Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

đọc thêm (2) : " Cha tôi - Nhạc sĩ Văn Cao " / Văn Thao -- nguồn: https://tienphong.vn>

 

'Cha tôi - Nhạc sĩ Văn Cao'


VĂN THAO
Nhạc sĩ Văn Cao và bài hát “Tiến quân ca”
Nhạc sĩ Văn Cao và bài hát “Tiến quân ca”
TP - Trải qua ba thời điểm lịch sử lớn của đất nước là giành độc lập, giải phóng Thủ đô và thống nhất nước nhà, nhạc sĩ Văn Cao đã đóng góp bằng ba tác phẩm để đời. Đó là điều mà họa sĩ Văn Thao luôn tự hào mỗi khi nói về cha, nhạc sĩ Văn Cao.  

Từ “Tiến quân ca”…

con trưởng của nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Văn Thao rất gần gũi và có nhiều ký ức về cha. Tại cuộc gặp gần đây, tôi được họa sĩ cho biết ông đang viết cuốn hồi ức về cha. Để làm việc này, từ nhiều năm trước, họa sĩ Văn Thao đã thu nhập những tư liệu về nhạc sĩ Văn Cao. Ông gom góp hồi ức của những cá nhân, bạn bè, người thân của nhạc sĩ để hình thành những câu chuyện qua nhiều giọng kể. “Cuốn hồi ức tôi lấy tên là “Văn Cao - Đời và nghiệp”. Nhiều năm nay, tôi chấp bút dần để hoàn thành cuốn hồi ức này”- họa sĩ Văn Thao cho biết.

Tại cuộc gặp, tôi hỏi họa sĩ Văn Thao về một tình tiết liên quan đến bài “Tiến quân ca” mà bản thân chưa rõ bấy nay. Cách đây đã lâu, trong hồi ký “Tại sao tôi viết Tiến quân ca?”, nhạc sĩ Văn Cao có nhắc đến một người tên Ph.D. Ông Ph.D là người chứng kiến sự ra đời của bài “Tiến quân ca”, và là người đầu tiên hát bài hát này trong cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn vào ngày 17/8/1945. Vậy Ph.D là ai, có phải là nhạc sĩ Phạm Duy khi trước đây có bài viết đã từng nhận định như vậy? Nghe xong, họa sĩ Văn Thao nói ngay Ph.D không phải là nhạc sĩ Phạm Duy mà là Phạm Đức, một người bạn của nhạc sĩ Văn Cao từ thời còn học tiểu học ở Hải Phòng. Rồi ông kể, mùa đông năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao từ Hải Phòng lên Hà Nội và ở nhà một người bạn tại căn gác nhỏ số nhà 171 phố Mông-gơ-răng (nay là 45 phố Nguyễn Thượng Hiền). Sau đó, Phạm Đức cũng từ Hải Phòng lên ở cùng Văn Cao. Là người tham gia Việt Minh, nên sau một thời gian ở cùng, Phạm Đức đã kết nối để Văn Cao gặp Vũ Quý, một lãnh đạo của mặt trận Việt Minh. Vũ Quý biết Văn Cao từ thời còn ở Hải Phòng, từng động viên Văn Cao viết những bài hát yêu nước như “Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca”… Lần gặp lại này, Vũ Quý dẫn dắt Văn Cao tham gia cách mạng, và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hát cho Việt Minh. Văn Cao đã sáng tác bài hát đó trong nhiều ngày tại căn gác số nhà 45 phố Nguyễn Thượng Hiền. Do ở cùng, Phạm Đức đã chứng kiến quá trình Văn Cao sáng tác bài hát, và luôn giữ không gian tĩnh lặng mỗi khi Văn Cao ngồi vào bàn với tập bản thảo trước mặt. Bài hát hoàn thành, Văn Cao đặt tên là “Tiến quân ca”, rồi hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng, giao cho Văn Cao tự tay viết “Tiến quân ca” lên đá in, để sau đó bài hát lần đầu tiên được in trên báo Độc Lập vào tháng 11/1944. Cũng tại thời điểm này, sau khi được nghe “Tiến quân ca”, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi cũng rất thích, bèn rủ Văn Cao mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó, Nguyễn Đình Thi viết bài “Diệt phát xít”, còn Văn Cao viết “Chiến sĩ Việt Minh” (sau đổi thành “Chiến sĩ Việt Nam”).

Ngày 17/8/1945, Văn Cao đến dự một buổi mít tinh của công chức Hà Nội tại Nhà hát Lớn. Bất ngờ, trên bao lơn của Nhà hát, một lá cờ đỏ sao vàng được thả xuống. Người thả lá cờ đỏ ấy là Phạm Đức, khi đó là một thành viên trong Đội danh dự Việt Minh cùng Văn Cao. Sau khi tung cờ, Phạm Đức nhảy xuống cầm micro hát bài “Tiến quân ca”, rồi được nhiều người đồng thanh hát theo. Hóa ra, sau khi “Tiến quân ca” được in trên báo Độc Lập, nhiều người đã biết và thuộc bài hát đó. Về sau, khi kể lại sự kiện này cho Văn Thao, nhạc sĩ Văn Cao nói: “Bố bất ngờ nhất là việc bác Phạm Đức nhảy xuống cướp loa phóng thanh, hát vang bài “Tiến quân ca”. Và hàng vạn quần chúng nhân dân cùng đồng thanh hát ầm vang cả quảng trường. Nước mắt bố trào ra…”.

Họa sĩ Văn Thao cho biết, năm 1976, nhạc sĩ Văn Cao đã viết hồi ký “Tại sao tôi viết bài Tiến quân ca?”. Sau đó, vào mùa thu năm 1987, bạn bè ở Huế và báo Sông Hương mời nhạc sĩ Văn Cao vào chơi và muốn xin ông một bài viết để in vào dịp Cách mạng Tháng Tám. Văn Cao đã gửi bản hồi ký trên, và để ngắn gọn, ông bỏ bốn chữ “Tại sao tôi viết…” trong phần tiêu đề, thành “Bài Tiến quân ca”. Tạp chí Sông Hương đã đăng “Bài Tiến quân ca” vào số 26, tháng 7 và 8/1987. Trong bài viết này, một nhân vật mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết tắt tên là Ph.Đ, nhưng do lỗi đánh máy của tòa soạn nên thành Ph.D, và tên này vẫn giữ đến nay trong một số tư liệu nói về thời điểm ra đời bài “Tiến quân ca”. “Ph.Đ hay Ph.D chính là Phạm Đức. Sau này ông vẫn thường đến 108 phố Yết Kiêu để thăm cha tôi. Những lần cha tôi vắng nhà, ông lại ngồi vào cây đàn của cha và chơi một cách say sưa”- họa sĩ Văn Thao cho biết.

'Cha tôi - Nhạc sĩ Văn Cao' ảnh 1Họa sĩ Văn Thao dưới bức chân dung nhạc sĩ Văn Cao do bạn nhạc sĩ vẽ tặng ông.  Ảnh: KIẾN NGHĨA

Ngày 16/8/1945, tại Quốc dân Đại hội Tân Trào họp tại tỉnh Tuyên Quang, các đại biểu thống nhất lựa chọn bài “Tiến quân ca” là Quốc ca. Thời điểm này, ba bài hát là “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi, các bài “Tiến quân ca” và “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao được đưa ra để lựa chọn quốc ca. Họa sĩ Văn Thao cho biết: “Nghe cha tôi kể lại, sau này ông biết khi lựa chọn quốc ca, Bác Hồ nhận xét “Diệt phát xít” là bài hát hay, dễ phổ cập, nhưng đến nay chế độ phát xít đã tan rã nên lấy bài này làm quốc ca không còn phù hợp. Đối với “Chiến sĩ Việt Nam”, Bác thích nhất đoạn cuối “Thề phục quốc. Tiến lên Việt Nam/Lập quyền dân. Tiến lên Việt Nam/Đài hạnh phúc đắp xây tự do/Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm” nghe rất mạnh mẽ và hùng tráng. Nhưng Bác không chọn bài này vì dài và khó hát. Do vậy, “Tiến quân ca” thành quốc ca là phù hợp nhất vì thể hiện được ý chí, khát vọng của dân tộc, lời bài hát lại ngắn gọn, dễ thuộc, giai điệu hùng tráng…”.

Văn Thao lặng lẽ đến cạnh cha, khẽ nói: “Lâu lắm rồi con mới thấy bố chơi đàn. Bố vừa sáng tác bài hát mới đấy à?”. “Ừ, bố viết bài này mừng mùa xuân đầu tiên đất nước mình thống nhất, nhân dân mình đoàn tụ. Bài hát này được đặt là Mùa xuân đầu tiên”.

Ngày 19/8/1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cũng tại quảng trường Nhà hát Lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền Phong đã hát bài “Tiến quân ca” trước cờ đỏ sao vàng. “Thời điểm cha tôi viết Tiến quân ca, thường chỉ có lá cờ đỏ búa liềm. Nhưng cha tôi đã đưa hình ảnh sao vàng vào bài hát: Đoàn quân Việt Nam đi/Sao vàng phấp phới/Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than/…”- họa sĩ Văn Thao cho biết. Rồi ông kể, vào ngày Quốc khánh 2/9/1945, “Tiến quân ca” lại vang lên tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Trước ngày biểu diễn, hai nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Hiếu đã trao đổi với nhạc sĩ Văn Cao để thống nhất rút ngắn độ dài của nốt rê trong chữ “Đoàn” ở đầu bài hát và nốt mi trong chữ “xác” để cho bản nhạc khỏe khoắn hơn.

… Đến “Mùa xuân đầu tiên”

Cuộc gặp hôm đó, tôi hỏi tiếp họa sĩ Văn Thao về bài hát “Mùa Xuân đầu tiên” được nhạc sĩ Văn Cao viết trước Tết năm Bính Thìn (1976) sau một thời gian dài ngừng sáng tác. Họa sĩ Văn Thao lặng giây lát, rồi thay vì nói về “Mùa xuân đầu tiên”, ông lại nhắc tới bài hát “Tiến về Hà Nội”. Văn Thao kể, năm 1949, hưởng ứng cuộc vận động các văn nghệ sĩ có những sáng tác để ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp, Văn Cao đã viết bài hát “Tiến về Hà Nội”. Nhưng bài hát này sau đó lại bị cho là “lạc quan tếu”, “cầm đèn chạy trước ô tô”. Đến tháng 10/1954, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, với hình ảnh thực tế khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô thì mọi người mới hay những dự cảm trước đây của Văn Cao là chính xác: “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về… Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/Chảy dòng sương sớm long lanh…”.

Nhưng điều này cũng đã ảnh hưởng đến nhạc sĩ Văn Cao trong những năm tháng sau đó. Một thời gian dài ông ngừng sáng tác ca khúc, chỉ làm thơ, viết khí nhạc, vẽ minh họa để kiếm sống. “Rồi vào một ngày sau giải phóng miền Nam, tôi bỗng nghe tiếng dương cầm vang lên từ đôi bàn tay gầy guộc của cha. Ông run rẩy chơi trên cây piano đã cũ, mái tóc bạc dài xõa xuống, rung nhẹ theo một giai điệu đang cất lên”. Một điệu valse nhẹ nhàng, đằm thắm lan tỏa khắp nhà”- họa sĩ Văn Thao cho biết. Rồi ông kể, nhạc sĩ Văn Cao cứ mải miết sáng tác, tâm hồn dồn tất cả vào cây đàn. Lát sau, nhạc sĩ đứng dậy, nhưng tâm trí ông dường như vẫn còn chưa dứt khỏi bản nhạc.

Văn Thao lặng lẽ đến cạnh cha, khẽ nói: “Lâu lắm rồi con mới thấy bố chơi đàn. Bố vừa sáng tác bài hát mới đấy à?”. “Ừ, bố viết bài này mừng mùa xuân đầu tiên đất nước mình thống nhất, nhân dân mình đoàn tụ. Bài hát này được đặt là “Mùa xuân đầu tiên”.

Hôm đó nhạc sĩ Văn Cao đã tâm sự với con trai, cả cuộc đời ông đi theo cách mạng, đã trải qua những thăng trầm, nhưng đích lớn cuối cùng mà ông hướng tới nay đã hoàn thành. Nước nhà từ nay đã thống nhất, không còn cảnh người dân phải chịu cảnh đói năm xưa mà ông từng chứng kiến, để từ đó dồn nén viết nên bài “Tiến quân ca”. Nay với “Mùa xuân đầu tiên”, nhạc sĩ mở đầu bằng cảm xúc rất giản dị, chân thành: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Mùa bình thường mùa vui nay đã về/Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”. Với Văn Cao, “Mùa xuân đầu tiên” là việc: “Từ nay người biết quê người/Từ đây người biết thương người/Từ đây người biết yêu người”. Và bên cạnh niềm vui lớn của dân tộc, là sự lắng đọng của ngày hội ngộ: “Giọt nước mắt trên vai anh/Giọt sưởi ấm đôi vai anh/Niềm vui phút giây như đang long lanh”.

Ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” sau khi ra đời đã được in trên báo Sài Gòn Giải phóng số Xuân Bính Thìn. Sau đó, Nhà xuất bản âm nhạc Matxcơva cũng dịch ra tiếng Nga để in. Nhưng so với một số bài hát có giai điệu hào hùng ở thời điểm đó, “Mùa xuân đầu tiên” bị xem là lạc nhịp, nên không được phổ biến. Cho đến khi nhạc sĩ Văn Cao mất được một năm, thì năm 1996, bài hát này được một số ca sĩ biểu diễn rất thành công và sau đó trở nên phổ biến. Có lẽ đến lúc đó, sau khi những sự ồn ào rực rỡ qua đi, thì những giai điệu lắng đọng của “Mùa xuân đầu tiên” đã thấm vào tâm hồn của mỗi người. Như vậy, tròn 20 năm kể từ khi ra đời, “Mùa xuân đầu tiên” mới có dịp xuất hiện rộng rãi trước công chúng, để đến nay trở thành một bài hát không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về...

Gần hai năm trước, vào dịp cuối xuân, tôi có dịp đến thăm họa sĩ Văn Thao tại trang trại của ông ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Hòa Bình). Tại đây, ông dựng ngôi nhà sàn rộng hơn trăm mét vuông, trụ nhà xây bằng gạch, tường để mộc không trát. Văn Thao ít khi về Hà Nội, mà dành phần lớn thời gian ở đây để viết cuốn hồi ức “Văn Cao-Đời và nghiệp”. Họa sĩ Văn Thao cho biết, năm 2017, do hỏa hoạn, căn nhà nhỏ tại số 102 phố Lê Duẩn của ông bị cháy rụi. May trước đó, những kỷ vật, di cảo, tư liệu về nhạc sĩ Văn Cao do Văn Thao lưu giữ đã được chuyển một phần về đây và cất ở những nơi khác nữa nên giữ được nguyên vẹn.

Không chỉ có “Tiến quân ca”, “Tiến về Hà Nội”, “Mùa xuân đầu tiên”, những tác phẩm trước đó của nhạc sĩ Văn Cao như “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Suối mơ”, “Đàn chim Việt”… đều là những ca khúc hay, khẳng định được giá trị qua thời gian. Mỗi tác phẩm của ông là một câu chuyện, phản ánh một phần cuộc đời của nhạc sĩ Văn Cao. Như nhạc sĩ đã từng nói với họa sĩ Văn Thao: “Tất cả cuộc đời cha nằm ở tác phẩm rồi”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét