Hoài Nam: Nhạc sĩ VŨ ĐỨC NGHIÊM (1930-2017) – Một người cùng huyện!
Tôi đã rất đắn đo trước khi viết những lời xin lỗi muộn màng gửi tới cố Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, phải một lần viết ra cho lòng được thanh thản.
Tôi phải xin lỗi Ns Vũ Đức Nghiêm bởi vì trong chương trình “70 năm tình ca trong Tân nhạc Việt Nam” thực hiện vào năm 2008-2010 tôi đã bỏ sót tên ông và Gọi Người Yêu Dấu, tình khúc để đời của ông.
Tuy nhiên, trước khi viết lời xin lỗi cũng xin có đôi hàng “nhận họ”. Nguyên họ ngoại tôi là họ “Vũ Ngọc” ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, tức là cùng huyện với cố Ns Vũ Đức Nghiêm, chỉ khác làng: ông người làng Hoành Nha, chúng tôi người làng Quất Lâm.
Họ Vũ tuy chỉ đứng thứ 7 trong danh sách 10 họ lớn nhất của người Việt, nhưng riêng ở tỉnh Nam Định, họ Vũ là họ lớn nhất.
Theo các cuốn gia phả “Vũ tộc” thì họ Vũ (Nam Định) ban đầu gồm hai ngành: Vũ Đức, Vũ Ngọc (mà nhiều cụ trọng nguyên tắc Hán Việt cương quyết viết Vũ-đức, Vũ-ngọc).
Điều đáng tiếc là các thế hệ sau này không phải ai cũng biết ý nghĩa và tầm quan trọng của chữ “Đức”, chữ “Ngọc” đứng sau họ Vũ, cho rằng đó chẳng qua chỉ là tên lót, tên đệm mà thôi, đưa tới hậu quả nhiều khi trong tên họ của con cháu chữ “Đức”, chữ “Ngọc” đã được thay bằng một chữ khác.
Nhưng trong khi nhiều người họ Vũ (Nam Định) chẳng còn quan tâm tới việc mình thuộc ngành Vũ Đức hay Vũ Ngọc thì lại có nhiều người khác vẫn hãnh diện về họ Vũ của mình, tới mức cho rằng bất cứ người gốc Bắc Kỳ vào mang họ Vũ cũng là họ hàng của nhau!
Chẳng hạn Thiếu tướng (Bác sĩ) Vũ Ngọc Hoàn, Cục trưởng Cục Quân Y, người Lạng Sơn, Chuẩn tướng Vũ Đức Nhuận, Cục trưởng Cục An Ninh Quân Đội, người Hải Dương, trước năm 1975 đều được mẹ tôi và các cậu các dì nhận anh, em “họ”, và việc này đã trở thành đề tài châm biếm của bố tôi, một người họ Nguyễn (cái “họ” mà mẹ tôi bảo là ngày xưa được chế ra để đặt cho những người không có… surname )!
Nhưng nếu bỏ sang một bên những tranh cãi giữa bố mẹ tôi để nhìn vào thực tế thì quả thật họ Vũ ở huyện Giao Thủy rất nổi tiếng – nhất là về hai truyền thống đạo đức và hiếu học. Cho nên dù cố Ns Vũ Đức Nghiêm không hề là “anh em họ xa” như các cậu tôi đã nhận (vơ), tôi vẫn có quyền hãnh diện về vị đàn anh đồng thương Giao Thủy tài hoa ấy.
[Sau khi tiếp thu Nam Định vào năm 1954, chế độ Cộng Sản Bắc Việt đã nhập hai huyện Giao Thủy và Xuân Trường thành một huyện với tên mới “Xuân Thủy”, nghe nói nay đã tách ra làm hai huyện như cũ]
Vậy mà tới khi thực hiện “70 năm tình ca trong Tân nhạc Việt Nam”, tôi đã bỏ sót tên ông và tình khúc Gọi Người Yêu Dấu, tương tự trước đó tôi đã quên mất nhạc sĩ Đan Trường (1919-2011) và ca khúc Trách Người Đi.
Tôi mê Trách Người Đi qua giọng hát Sĩ Phú như thế nào thì cũng chuộng Gọi Người Yêu Dấu qua tiếng hát Thanh Lan thể ấy. Tuy nhiên, với thế hệ trẻ lớn lên và biết yêu trong bối cảnh miền Nam cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970 thì Gọi Người Yêu Dấu, một ca khúc theo thể điệu Boston đầy tình tự, qua tiếng hát Thanh Lan có sức thu hút hơn nhiều. Làm sao tôi có thể bỏ sót!
Giờ thì Ns Vũ Đức Nghiêm đã được Chúa gọi về. Người chết có lẽ không chấp nhất nhưng kẻ còn sống vẫn cảm thấy ân hận. Xin được một lần vinh danh ông, dẫu đã muộn màng.
Nguyện cầu Linh hồn ông sớm hưởng phúc trường sinh trên nước Chúa.
Hoài Nam
Đông chí, nam bán cầu (Melbourne, Australia)
©T.Vấn 2017
============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét