Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

đọc thêm (1) : " một tiếng thơ phản chiến : Tần Hoài Dạ Vũ ( Vu Gia / tphcm) -- nguồn: vanhocsaigon

 

Một tiếng thơ phản chiến: Tần Hoài Dạ Vũ

VU GIA

VHSG- Ngày 26-3-1975, Huế giải phóng. Ngày 9-4-1975, Báo Nhân Dân đăng bài thơ “Mưa giải phóng” của Tần Hoài Dạ Vũ. Tôi nghĩ, đây là bài thơ đầu tiên của những cây bút trưởng thành từ phong trào sinh viên – học sinh ở đô thị miền Nam mừng ngày giải phóng được đăng trên tờ báo của Đảng.

Tần Hoài Dạ Vũ là người điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ. Những bài thơ của anh đăng trên các tạp chí văn nghệ có uy tín ở miền Nam, như Bách khoa, Văn… từ năm học lớp đệ tam (lớp 10), đã nói lên điều ấy. Thế nhưng qua bài “Mưa giải phóng”, giọng điệu thơ khác hẳn: “Cho tôi hét, cho tôi hò vỡ phổi/ Cho tôi ôm hôn tất cả mọi người/ Cho tôi uống no đầy hạnh phúc nhân dân/ Khi ngước mặt đón cơn mưa giải phóng”. Bây giờ đọc lại, có người cho rằng anh “lên gân”. Nhưng ai có tấm lòng nghĩ về đất nước bị chia cắt, nghĩ về gia đình ly tán, nghĩ về những chiếc khăn xô trên đầu thiếu phụ và những đứa trẻ thơ trong thời chiến loạn và thực sự sống trong mùa Xuân 1975, mới cảm thông sâu sắc tâm trạng hân hoan cực điểm, tưởng như quá đáng nhưng rất chính đáng ấy của Tần Hoài Dạ Vũ.

Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ

Thơ yêu nước ở miền Nam trước ngày giải phóng, được gọi bằng cụm từ “thơ phản chiến”. Và Tần Hoài Dạ Vũ là nhà thơ phản chiến. Tôi là người sưu tầm thơ anh đăng trên các tạp chí ở Sài Gòn trước năm 1975 và tạo điều kiện để anh hình thành tập thơ đầu tay: Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ (NXB Hội Nhà văn, 1992), nên cũng giật mình khi thấy cậu học sinh đệ tam đã viết được những câu thơ: “Dầu nhỏ bé – xác thân này dâng hiến/ Để bàn tay dài nối những bàn tay/ Nếu nằm xuống – vườn thanh bình chưa đến/ Vòng hoa cười cũng rực ánh sao bay” (Bách khoa, số 160, ngày 1-9-1963 – Ca khúc của người hai mươi tuổi). Đọc lại những câu thơ này, tôi không thấy lạ với bài thơ “Gửi tới một tương lai” của anh, viết sau đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968): “Những ngày trở về tôi sống bơ vơ/ Đi mãi về lòng mình lá chết/ Thèm một người quen mừng rỡ hàn huyên/ Chỉ thấy những người lính viễn chinh nói cười la hét/ Những đêm khuya gác tối không đèn/ Un buồng phổi khói tàn nhựa thuốc/ Muốn viết những bài thơ tố cáo bạo quyền/ Muốn viết những trang thư tình dù em không đọc/ Nhưng lòng khô bãi gió đìu hiu/ Chỉ còn nỗi chết im lìm hai huyệt mắt/ Sáng ngày mai rửa mặt, lang thang/ Đi gặp những hồn ma kêu vang mất nước…”. Ngày đó (1968), ở đô thị miền Nam, thơ đăng công khai mà dám viết “những người lính viễn chinh nói cười la hét” và công khai hai chữ “mất nước”, nếu không phải Tần Hoài Dạ Vũ là người thứ nhất, thì cũng là một trong số rất ít người!

Kẻ địch lớn nhất của mỗi người chính là bản thân của người đó, dẫu có người lập luận trên đời này, cái gì cũng có thể làm lại, chỉ có sinh mệnh mất rồi không thể làm lại được. Lớp trẻ chúng tôi ngày đó rất sợ vào quân trường, song dấn thân như một số bạn bè, thì cũng… sợ. Nhiều người trong chúng tôi nhìn chiến tranh là sự chết chóc vô nghĩa lý chứ không mấy ai nhìn chiến tranh như Tần Hoài Dạ Vũ: “Chiến tranh quất vào thân thể chúng ta bầm tím/ Chiến tranh quất vào quê hương chúng ta nghèo đói/ Anh lớn lên thì sự đã rồi/ Mọi chuyện đã dàn bày hận thù đã tới/ Tới cùng những cơn mưa nước mắt/ Tới cùng những giới tuyến những màu cờ/ Tới cùng lửa cháy tới cùng bom đạn”… (Tháng hai ở Huế, 1966).

Nhiều người trong chúng tôi tự an ủi mình, nói như người xưa nước nhu hòa, không tranh với vạn vật. Nhưng rồi cũng có người sớm ngộ ra trong cái nhu hòa ấy đá cũng phải mòn. Không tranh mà luôn chảy về phía trước? Không tranh tại sao thời khắc nào cũng biến hóa, hình dáng biến đổi, số lượng biến đổi, phương thức lưu động cũng biến đổi, đặc tính bản thân cũng biến đổi, gặp lạnh thành băng, gặp nóng bốc hơi… để rồi dung nhập vào biển lớn, hình thành uy năng bài sơn đảo hải? Và người thì vào bưng biền, người thì tích cực hoạt động cách mạng giữa lòng đô thị miền Nam, trong đó có Tần Hoài Dạ Vũ.

Trước ngày giải phóng, tầng lớp học sinh, sinh viên ở đô thị miền Nam rất thích đọc sách; và những triết lý hiện sinh, chủ nghĩa hiện sinh… có ít nhiều ảnh hưởng. Lớp trẻ học đường ngày đó hầu như ai cũng biết Jean Paul Sartre, Albert Camus, Karl Marx. Và cái tư tưởng sống ở đời thì phải lựa chọn, phải dấn thân, phải dám gánh lấy trách nhiệm về mỗi hành động của mình để có thể tìm thấy được ý nghĩa cho cuộc đời mình… của Jean Paul Sartre, thường được lớp trẻ chúng tôi nhắc tới khi có dịp ngồi với nhau. Nhưng mọi chuyện giống như người nhìn vào hồ cá để vẽ cá. Mỗi người đều vận dụng sở học của mình, song ai vẽ được cái thần của con cá trong hồ mới đáng kể. Tần Hoài Dạ Vũ đã vẽ được cái thần ấy. Và cái thần đó vẫn còn đọng lại trong tôi: “Tôi sẽ khóc bằng con tim của đá/ Ru êm đềm theo những bước đêm trôi/ Mà giọt lệ chút ơn đời đã rã/ Rơi xót xa trên bãi cỏ thiếu thời” (Giọng buồn của tượng). Ai đã từng được yêu và từng có những cuộc chia tay, thì mới thấy “Cái nắm tay bên cửa sổ toa tàu/ Như nốt nhạc rơi bên ngoài nỗi nhớ/ Như thời gian rơi bên ngoài đổ vỡ/ Kỷ niệm đầy vị ngọt của tương lai” (Những cuộc chia tay và trở lại).

Bây giờ, chúng tôi ai cũng tóc bạc da mồi. Nhìn lại chặng đường qua, tôi nhận thức được rằng có một số việc không nên hỏi có đáng giá hay không mà tự hỏi bản thân có dám làm hay không và chỉ cần mình đi tìm thì mới có thể tìm được con đường thuộc về chính mình. Tần Hoài Dạ Vũ đã đi tìm và tìm được.

Tần Hoài Dạ Vũ qua nét vẽ của CHÓE

Tần Hoài Dạ Vũ (bút danh khác: Nguyễn Giao Thủy, Nguyễn Kim Văn), tên thật Nguyễn Văn Bổn, sinh năm 1946, tại làng Giao Thủy, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế và cử nhân Văn khoa Huế, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Năm 1963, học lớp đệ tam (lớp 10), Trường Quốc học Huế, anh đã có bài thơ “Giã từ quá khứ”, đăng trên Tạp chí Bách khoa (số 153). Năm 1969, anh là Chủ tịch Sinh viên Đại học Sư phạm Huế, Phó Chủ tịch Hội đồng Sinh viên Liên khoa Huế. Ra trường, anh được bổ nhiệm về dạy học tại Trường Trung học Trần Cao Vân (Tam Kỳ), rồi làm Giám học (Hiệu phó chuyên môn) Trường Trung học Quảng Điền (Huế). Sau giải phóng, anh được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Điều hành (Hiệu trưởng) Trường Quốc học Huế. Năm 1978, anh chuyển công tác về Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam – Đà Nẵng, phụ trách nghiên cứu văn học dân gian, rồi vào TP HCM công tác tại Báo Thanh Niên. Hiện nay, anh sống và viết ở TPHCM.

VU GIA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét