Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

đọc thêm: " Trần Thanh Bình: Những sự kiện của tâm hồn ! "/ Trần Nhã Thụy (tphcm) -- nguồn : https://thanhnien.vn>

 


   THANH NIÊN ONLINE

Sài Gòn đang trong không khí Giáng sinh. Gò Vấp, nơi có mái nhà nhỏ, địa chỉ cư trú của nhà báo Trần Thanh Bình từ mấy chục năm qua, cũng đang ở trong cái không khí náo nức mà trang trọng ấy.

Những ai ở Sài Gòn đều biết Gò Vấp là nơi có đông cư dân Công giáo, nhiều nhà thờ, nên không khí Giáng sinh năm nào cũng tràn ngập từ đường lớn đến các hẻm nhỏ.

Và, lúc này, khi lật giở từng trangSài Gòn - Nhật ký cách ly của Trần Thanh Bình, tôi bỗng nhớ lại Gò Vấp trong những ngày đầu tháng 6.2021. Những rào chắn được dựng lên ở Gò Vấp dường như đầu tiên, để bắt đầu những ngày cách ly và phong tỏa kéo dài đến nghẹt thở. Lúc ấy, ở Sài Gòn này, người ta thảng thốt gọi tên Gò Vấp. Để rồi mấy tháng sau, cả nước thảng thốt gọi tên Sài Gòn: “Sài Gòn bị trọng thương rồi”.

Đọc 'Sài Gòn - Nhật ký cách ly' của Trần Thanh Bình: Những sự kiện của tâm hồn! - ảnh 1

-bìa cuốn sách Sài Gòn - Nhật ký cách ly

một nhà báo chuyên chú thời sự xã hội, lại ở “tâm dịch” Gò Vấp - Sài Gòn, hẳn nhiên Trần Thanh Bình có đầy đủ tâm cảm lẫn quan sát khách quan của một người trong cuộc. Nhờ thế những trang “nhật ký cách ly” của anh vừa chi tiết về sự kiện vừa trĩu nặng suy tư của một công dân Sài Gòn, trong những ngày mà anh gọi là “chưa bao giờ có trong lịch sử”.

Đúng vậy. Mặc dù đã dự trù các phương án lẫn hình dung ra những tình huống xấu nhất của dịch Covid-19, nhưng có lẽ chưa người dân Sài Gòn nào lại nghĩ dịch ập tới như một trận sóng thần như vậy.

Đọc 'Sài Gòn - Nhật ký cách ly' của Trần Thanh Bình: Những sự kiện của tâm hồn! - ảnh 2

- sách đã được in, nằm kề gốc cây si tí hon mà tác giả đưa từ kẽ đá vào “nuôi”, đúng ngày đầu tiên Q.Gò Vấp phong tỏa

Cuộc sống thường nhật ở một đô thị sôi động nhất nhì đất nước, bỗng dưng bị ngưng đọng lại. Mọi thứ bị xáo trộn và thay đổi khủng khiếp, kèm theo những hoang mang tột độ, khi ca nhiễm mỗi ngày một tăng và con số người chết vì Covid-19 lên đến hàng trăm mỗi ngày.

Có đôi khi tôi nghĩ rằng, nếu như trong điều trị Covid-19 có sử dụng liều thuốc chống đông máu và xem nó như loại thuốc đặc trị, thì các cây bút chọn cách viết nhật ký như là liệu pháp chống “đông cứng đầu óc”. Trong đó có cả tôi và nhà báo Trần Thanh Bình.

Thử nhớ lại tình cảnh lúc này. Thật khủng khiếp. Không được ra khỏi nhà. Có việc gì cần kíp cũng không thể ra khỏi khu phố. Gần như giam mình trong bốn bức tường. Những tin tức về dịch Covid-19 nhảy múa. Thức ngủ chập chờn. Đếm ca dương tính và con số tử vong. Không biết ngày mai sẽ thế nào.

Tôi từng đọc những trang nhật ký của nhà thơ - nhà biên kịch Lưu Quang Vũ viết trước lúc lên đường nhập ngũ (năm 1964) và thật thú vị tôi thấy Trần Thanh Bình cũng có phong cách viết nhật ký kiểu này. Đó là ngoài những ghi chú theo dòng sự kiện, lúc nào Bình cũng có những “bỏ nhỏ” bên lề. Cho nên ngoài các sự kiện xã hội, nhặt nhạnh qua từng trang nhật ký ấy, chúng ta còn thấy những sự kiện của tâm hồn người viết.

Ví dụ trong nhật ký ngày chủ nhật 11.7, tức ngày thứ ba Sài Gòn - TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, anh viết: “Nay ăn xôi. Nếp dẻo hạt tròn, giống y loại nếp thơm hồi xưa ba chọn giống, cấy ở mảnh ruộng quê nhà. Ăn mà chợt nhớ giỏ bánh chì quết dẻo quẹo ba thức đêm làm ở quê nhà Quảng Trị, rồi đem vào ký túc xá Đội Cung (Đại học Sư phạm Huế) cho mình. Bữa đó, ba vô thăm một lần duy nhất trong 4 năm sinh viên, chỉ cách có 80 ki lô mét nhưng hồi bao cấp, đó là cả một sự lặn lội chuẩn bị…” (trích nhật ký, trang 22).

Chợt nghĩ, 80 cây số thời bao cấp là cả một quãng đường dài dằng dặc. Nhưng giữa những ngày của thế kỷ 21 này, ngay tại Sài Gòn, từ nhà lên tòa soạn chỉ vài cây số mà cũng không thể. Đọc nhật ký của Trần Thanh Bình mới thấy cái đau đáu của anh với tờ báo và với nghề viết. Cũng nhờ đọc những trang nhật ký này mới biết các nhân viên nhà in Báo Thanh Niên từng bị mắc Covid-19 nhiều tới mức báo in phải tạm đình bản. Nhưng thông tin lúc ấy lọt ra ngoài theo một chiều hướng khác. Trong dịch virus này, thông tin xã hội cũng bị bóp méo nhiều và kinh khủng không thể tưởng.

Đọc 'Sài Gòn - Nhật ký cách ly' của Trần Thanh Bình: Những sự kiện của tâm hồn! - ảnh 3

Ngày thứ 14 giãn cách xã hội (tức ngày 22.7) Bình vẫn tiếp tục nhật ký, ghi chú tình hình tòa soạn và cập nhật ca nhiễm Covid-19. Nhưng anh vẫn không quên ghi chú thêm một vài “sự kiện tâm hồn”: “Buổi chiều, Sài Gòn hửng nắng. Rà phim để xem, gặp được một bộ phim nói về chủ đề kỳ thị chủng tộc ở Mỹ cuối thế kỷ 19, nhưng kịch bản được viết theo hướng rất nhân văn. Càng tiến tới giá trị dân chủ văn minh, quốc gia này càng coi trọng việc nhìn lại những sự kiện ấu trĩ một thời”… (trích nhật ký, trang 63).

Nhẹ nhàng. Không đao to búa lớn. Nhật ký của Trần Thanh Bình vừa cho thấy con người đời thường của một nhà báo, vừa bộc lộ những khoảng lặng trong tâm hồn một người đàn ông từng trải qua những trầm luân. Một con người luôn trăn trở với những việc làm tử tế, dù bé nhỏ. Thế giới này sẽ ra sao nếu con người không biết nhìn lại những sai lầm của mình?

Đọc 'Sài Gòn - Nhật ký cách ly' của Trần Thanh Bình: Những sự kiện của tâm hồn! - ảnh 4

sách của Trần Thanh Bình đón ánh nắng lọt vào sáng 24.12 trên bàn làm việc của tác giả bài viết Trần Nhã Thụy

TRẦN NHÃ THỤY

Tôi cũng không khỏi ngạc nhiên là Trần Thanh Bình lại làm nhiều thơ đến thế. Giữa những trang nhật ký khô khốc, thỉnh thoảng anh chèn vào những đoạn thơ đầy cảm xúc. Lại ngạc nhiên khi tác giả không chỉ tìm thấy vẻ đẹp nơi thơ ca, mà còn khám phá và ca ngợi vẻ đẹp của thể thao. Tình cờ, những ngày Sài Gòn phong tỏa, lại là những ngày diễn ra sự kiện Olympic Tokyo 2020. Lúc này nước Nhật cũng đang đối diện, chống chọi với Covid-19, nhưng vẻ đẹp của thể thao vẫn làm say mê bao người, trong đó có anh.

Quê Quảng Trị, tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Sư phạm Huế, lên Tây nguyên làm thầy giáo, rồi ngược về Đồng Nai để từ đó đi đi về về giữa Đồng Nai - Sài Gòn với nghề báo. Cuối cùng Trần Thanh Bình chọn một con hẻm nhỏ ở làng hoa Gò Vấp làm chốn an cư. Thấm thoắt đã mấy chục năm trôi qua. Những ngày lận đận tưởng không còn gì lận đận hơn tưởng không còn, thì bất ngờ dịch Covid-19 ập tới. Như bao người dân Sài Gòn khác, anh muốn làm gì đó để tri ân mảnh đất này. Đó không chỉ là lời nói suông, mà qua bao trang viết trong phần “Những nỗi niềm với Sài Gòn” mới thấy Trần Thanh Bình - con người của hành động.

Nhưng lúc này, có lẽ anh cũng như bao người khác cảm thấy mình yếu đuối và tổn thương: “Sài Gòn lắng nghe muôn nơi. Trong những thanh âm dội lại, có rất nhiều chia sẻ ấm áp. Và, cũng có không ít sự kỳ thị, chối từ. Chuyến tàu rời đi từ ga Sài Gòn về một tỉnh miền Trung, hành khách là những lưu dân tìm về quê hương bản quán đã không được đón nhận. Có gì đó gợn lên như thiếu đi sự cưu mang, gieo vào lòng nhát cắt nhói đau hoang hoải, gợi liên tưởng tới sa mạc hồn người” (Sài Gòn, những ngày… ốc đảo; trang 256).

Chưa bao giờ Sài Gòn rơi vào tình cảnh như thế. Ở đây, anh dùng từ “sa mạc hồn người” quá đắt mà cũng đau điếng vô cùng. Còn tôi thì lặng người đi khi đọc những dòng này của anh khi kết bài Lời tựa sách: “Xin tạ lỗi vì tôi đã - được - SỐNG”.

Thú thật là tôi cũng từng có cảm giác và suy tư như thế. Tôi thấy mình may mắn khi bình an trong đại dịch. Và, tôi thao thức, mong muốn làm gì đó để tri ân cuộc đời này, nơi mảnh đất này. Cảm giác mình không làm được gì. Nhưng tôi chưa thể nói những lời gan ruột tột cùng, thay tri ân bằng tạ lỗi như Trần Thanh Bình. Trong đau đớn này, dường như ai cũng là người có lỗi.

Nhưng sau hết, cuốn sách này gợi cho ta những suy nghĩ làm người tử tế và cảm xúc sống đẹp.

Đọc để nhớ những ngày… không muốn nhớ. Và, cũng có thể không còn nhớ gì ngoài những sự kiện của tâm hồn. Cái cuối cùng còn lại, phải chăng chính là những vẻ đẹp tâm hồn!

Tác giả Trần Thanh Bình, hiện công tác tại Báo Thanh Niên cho biết, trước những nỗi đau quá lớn do đại dịch gây ra, anh quyết định xuất bản cuốn sách Sài Gòn - Nhật ký cách ly để lấy một khoản kinh phí thực hiện tâm nguyện thiện nguyện (sách bán với giá 125.000 đồng/cuốn, có tặng thêm bộ postcard 6 tấm là những bức tranh vẽ trong mùa dịch của KTS Nguyễn Ngọc Dũng, một người bạn lâu năm). Toàn bộ số tiền bán sách lần xuất bản này, tác giả sẽ gửi vào chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên nhằm chung tay bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 tại một số quận huyện ở TP.HCM.

Đọc 'Sài Gòn - Nhật ký cách ly' của Trần Thanh Bình: Những sự kiện của tâm hồn! - ảnh 5

6 bức postcard tặng kèm sách của KTS Nguyễn Ngọc Dũng gửi tặng độc quyền cho tác giả Sài Gòn - Nhật ký cách ly

HẠ QUYÊN

Được sự đồng ý của Ban biên tập Báo Thanh Niên, tác giả sẽ phát hành cuốn sách tại Tòa soạn Báo Thanh Niên, số 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM. Bạn đọc có nhu cầu mua sách xin liên hệ trực tiếp Phòng Tiếp bạn đọc Báo Thanh Niên, từ thứ hai đến sáng thứ bảy, trong giờ hành chính.


===========


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét