trong vài bài thơ cuối cùng anh viết trước khi mất: “Em phơi phới trên bốn mùa thanh vắng / nhen lửa tình hong ấm cõi âm ti / anh là gió nên trọn đời thức trắng / giữa ta bà tâm hớn hở an vi.”
2.
Anh DU TỬ LÊ và tôi thân nhau từ năm 1962 lúc anh còn ở ngã Bảy, Chợ Lớn. Tôi, anh Du Tử Lê, họa sĩ Phan Ngọc Diên, họa sĩ Động Đình Hồ thường gặp nhau và chúng tôi cũng thường kéo nhau ăn cơm trưa bình dân ở góc đường Lý Thái Tổ - Phan Thanh Giản. Anh Du Tử Lê có nụ cười hiền lành, dễ thương và sống rất thật với anh em. Anh cộng tác trong các tạp chí văn nghệ mà tôi phụ trách.
Tôi nhớ nhất một kỷ niệm vào khoảng năm 1971, một hôm anh Du Tử Lê bảo tôi cho nhà văn Thế Nguyên, chủ nhiệm bán nguyệt san Trình bầy một bài thơ để đăng trong tuyển tập do Trình bầy chủ trương. Tôi trao bài thơ 5 chữ cho anh Du Tử Lê. Vài hôm sau, anh Du Tử Lê gặp tôi nói anh Thế Nguyên đề nghị tôi sửa 2 câu. Tôi viết: “Bộ đội ôm mìn cốt / Trên thân xác buồn xo”, sửa thành: “Quân đôi ôm mìn cốt / Trên thân xác buồn xo”. Tôi không đồng ý sửa và xin không đăng bài thơ này. Không lâu sau, tôi biết Trình bầy là một tạp chí khuynh tả và nhà văn Thế Nguyên là ai? Gần đây, trong bữa cơm trưa cùng anh Du Tử Lê và họa sĩ Phan Ngọc Diên trên đất Mỹ, tôi kể kỷ niệm xưa cho anh nghe. Anh cười vẫn nụ cười thật hiền: “Mình nhớ. Bài thơ thật hay!” Thỉnh thoảng tôi có gửi thơ đăng trên trang dutule.com của anh và mới đây, ngày 2 tháng 10 anh có đăng bài viết của nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên viết về “Lục bát Phương Tấn”, tôi chưa kịp cám ơn anh thì anh đã mất.
Sáng Chủ Nhật ngày 27 tháng 10 năm 2019, tôi đến chia tay anh Du Tử Lê trước giờ anh đi xa, thật xa. Tôi ngồi nghe những phát biểu thâm tình cùng những tiếng hát được phổ nhạc từ thơ Du Tử Lê của các anh chị văn nghệ sĩ quá quen tên: Doãn Quốc Sĩ, Nhã Ca, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Kiều Chinh, Trịnh Cung, Lệ Thu, Đỗ Quý Toàn, Trúc Hồ… 4 giờ chiều. Tôi tiễn anh Du Tử Lê đến tận mộ và gửi xuống lòng đất cùng anh một bông hoa hồng trắng. Trời trở lạnh và gió nhiều như sắp mưa. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của anh:
“Nhớ ai buồn ngất trên vai áo.
Mưa ở đâu về như vết thương”.
3.
Anh TRẦN TUẤN KIỆT với tôi rất thâm tình. Trên “Tạp chí Phổ Thông Xuân 1962” của nhà báo Nguyễn Vỹ kèm theo mỗi bài viết hay sáng tác là một ảnh chân dung của cộng tác viên của tạp chí. Năm ấy, tôi vừa 16 tuổi, nhỏ tuổi nhất và học thấp nhất bên cạnh các nhà văn, nhà thơ, nhà báo… tên tuổi lừng lẫy cả trong nước và ngoài nước. Cũng từ sự mến mộ, sau này khi du học 2 năm tại Hoa Kỳ, nhà báo Nguyễn Vỹ đã mời tôi phụ trách chuyên mục “Lá Thư Hải Ngoại”.
Thời gian này, anh Trần Tuần Kiệt gần như là “người nhà” của tạp chí Phổ Thông, tuần báo Thằng Bờm và nhật báo Dân Ta của nhà báo Nguyễn Vỹ nên tôi rất thân với anh. Tôi hay đến nhà anh ở khu vườn Chuối, quận 3 ăn cơm trưa. Anh là dân Nam Bộ, hết sức dễ thương, sống nghèo nhưng thật giàu tình nghĩa với mọi người. Sau năm 1975, anh dời nhà về Hàng Xanh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, tôi vẫn thường ghé trò chuyện văn thơ và lấy bài viết về võ thuật của anh cho tạp chí võ thuật mà tôi phụ trách.
Trong một lần từ Mỹ về, tôi không còn nhớ địa chỉ nhà anh nên mãi miết tìm kiếm trong các hẽm khu Hàng Xanh, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nhưng không được. Khi trở về Mỹ, tôi vui mừng nhận được địa chỉ của anh nhưng chưa kịp gặp lại anh thì anh đã mất. Vâng, bây giờ:
“Thánh thần Tiên Phật xa rồi
Lấy ai bằng hữu giữa trời vân du”
như thơ của anh đã viết. Anh Trần Tuấn Kiệt ơi, thương quá!
PHƯƠNG TẤN
(30-10-2019
============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét