Thứ Tư, 9 tháng 2, 2022

đọc thêm : (1) " gặp gỡ nhà văn TRẦN KIÊM ĐOÀN [ 1946- / Calif., ] -- phỏng vấn: Nguyễn Vĩnh Nguyên (tphcm) -- trích: Chuyện ĐÀ LẠT )

 


GẶP GỠ NHÀ VĂN TRẦN KIÊM ĐOÀN

ĐẠI DỊCH VÀ NIỀM CẢM THÔNG CHUNG

Văn chương Trần Kiêm Đoàn khắc khoải nỗi niềm tha hương. Thành phố Huế trong những tùy bút của ông là một biểu trưng của quê hương đầy ân tình và kỷ niệm. Từ Mỹ, ông có cuộc chuyện trò trong tâm thức luôn dõi trông quê nhà Việt Nam trong những ngày đại dịch bùng phát căng thẳng.

Ý thức mới cho thời hậu đại dịch

Năm ngoái, nước Mỹ đã từng trải qua quãng thời gian khủng hoảng sâu bởi đại dịch. Việc chủ động vaccine đã tạo ra “phép” lạ, sự phục hồi?

Tình trạng đại dịch Covid-19 tại Mỹ bắt đầu do chính quyền chính thức công bố vào ngày 11-3-2020. Đến nay, giấc mơ “miễn dịch cộng đồng” với tiêu chuẩn hội đủ từ 70 đến 90% dân chúng cả nước có chích ngừa thuốc chủng chưa đạt được mục tiêu vì theo thống kê cập nhật thì mới chỉ có 152 triệu người Mỹ chích ngừa (47,5 %). Nhờ vậy, mọi sinh hoạt trên toàn nước Mỹ đang bước đầu trở lại bình thường nhờ chương trình tiêm chủng vaccine sản xuất trong nước tương đối kịp thời và cung cấp đầy đủ số lượng cho toàn dân. Tuy nhiên, từ sau ngày Quốc Khánh (4-7-2021), những biến chủng mới của Covid-19 như Delta, Lampda, Kappa… lại khuấy động sự an tâm tạm thời của “phép lạ vaccine”!

Là một nhà văn, ông nhìn thấy gì từ những hệ quả mà đại dịch để lại trong đời sống tinh thần của xã hội Mỹ thời gian qua?

Nước Mỹ đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên về cách hành xử quyền tự do cá nhân trong mùa đại dịch với thái độ bất chấp. Giới y khoa chuyên môn có thẩm quyền và chính phủ cấp liên bang, tiểu bang đã dùng mọi hình thức kêu gọi và khuyến khích, kể cả giải thưởng, xổ số hàng triệu đ- la những vẫn có những tiểu bang và cộng đồng có số người chích ngừa vaccine trọn gói chưa tới một nửa. 

Đây là hệ lụy của một tâm lý chủ nghĩa tự do cá nhân cực đoan đã có gốc rễ từ thời những người Mỹ tiền phong ly khai đã bỏ đất nước mẹ đẻ, vượt bao sông núi gai góc để tới định cư ở châu Mỹ. (Muốn phân tích rạch ròi nguyên nhân và hậu quả của tâm lý cá nhân cực đoan này, có lẽ cần đến những công trình biên khảo chuyên sâu!)

Hệ quả mà đại dịch để lại trong cuộc sống về mọi mặt của xã hội Mỹ thì rõ ràng khá sâu rộng nhưng những tác động cụ thể thì chưa rõ ràng vì đang trong giai đoạn cùng lúc phải cần vừa định hình, vừa phục hồi và giải quyết.

Dịch khởi phát và biến thể SARS-CoV-2 chỉ mới chậm lại hay biến tướng chứ chưa chấm dứt nên còn hơi sớm để nhận diện, phân tích và suy luận hệ quả trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên, riêng về mặt tinh thần của xã hội Mỹ thì đang có những hiện tượng “hậu đại dịch” tiêu cực đáng lo lắng như: Khuynh hướng phân cực và chia rẽ trong chính trị sâu hơn và xung đột giữa các nhóm nhân chủng da trắng, da màu xảy ra nhiều nơi; bạo loạn và dùng súng giết người hàng loạt gia tăng; các chứng bệnh khủng hoảng tinh thần của thiếu niên và người già xuất hiện nhiều hơn.     

Tuy văn hóa, điều kiện xã hội mỗi nơi một khác, nhưng theo ông, điều gì trong tinh thần ứng phó với đại dịch của người Mỹ mà người Việt trong nước cần phải tham khảo?

Phản ứng của con người trên toàn thế giới trước đại dịch có thể nói là rất giống nhau. Đó là sự lo lắng, sợ hãi, thất vọng, nuối tiếc, phẫn nộ… càng lúc càng gia tăng theo tin đồn và những thuyết âm mưu vô căn cứ. Những trang mạng xã hội đã vô tình làm công cụ phát tán những tin đồn không kiểm chứng và thiếu trách nhiệm gây hoang mang cho quần chúng. Tuy nhiên, người Mỹ có những nét tích cực mà người Việt chúng ta trong cơn khủng hoảng Covid-19 cần tham khảo, đó là sự độc lập suy nghĩ, ít chịu ảnh hưởng văn hóa đám đông; có lo lắng và ý thức phòng chống dịch cao nhưng không hoảng loạn chỉ tay đổ lỗi cho người khác.

Tuy nhiên, nét tiêu cực tai hại nhất làm cho nỗ lực phòng chống dịch bị giới hạn hay chậm lại là sự lẫn lộn giữa quan niệm chính trị nhất thời cũng như định kiến chủ quan và dữ kiện khoa học khách quan về vai trò, tác dụng của vaccine.  

Cùng chung niềm cảm thông, chia sẻ

Rõ ràng, đại dịch không chỉ thách thức năng lực hệ thống quản trị rủi ro của các quốc gia mà cũng đòi hỏi cả năng lực “quản trị” sức khỏe, tinh thần của mỗi người khi sống trong một thế giới đầy bất địnhbởi rất có thể trong tương lai, Covid-19 không phải là đại dịch duy nhất mà mỗi người phải trải qua. Với ông, tâm thế nào quan trọng nhất để bước vào một tương lai mà những kinh nghiệm về thời “bình thường cũ” đã không còn phù hợp?

Vấn đề đại dịch toàn cầu xảy ra lần này không phải là lần đầu tiên. Tuy nhiên, cuộc cách mạng “toàn cầu hóa” về giao thông vận tải và thông tin đại chúng từ đầu thế kỷ này đã phát tán, tăng tốc sự lây lan dịch bệnh và truyền tải tin thật cũng như tin đồn làm chao đảo sinh hoạt và khủng hoảng tâm lý khá nghiêm trọng trong hơn một năm qua. Thông tin y khoa đã cảnh báo rằng Covid-19 sẽ trở thành một bệnh dịch “bất trị” như dịch cúm mùa.

Cho nên, một số các quốc gia đang khởi động một nếp sinh hoạt “sống với dịch” trong tương lai khi sự tác hại của đại dịch tương đối bình ổn và vaccine có sẵn trong tầm tay của mọi người.

Theo dõi những nỗ lực “vừa sống vừa chống” dịch tại Mỹ trong vài tháng gần đây mới thấy sự khẩn thiết của một ý thức mới cho thời kỳ hậu đại dịch. Đó là sự cần thiết hy sinh bớt quyền tự do và riêng tư cá nhân để cùng sống hài hòa với xã hội. Ví dụ như việc đeo hay không đeo khẩu trang, tiêm hay không tiêm vaccine, giới hạn hay buông thả điệu sống cá nhân trong cộng đồng…

Sự lựa chọn nào cũng kéo theo nỗi khó khăn riêng của nó nhưng sự tương tác (interdependent) để cùng tồn tại vẫn là quan trọng nhất.

Ông muốn nhấn mạnh tính liên đới trong hài hòa?

Covid-19 đến với con người như một thiên tai mới lạ xảy ra không hề báo trước.  Khả năng tai ương lây nhiễm và cái chết kinh hoàng, cô độc xoắn lấy con người. Mọi sinh hoạt bị cấm cản và quan hệ gia đình, xã hội bị cách ly, tước bỏ chưa từng có. Như một đoàn xe đang chạy trên đường cao tốc, bỗng dưng bị chận lại với khả năng và thời điểm khai thông chưa biết khi nào đã gây ra những chấn động dị thường về thể trạng và tâm lý. Con người ở trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào khi đối diện với kiểu sống mới đều bị bức xúc và nảy sinh sự phản kháng vô hình. Phản kháng nhưng không có đối tượng để hài tội và đấu tranh vì cả nhân loại đều cùng hội cùng thuyền và thủ phạm gây họa là loài vi sinh vật vô hình.

Trong cuộc chiến chống dịch, lần đầu tiên xã hội loài người cùng chung niềm cảm thông và chia sẻ. Chưa bao giờ con người có một cơ hội đặc biệt để suy nghĩ, liên tưởng những con người trên hành tinh này thảy đều bất hạnh chịu đựng cách ly, lo lắng về dịch bệnh và chết chóc như mình.

Được biết tới là một nhà văn xứ Huế, nhưng sau này ông dành nhiều thời gian sinh hoạt Phật tử với tư cách là một Huynh trưởng. Con người trong văn chương hướng nội với nhiều thao thức hoài niệm nguồn cội và con người của tập thể phải chăng là một phép cân bằng trong cuộc sống tinh thần của ông lúc về chiều?

Thật ra thì Huế, đạo Phật và tình yêu quê hương nguồn cội đến với tôi cùng một lần. Sinh ra rồi lớn lên một chút tôi đã thấy sông Hương núi Ngự, nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ thoảng mùi hương trầm, thấy quê hương mình nhỏ nhắn và dễ thương như ca dao, nghệ thuật và con người thường nói đến.

Có thể nói tâm lý thương Huế, yêu Huế đã có sẵn trong mỗi người Huế còn ở quê nhà hay sống tha hương. Khi xa Huế thì Huế lại hiện rõ ràng và gần gũi hơn trong tôi. Sự trống vắng của những cặp vợ chồng già khi con cái khôn lớn ở riêng cộng với tuổi thọ dài hơn và sự nhàn rỗi thời hưu trí đã làm cho nhiều người Mỹ gặp cảnh “khủng hoảng tuổi già. Riêng tôi, cảm hứng viết về Huế là viết cho nỗi nhớ và tâm cảm thao thức của chính mình.  Nếp sống an tâm thuận thời và đơn giản mà có người gọi theo danh từ Phật học là “tùy duyên” quả nhiên là một gia tài tinh thần mà tôi đã có được từ ảnh hưởng trực tiếp của đạo Phật. Càng lang bạt nhiều, tiếp cận nhiều và cầu học thành tâm, tôi càng được bóng mát đạo Phật tưới tẩm tâm thức tôi để thưởng thức cuộc sống hiện tiền hay quán tưởng những chân trời suy tưởng cao vời và sâu thẳm (vô thượng, thậm thâm) ngay giữa đời thường hôm nay.  Chút duyên viết lách, định tâm nương bóng đạo Phật và tự mình hay vận động gia đình, thiện hữu làm việc từ thiện đã giúp tôi tìm được một sự cân bằng tâm lý và tình cảm trong cuộc sống về chiều.     

 “Chắc Huế sẽ không ngủ yên khi đất nước còn thao thức…”, ông đã viết như vậy trong cuốn tùy bút Về Huế (Phanbook & NXB Phụ Nữ, 2019). Có thể hiểu Huế là một biểu trưng của quê nhà Việt Nam. Và có lẽ không chỉ Huế mà một trái tim Huế xa xứ cũng không ngủ yên, nhất là trong những ngày tháng này?

Tôi viết cảm nghĩ nầy đã mấy chục năm về trước nhưng nếu cần phải viết lại thì tôi cũng lặp lại nguyên ý như thế khi nói đến quan hệ giữa đất nước và con người. Tôi định cư ở Mỹ đã bốn mươi năm; cũng học hành, làm việc, đi dạy, về hưu như bất cứ người Mỹ nào trên đất nước nầy nhưng “chất Mỹ” trong tôi  cũng chỉ là dăm hoa lá cành trên cây cổ mộc Huế – Việt Nam. Trong thời đại mạng lưới và chữ số hôm nay, sự ngăn sông cách núi có chăng là bởi tâm lý ngại núi e sông còn mắc mớ trong lòng. Tôi viết về Huế, nghĩ về Huế và giúp được gì cho Huế trong bối cảnh Huế là một đơn vị trong toàn cảnh của đất nước.

Phần đông người Việt xa quê theo dõi tin tức Việt Nam thường xuyên qua những thông tin trên các trang mạng xã hội quá phong phú ngày nay. Sự xót xa, trăn trở về tình trạng dịch Covid-19 và biến chủng gia tăng phức tạp ở quê nhà cũng tăng theo. Đã và đang có rất nhiều hoạt động cá nhân, đoàn thể và tổ chức xã hội, từ thiện tích cực vận động đóng góp quỹ cứu trợ cho nỗ lực phòng chống dịch ở quê nhà. Hầu như tất cả người Việt ở nước ngoài đều có chung một suối nguồn tình cảm không phân biệt, đó là tấm lòng hỗ trợ cũng như cầu nguyện cho dân mình sớm được tai qua, nạn khỏi.

Tôi tin là “Huế Cột cờ” và “Huế kiều” ngủ ngon khi đất nước đang êm đềm trong giấc ngủ.   

Xin cám ơn ông.


NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

 thực hiện

------------

[Một phần của cuộc trao đổi đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 18-7-2021. Link: https://tuoitre.vn/hy-sinh-bot-rieng-tu-ca-nhan-de-cung-song-hai-hoa-voi-xa-hoi-20210717223114583.htm]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét