Chủ Nhật, 9 tháng 1, 2022

' đùa với LUÂN HOÁN "/ Song Thao ( Canada ) -- source : trang Văn học Nghệ thuật Phạm Cao Hoàng ( Mỹ )

 


SUNDAY, JANUARY 9, 2022

2264. SONG THAO Đùa với Luân Hoán

Phác thảo chân dung Luân Hoán - dinh cuong


Tôi mới đọc được ở đâu đó một chuyện vui cười. Tạo hóa sanh ra con người cái chi cũng có đôi có cặp. Hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi, hai tí, hai tay, hai chân. Nhưng những thứ ở chính giữa thì chỉ có một. Miệng, rốn và thứ dưới rốn. Vậy nên những thứ lẻ loi này mới phải đi tìm thứ lẻ loi khác để cặp thành đôi.


Định đùa với ông Luân Hoán, không hiểu sao tôi lại nhớ tới chuyện vui này. Chắc tôi nghĩ tới chân của ông. Cả nước đã biết là ông Trung Úy Lê Ngọc Châu đã hy sinh chân trái trong một lần ra trận tại Quảng Ngãi. Vậy nên từ mấy chục năm nay, ông Luân Hoán vẫn không nguôi đi tìm một chiếc chân khác cho đủ cặp. Chuyện cắc cớ là ông chỉ đi tìm chân dài. Thơ ông la liệt chân dài nằm ngang nằm dọc.


mình chân ngắn họ chân dài

bước "đi" tuy vững khó xài tự nhiên

giữ tính mặc cảm di truyền

hóa ra nhờ vậy ngả nghiêng khá bền


Ông này khoái chân, nhất là chân dài, nên có lần ông chơi ép bạn bè. Ông khởi xướng một câu thơ: “Em từ lục bát bước ra” và bắt bạn bè làm thơ tiếp. Bạn bè ông đông đảo, cả ở trong nước lẫn hải ngoại, đua nhau làm tiếp. Tôi gần với ông quá chẳng lẽ không đáp lời tuy tài làm vè của tôi rất ẹ. Tôi vè một bài tới nay chỉ còn nhớ hai câu đầu. Em từ lục bát bước ra / Dáng đi khệnh khạng leo qua khỏi giường. Tôi dại dột gửi cho ông. Chẳng thấy ông đáp trả chi. Chắc ông ấy giận. Trong nhà ông có tượng Trương Phi nên tính tình ông ấy tôi thừa biết, như lửa rơm. Vèo một cái là xong.


Ông còn nhiều trò khác. Như sáng tinh sương ngày Tết ta, ông lái xe đi khắp nhà bạn bè trong thành phố, treo trước cửa mỗi nhà hai câu thơ chúc. Rồi lẳng lặng lái xe đi. Chủ nhà chỉ phát giác ra thơ mừng tuổi đầu năm khi mặt trời đã lên tới đỉnh. Hay trò phỏng vấn các bà vợ của các tên dính tới chữ nghĩa về ông chồng của các bà, khiến các phu nhân này lâm vào thế kẹt. Nói không thiệt thì lương tâm không chịu ngủ, nói thiệt thì xấu chàng hổ ai.

 

Có lần ông nhà thơ Ngu Yên từ Houston qua Montreal đàn đúm với bạn thơ văn. Ông này râu ria phát khiếp, tình tình cũng ngủng ngẳng không thua chi ông Luân Hoán. Khi đó ông có một đài phát thanh ở Houston chỉ phát vào đêm khuya. Hỏi cớ sao ông lại chọn cái giờ oái oăm như rứa, ông bảo giờ đó giá thuê mới rẻ. Trong một tối cà phê cá pháo, ông nảy ra ý làm náo động làng văn thơ bằng cách phịa ra tin ông này chết, ông kia chết. Ông Ngu Yên biết tính ông Luân Hoán hay hù dọa anh em nên đề nghị loan tin ông Luân Hoán quy tiên trước. Ông râu ria này hứng chí nói vậy chứ chắc không thực hành vì sau đó tình hình vẫn lắng dịu, không thấy có nước mắt cho ông Luân Hoán. Ít lâu sau, tôi lò mò qua Houston, ông cho đi ăn tối, ăn xong ông rủ tôi lên đài nói chuyện suốt đêm. Tôi hoảng hồn từ chối vì lỡ ông loan tin chết chóc ở Montreal thì tôi hết đường về.

 


Không biết có phải ông Ngu Yên gợi ý không mà ông Luân Hoán lại bày ra trò mới. Ông viện cớ sức khỏe ông không tốt, có thể ông sẽ đi bất cứ lúc nào nên xin phép anh em cho ông vái trước cho trọn tình nghĩa. Ông gửi mail hỏi ai bằng lòng cho ông tế sống, ông sẽ tế. Mấy tên viết lách coi trời bằng vung nên  phần lớn đều gật đầu. Vậy là ông “cáo tồn”. Ông này vốn khoái dùng từ oái oăm! Ông giải thích “cáo tồn” ngược lại với “cáo phó”, chưa chết mà coi như chết. Ông “cáo tồn” 29 mạng tất cả. Có điều tức cười là cả 29 ông bà được tế sống này đều còn sống nhăn răng. Ông Luân Hoán quả không được trang bị lưỡi hái của tử thần. Dĩ nhiên trong số 29 trự được tế sống này phải có nhà thơ Ngu Yên. Như một cuộc trả thù  ngọt ngào.


bạn từng dọa phao tin thất thiệt

qua làn sóng, bạn xướng ngôn viên

tin giật gân thường nhiều người biết

đại khái thế này, rất tự nhiên

tin giờ chót: nhà thơ Luân Hoán

chiều hôm qua, xe đụng chết tươi

khi ông từ ngã năm Chuồng Chó

vừa bước đi vừa hí hửng cười


Ông Luân Hoán ở ngay xứ tuyết nhưng rất kỵ mùa đông. Trời bắt đầu trở mặt là ông nai nịt kỹ càng, chỉ để hở đôi mắt, chẳng biết để làm chi vì  mùa đông các chân dài cũng kín mít từ đầu tới đuôi. Mỗi năm, cứ khi gió đông thổi tuyết về, ông lại nhắn nhủ với anh em bằng cái giọng buồn bã: “Không biết moi có qua khỏi mùa đông này không!”. Bao nhiêu mùa đông trôi qua, mỗi lần anh em tụ tập ăn nhậu vẫn thấy mặt ông. Nói hoài chuyện thân cận với cái chết mỗi khi đông tới lâu dần cũng hết ép-phê. Anh em chỉ cười. Ai cũng biết ông này khó đi lắm vì chăm sóc sức khỏe là chuyện ông rất cần mẫn. Mỗi năm chích ngừa cúm, bao giờ ông cũng bon chen chích trước anh em. Tới chích ngừa Covid ông cũng nhanh chân vén tay áo trước hết. Chích xong ông post hình can đảm đón kim chích lên Facebook cho bà con thiên hạ coi chơi. Hơi khó ở, ông vội tới phòng mạch bác sĩ ngay. Bác sĩ cho thuốc, ông uống gấp đôi. Có lần ông đã ngự xe cứu cấp rú còi inh ỏi vì uống thuốc quá liều! Che chắn kỹ lưỡng như vậy, ông có hù anh em cũng chỉ cười trừ. Năm nay ông đổi chiêu, không hù nữa mà tính toán đàng hoàng. Ngày 2/11 vừa qua, ông trịnh trọng tuyên bố trên Facebook: “Dự Định Cá Nhân Tôi Cho Những Năm Cuối Đời, Không Còn Xa”. Tôi ra đời và sống cùng tổ quốc được 44 năm. Dời chỗ cư ngụ sang Montréal Canada đến nay được 36 năm. Nguyện vọng cân bằng thời gian sống của mình trên hai phần đất, (mỗi phần 44 năm), như vậy tôi cần sống tốt trong 8 năm nữa. Năm tôi mất mong sẽ là năm 2029. Lúc đó tôi sẽ được 88 tuổi, một con số rất đẹp. Tính theo truyền thống gia đình, cha ông, rất hy vọng tôi qua cầu được. Nhưng dựa theo sức khỏe, thời tiết, dịch bệnh hiện tại thì khá khó khăn”.

 

Vậy là ông có dự định thời gian ra đi đàng hoàng. Tám năm nữa. Lứa tuổi chúng tôi, đã bỏ xa tuổi “cổ lai hy”, sống coi như đủ, ngày mai ra sao, mặc xác nó. Cái mức “cổ lai hy” dân ta vẫn đinh ninh là do ông Khổng Tử ấn định. Thiệt oan ôi ông...Khổng! Ông chỉ viết: “Ngô thập hữu ngũ nhi chi vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”. Diễn nôm là: ta 15 tuổi để tâm trí vào việc học hành, 30 tuổi có thể tự lập được, 40 tuổi đủ thấu hiểu để không nghi ngờ, 50 tuổi biết được mệnh trời, 60 tuổi nghe thông phải trái, 70 tuổi theo lòng của mình mà hành động mà không vượt khỏi khuôn khổ của chân lý. Khổng Tử không nói chi tới chuyện hiếm có “cổ lai hy” chi cả. Vậy do đâu mà có chuyện “cổ lai hy”? Tác giả Trần Thanh Cảnh cho biết: Sau này đến đời Đường, nhà thơ vĩ đại Đỗ Phủ, trong bài thơ “Khúc giang đầu - kỳ nhị”, một đoản khúc tự bạch lừng danh về thú mê rượu chè say sưa đến mức, cứ ở triều ra là ngài cởi áo của mình gán lấy rượu uống, cũng đã viết: “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Thật ra thì nhà thơ cũng chỉ hầu như định tự bào chữa cho mình là, từ xưa đến nay có mấy người sống được đến 70 đâu, nên ta cứ say sưa thoải mái, hết tiền thì đã có áo vua ban!”. Đỗ Phủ chỉ say được tới năm 52 tuổi.


Với đà tiến của khoa học ngày nay, tuổi thọ của con người kéo dài như tay vuốt của anh bán kẹo kéo. Muốn dài bao nhiêu cũng đặng, bảy chịch có là cái chi chi. Nhìn quanh, thế hệ chúng tôi đều qua tuổi này cái vù. Cỡ “trẻ” như các ông Lưu Nguyễn, Hồ Đình Nghiêm cũng dư sức qua cầu huống chi cỡ via như Trang Châu, Phạm Phú Minh và Thành Tôn. Dĩ nhiên có Song Thao nữa nhưng tôi khiêm nhường nên không muốn nói tới cái tôi!


Từ trái: 
Hàng ngồi: Nguyễn Đình Thuần, Luân Hoán, Thành Tôn, Đặng Hiền
Hàng đứng: Nguyễn Mạnh Trinh, Phạm Phú Minh.

 

Trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại với ông Thành Tôn, tôi nói chuyện về vụ 88 tuổi của ông Luân Hoán, ông Thành Tôn cười cười “vậy à?”. Bẵng đi vài tuần, ông điện thoại lại cho tôi. Chuyện ông Thành Tôn điện thoại là chuyện hiếm. Ông này tối ngày lo khâu sách vở, ai phôn thì vội bắt ngay “Tôn đây”. Ông hiền lành, thật thà như đếm, chẳng ai giận được ông và ông cũng chẳng bao giờ giận ai. Ông sống như một ông thủ thư tự nguyện. Nhà ông là một rừng sách, sách từ trong phòng ra tới ngoài hành lang. Tới thăm ông thấy ông chìm lỉm trong sách. Mỗi lần mưa xuống là ông lo chạy sách cho khỏi ướt. Ai ới sách là ông có liền. Ai quên trả sách ông cũng chẳng thèm nhắc. Người ta có cần mới giữ, vậy là tốt. Ông yêu sách như người tình mê người tình. Nhưng khác với thông thường, ai rinh mất người tình của ông, ông lại rất vui.


Nghe chuyện ông Luân Hoán, người ông quen biết từ thời lính thú, ông cảm động. Hai người là bạn văn thơ rất tâm đắc với nhau. Cái khác nhau là cho tới nay ông Luân Hoán vẫn bộn bề thơ văn còn ông Thành Tôn gác bút từ thời mất nước. Năm 1969, ông tự ấn hành cuốn Thắp Tình. Thằng con ông là độc đinh, chẳng anh em chi. Thơ trong Thắp Tình của ông rất lạ và mới. Tới nay tôi đọc vẫn thấy hơi thơ của ông chẳng  phai nhạt theo thời gian. Hỏi sao ông không tiếp tục mần thơ, ông cười xòa: “Làm thơ như vậy đủ rồi!”. Sau hơn bốn chục năm không có một bài thơ nào, nghe chuyện 88 tuổi của ông Luân Hoán, ông lại cảm khái ra thơ. Cú điện thoại của ông Thành Tôn tôi bất ngờ nhận được hôm qua mục đích để ông khoe thơ ông mới làm. Ông đọc cho tôi nghe. Tôi nghe xong mà mừng. Mừng vì nguồn thơ của ông hình như lại thông. Bài thơ “Với Luân Hoán” của ông như ri.

 

Ta biết bạn làm hàng ngàn bài thơ

Và bạn có hàng vạn độc giả

Bạn đã trải hết lòng mình cho thiên hạ

Có khi nào chạm đến nỗi hư vô

 

Ta biết bạn có vợ đẹp con ngoan

Bạn lại có nhiều thân tình khác phái

Cứ ray rứt hoài nay mới dám hỏi

Có khi nào hoạn nạn giống ta không

 

Ta biết bạn gửi một chân trên chiến trường Quảng Ngãi

Đứng vững vui-đời chỉ một chân thôi

Bạn đau nhức hoài hoài ngoài đoạn chân còn...khi giá rét

Có giống ta đau đáu một nỗi lòng ở chốn...ngoài quê hương

 

Nghe nói độ này bạn hay buồn

Và lấy tám-tám làm mốc đến cùng thơ

Ta thích bạn rất-bi -quan-thi-sĩ

Thơ-muôn-đời – chỉ thay đổi cách-xưng-hô

 

Ta không nói văn chương luôn cao cả

Nhưng ít ra đủ diễn tả được nét đẹp của tâm hồn

Có kẻ bảo chúng ta loài dại người khác phái

Mà quên đi trái táo ngọt...Adam đã từng trao

 

Nghĩ cho kỹ, mọi người đều có đam mê

Và khai thác nỗi đam mê đến tận cùng cái đẹp

Xin được chết theo dòng thi pháp đã

Làm nên câu thơ lung linh cùng ngày tháng nồng nàn

 

Có những luận bàn rồi bỏ ngỏ...

Để mà chi, trong một kiếp rong chơi

Vói nhà thơ thân yêu, bạn Luân Hoán

Là-con-người làm sao tránh đụng nỗi-cô-đơn

 

Vịn vào bài thơ rất thiệt tình của nhà thơ Thành Tôn, tôi đùa với ông Luân Hoán. Thiệt việt vị! Nhưng viết về ông Luân Hoán tôi không đùa đâu có được. Nhà ông gần xịt nhà tôi, không giỡn  ông giận. Tôi đang chờ một sáng tinh sương, mở cửa ra sẽ thấy ông treo thơ trước cửa nhà. Ai chứ ông Luân Hoán không đoán trước được. Ông này vốn lắm chiêu!


SONG THAO                                                                                  

12/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét