nhận được quà Tết rồi.Hộp thư đến
Vẫn nhớ đến anh chứ. Bấy lâu BG buồn nẫu ruột, nhưng vẫn viết đều để quên đau khổ. Gửi anh đọc bài mới nhất, viết hôm qua. Chúc anh chị và cả nhà ăn Tết vui. BG. []
ĐỪNG LAY TÔI NHÉ, CUỘC ĐỜI CHUNG QUANH!
Tôi đang mơ giấc mộng dài Đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh. (Thơ của ai, không nhớ.) []
San Jose, thứ Sáu Jan. 28, 2022 Đêm nào cũng uống thuốc mới ngủ được, vậy mà chưa đêm nào ngủ một giấc với đầy mộng đẹp về Âu Cơ cho đến 5 giờ sáng như hôm nay. Mơ mơ màng màng chập chờn nối tiếp... tôi mơ thấy Âu Cơ về nhà, tỏ ra như cả nó lẫn con chó vàng nó nuôi đã không có gì ăn từ mấy ngày qua. Tôi móc ví đưa nó một ngàn dollars. Thái độ nó không nồng nhiệt nhưng qua tính cách thâm trầm cố hữu, tôi vẫn nhìn thấy lòng thương dành cho mẹ.
Tôi không hỏi gì đến thằng chồng, không mời Âu Cơ ở lại cũng không bảo nó đi về với thằng kia. (Mà, cơ hồ nó cũng chẳng có ý muốn bỏ đi). Giữa hai mẹ con như ngầm vẻ: “Bao giờ cũng muốn ở cạnh nhau, chia xẻ mọi nỗi cho nhau.” Con chó Seasea nằm dưới gậm giường bỗng sủa một tiếng lớn làm tôi choàng tỉnh. Thấy trong lòng thật buồn và tiếc ngơ ngẩn giấc mơ.
Sáng sớm hôm qua, (Jan 27, thứ Năm) sương mù dầy đặc, trong óc hiện nhanh câu hát: “Hôm nay trời vào thu Dalat lắm sương mù...” Tôi lắc mạnh đầu, đuổi xua nỗi nhớ, ngồi ngay vào đàn soạn hòa âm bản nhạc Tài Hoa Giữa Chợ. Miệt mài một ngày, hoàn thành các accord ưng ý, đàn đi đàn lại nhiều lần với nhiều cảm xúc trong tim. Tôi vừa nhớ con người mình thời gian còn cầm violon chơi đàn với anh Ngọc, vừa nhớ anh Ngọc khi bây giờ ngồi ngay vào vị trí anh thuở xưa.
Văn Chương là của trí não. Văn Chương cần đối tượng có trình độ đọc sách biết thẩm thấu chữ nghĩa nhà văn. Âm Nhạc đơn giản, dễ truyền đạt nỗi ưa thích cho người nghe hơn. Dầu vậy, phần mélodie thoát thai từ cảm xúc nhạc sĩ sáng tác, dẫu hay cỡ nào mà không được diễn tả bởi một tay soloiste thấm cảm tâm tư nhạc sĩ trên từng note viết xuống, cũng là vô ích. Âm nhạc đơn giản mà không đơn giản, cầu kỳ mà không cầu kỳ. Đó là nói về tất cả các loại nhạc, không cứ chỉ nhạc VN hay nhạc classique Tây Phương.
Tối hôm qua, làm xong hòa âm bài nhạc Tài Hoa Giữ Chợ, tôi tự thưởng mình ly café và hai điếu thuốc lá. Xong đi ngủ. Giấc mơ về Âu Cơ hiện ra.
Gần đây, với nhiều câu hỏi của học trò, của độc giả “Vì cớ gì Âu Cơ thương mẹ đến vậy mà bỏ đi biền biệt?” tôi không biết trả lời sao. Tôi không tin hai chữ Tình Yêu đổ lên nó đến cái độ đó. Nó là đứa rất sáng suốt, có lý trí và cả từ tâm với mọi người (nói gì với mẹ?). Vậy mà từ năm 2016 về Dalat sống, nó thay đổi hẳn.
Cho đến gần đây, nhận lá thư của kẻ tự xưng “một người em trai ở đà-lạt”, đọc lần một thì tưởng chân tình, qua lần hai mới thấy cay nghiệt. Những lời so sánh giữa tôi và Âu Cơ trên cả mặt văn chương lẫn sắc vóc mang đầy tính ác ý, chia rẽ.... (Lá thư tiếng Việt, lồi lõm chính tả, câu cú lổm chổm, đủ nói lên trình độ học vấn cỡ nào, sao dám đề cập văn chương kẻ khác, nhất là văn chương viết tiếng Mỹ?!)
Tôi chợt nghĩ đến hai chữ Cộng Sản.
Chỉ Cộng Sản mới dạy con người quên mẹ quên cha, quên cả họ hàng thân chi nguồn cội. Người Quốc Gia Miền Nam CHÂN CHÍNH không làm thế. Trời tuy cao lồng lộng mà luôn luôn có mắt. CS (hay gã tự xưng “đứa em trai đà-lạt”) có vợ có con, cũng không thoát khỏi ách hiện tiền nhân quả! (...)
Tôi không muốn khai thác điều này cho đau lòng mình. Âu Cơ là đứa con từ máu huyết tôi sinh ra, được dạy dỗ uốn nắn kỹ lưỡng, tưởng sẽ trở nên một người hữu ích cho xã hội. Bây giờ nó có đi chệch hướng thì cũng không phải do ý tôi muốn. Nơi tôi chỉ mang cái tội duy nhất: “Trừ ra lòng lương thiện chân chính, không bất cứ tiền bạc danh vọng nào có thể mua chuộc được.” Ở đây dùng chữ “chân chính” có nghĩa rằng sự lương thiện xuất phát từ lòng chân thật của trái tim, không phải từ lời nói mép môi miệng lưỡi. Anh Phùng Kim Ngọc là một điển hình trong giới người sống ở Dalat mà cái tên tự xưng “người đà lạt” kia không đủ “tâm và tầm” (nói kiểu CS) để nhìn ra “thế nào là một người Miền Nam”, nên, (qua lá thư) đã gán cho anh những nhận định rất sai lạc trong mối tình Nhật Nguyệt. Một điều đáng thương là anh chàng đà-lạt kia (viết: đ-a-đa-huyền-đà) không biết rằng anh Ngọc khinh bỉ bọn CS chính gốc hay CS ba mươi tháng Tư ở Dalat đến cỡ nào!
Biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe!
Đọc lịch sử Mỹ, tôi rất thông cảm và thương tâm lý người miền Nam thất trận trong cuộc nội chiến cách đây gần hai trăm năm (cho dù đó là hai anh em Jesse và Frank James "kẻ cướp nhà bank" nổi tiếng.
Giang sơn và con người có thể thay đổi, còn Lịch Sử không bao giờ thay đổi. Đó cũng là lý do lớn nhất cho lớp con cháu ông Hồ KHÔNG được dạy cho biết (đâu là sự thật) các bài Lịch Sử trong cuộc nội chiến Bắc Nam kéo dài ròng rã hai mươi năm. Từ 30 tháng Tư 1975 trở đi, thấy “họ” càng lúc càng thêm huênh hoang lố bịch trong vai trò kẻ thắng cuộc với các cụm từ “chiến thắng vinh quang, đỉnh cao trí tuệ,...” này nọ... mà mắc cỡ giùm cho họ! Giá Âu Cơ xuất thân từ một gia đình bình thường, học hành đơn giản, cá nhân không có bằng Master Văn chương, tâm hồn không yêu chữ nghĩa, trong lòng không mang hoài bão trở thành nhà văn; thêm không có người mẹ cầm cây viết biết trân quý từng con chữ, có lẽ đời nó rất đỡ khổ! Chẳng ai có thể dùng đó mà lợi dụng. André Malraux, André Gide, Jean-Paul Sartre, những nhà văn lớn của Pháp, (và nhiều nữa) từng đi lầm con đường CS... có hồi quay đầu, thì đã sao? Hậu thế vẫn ghi tên họ vào lịch sử văn học với những sáng tác của họ.
“Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.” Thơm danh hay xú danh đều là kết quả chọn lựa từ hành động con người làm ra lúc sống.
Tỉnh giậy sau giấc mơ, lòng bàng hoàng hơn khi chưa đi ngủ. Mấy ngày nay tôi cứ bị ám ảnh theo hai chữ Cộng Sản. Thời đại này thật là hỗn độn. Con người luôn sống trong tâm trạng không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là vàng đâu là cát, đâu là Thiện đâu là Ác. Luôn cả nước Mỹ, tưởng là dân chủ an toàn nhất thế giới, một hồi cũng đành chào thua cái Ác. Cái luật vừa mới ban hành ở tiểu bang Wisconsin (và vài nơi khác, không nhớ) cho phép học sinh 18 tuổi đem súng vào các trường Trung học thì rõ là hết thuốc chữa!
Tôi không muốn nghe tin tức từ You Tube, bởi, nghe một hồi, thấy rõ cái đầu mờ mịt, rối mò, ngu xuẩn.
Tôi nhớ Âu Cơ, tự nghĩ mình đang bị tự kỷ ám thị, nhìn đâu cũng thấy kẻ Ác.
Mấy ngày trước thằng con rể về, xẹt qua phòng cũ lấy gì đó. Dọn đi từ tháng 6/2021, thỉnh thoảng nó vẫn làm điều này, chìa khóa nhà không trả; téléphone vẫn không tách ra khỏi hóa đơn, cứ mặc kệ cho tôi đóng tiền. Còn Âu Cơ thì vắng bặt tăm hơi. Có lần đứng ngoài sân thấy nó đi qua, tôi hỏi: “Âu Cơ khỏe không?” Nó ngoảnh mặt bỏ đi, không một tiếng trả lời. Tôi tự nhếch mép cười!
Vẫn thấy thương Âu Cơ đứt ruột. Xa mẹ, xa căn nhà Những-Người-Trăm-Năm-Cũ có những linh hồn từng được nó yêu mến, có lẽ nó hụt hẫng không ít. Chỉ nơi đây là an toàn cho nó. Chỉ nơi đây, nó mới không e ngại với những người hiền, còn-sống-hay-đã-chết... Bây giờ thì đành chịu mà bám giữ sự sống, chờ một ngày nó quay lại vẫn còn thấy mẹ trong Căn Nhà được nó đặt tên và từng rất thương yêu... Luôn với ý nghĩ (tự an ủi): “Đó là số phận của cả tôi lẫn nó.”
Nhớ, trước ngày nó bỏ đi, tôi đem xuống phòng nó cái nhẫn kim cương (5 hay 6 hột, không nhớ), đưa cho nó, nói: “Đây là cái nhẫn cuối cùng bà ngoại để lại. Mười năm, con đã từng phụ giúp Mẹ chăm sóc Bà, với lại, mẹ biết con không có lòng tham, nên tặng nó cho con. Mong linh hồn Bà giữ mãi trong con cái tánh lương thiện đó.” Nó nhận. ... Thôi, không viết nữa. Đi làm chuyện khác. Soạn tiếp các hòa âm, tốt hơn! []
Trần Thị Bông Giấy. (Ghi vội lúc 7:10 sáng thứ Sáu Jan. 28, 2022, ngày 27 Tết Nhâm Thân sắp tới). [] |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét