Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

" nhà văn VU GIA [ i.e. Phạm Ngọc Phúc 1952 - ] Người tự lực làm văn đoàn "/ Vũ Ân Thy ( tphcm) -- nguồn: www.sggp.org.vn>

 Thứ Hai, ngày 24 tháng 1 năm 2022

Nhà văn Vu Gia - Người tự lực làm văn đoàn

VŨ ÂN THY




Vu Gia tên thật là Phạm Ngọc Phúc, sinh năm 1952 tại Quảng Nam. Đã xuất bản 30 đầu sách các thể loại văn, thơ, khảo cứu văn học… từ năm 1982. Đáng chú ý nhất là mảng sách nghiên cứu văn học, ngoài cuốn “ Hải Triều - Văn nghệ vị nhân sinh”, có 7 cuốn về các tác giả nổi tiếng của nhóm “Tự lực văn đoàn”. Ấy là “Khái Hưng – Nhà tiểu thuyết”; “Thạch Lam - Thân thế và sự nghiệp”; “Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học”; “Hoàng Đạo - Nhà báo, nhà văn”; “Trần Tiêu - Nhà văn độc đáo của Tự lực văn đoàn”; “Tú Mỡ - người gieo tiếng cười” và “Thế Lữ - Một khách tình si”.

Dân xứ Quảng nổi tiếng là làm cái gì ra cái ấy và máu tự trào. Nhà thơ Cao Vũ Huy Miên không chỉ ca bài chòi hay mà còn kể chuyện tiếu lâm số dzách. Một lần, Cao Vũ Huy Miên tưng tửng nói: “Mình là dân Quảng, nhưng về thành phố, chỉ ở những quận số lẻ, như quận 1, 3, 5… Thằng Vu Gia, dân xứ Quảng mà hên ghê. Vừa rồi gặp hỏi bây giờ ở đâu, nó nói: Nhà nước có ý định mời về số 1 Lê Duẩn (Hội trường Thống Nhất), mình nghĩ, cũng có tuổi rồi, ở đó rộng quá, chỉ nguyên chuyện quét sân, mệt chết, mình cám ơn từ chối. Cho nên vẫn chỗ cũ. Rảnh lại chơi”. Chúng tôi ngẫm nghĩ…. rồi bật cười vui. Hẹn lần lữa, gặp Vu Gia trước cửa tòa soạn báo Người Lao Động. Vu Gia lững thững đi ra miệng lẩm bẩm: “Con người có số ông ạ. Giờ này là giờ dương, mà gặp… các ông… không biết xui hay hên đây?”.

Vu Gia có cách nói chuyện… dễ ghét. Chỉ nhìn lên trời, nhìn đi chỗ khác. Tuyệt nhiên, không nhìn người đối thoại. Chúng tôi không lạ mà lại nhận ra, từ góc này, Vu Gia hiện rõ chân dung một nhà văn tự lực để làm nên một văn đoàn - hiểu theo nghĩa tự lực cánh sinh nghiên cứu, xuất bản một loạt sách, đặc biệt liên quan đến nhóm Tự lực văn đoàn trước đây. Nghĩa là từ lòng say mê, trách nhiệm, cộng với tính ngẫu hứng, anh đã xuất bản được những tác phẩm văn học ấn tượng và đáng trân trọng. Trong số 30 tác phẩm có 7 cuốn về các nhà văn nổi tiếng của nhóm “Tự lực văn đoàn”. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng là người con của xứ Quảng, đã từng “lưu ý”, khi trò chuyện với dân xứ Quảng họ hay nói nhiều nên chúng tôi phỏng vấn ngay.

- Giáo sư, Tiến sĩ văn học nghệ thuật Lê Ngọc Trà có nhận xét rất hợp với chúng tôi, rằng mấy năm gần đây, anh bỗng chuyển sang làm khảo cứu. Lúc đầu tôi ngờ ngợ, không biết anh làm thật hay làm chơi. Nhưng sau khi đọc cuốn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư… tôi thực sự khâm phục. Phục cái chí người viết, phục cái cái nhìn khôn khéo và táo bạo của tác giả?

- Tôi chỉ ở vai học trò, mãi là học trò. Tôi có may mắn ở chung khu nhà với nhiều nhà văn lớn như Trang Thế Hy, Lý Văn Sâm, Trang Nghị… Nghe chuyện họ kể, tôi nghĩ cứ ghi lại, sắp xếp… là thành truyện, thành thơ… Một nhà văn quê tôi là Phan Khôi có nói rằng, chỉ đến khi cái khăn trắng che mắt thì mới thôi học. Nhận xét trên là động viên những kẻ như tôi góp công cho hoạt động nghiên cứu, lý luận phê bình văn học… đang im ắng và lộn xộn hiện nay.

Cái may mắn thứ hai là khi thực hiện thành công Luận văn sau Đại học, với điểm 10/10 về nhà văn Khái Hưng, được sự động viên của GS Lê Trí Viễn và GS Trần Hữu Tá, tôi viết thành sách và được NXB Thanh Niên xuất bản. Theo tôi, đây là lúc chúng ta có cái nhìn hoàn thiện, công bằng hơn về một giai đoạn văn học Việt Nam, trong đó hoạt động và thành công của nhóm Tự lực văn đoàn cần được đánh giá, cân nhắc và khẳng định. Để làm điều đó, tôi suy nghĩ, chọn lựa và nghiên cứu dựng lại các chân dung văn học của Tự lực văn đoàn.

- Chúng tôi chú ý tới 2 tác phẩm của anh là “Hải Triều - Nghệ thuật vị nhân sinh” và “Tú Mỡ - Người gieo tiếng cười”. Xin lỗi, xin anh đừng thắc mắc, đừng “cãi”. Chúng tôi muốn anh trả lời. Hải Triều là một nhà lý luận văn nghệ Mác-xít, Tú Mỡ là một nhà thơ châm biếm, đả kích. Hai tác giả này anh viết hoành tráng và rất công phu. Tại sao?

Hình như câu hỏi này khiến Vu Gia có ấn tượng. Anh hào hứng cho biết, viết các chân dung văn học hoành tráng như vậy không thể không nêu những vấn đề lớn của lý luận, mà tất cả đều nằm trong lịch sử, hiện thực và tác động bền lâu của các tác phẩm do những nhà văn này sáng tạo nên. Viết sách về Hải Triều, nhà văn hóa tiên phong của văn học Mác-xít Việt Nam, Vu Gia không chỉ tôn vinh ông mà để khẳng định rằng, thời nào cũng cần những nền tảng lý luận chủ đạo.

Và Vu Gia cũng muốn đặt ra vấn đề, ngày nay hiện thực phong phú, đa dạng hơn, vậy thì tư tưởng lý luận của nền văn hóa Việt Nam là gì, thấm nhuần nó ra sao, sáng tác như thế nào… Bằng phương pháp luận khoa học, từ con người cụ thể đến văn chương, tác phẩm của Vu Gia công phu và đọc thú vị là thế. Viết về Tú Mỡ, Vu Gia không chỉ tôn vinh ông đã kế thừa những Hồ Xuân Hương, Tú Xương… mà còn đánh động một thực tế là hiện nay, công chúng rất cần một dòng thơ văn châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu đang diễn ra trong một xã hội phát triển nhanh để hội nhập quốc tế.

Có một thực tế, tấu hài là một thể loại trong sân khấu, tại sao văn học hài hước, châm biếm lại đang rất thiếu vắng. Chúng ta không thiếu tài năng, nhưng đến nay vẫn không có nổi một tên tuổi lớn. Hậu quả này là do cơ chế quản lý tổ chức hay do quan niệm nhận thức ngăn cản? Đó là những vấn đề lý luận mà Vũ Gia nêu lên với trách nhiệm nghiêm túc của một ngòi bút nghiên cứu, đáng trân trọng, trong thị trường sách nói riêng và tình hình văn học nói chung.

Chúng tôi hỏi: “Có cảm giác Vu Gia thật khôn khéo và chọn lựa… chỉ viết về những người đã khuất”. Anh nói ngay như cướp lời: “Nguyễn Du khi sống than rằng “Ba trăm năm sau, còn có ai thương khóc Tố Như”. Văn chương có giá trị đích thực, nó có cuộc sống lạ lắm. Khi nó tách khỏi phần xác của kẻ đã sinh ra nó, nó mới có đời sống thực. Nhà văn chết đi, tác phẩm vẫn còn sống, chúng ta phải tìm ra những tác phẩm đó và… tổng kết nó cho đời sau”.

Được biết, cuối năm nay cuốn “Thế Lữ - Một khách tình si” của Vu Gia sẽ xuất bản. Chắc chắn bạn đọc sẽ gặp lại một trong những nhà văn hàng đầu của văn học mới Việt Nam, mà tài năng của ông hiện lên trên nhiều phương diện: báo chí, thơ, văn, kịch, dịch thuật và quản lý tổ chức… sẽ được tái hiện dưới ngòi bút của nhà văn Vu Gia. 

VŨ ÂN THY



===========


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét