Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Văn Cao – Tác giả của những bài hát lãng mạn tuyệt kỹ và tuyệt mỹ
Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Văn Cao vốn gắn liền và hoà trộn với dòng chảy của lịch sử nước Việt nói chung và tân nhạc Việt Nam nói riêng, với rất nhiều khúc quanh và những biến đổi lớn lao của thời cuộc.
Ngoài vai trò là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc với những bài hát được đánh giá là tuyệt kỹ và tuyệt mỹ, Văn Cao còn là một hoạ sĩ và là nhà thơ nổi tiếng.
Trong phạm vi một bài viết này, xin lược bỏ đi chi tiết về quãng đời hoạt động cách mạng của nhạc sĩ Văn Cao, chỉ điểm qua những dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông – một người có vai trò rất quan trọng trong dòng nhạc tiền chiến và tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu, dù cho những sáng tác trữ tình của ông rất ít, chỉ khoảng trên 10 ca khúc. Tuy nhiên chỉ với trên 10 ca khúc đó, Văn Cao được hầu hết người yêu nhạc và giới chuyên môn xếp chiếu trên trong số hàng ngàn nhạc sĩ sáng tác.
Những bài hát trữ tình của Văn Cao có một phong thái rất khác, mang tính khai phá và vượt lên trên tất thảy những người cùng thời, được chính người bạn thân là nhạc sĩ Phạm Duy rất ngưỡng mộ. Đó là những bài hát mang tên Thiên Thai, Trương Chi, Bến Xuân, Buồn Tàn Thu, Suối Mơ…
Tất cả những sáng tác trữ tình lãng mạn này được nhạc sĩ sáng tác chỉ trong thời gian ngắn, từ ca khúc đầu tiên Buồn Tàn Thu được ông sáng tác khi mới ở độ tuổi thiếu niên vào năm 1939, cho đến năm 1945. Tuy nhiên sau khi gia nhập Việt Minh, ông chuyển sang sáng tác những bài ca rực lửa cổ vũ cho kháng chiến, đó là Tiến Quân Ca, Tiến Về Hà Nội, Chiến Sĩ Việt Nam…
Thời gian sau đó, nhạc sĩ Văn Cao trở thành một cán bộ cốt cán, là tác giả của bài quốc ca từ năm 1945. Sau năm 1954 ông chọn ở lại Hà Nội, nhưng chính sách văn hoá của chính phủ VNDCCH thời điểm này không cho phép tồn tại một loại nhạc lãng mạn, “uỷ mị” với những mộng mơ bay bổng như trong các bài hát Trương Chi và Thiên Thai, nên những bài hát đẹp trác tuyệt này của ông đã bị cấm phổ biến, bản thân ông cũng dừng sáng tác nhạc lãng mạn từ thập niên 1950 để chuyển qua viết khí nhạc và 1 vài ca khúc nhạc đỏ. Trớ trêu thay, từ sau năm 1954, nhạc tiền chiến của tác giả Văn Cao vẫn vô cùng phổ biến ở phía nam vĩ tuyến cho đến năm 1975.
Cuối năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, cảm xúc dâng trào trước một biến đổi quá lớn lao, ông đặt bút để sáng tác trở lại một ca khúc nhạc trữ tình sau gần 30 năm, ca khúc mang tên Mùa Xuân Đầu Tiên, nhưng đáng tiếc là thời điểm đó bài hát này cũng không được cho phép phổ biến rộng rãi vì bị đánh giá là “nhạc uỷ mị”.
Nhạc sĩ Văn Cao được xem là một hình mẫu thiên tài trong lịch sử văn nghệ Việt Nam, tài năng nghệ thuật đa dạng mang tính tổng hợp cao giữa văn chương (thi ca) – âm nhạc – hội họa của Văn Cao đã sớm có những thành tựu lớn ngay từ khi mới 16 tuổi, dù ông không được đào tạo một cách thực sự chuyên sâu cả về âm nhạc và hội họa, và những thành công của Văn Cao trong hai lĩnh vực này được bắt nguồn chủ yếu từ khả năng thiên bẩm.
Những sáng tác của Văn Cao (âm nhạc và thơ ca) không nhiều số lượng, nhưng về mặt chất lượng thì chúng đều mang tính khai phá và mở lối, có ảnh hưởng mang tính định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại. Một số ví dụ điển hình, đó là vai trò đặc biệt quan trọng của ông trong sự định hình của thể loại tình ca, hùng ca và trường ca trong âm nhạc cũng như thể loại trường ca trong thơ hiện đại Việt Nam. Tuy nhiên những đóng góp về thơ ca và hội họa của Văn Cao vì nhiều lý do khác nhau mà ít được nhắc tới hơn rất nhiều so với những thành tựu trong âm nhạc của ông.
Là một người tài hoa vào loại bậc nhất trong lịch sử văn nghệ Việt Nam, nhưng ngay từ thời còn niên thiếu ở Hải Phòng, ông đã là một người có thiên hướng khép kín, trầm tư, ít bộc lộ bản thân trước đám đông. Sau biến cố Nhân Văn – Giai Phẩm cuối thập niên 1950, bị phê bình trước tổ chức, ông lại càng có xu hướng sống khép kín và cô độc hơn mặc dù luôn có gia đình và một số bạn văn nghệ thân quen làm chỗ dựa cho đến những năm cuối đời.
Khác với quan niệm truyền thống xưa nay về tài tử và giai nhân, cuộc đời của Văn Cao ít có những tiếp xúc mang tính lãng mạn với phái nữ vì như ông từng bộc bạch trong một cuốn phim tài liệu về mình rằng, “Tôi là một cái người luôn luôn thất bại về tình yêu, cái thất bại này là bởi vì tôi là người không giỏi về cách tôi giao lưu với những người đàn bà, mà lại đối với những người đẹp tôi lại càng bối rối, tôi không bao giờ nói được với người ta, thì tôi bèn nói trong thơ thôi.”
Về ngoại hình tính cách của nhạc sĩ Văn Cao, ông đươc nhiều người từng ở bên cạnh nhận xét là một người thân hình gầy nhỏ, thâm trầm, thường trầm tư một mình, sâu sắc trong giao tiếp, không có xu hướng thích lớn tiếng hay lên giọng bậc trên trong những cuộc chuyện trò. Những người từng đối thoại với ông, dù quen biết hay không quen, nổi tiếng hay không nổi tiếng, đều ghi nhận ở Văn Cao khả năng đưa ra những nhận định rất kiệm lời nhưng với sự chính xác và sắc sảo của ngôn từ đến độ ít ai nghĩ tới. Họ cũng ghi nhận ở Văn Cao tính cách khiêm tốn, luôn biết lắng nghe người đối thoại và cũng ít khi nói đến những gì thuộc về thành tựu sự nghiệp cá nhân ông, trừ khi người khác muốn tìm hiểu.
Nhạc sĩ Phạm Duy, người bạn tri kỷ hiếm có trong âm nhạc với Văn Cao, đã ghi lại trong hồi ký:
“…thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. Chắc chắn là đứng đắn hơn tôi. Lúc mới gặp nhau, anh ta chưa dám mày – tao với tôi, nhưng tôi thì có cái tật thích nói văng mạng từ lâu, kết cục, cu cậu cũng theo tôi mà “xổ chữ nho”. Nhưng Văn Cao bản tính lầm lỳ, ít nói, khi nói thì bàn tay gầy gò luôn luôn múa trước mặt người nghe”.
Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh năm 1923 tại Lạch Tray (nay là phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền), thành phố Hải Phòng, nhưng quê gốc ở tỉnh Nam Định.
Xuất thân trong một gia đình viên chức, cha của ông vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng. Thuở nhỏ, Văn Cao học ở trường tiểu học Bonnal, sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc.
Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành chung. Ông làm nhân viên trực điện thoại ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ việc.
Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ thế hệ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý… Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng với các nhạc sĩ Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận… và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là Buồn Tàn Thu vào năm mới 16 tuổi, trở thành một tuyệt tác của tân nhạc thời kỳ đầu.
Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, Văn Cao quen với Phạm Duy, người đang là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy, cũng là một trong những ca sĩ hát tân nhạc nổi tiếng nhất thời đó. Trong những chuyến lưu diễn dài ngày theo gánh hát dọc đất nước, chính Phạm Duy đã giúp cho Buồn Tàn Thu trở nên phổ biến khắp nơi. Sau này, nhạc sĩ Văn Cao đã tri ân người bạn của mình khi ghi thêm lời đề tựa cho ca khúc này là: Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn.
Tình bạn của Văn Cao và Phạm Duy, là 2 nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc, sau này vẫn được nhiều người nhắc lại với sự ngưỡng mộ, đặc biệt là khi họ vẫn dành cho nhau sự tôn trọng rất lớn dù sinh sống và phục vụ cho 2 chế độ khác nhau.
Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant – nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền – và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngoài ra Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy.
Trong thời gian này, nhạc sĩ Văn Cao đã sáng tác ra những ca khúc nay nhất trong sự nghiệp của mình, và có lẽ cũng là hay nhất của tân nhạc thời tiền chiến: Thiên Thai (1941), Bến Xuân, Thu Cô Liêu, Cung Đàn Xưa (1942), Trương Chi (1943)…
Xen kẽ với những bài hát lãng mạn này, Văn Cao cũng sáng tác 1 số bài hùng ca nổi tiếng, nhưng đỉnh cao nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông vẫn là những nhạc phẩm trữ tình giống như những nhạc sĩ tiền chiến khác. Có một điểm đặc biệt là dù sáng tác tân nhạc mang giai điệu của phương Tây, nhưng nhạc của Văn Cao ít bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà mang nặng âm hưởng phương Đông. Từ ca khúc đầu tay Buồn Tàn Thu, Văn Cao đã sử dụng ngũ cung để viết về một hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật châu Á: người phụ nữ đan áo ngồi chờ đợi.
Click để nghe Thái Thanh hát Buồn Tàn Thu trong băng nhạc do nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện trước năm 75
Sau Buồn Tàn Thu, ông còn viết hai ca khúc khác về mùa thu là Thu Cô Liêu và Suối Mơ. Trong đó Suối Mơ vốn là một đoạn của bản Trương Chi 1 được Văn Cao phát triển thêm và cùng Phạm Duy hoàn tất. Bản Trương Chi nổi tiếng sau này là bài Trương Chi 2.
Click để nghe Thái Thanh hát Bến Xuân trước 1975
Bên cạnh đề tài mùa thu, Văn Cao cũng viết hai ca khúc nổi tiếng khác về mùa xuân là Cung Đàn Xưa và Bến Xuân (Sau này Văn Cao viết lại lời mới cho Bến Xuân và đặt tên Đàn Chim Việt). Bài hát Bến Xuân được nhạc sĩ Văn Cao viết cho cô gái người Hải Phòng mà ông thầm yêu tên là Hoàng Oanh (người sau đó trở thành vợ của nhạc sĩ Hoàng Quý). Ông kể lại:
“Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát này”.
Hai ca khúc của Văn Cao được đánh giá cao hơn cả là Thiên Thai và Trương Chi, cũng có nội dung về những hình ảnh quen thuộc của phương Đông, những tích xưa được mang vào nhạc mới (tân nhạc) một cách độc đáo.
Bài hát Thiên Thai được nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế in năm 1944, được nhạc sĩ sử dụng ngũ cung để viết về một câu chuyện cổ và có tới 94 khuông nhạc, vừa mang tính trường ca, vừa mang tính nhạc cảnh. Văn Cao tự nhận mình là “Người sông Ngự”, đã ghi cảm xúc sáng tác bài hát này như sau:
“Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người sông Ngự đã lạc mất cảm xúc rồi!”.
Click để nghe Hà Thanh hát Thiên Thai trước 1975
Giống như Thiên Thai, bài hát Trương Chi cũng dựa trên tích chuyện cổ nhưng không phải là một truyện ca mà manh tính tự sự. Hình ảnh anh chàng Trương Chi trong bài hát cũng thường được so sách với hình ảnh của chính Văn Cao ngoài đời thực, một người có tính cách rụt rè trong giao tiếp với phụ nữ như ông đã tự nhận lúc sinh thời.
Tuy đa phần những ca khúc này đều chứa đựng một tâm sự buồn của bản thân ông, nhưng đó thực sự là những khúc tình ca bất hủ không chỉ của riêng nhạc sĩ Văn Cao mà còn là của cả nền âm nhạc Việt Nam.
Năm 1943 và 1944, người nghệ sĩ mang tên Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu được đánh giá cao và gây chấn động dư luận. Tuy được báo chí khen ngợi, nhưng tranh của Văn Cao không bán được. Ông trải qua một thời gian dài ở Hà Nội trong thiếu thốn. Cùng bạn bè, Văn Cao thường phải đứng bán các tác phẩm của mình trên các đường phố Hà Nội, Hải Phòng.
Năm 1944, Văn Cao gia nhập Việt Minh với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một hành khúc cổ động cho kháng chiến, đó chính là ca khúc Tiến Quân Ca, trở thành bài hát quốc ca của chính phủ VNDCCH từ năm 1945 và của nước Việt Nam thống nhất từ năm 1975.
Năm 1945, nhạc sĩ Văn Cao làm phóng viên và phụ trách mỹ thuật cho báo Lao Động.
Từ sau đó, Văn Cao lần lượt được tổ chức giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó ông đã làm cả những công việc liên quan đến an ninh, mật vụ, và được đề nghị ở lại ngành công an nhưng ông từ chối và nói rằng mình không hợp với ngành này.
Năm 1947, nhạc sĩ Văn Cao kết hôn cùng bà Nghiêm Thúy Băng, họ có với nhau 5 người con.
Cuối năm 1949, ông thôi làm báo để chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam. Thời kỳ này, ông tiếp tục sáng tác các ca khúc nổi tiếng khác như Làng Tôi (1947), Ngày Mùa (1948), Tiến Về Hà Nội (1949)… và đặc biệt là Trường Ca Sông Lô năm 1947.
Sau hiệp định Genève 1954, nhạc sĩ Văn Cao hồi cư về Hà Nội, làm việc cho Đài Phát thanh, nhưng rất ít sáng tác. Năm 1955, ông cầm bút trở lại, viết bài cho đặc san Giai Phẩm. Ông cùng với các nghệ sĩ của hai tờ báo Nhân Văn và Giai Phẩm khi đó chủ trương đòi hỏi tự do văn nghệ và sáng tác. Nhưng đến tháng 12 năm 1956 thì cả hai tờ báo này đều bị đình bản.
Cùng số phận với những nghệ sĩ khác của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm, tuy có muộn hơn, đến tháng 7 năm 1958, nhạc sĩ Văn Cao phải đi học tập chính trị. Từ đó tên tuổi của Văn Cao hầu như không còn xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ ở Hà Nội.
Những năm sau đó, Văn Cao kiếm sống bằng nhiều công việc khác nhau, như viết nhạc không lời cho các truyện phim và truyện kịch, trang trí sân khấu cho các đoàn kịch, vẽ quảng cáo các báo, vẽ nhãn diêm… Các tác phẩm nhạc trữ tình của ông, cũng như các ca khúc lãng mạn tiền chiến khác, không được trình diễn ở miền Bắc. Giai đoạn này nhạc sĩ Văn Cao hầu như không còn sáng tác nhạc.
Đến cuối năm 1975, Văn Cao viết ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên, là bài hát trữ tình đầu tiên sau gần 30 năm, và cũng là bài hát cuối cùng được công chúng biết đến. Nhưng ca khúc này bị phê bình vì không đúng với chủ trương văn hoá thời điểm đó. Cho đến cuối thập niên 1980, nhờ chính sách Đổi Mới của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, các tác phẩm của Văn Cao cùng những nhạc sĩ tiền chiến khác được biểu diễn trở lại.
Trong những năm cuối đời, sức khỏe của Văn Cao suy yếu rất nhanh và ông qua đời vào ngày 10 tháng 7 năm 1995, sau một thời gian mắc bệnh ung thư phổi.
Đông Kha
(biên soạn)
nguồn: nhacvangbolero.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét