Tưởng niệm nữ sĩ Mộng Tuyết – Cao Mỵ Nhân
( Nữ sĩ Mộng Tuyết và nữ sĩ Anh Thơ )
CAO MỴ NHÂN
TƯỞNG NIỆM NỮ SĨ MỘNG TUYẾT – NIÊN TRƯỞNG TAO ĐÀN QUỲNH DAO
Nhân mùa Vu Lan năm nay, tôi muốn viết một bài cảm tưởng về thời gian sau 1975 nơi Úc Viên, SAIGON, để tưởng niệm Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT, vị niên trưởng thi đàn QUỲNH DAO ở quốc nội.
Vào khoảng cuối thập niên 70 thế kỷ trước, khi tôi vừa từ nông trường Tây Nam, thuộc khu tam giác sắt BÌNH DƯƠNG – BẾN CÁT – ĐỒNG XOÀI về phép cuối tuần ở thành phố. Tình cờ đến thăm một chị bạn lớn tuổi, tại đấy tôi được hạnh ngộ Nữ Sĩ THU NGA. Chị HN bạn tôi giới thiệu sơ qua về tôi, nhưng không ngờ Nữ Sĩ THU NGA lại vồn vã quá sức, bà ghi cho tôi địa chỉ của bà, và ân cần dặn dò:
– CAO MỴ NHÂN phải đến chơi thơ với chúng tôi, vì thi đàn QUỲNH DAO lâu nay vốn ưu đãi những người làm thơ như em.
Bấy giờ tôi không rõ lắm vì thi đàn QUỲNH DAO của quý vị nữ lưu danh tiếng, mà từ đầu thập niên 60, tôi nghĩ phải hội đủ số tuổi đời và tuổi thơ như quý cụ TƯƠNG PHỐ, MỘNG TUYẾT, v.v.. mới được và mới nên gia nhập, chứ thơ trữ tình kiểu thời đại hay tên tuổi mới "kỳ nhông cắc ké" như tôi, thì làm sao hiện diện trên thi đàn quý tộc đó chứ. …
Tôi vâng dạ, rồi trở lại nông trường làm lao động, trồng cây xuất khẩu (cây điều), là một trong số mấy công nhân chăn nuôi 3,000 con thỏ Úc Đại Lợi, và là một thành viên trong toán kỹ thuật, đi cắm tiêu để nhắm đường, hầu vẽ bản đồ cho đoàn khai hoang xây dựng nông trường, gia tăng thêm diện tích, với đường kính dự trù khoảng 20 cây số.
Công việc lao động chân tay hàng ngày, cộng thêm phong cảnh núi rừng đã khiến tôi quên bẵng hội thơ nữ lưu quý tộc ở thành phố. Rồi cuối tuần, tôi lại trở về thành phố để thăm gia đình, nghỉ ngơi, đồng thời mua thêm thực phẩm cho toán kỹ thuật gồm 8 người kể cả tôi, vốn là những sĩ quan chế độ cũ vừa ra cải tạo, cùng cụ kỹ sư công chánh tên Cường thuộc giai cấp tư sản, được chỉ định đi thực thi kế hoạch khẩn hoang, trồng rẫy.
Nhưng tuần ấy, tôi vừa mang giỏ xách vào nhà, uống ly nước đá mát lạnh, thì kịp nhìn thấy chiếc xe cyclo xịch đậu ngoài cửa. Chị HN bạn tôi hôm trước, nói vẻ gấp gáp:
– Thay đồ mau lên Mỵ ơi, các chị ấy đang ngồi chờ Mỵ đến dự buổi hôi thơ đầu tiên đấy.
Tôi hốt hoảng
:
– Trời, em có kịp sửa soạn thơ phú gì đâu.
Chị HN lắc đầu, xua tay:
– Không cần, không cần, chỉ cần Mỵ đến dự thôi, đây nè, họ bắt mình đi cyclo đón Mỵ cho máu đó.
Thế là đang từ một công nhân chân lấm tay bùn, bên dòng sông Rạch Bắp, tôi phải nhanh chóng thay bộ đồ tương đối đẹp mắt, cũng chỉ quần tây, áo sơ mi tầm thường, để tới … hội thơ!
Tôi phải lên chiếc cyclo mà chị HN thuê, chờ sẵn ngoài cửa, rồi tới biệt thự của Nữ Sĩ THU NGA.
Qua chiếc cổng lớn, một hành lang dài sạch bong, 2 bên hành lang trồng toàn hoa lan đất màu trắng, dẫn đến chiếc sân rộng, cửa biệt thự được mở ra, nơi đại sảnh đã đầy đủ quý vị thi sĩ tân, cổ đang đàm đạo chuyện thơ phú.
( Nữ sĩ Tôn nữ Hỷ Khương )
Nữ Sĩ THU NGA chủ nhà, giới thiệu số khách thơ hiện diện, Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT tủm tỉm cười, quý Nữ Sĩ thuộc thi đàn QUỲNH DAO chưa xuất ngoại, tôi nhớ được tên 3 vị MỘNG TUYẾT, VÂN NƯƠNG, TUỆ MAI… Thêm quý cụ thi sĩ phái nam: TẾ NHỊ, TRÌNH XUYÊN, LINH ĐIỂU… Đặc biệt có nhạc sĩ BỬU LỘC mà khách dự luôn gọi "MÊ LỘC" với cây đàn tranh, đi cùng nam giáo sư VÂN KHANH cũng từ trại cải tạo mới về ít lâu, vị này đã thường là nghệ sĩ diễn ngâm trong các hội thơ sau 1975 ở SAIGON, cùng với ĐOÀN YÊN LINH và HUYỀN TRÂN.
Song, nói về việc diễn ngâm thơ của thi đàn QUỲNH DAO, thì phải kể rõ ràng rằng, chỉ có 2 nữ diễn ngâm thường xuyên ngâm thơ của hội trăng QUỲNH, đó là Nữ Sĩ TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG, và Nữ nghệ Sĩ HỒ ĐIỆP.
Tôn Nữ HỶ KHƯƠNG còn được quý Nữ Sĩ QUỲNH DAO tặng biệt danh QUỲNH DAO CHI BẢO. Riêng với Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT, hình ảnh TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG luôn luôn được ưu ái, thân tình. TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG cũng là Nữ Sĩ duy nhất, đại diện thi đàn QUỲNH DAO mới đây từ SAIGON xuống HÀ TIÊN dự đám tang vị niên trưởng… cuối cùng của hội thơ QUỲNH DAO.
Sau buổi hội thơ QUỲNH DAO đầu tiên đối với tôi, ở tư thất Nữ Sĩ THU NGA, tôi may mắn được 3 vị Nữ Sĩ QUỲNH DAO giới thiệu tôi gia nhập thi đàn, là ngoài Nữ Sĩ THU NGA như đã nêu trên, 2 vị Nữ Sĩ tên tuổi lẫy lừng trong giới cầm bút cận và hiện đại thủa bấy giờ, cuối thập niên 70, thế kỷ trước, chính là Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT và Nữ Sĩ TUỆ MAI.
Nữ Sĩ TUỆ MAI (thất lộc đầu năm 1982) nói với tôi rằng:
– CMN nên tới với các chị QUỲNH DAO, vì ở đó, CMN sẽ học hỏi được nhiều lắm, về cách thức chơi thơ luật ĐƯỜNG, mà vẫn giữ được bút pháp thơ mới. TUỆ MAI cũng là người làm toàn thơ mới. Chẳng ai bắt buộc phải làm thơ ĐƯỜNG luật mới vô được thi đàn QUỲNH DAO đâu, nhưng nếu không biết luật thơ, thì làm sao xướng họa?
Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT vẫn giữ nụ cười thật hòa nhã, nói với tôi vẻ hơi khôi hài:
– Vô đi, QUỲNH DAO tản mác ở khắp nơi trên thế giới, nhiều lắm, còn lại ở VN không bao nhiêu, zvô làm thơ có luật, có lệ thì tay thơ sẽ vững hơn.
Riêng Nữ Sĩ THU NGA, ái nữ một vị quan lớn TRIỀU NGUYỄN, phu nhân Kỹ Sư LƯƠNG SĨ PHU thì nghiêm trang nói:
– Vô QUỲNH DAO thì cần giữ 2 điều căn bản: Thứ nhất, chịu khó trau dồi thơ ĐƯỜNG luật. Thứ hai, giữ gìn cuộc sống riêng tư cho hồn nhiên, trong sáng và bình thường.
Sau đó, tôi được gặp cả 3 trong số 4 vị sáng lập hội thơ QUỲNH DAO, khởi sự từ đầu thập niên 60 ở SAIGON là quý Nữ Sĩ: VÂN NƯƠNG, THU NGA, ĐINH THỊ VIỆT LIÊN, vị sáng lập thứ tư là MAI OANH đã quá cố.
Tôi được biết trước 30-04-1975, thi đàn QUỲNH DAO thường tổ chức những buổi hội thơ vào những đêm trăng 16, luân phiên tại các tư thất của quý chị.
Tới lượt vị nào thì vị ấy mở tiệc đãi hội thơ, có khi mời thêm thi khách tham dự, thiệp mời in một bài thơ xướng thất ngôn bát cú, để sẽ nhận hàng loạt thơ họa của chị em QUỲNH DAO cùng khách thơ tham dự.
Sau 1975, không có những đêm trăng QUỲNH nhàn tản với thơ ca nữa, hội thơ được chuyển qua ban ngày, bất kể thứ bảy, chủ nhật, hay có khi chỉ là ngày thường. Lý do dễ hiểu là hội viên thi đàn QUỲNH DAO và thi khách đều đến tuổi nghỉ hưu, khoảng quanh 60 tuổi trở lên, một số vị trẻ hơn thì cũng ngoài 40, 50 tuổi. Bấy giờ tôi chưa 40 tuổi, nên vô tình đoạt chức em ÚT QUỲNH DAO của chị TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG.
Cũng vì là em ÚT QUỲNH DAO, kể từ đầu thập niên 80, nên tôi luôn là "cây gậy" của vị niên trưởng. Từ bao giờ tôi tôn phong Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT là niên trưởng QUỲNH DAO, Nữ Sĩ nhắc tôi:
– Ở quốc nội thôi, chứ còn nhiều vị QUỲNH DAO ở hải ngoại, có vị cũng trọng tuổi như chị vậy.
Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT cùng ái nữ Thi Sĩ ĐÔNG HỒ là tiểu thư YỄM YỄM hay LÂM MỸ DIỄM, cùng 2 người cháu gái tên THỦY và HOA, ở biệt thự ÚC VIÊN đường Nguyễn Minh Chiếu, quận Tân Bình SAIGON, có người trong họ là bà cố SÁU phục dịch, sau thêm người cháu rể tên KIM từ trại cải tạo về tạm trú ở ÚC VIÊN.
Thời gian sau tôi đã thôi việc lao động nông trường TÂY NAM, trở về thành phố để chăm sóc gia đình, và chờ ngày xuất cảnh, thì gần như ngày nào tôi cũng đến ÚC VIÊN để thăm Nữ Sĩ niên trưởng, hoặc đưa Nữ Sĩ đi khám bệnh ở các phòng mạch Bác Sĩ, bấy giờ Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT bị cao huyết áp và tim mạch.
Tuy nhiều lần niên trưởng và em út phiêu du đó đây ghé các nhà Nữ Sĩ QUỲNH DAO để nghỉ chân, có khi để dự tiệc thơ, mối thân tình mỗi lúc mỗi thương mến hơn.
Có lần Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT cho tôi một trái cam vàng, tôi mỉm cười bắt chước anh hùng TRẦN QUỐC TOẢN thời thiếu niên trong một kịch bản cải lương, nhưng tôi không thể bóp nát trái cam như vị anh hùng trên đã làm, mà chỉ viết được một bài thơ, gởi gấm vào thơ nỗi cam đành, cam chịu, cam phận cuộc sống cam go nào đó, Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT an ủi tôi:
– Tuổi trẻ phải biết phấn đấu, vượt khó, vượt khổ, mới thoát được bế tắc.
Vào gần cuối thập niên 80, Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT phải đến nghĩa địa MẠC ĐĨNH CHI để dời mộ phần cố Thi Sĩ ĐÔNG HỒ về HÀ TIÊN, bấy giờ Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT đã cao tuổi, nhưng bà vẫn kiên nhẫn theo dõi phu mộ lo việc di quan. Cô cháu gái tên HOA lo toàn bộ công việc trục bốc quan tài nhà thơ ĐÔNG HỒ, còn tôi chỉ làm "cây gậy" cho bà, Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT nói dỡn với tôi:
– Chịu khó đi, Thi Sĩ ĐÔNG HỒ sẽ phù hộ cho CMN làm thơ hay!
Song "cây gậy" tôi yếu xìu, ngay buổi sáng bước lên tam cấp cổng mộ, Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT đã bị té sưng vù một bàn chân, sự kiện xảy ra, làm tôi ân hận vô cùng.
Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT đã thuê sẵn một chiếc xe hơi cỡ vừa, để đưa quan tài Thi Sĩ ĐÔNG HỒ về ÚC VIÊN, rồi vẫn chiếc xe chứa quan tài nhà thơ ĐÔNG HỒ đó, hôm sau sẽ di chuyển về HÀ TIÊN. Tôi còn nhớ 2 câu đối của học giả GIẢN CHI viết trang trọng trước cổng mộ của Nhà Thơ ĐÔNG HỒ cũng được di dời theo, nhưng bây giờ tôi chỉ còn nhớ được một câu:
TRẦN AI CHỚP MẮT, TRĂM NĂM MỘNG
Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT làm cơm cúng nhà thơ ĐÔNG HỒ, rồi mời các anh chị em QUỲNH DAO đến, dùng bữa giỗ chiều tối đó.
Hôm sau, Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT, như tôi nói ở trên, lại theo xe di chuyển quan khách cụ ĐÔNG HỒ về HÀ TIÊN. Rồi sau này, thì Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT thực hiện được mộng ước, là đã xây cất di tích NHÀ KỶ NIỆM ĐÔNG HỒ để ghi nhớ thành tích hết lòng vì văn hóa dân tộc, nối tiếp TRÍ ĐỨC HỌC XÁ do Nhà Thơ Hán học, Việt học ĐÔNG HỒ phụ trách từ thời tiền chiến, ở thị xã HÀ TIÊN xa xưa.
Cho tới khi những người ở HÀ TIÊN đã thất tán, gồm:
– Bà cố SÁU đã mãn phần
– Tiểu thư YỄM YỄM thất lộc.
– Vợ chồng người cháu THỦY – KIM đi Mỹ theo diện HO.
ÚC VIÊN chỉ còn cô cháu tên HOA và Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT, thì người thơ đành phải tính tới việc trở về quê hương NÚI MỘNG GƯƠNG HỒ HÀ TIÊN cho tiện mọi sự việc cuối đời bà.
Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT Thất Tiểu Muội mãn phần ngày 1-7-2007 tại Bệnh Viện KIÊN GIANG, hưởng thọ 93 tuổi. Bà có rất nhiều bạn văn nghệ sĩ ở đôi miền Nam, Bắc, thuộc đủ mọi giới và mọi lứa tuổi. Bà là bạn thân của hầu hết văn thi sĩ tiền chiến tên tuổi như: Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Tô Hoài (miền Bắc), Bàng Bá Lân, Đông Xuyên, Quách Tấn, Nguyễn Hiến lê, Toan Ánh, Giản Chi (miền Nam)…
Tôi xin phép chỉ lược kê số quý vị mà Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT thường liên lạc bằng thư từ trao đổi sách báo, hay gởi quà cáp khi đất nước vừa thông thương.
Đồng thời, sau 1975, quý vị ở ngoài Bắc có dịp vô Nam, đều ghé ÚC VIÊN thăm Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT.
Ngày tôi rời quê hương ra đi, tôi có tới ÚC VIÊN giã từ Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT cùng gia đình. Những lần tôi về sau này, thì Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT đã qui ẩn ở HÀ TIÊN. Tuy nhiên, tôi vẫn giới thiệu một số bạn văn thơ ở hải ngoại, có dịp về Việt Nam, và có phương tiện, thì xuống Hà Tiên vãn cảnh CHIÊU ANH CÁC, nơi có nhà lưu niệm ĐÔNG HỒ, và người thơ chung thủy trọn đời của cố Thi Sĩ, là Nữ Sĩ MỘNG TUYẾT, vị niên trưởng QUỲNH DAO quốc nội, mà tôi đã tôn phong bà, ví như hình ảnh một bông CÚC ĐẠI ĐÓA giữa vườn Chi Lan Tỉ Muội là các Nữ Sĩ thuộc thi đàn QUỲNH DAO ở quê nhà vậy.
Các Nữ Sĩ QUỲNH DAO hiện ở quê nhà gồm: Phạm Thị Việt Liên, Ngân Hà, Phượng Tần, Như Hiên, Việt Nữ, Hỷ Khương.
Ở hải ngoại, vì niên trưởng cao tuổi nhất là Nữ Sĩ Trùng Quang, các Nữ Sĩ Đinh Thị Việt Liên, Vân Nương, Thu Nga, Uyển Hương, Chung Anh, Vân Lan, Tuệ Nga, cũng ở số tuổi 70 trở lên, 3 Nữ Sĩ mới thất lộc mấy năm gần đây: Quỳnh Hương, Trinh Thục và Thục Oanh, bà là phu nhân của nhà thơ danh tiếng thế kỷ 20: Cụ Vũ Hoàng Chương, bà còn là hiền tỷ của Thi Sĩ lỗi lạc Đinh Hùng.
Để kết thúc, tôi xin mạn phép quý vị Nữ Sĩ hiện diện ở hải ngoại viết bài tưởng niệm vị niên trưởng Quỳnh Dao mới mãn phần ở quốc nội, thay nén hương xa, thắp lên nỗi nhớ người chị cả, mà tôi vẫn gọi là đại tỷ MỘNG TUYẾT mỗi lần thưa gởi thời gian tôi còn ở SAIGON lui tới ÚC VIÊN thăm cố Nữ Sĩ.
CAO MỴ NHÂN
===========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét