LÊ THỊ Ý
Tiểu sử của thi sĩ Lê Thị Ý |
---|
Lê Thị Ý Nguyên quán: Bắc Ninh Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1939, tại Hà Nội Vào Saigon năm 1954 Đến Hoa Kỳ năm 1980 Hiện cư ngụ tại Virginia Tác phẩm đã xuất bản: 1/ Thơ Ý- Saigon 1967 2/ Cuộc Tình Và Chân Dung Tôi- Thơ, Saigon 1972 3/ Quê Hương và Người Tình- Thơ, Maryland 1992 4/ Vùng Trời Dấu Yêu- Thơ, Maryland 2000 5/ Tuyển tập thơ văn: Quê Hương Và Kỷ Niệm 2009, in chung với chị Phượng Kiều, anh Vương Đức Lệ và em Lê Thị Nhị |
Biography of poet Lê Thị Ý |
---|
Lê Thị Ý Born on July 1, 1939, in Hanoi Immigrated to Saigon in 1954, after the partition between North and South Vietnam. Currently residing in Virginia, US Published works: 1 / Lê Thị Ý Poetry – Saigon 1967 2 / My Love and Portrait – Poetry, Saigon 1972 3 / Homeland and Lover – Poetry, Maryland 1992 4 / Beloved Sky – Poetry, Maryland 2000 5 / Collection of poems: Homeland And Memory 2009, printed with Ms. Phuong Kieu, Mr. Vuong Duc Le and younger sister |
Tác phẩm của thi sĩ Lê Thị Ý/ Poetry books of poet Lê Thị Ý
Trang thơ của thi sĩ Lê Thị Ý
LÁ XANH THAY MẦU Mười lăm, mười tám yêu nhau Trời xanh xanh ngát một mầu mộng mơ Sáng mong, chiều đợi, đêm chờ Aó dài hoa tím gió lùa tóc mây Xuân, thu nắng phủ vai gầy Say men tình ái, tháng ngày thênh thang Em là điểm tụ hào quang Dấu chân em nở hoa vàng chiều xưa Những ngày phố nhỏ giăng mưa Đôi môi đọng nụ hôn vừa chớm yêu Người đi mắt biếc trông theo Quãng đời thơ mộng đã vèo bay qua Cuộc tình thôi cũng phôi pha Một đời thôi cũng đã là hư không Môi son, má phấn còn nồng Nay em để lại căn phòng lạnh tanh Trăng Thu mây trắng lung linh Em đi, tháng chín lá xanh thay mầu Lê Thị Ý |
Mùa thu Germantown Thu về lá úa thềm hoang Trời xanh, mây xám,nai vàng ngẩn ngơ Con đường nhỏ rất nên thơ Xe tôi rong ruổi sáng trưa đi về Từ ngày bỏ xóm xa quê Đam mê nên vẫn tóc thề buông lơi Bạn thân vài đứa đủ vui Cuối tuần son phấn, tiệc người tiệc ta Tạm dung giữa xứ Cờ Hoa Tâm tư khắc khoải nhớ nhà Đông Phương Gió thu nhẹ, nắng thu vương Gợi trong ta nhớ con đường xa xưa Aó dài xanh mỏng phất phơ Vòng ôm, môi ấm, tay lùa tóc mây Bóng người dài đổ cuối ngày Thời gian vỗ cánh thu này quạnh hiu. Lê Thị Ý |
Bóng Thời Gian Thoáng nghe người nhắc tên anh “Hưởng Dương” hai tiếng lạnh tanh hồn người Những ngày xưa, những ngày vui Có đôi chim nhỏ, bước dài Tango Dìu em giòng nhạc đong đưa (Ôm em anh thoả ước mơ đầu đời) Rượu thêm, rộn tiếng ai cười Mềm môi tâm sự quê người tạm dung Đại bàng xưa đó vẫy vùng Còn đây kỷ niệm một khung trời sầu Trời Hoa Thịnh Đốn mưa ngâu (Yêu thương em tựa mái đầu vai anh) Tình như cánh vạc qua nhanh Bây giờ lệ khóc tuổi xanh phũ phàng Tiễn anh chuông mõ ngân vang Hũ xinh còn chút tro tàn làm duyên Đường về đất Thánh bình yên Có em bước nhỏ thăm miền quê xưa Nhà anh hàng dậu đan thưa Có con chim khách cũng vừa báo tin Nhớ ngày xưa mới vừa quen Bây giờ em cố tìm quên bóng hình Đường dài bất hạnh không anh Lối về lẻ bước chuyện tình mong manh Nguồn: Lê Thị Ý, Vùng trời dấu yêu, Minh Văn xuất bản, Hoa Kỳ, 2000 |
Tâm Sự Tôi đếm tên người trên đốt tay, Bàn tay bé nhỏ, bàn tay đầy. Yêu thương nhung nhớ ghi tâm thất, Hờn giận tìm quên ly rượu cay. Chợt có một ngày tôi biết tôi, Quen người chỉ để một thời vui. Tình nhân như nữ trang con gái, Người đến, người đi, giòng đời trôi. Ngày một, ngày hai, tóc bạc phơ. Bên song lặng lẽ viết trang thơ, Và mơ in sách, mơ rao bán, Truyện kể về người con gái hư. Rồi có thành danh theo tháng năm, Thành thân trong giá buốt căm căm. Tôi như cây nến ngay đầu gió, Tàn lụi, đi về lẻ gối chăn. Từng giọt sáp hồng rơi rất nhanh, Soi gương, đối bóng cười một mình. Một mai thân xác tôi thiêu cháy, Còn lại cho đời một hũ xinh. Lê Thị Ý Nguồn: Lê Thị Ý, Quê hương và người tình, Bắc Hà xuất bản, Hoa Kỳ, 1992 |
Hoàng Hôn Này anh, chàng biết mình yêu, Đôi ba luống cải, buổi chiều nhàn du. Em còn dăm khứa cá thu, Mời anh canh bí, dưa chua đậm đà. Thịt đông sẵn lấy tủ ra, Câu vui gợi chuyện quê nhà nhớ thương. Mẹ ngày xưa nhắc rất thường Nửa vòng trái đất con đường dù xa Giúp con trẻ tiếng nước ta Giúp con trẻ nhớ đăng hoa lối về. Bình minh nhắp ngụm cà phê Nhớ Ban Mê Thuột luỹ tre măng vàng Pleiku phố nhỏ bùn lan Đường vào buôn Thượng có đàn bê ngon. Chiều buông Đà Lạt vàng son Bên đồi thông có suối trong chảy dài Tóc ai thả chấm bờ vai Mimosa nhỏ xíu cài mái nghiêng Trăng lên, thư thái bên thềm Ly trà Bảo Lộc êm đềm nụ hôn Yêu say đắm suốt mùa đông Đời trang điểm với nụ hồng trinh nguyên. Này anh vẫn giấc cô miên Nửa đêm chợt tỉnh nhớ duyên đầu đời Thân quen dù đã nhiều rồi Vòng ôm vẫn đợi anh, người xứ hoa Rùng mình nhớ tháng năm qua Em mong manh giữa phong ba cuộc đời Những chiều tím lịm mây trôi Hồn em tan vỡ trong lời mẹ ru Quê người dừng bước lãng du Một căn nhà nhỏ trong khu phố nghèo Nguồn: Lê Thị Ý, Vùng trời dấu yêu, Minh Văn xuất bản, Hoa Kỳ, 2000 |
Tình Mong Manh Em tôi từ Paris, Thăm nhau chiều thứ bẩy. Ba mươi năm qua đi, Tình đôi ta vẫn vậy. Đôi mắt biếc xa xưa, Lên khung vẽ bao giờ, Cây Phong Cầm nhung nhớ, T. T. buồn ngu ngơ. Em như giấc mơ hoa, Anh tháng năm nhạt nhoà, Khung trời chiều Đà Lạt, Còn mãi trong lòng ta. Lối cũ đã rêu phong, Từ thuở em theo chồng. Công viên, pho tượng đá, Đắm chìm vào hư không. Đông đến rồi thu qua, Môi em vẫn mặn mà. Belpre chiều gió nổi, Cuộc tình đầu vút xa. Như sương khói mong manh, Thôi mất đi người tình. Cung đàn xưa lỗi nhịp, Anh chẳng còn thư sinh. Nguồn: Lê Thị Ý, Quê hương và người tình, Bắc Hà xuất bản, Hoa Kỳ, 1992 |
Từ giòng thơ quê hương Mười năm nhận một bài thơ Từ vùng đất ấm, trăng mờ ngõ sâu. Quê tôi nghèo đã từ lâu, Nước phèn, cá lặn, người câu kiên trì. Thẹn tôi rũ áo ra đi, Thương trăng vườn Thuý có khi nhớ nhà. Cam dù khô cũng đồng ta, Phong Lan lồng kín, kiêu sa xứ người. Anh vùi tên tuổi một thời, Này đây khát vọng một đời hư không. Nắng trưa bước mỏi ven sông, Hạt nguyên xưa thiếu ruộng vườn gieo, ươm. Mười năm mùi giấy còn thơm, Mười năm màu mực tím buồn ý thơ. Đường về mây xám giăng mưa, Nẻo đi biển động đôi bờ cách ngăn. Sầu tôi một giải sông Ngân, Còn anh theo áng mây Tần mộng du. Bây giờ vào cuối mùa thu, Gửi cho nhau chút sương mù ban mai. Vòng xe tôi vẫn lăn dài, Nỗi buồn Chủ Nhật, Thứ Hai bắt đầu. Mười năm chau mặt qua mau, Rằng ta là bạn của nhau nhẹ nhàng. Buồn đây khổ đấy cũng ngang, Giàu sang nào phải thiên đàng hoài mong. Kéo cao cổ áo mùa Đông, Xanh xao thoa lớp phấn hồng mong manh. Xin đừng buồn nữa nghe anh, Một mai thân thế long lanh cát vàng. Nguồn: Lê Thị Ý, Quê hương và người tình, Bắc Hà xuất bản, Hoa Kỳ, 1992 |
Nữ sĩ Lê Thị Ý: ‘Người lính và chiến tranh chưa bao giờ rời xa tôi’ Apr 29, 2021 cập nhật lần cuối Apr 29, 2021 Kalynh Ngô/Người Việt FALLS CHURCH, Virginia (NV) – Mỗi khi Tháng Tư đến, những câu chuyện về người lính Việt Nam Cộng Hòa lại cuồn cuộn tuôn chảy trong ký ức của những ai đã đi qua cuộc chiến. Trong đó, hình ảnh người góa phụ, hay một cô gái có yêu tử trận, trong cuộc chiến Việt Nam, trong ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu,” do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Thương Ca 1” của nhà thơ Lê Thị Ý, sau hơn nửa thế kỷ, vẫn còn gây nhiều xúc động cho mọi người. Nữ sĩ Lê Thị Ý, tác giả bài thơ “Thương Ca 1,” mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát “Tưởng Như Còn Người Yêu.” (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt cung cấp)“Ngày mai đi nhận xác chồng Say đi để thấy mình không là mình…” Một cuộc đời bình lặng Cuối Tháng Ba, trời Virginia vẫn còn se lạnh. Người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé, khoác chiếc áo lạnh vừa người, bước vào quán. So với cuộc gặp gỡ chớp nhoáng sáu năm trước, bà, nữ sĩ Lê Thị Ý, không thay đổi nhiều. Vẫn mái tóc đơn giản đó, vẫn nụ cười hiền lành, vẫn giọng nói thấm đậm âm hưởng của người Hà Nội “một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa.” Như hàng triệu người Việt Nam khác, bà là nhân chứng trong hai cuộc di tản vĩ đại của dân tộc. Nhưng nếu ai có hỏi, cuộc “chạy trốn” nào để lại trong bà nhiều dấu ấn nhất? Bà sẽ trả lời: “Đó là chuyến vượt biển năm 1981.” Sau khi ra khỏi hải phận Việt Nam, tàu của bà lênh đênh trên biển ba ngày. Sau đó, tàu cập vào đảo Songkhla, Thái Lan. Chỉ trong ba ngày thôi, con tàu đó gặp hải tặc sáu lần. Không một ai trên con tàu, kể cả đứa bé chỉ mới tám tuổi, có thể thoát khỏi hành động hãm hiếp của hải tặc, trừ bà. “Nói thì không ai tin, nhưng đó là sự thật. Chỉ một mình tôi may mắn thoát. Có đôi vợ chồng đó, người chồng đau đớn nhìn vợ mình bị hãm hại ngay trước mắt. Nhưng khi đến đảo rồi, họ lại quyết định chia tay. Có lẽ họ không thoát ra được cơn ác mộng đó, tôi nghĩ vậy.” bà nói. Đặt chân đến Mỹ, bà định cư tại Maryland cho đến tuổi về hưu thì về Virginia sống đến hôm nay. So với những cuộc đời tị nạn khác, năm tháng tha hương của bà có phần nhẹ nhàng hơn, dù cũng trải qua nhiều công việc làm để tồn tại. Bà từng học để lấy bằng kỹ thuật viên máy tính, nhưng do giới hạn ngôn ngữ, nên cũng phải dở dang, chuyển sang công việc khác. Những năm tháng đó, thơ vẫn là gia tài lớn nhất người nữ sĩ có được. Bà đã âm thầm cho ra đời bốn, năm tập thơ, chỉ dành tặng cho người quen, thân hữu. “Cuộc đời của tôi khá đơn giản, nếu không muốn nói là ‘hạn hẹp.’ Viết văn thì tả cảnh, tả tình. Thơ thì từ cảm xúc. Mà cuộc đời tôi thì bình dị, chỉ chất chứa toàn hình ảnh lính và chiến tranh,” bà nói với nụ cười thật hiền. “Người lính và chiến tranh chưa bao giờ rời xa tôi” Nữ sĩ Lê Thị Ý là “con nhà nòi” của thi ca. Bà xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều, và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị. Bà đến với thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học. Khi cùng gia đình di tản vào Nam năm 1954, nữ sĩ Lê Thị Ý sống cùng một người anh là sĩ quan. Đến năm 1960, bà về Pleiku, làm việc cũng trong một trại lính. Cũng chính vì vậy, theo lời bà, “Người lính luôn luôn trước mặt. Chiến tranh luôn luôn ở trước mặt. Không bao giờ rời xa tôi.” Cả cuộc đời của nữ sĩ Lê Thị Ý được bao phủ bằng hình ảnh kiên cường, oai hùng của người lính Việt Nam Cộng Hoà. Bà như con chim nhỏ bay nhảy trong không gian khép kín của cuộc chiến. Thế giới của bà là những bộ quân phục màu lá rừng, những đôi mắt sáng ngời ý chí, những vầng trán cao kiên cường của tuổi trẻ lấy tình yêu đất nước làm lẽ sống. Có phải nữ sĩ thần tượng và thần tượng hóa hình ảnh người lính trong cuộc chiến không? “Tôi vừa thương vừa thần tượng. Tôi yêu nhất là bộ quân phục của người lính. Cuộc đời của họ là anh hùng, là sự dấn thân,” bà nói. Thủ bút của nhạc sĩ Phạm Duy trong bài “Tưởng Như Còn Người Yêu,” phổ từ bài thơ “Thương Ca 1” của Lê Thị Ý. (Hình: Lê Thị Ý cung cấp)Trong câu chuyện bà kể, khi ở chiến trường, người lính là anh hùng, là dấn thân. Ngày về phép, hoặc cuối tuần, cởi bỏ bộ quân phục, họ là người lính chân tình, dễ thương. Bà kể, nếu người lính ấy có 500 đồng để tiêu xài trong một tuần, thì họ sẽ không dùng. Họ để dành cuối tuần gặp người yêu, cả hai cùng đi dạo phố. Hướng tầm mắt ra cửa, bà nói nhẹ: “Tôi vừa thương vừa thần tượng. Khi người lính vừa ra khỏi cửa, là tôi lại nghĩ ngay đến những hiểm nguy có thể xảy đến với họ. Tôi có những liên hệ lạ lùng lắm. Nếu nói tôi tưởng tượng, cũng được.” Người anh cả của nữ sĩ là một sĩ quan. Lúc nào bà cũng mang tâm trạng lo sợ anh mình đi trận không trở về. Người yêu đầu đời của bà, là một người lính. Người yêu thứ hai trong đời, vẫn là một người lính – người đã tử trận trong một trận đánh. “Thương Ca 1” Năm 1965, nữ sĩ rời Sài Gòn. Bà về Pleiku làm việc trong một trại lính. Năm năm ở phố núi bé nhỏ này, mỗi một ngày bà đối diện với vô vàn những câu chuyện không tên về cuộc đời người lính. Lúc này, cũng là thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh. Thế giới xung quanh bà khi ấy chỉ toàn lính, và lính. Lính và vợ. Lính và vũ khí. Lính và đạn bom. Lính và tử trận. Từ đó, tình yêu bà dành cho người lính, cuộc đời người lính, càng thêm cao dầy. Đôi khi, chỉ những câu chuyện trò ngắn ngủi đời thường với vợ lính cũng làm cho trái tim nữ sĩ chạnh lòng. Bà nhớ lại, rồi kể: “Chúng tôi, những người phụ nữ nói chuyện vui đùa với nhau. Có người nói: -Trời lạnh thế này mà được ở nhà ôm ông xã thì sướng biết mấy. -Thế ông xã đâu? -Ông xã đi đánh trận.” Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng cũng đủ làm tâm hồn người nữ sĩ bồi hồi xúc động. Hình bìa tuyển tập thơ văn “Quê Hương và Kỷ Niệm” trong đó có tác phẩm của Lê Thị Ý. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)Thời gian trong trại lính ở Pleiku, nữ sĩ chiêm nghiệm rõ như nhật nguyệt sự vô thường của đời người trong chiến tranh. Những người ở đó, gặp đó, rồi mất đó. Một câu chuyện được bà nhớ và kể lại: “Tôi nhớ vào Giáng Sinh năm đó, có một người lính đến cửa hàng của tôi mua quà lưu niệm gửi cho gia đình. Anh ấy xin cho khất lại tiền, đến đầu Tháng Giêng, dịp Tết Tây, anh về trại sẽ gửi trả. Nhưng lần ra trận đó, người lính mãi mãi không quay về. Sau đó, người em của anh ấy ra nhận trả số tiền đó. Nhưng tôi không nhận.” Nữ sĩ đa cảm “thương vay khóc mướn” (theo lời bà tự nhận) nói rằng, những năm tháng đó, bà rất gần gũi với cái chết của mọi người. Không biết bao nhiêu lần bà chứng kiến người phụ nữ, những đứa trẻ, những cô gái tuổi xuân đến mở chiếc “poncho” quấn xác để nhận xác chồng, cha, người yêu. Bà đau với nỗi đau của họ. Nước mắt của bà rơi cùng tiếng khóc của họ. “Tôi đi ngang nhà xác, nghe tiếng khóc vọng ra. Tôi nhìn vào thấy người ta đang nhận xác… đau lắm. Không phải chỉ khi của mình, mình mới đau…” bà kể. “Nó (nỗi đau) không phải là của mình nhưng đã hóa thành của mình.” Và bài thơ “Thương Ca 1” ra đời từ đó. “Tôi làm bài thơ đó rất nhanh. Tôi làm một mạch, không sửa gì cả. Tôi làm xong cất vào trong bàn học. Ngày xưa, anh tôi, nhà thơ Vương Đức Lệ, không muốn các em mình theo nghiệp thơ văn, nên tôi làm xong toàn là giấu đi. Nhưng hôm đó, bạn của anh tôi đến nhà chơi, vô tình thấy bài thơ đó. Ông nói ‘thơ hay thế này mà không đi đăng.’ Thế là ông xé tờ giấy tập có bài thơ, đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh, là người trụ trì sinh hoạt Ðàm Trường Viễn Kiến. Cụ Quỳnh đọc rồi lại chuyển cho cho ông Phạm Duy phổ nhạc,” nữ sĩ kể lại quá trình ra đời bài thơ “Thương Ca 1” và bài hát “Tưởng Như Còn Người Yêu.” Nữ ca sĩ Julie Quang, con dâu nhạc sĩ Phạm Duy, là người đầu tiên hát ca khúc này. Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi “Thương Ca 1” ra đời, hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa với bộ quân phục hiên ngang, dũng mãnh, vẫn mãi trọn vẹn trong trái tim và tâm hồn người nữ sĩ – nhà thơ Lê Thị Ý. [đ.d.] —– Liên lạc tác giả: ngo.kalynh@nguoi-viet.com |
Bài Thơ Thương Ca của thi sĩ Lê Thị Ý được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Tưởng Như Còn Người Yêu |
Cuối thập niên 60, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ Thương Ca của Lê Thị Ý gây xúc động lớn lao cho người nghe. Nhà thơ Lê thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Đức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị. Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954. (Đinh Quang Anh Thái) |
Thương Ca 1 “Ngày mai đi nhận xác chồng Say đi để thấy mình không là mình Say đi cho rõ người tình Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son Tình ta không thể vuông tròn Say đi mà tưởng như còn người yêu Phi cơ đáp xuống một chiều Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa Dài hơi hát khúc thương ca Thân côi khép kín trong tà áo đen Chao ơi thèm nụ hôn quen Đêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau Chiếc quan tài phủ cờ màu Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng Em không thấy được xác chàng Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong? Mùi hương cứ tưởng hơi chồng Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.” Lê Thị Ý |
Khi nhà thơ Vương Đức Lệ ( Lê Đức Vượng anh của nhà thơ Lê Thị Ý và Lê Thị Nhị) làm chủ bút tuần báo Gào Thét tuần báo do nhà thơ Vương Đàm làm chủ nhiệm. Nhà thơ Vương Đức Lệ đã đem bài Thương Ca 1 trích trong tập thơ Thương Ca gồm 10 bài của cô em gái Lê Thị Ý đăng tải trên tuần báo Gào Thét vửa phát hành. Nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh đoc được , thích quá điện thoai kêu nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc ngay bài thơ này. Nhạc sĩ Phạm Duy liền phổ nhạc toàn bài thơ mà chỉ sửa hai câu Chiếc quan tài phủ mầu cờ Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng’’ thành có một câu Bây giờ anh phủ mầu cờ Và đổi tựa đề Thương Ca 1 thành Tưởng Như Còn Người Yêu Theo nhà thơ Lê Thị Ý , ” Ý sáng tác Thương Ca khi Ý ở Pleiku. ngày nào cũng thấy thiên hạ đi nhận xác chồng nên xúc cảm và sáng tác chứ không phải người trong cuộc |
Kính mời quý vị nhấn vào link sau để thưởng thức thêm tác phẩm của Lê Thị Ý trong trang web VB VĐBHK https://vbmdhk.org/le-thi-y/ |
Nhà Văn Đinh Quang Anh Thái Phỏng vấn nhà thơ Lê Thị Ý Cuối thập niên 70, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng như còn người yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Lê Thị Ý gây xúc động lớn lao cho người nghe. Nhà thơ Lê Thị Ý xuất thân trong một gia đình văn nghệ. Người anh lớn là nhà thơ Vương Ðức Lệ, người chị lớn là nhà văn Phượng Kiều và cô em gái là nhà văn Lê Thị Nhị. Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm 1954. Nhân dịp từ Virginia đến California ra mắt tác phẩm mới tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu của nhật báo Người Việt, bà đã dành cho biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái cuộc nói chuyện thân mật sau đây. -Ðinh Quang Anh Thái: Tình khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu”, thơ của bà, Phạm Duy phổ nhạc; tựa đề khởi thủy của bài thơ là gì ạ? -Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc bấy giờ vào năm 1970, tôi viết 10 bài thơ trong tập thơ “Mười Bài Thương Ca”; bài mà Phạm Duy phổ thành ca khúc là “Thương Ca 1”. –Ðinh Quang Anh Thái:: Phải chăng chính bà là người góa phụ đi nhận xác chồng trong bài thơ? -Nhà thơ Lê Thị Ý: (cười thoải mái) Không. Cho tới bây giờ tôi vẫn độc thân. –Ðinh Quang Anh Thái:: Vậy, bà lấy cảm xúc từ đâu để viết nên bài thơ bất hủ này? –Nhà thơ Lê Thị Ý: Lúc đó là năm 1970, tôi sống tại Pleiku. Thành phố nhỏ bé này vào giai đoạn chiến tranh khốc liệt, chỉ thấy lính, vợ lính, xe tăng, xe Jeep; hầu như không thấy gì khác nữa. Nhà tôi ở gần nhà xác của quân đội. Tôi chứng kiến cảnh biết bao các bà đi nhận xác chồng. Tôi thấy đàn bà, con nít đến lật cái poncho quấn xác để nhìn mặt người thân, cảnh đó khiến tôi đau đớn không chịu nổi. Rõ ràng nỗi đau của những người có chồng chết trận là nỗi đau của chính mình. Thành thật, tôi vô cùng xúc động và chính tôi sống bằng hình ảnh những người vợ lính, vợ sĩ quan khóc bên xác chồng. Nỗi buồn đau đó là nỗi buồn đau của mình. –Ðinh Quang Anh Thái:: Bài “Thương Ca 1”, Phạm Duy phổ nhạc, ngay khi được phổ biến, đã chiếm tâm hồn người nghe. Nhưng cũng có người lên án bài này “phản chiến”; bà nghĩ sao ạ? –Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi tôi làm thơ, tôi xúc cảm thế nào thì tôi viết ra như thế. Thế thôi. Tôi không nghĩ gì khác cả. Bài thơ được phổ biến cũng là một sự ngẫu nhiên. Một người bạn của anh Vương Ðức Lệ tôi đến nhà chơi, thấy bài thơ bèn đưa cho cụ Nguyễn Ðức Quỳnh – người trụ trì sinh hoạt “Ðàm Trường Viễn Kiến” ở nhà cụ tại Sài Gòn quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn, nhà báo – Cụ Quỳnh đọc, thấy hay bèn đưa cho ông Phạm Duy phổ nhạc. Cho nên, bài thơ của tôi được mọi người thương hoặc cho là phản chiến thì cũng là việc tình cờ thôi, may mắn thôi, chứ tôi không chủ ý trước việc phổ biến bài thơ. –Ðinh Quang Anh Thái: Khi phổ thành ca khúc, hình như Phạm Duy có sửa vài lời trong bài thơ? -Nhà thơ Lê Thị Ý: Ðúng vậy. Có lẽ ông Phạm Duy sửa vài chữ cho nó hòa hợp với âm điệu bài nhạc hơn. Có câu ông Phạm Duy cắt bớt. Thí dụ câu tôi viết, “Chiếc quan tài phủ cờ màu, hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng” thì Phạm Duy sửa thành “Bây giờ anh phủ mầu cờ” và cắt đi câu thơ kế tiếp. Ðinh Quang Anh Thái: “Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng”, tại sao lại phũ phàng ạ? –Nhà thơ Lê Thị Ý: Khi đau đớn thì cái gì cũng phũ phàng cả. Phũ phàng là hình ảnh đau đớn, quằn quại. –Ðinh Quang Anh Thái: Khi nhạc sĩ Phạm Duy đổi chữ và cắt bớt câu thơ như vậy, là tác giả, bà có thấy mất đi nguyên ý khi cảm xúc sáng tác không? -Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi không nghĩ gì và cũng không thắc mắc, không để ý chuyện đó, vì khi tôi làm thơ, tôi theo vần điệu của thơ, còn ông Phạm Duy làm nhạc thì ông cảm hứng theo nốt nhạc. –Ðinh Quang Anh Thái: Hỏi câu này bà thứ lỗi cho, bà có người yêu là lính không? –Nhà thơ Lê Thị Ý: (ngập ngừng…, cười) Chắc cũng phải có chứ ạ! Ðinh Quang Anh Thái: Bài thơ “Thương Ca 1” do bà sáng tác và Phạm Duy phổ nhạc, đã từ lâu trở thành của quần chúng. Nghĩa là, người ta hát say sưa mà không còn nhớ tới tên tác giả. Nếu tình cờ, ở một nơi chốn nào đó, bỗng nhiên nghe có người hát, có người nói tới bài thơ này, tâm trạng của bà sẽ ra sao? –Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi vui chứ ạ. Vì tôi thấy tôi may mắn có người biết đến thơ của mình; mà thực sự khi làm thơ, tôi làm vì tôi thấy cần làm thôi, chứ không mang ước vọng có con mắt nào đó để ý đến thơ mình (cười). –Ðinh Quang Anh Thái: Bà có thể đọc cho nghe nguyên văn bài “Thương Ca 1”. –Nhà thơ Lê Thị Ý: “Ngày mai đi nhận xác chồng Say đi để thấy mình không là mình Say đi cho rõ người tình Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son Tình ta không thể vuông tròn Say đi mà tưởng như còn người yêu Phi cơ đáp xuống một chiều Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa Dài hơi hát khúc thương ca Thân côi khép kín trong tà áo đen Chao ơi thèm nụ hôn quen Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau Chiếc quan tài phủ cờ màu Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng Em không thấy được xác chàng Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong? Mùi hương cứ tưởng hơi chồng Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.” –Ðinh Quang Anh Thái: Nếu dùng thơ để kết thúc cuộc phỏng vấn này, bà sẽ chọn những câu thơ nào? –Nhà thơ Lê Thị Ý: Tôi muốn dùng hai câu thơ cuối của bài “Thương Ca 1” là “Mùi hương cứ tưởng hơi chồng, nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai”, để nói lên tâm trạng người góa phụ trong chiến tranh, trong nỗi đau tận cùng, cảm xúc như mình vẫn còn người mình yêu. –Ðinh Quang Anh Thái: Cám ơn bà đã nhắc nhớ lại một bài thơ bất hủ nói lên nỗi đau của con người và đất nước Việt Nam thời còn chinh chiến. Theo dactrung.com |
Tập Thơ Vùng Trời Dấu Yêu là thi phẩm thứ tư của Lê Thị Ý gồm 60 bài thơ và 4 phụ bản Hồ Trường An trong Thông Điệp Hồng đã viết những nhận xét sau về thơ Lê Thị Ý: Lê Thị Ý là nhà thơ tình yêu. Thơ của chị như vương vấn một lớp bụi mỏng của T.T.KH. Chị đã dấy nên một phong trào tái dựng lại thơ tình yêu kiểu T.T.KH., và số độc giả say mê loại thơ tình lãng mạn không phải là ít. Riêng trong Vùng Trời Dấu Yêu, hình ảnh đậm nét nhất vẫn là hình ảnh quê hương đất nước, tình cảm quay quắt nhất vẫn là mối ưu tư cho vận mệnh dân tộc, nên dù mang phận gái, thơ Ý vẫn là những vần thơ gắn liền với tình hình đất nước qua các đề tài như Viết Cho Người Tù Hàm Tân, Vận Nước, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, v.v. Viết Cho Người Tù Hàm Tân Mở trang đọc báo tin nhà Đường xưa lá đổ, thu qua mấy mùa Giật mình hàng chữ trao đưa Tên anh đậm nét như đùa cợt nhau Thi nhân tội phạm hàng đầu Yêu quê hương chuốc mối sầu ngụy dân Em con chim lạc mùa xuân Lưu vong bước hững bao lần lệ rơi Đời em hệ lụy tả tơi Có nghe đâu tiếng một người hùng anh Đường rừng đại thụ vây quanh Đốn cây để thấy màu xanh của trời Từ anh mất tiếng cười vui Khuôn viên toàn án, mọi người lặng câm Vợ anh ngày tháng gian truân Chị anh ngày tháng tảo tần thăm nuôi Cuộc sống yên ổn trên xứ người không hề làm Lê Thị Ý quên đi quê hương xa mờ, ngược lại, chỉ làm đậm đà thêm nỗi nhớ, có thể nói bất cứ thứ gì trên xứ sở thứ hai cũng gợi nhắc Lê Thị Ý về đất nước thứ nhất, vì thế mới có những thi bản như Memorial Day, Mùa Thu Germantown, Father’s Day, Thanksgiving. Memorial Day Thứ Hai ngày của Chiến Binh Dâng hoa để nhớ vong linh người tình Quê người nắng ngọc lung linh Nắng xuyên cành tía, soi mình lẻ loi Dấu chân lết nửa đời rồi Bóng người xưa, bóng ma trôi dật dờ Dẫu không hương khói tôn thờ Dẫu khuôn tượng đá đã mờ tên anh Việt Nam dấu tích chiến tranh Thành nơi đấu giá bức tranh dư đồ Bao nhiêu địa đạo ngày xưa Chôn thân ai đó bây giờ mua vui Bức tâm thư đã dập vùi Cho xương tốt lúa, cho đời no say Áo người bạc phận hôm mai Thẻ bài han rỉ như lời hẹn nhau Tôi xa cách một bán cầu Bao nhiêu cay đắng nát nhàu tâm linh Tôi làm thơ khóc người tình Tôi làm thơ khóc chính mình hẩm hiu Tiểu sử tác giả LÊ THỊ Ý Lê Thị Ý làm thơ rất sớm, từ lúc còn học trung học và viết đều hơn khi theo gia đình vào Nam năm Cuối thập niên 70, trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc Tưởng Như Còn Người Yêu do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Thương Ca 1” của Lê Thị Ý gây xúc động lớn trong lòng thính giả. Tác phẩm đã xuất bản: Thơ Ý SG (1967), Cuộc Tình Và Chân Dung Tôi SG (1972), Quê Hương Và Người Tình Hoa Kỳ (1992). VÙNG TRỜI DẤU YÊU Nxb Minh Văn 105 trang giá 10. USD Mua sách: NS Kỷ Nguyên Mới 1321 Titania Lane, Mclean, VA |
Ý THƠ BẤT TẬN . Qua VBVĐBHK, viết tặng LÊ THỊ Ý Thi sĩ Tác giả bài thơ đã được phổ nhạc ” NGÀY MAI ĐI NHẬN XÁC CHỒNG ” Một thời đã yêu và Một thời nhớ mãi . CMN Từ thủa nàng đi nhận xác chồng Tới nay e đã mấy mươi đông Mỗi lần tuyết phủ cài hoa tóc Một dịp tôi thương cảm bạn lòng Xuân vạn mùa mơ xuân bất tận Thu muôn sắc mộng thu hoài mong Thâm tình thơ Ý, ôi chân thiện Gặp lại giờ đây, nhớ tuyệt cùng… Hawthorne 6 – 12 – 2020 CAO MỴ NHÂN |
Bóng Xưa Thiếu phụ ngày xưa lệ khóc chồng Tâm hồn khép kín trải thu đông Đời rêu thả nguyệt tìm sương khói Tóc rối cầm gương gọi tiếng lòng Hạ mãn phu thê đành tuyệt vọng Xuân tàn én nhạn hết chờ mong Non sông trách nhiệm thời chinh chiến Để lại danh thơm kính ngưỡng cùng Minh Thuý Thành Nội Tháng 12/6/2020 |
KÍNH NỂ NHÀ THƠ LÊ THỊ Ý (Kính góp họa cùng chị Cao Mỵ Nhân) Vì nước nàng thơ khóc tiển chồng Bao mùa thu đến lại sang đông Người đi để khổ nhầu tâm trí Kẻ ở ôm đau nát cõi lòng Đã biết giấc an còn ngóng đợi Dù hay vĩnh biệt vẫn chờ mong Tuyệt thi “Nhận Xác” lưu thiên cổ THỊ Ý chị ơi! Nể tột cùng! Phương Hoa – DEC 6th 2020 |
Thơ phổ nhạc của thi sĩ Lê Thị Ý |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét