Thứ Hai, 13 tháng 12, 2021

' về nhà văn THANH NAM [ i.e. Trần Đại Việt 1931- 1985 ] ( tựa bài: Bt) / Ngộ Không-Phí Ngọc Hùng biên soạn -- trích " Ái Hữu Đại Học Sư Phạm Sài Gòn "

 Tác giả & Tác phẩm

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải. – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


Thanh Nam

Tiểu sử


Tên thật: Trần Đại Việt. Sinh ngày 26.8.1931 tại Nam Định. Mất ngày 2.6.1985 tại Hoa Kỳ.


Tác phẩm:


Giấc ngủ cô đơn
Buồn ga nhỏ
Còn một đêm nay
Những phố không đèn
Giấc ngủ cô đơn
Mấy mùa thương đau
Thơ xuân đất khách





Mục lục:


Vài hàng về tác giả
Hồi ức về thi sĩ Hồ Dzếnh…
Thanh Nam – Túy Hồng
Lần thăm cuối cùng – Mai Thảo
Buồn ga nhỏ
Đất khách thương nhớ Thanh Nam – Đặng Tiến
Vài kỷ niệm viết lách với Thanh Nam – Bình Nguyên Lộc
Nói chuyện về tiểu thuyết Việt Nam hiện nay
Thung lũng da đỏ Indiantown Gap, 1975 – Viên Linh
Thanh Nam – Võ Phiến

Phụ đính I:


Thanh Nam, chia tay “Đất khách” Viên Linh
30 Tháng Tư: đọc lại tập thơ “Đất khách”…-Nguyễn Đình Toàn
“Cái chuông” hay “ái uông”?
Nhật ký văn nghệ thời tuổi trẻ, Sài Gòn 1965 – Viên Linh
Thanh Nam trong hoài niệm – Văn Quang

Phụ đính II:


Thơ Thanh Nam

___________________


Vài hàng về tác giả


Nhà văn nhà thơ Thanh Nam tên Trần Đại Việt, người làng Mỹ Trọng tỉnh Nam Định, con một, thân phụ là Tổng Giám thị trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Nội ngày trước

.
Vì hoàn cảnh thân phụ có vợ bé, thân mẫụ ông bỏ nhà sang Lào cùng người anh ruột, Thanh Nam thoát ly gia đình năm mới 9 tuổi, đến tá túc nhà người cô mà ân nghĩa và tình thương nên ông nhận là mẹ.


Năm 1946, mới 15 tuổi, Thanh Nam đã được tờ báo Thiếu Nhi tại Hà Nội đăng thơ và mời cộng tác, và viết một số Sách Hồng cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh, trong khi ông phụ cho một cửa hàng sách, có cơ hội tìm tòi học hỏi qua không biết cơ man sách báo đủ loại, nên kiến thức rất rộng.


Ông bắt đầu viết vào năm 1950, mới 19 tuổi, dùng bút hiệu Thanh Nam.  Theo phu nhân anh là bà Tuý Hồng trong bài viết trên Văn Học số tháng 6, 1986, Hà Nội còn có tên Hà Thành, Nam Định có tên là Thành Nam, có lẽ ông lấy nguyên tên quê quán Thành Nam làm bút danh và sau đó bỏ bớt dấu huyền.


Thanh Nam vào Sài Gòn năm 1953, trước hiệp định Genève chia đôi Nam Bắc, và chỉ sau mấy tháng, mới 22 tuổi, được mời làm Tổng Thư ký báo Thẩm Mỹ, viết truyện ngắn, truyện dài, bình thơ độc giả,  phụ trách nhiều mục khác như Phụ nữ Gia Đình, Gỡ Rối Tơ Lòng …  và còn ký nhiều tên con gái như Sông Hương, Cô Hồng Ngọc, Bà Bách Lệ, Tôn nữ Đài Trang … và …  Thợ Cạo, được chính ông kể lại trong Hồi Ký 20 năm Viết Văn Làm Báo, đăng dang dở trên tờ Văn do Mai Thảo chủ trương tại Santa Ana.   Năm 1960, ông cũng hợp tác với nguyệt san Hiện Đại do Nguyên Sa và Thái Thủy chủ trương, và còn là Tổng Thư ký tuần báo Nghệ Thuật ở Sài Sòn, năm 1966 cùng viết bài trên tuần báo Kịch Ảnh.


Ông còn cùng Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Tô Kiều Ngân và nhiều văn nghệ sĩ khác phụ trách chương trình thơ nhạc Tao Đàn trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, Đài Quân Đội , … đặt lời ca cho một số nhạc phẩm, trong số phải kể bản Suy Tôn Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thanh Nam còn cộng tác với nhiều nhật báo tại Sài Gòn qua nhiều loạt truyện dài viết theo kiểu feuilleton, rất được đông đảo độc giả.


Ông lập gia đình cùng nhà văn Tuý Hồng tháng chạp năm 1966, có bốn con, một gái ba trai.  Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, tạm cư tại New Jersey miền Đông Bắc rồi năm 1976, dời sang vùng Tây Bắc, định cư tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, cộng tác với tờ Đất Mới, một trong vài tờ báo Việt ngữ đầu tiên xuất bản tại Hoa Kỳ từ tháng 7, 1975, do Huy Quang Vũ Đức Vinh sáng lập, và Thanh Nam làm Tổng Thư Ký rồi Chủ bút.  Ông phụ trách nhiều mục văn học nghệ thuật, ký thêm nhiều bút hiệu nữa như Việt Trần, Viễn Khách, Tiểu Lưu Linh, Đồ Say 


Sau 8 năm trên đất khách, ông mất vào ngày 2 tháng 6 năm 1985, sau ngót 4 năm chống chọi với chứng ung thư thanh quản, hưởng dương 54 tuổi.

Tác phẩm đã xuất bản của nhà văn nhà thơ Thanh Nam:


Hồng Ngọc (1957)
Người Nữ Danh ca (1957)
Buồn Ga Nhỏ (1962)
Giấc Ngủ Cô Đơn (1963)
Còn Một Đêm Nay (1963)
Cho Mượn Cuộc Đời (1965)
Bầy Ngựa Hoang (1965)
Giòng Lệ Thơ Ngây (1965)
Những Phố Không Đèn (1965)
Mấy Muà Thương Đau (1968)
Thuế Sống
Xa Như Dĩ Vãng
Gã Kéo Màn…
Đất Khách (1983)
____________________

Hồi ức về thi sĩ Hồ Dzếnh

Kỷ niệm còn tươi

Thanh Nam

Một trong những tin nhận được từ Sài Gòn khiến tôi bâng khuâng cả tuần lễ, là tin những quán cóc bên đường của cái thành phố thân yêu đó đã bị chánh quyền mới dẹp bỏ. Nói ra điều đó chắc ít người tin, nhưng chính là sự thật. Hình ảnh sâu đậm nhất để trong tôi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 không phải là hình ảnh những tòa buyn- đinh sang trọng, không phải là những con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ nườm nượp áo đỏ, áo xanh, mà chính là những cái quán bình dân mọc rải rác trên khắp đường phố Sài Gòn. Tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại gọi đó là quán cóc. Có lẽ tại tính cách lưu động của nó chăng? Bởi đa số những quán cóc lề đường đều là những chiếc xe bán nước giải khát và bia phía trên che tạm một miếng tôn, một mảnh gỗ, hoặc khá hơn là một miếng vải bố mang hình thể một chiếc lều.  
Người dẫn tôi đến làm quen với quán cóc đầu tiên là anh Hồ Dzếnh, nhà thơ nổi tiếng tiền chiến với hai tác phẩm Chân trời cũ và Quê ngoại. Đó là vào đầu năm 1953, tôi mới từ Hà Nội vào Sài Gòn. Anh Hồ Dzếnh lúc đó đang viết cho báo Thần Chung của ông Nam Đình, vừa dịch tin vừa viết feuilleton cho báo đó dưới bút hiệu Lưu Thị Hạnh. Chân ướt chân ráo tới Sài Gòn, tôi tìm đến Hồ Dzếnh ngay, bởi tất cả nhà văn sống ở Sài Gòn hồi đó, tôi chỉ quen có mỗi mình Hồ Dzếnh, tôi đến tìm Hồ Dzếnh vào lúc trưa. Anh Dzếnh giới thiệu tôi với ông Nam Đình lúc đó đang bận rộn với mấy hàng tít lớn trên báo chí khẽ gật cái đầu chào lại tôi rồi lại cắm cúi xuống trang bài vở còn ướt mực trên bàn. Hồ Dzếnh kéo tôi ra khỏi tòa soạn:
- Cậu đã ăn gì chưa?
Tôi cười, thú thật là từ sáng đi lạc đường nên chưa có gì vào bụng hết. Tác giả Chân trời cũ gật đầu:
- Nếu vậy mình đi ăn luôn.
Và anh dẫn tôi vào một quán cóc bên lề đường lúc đó còn ở đường Nguyễn Văn Thịnh, góc đường nhỏ ăn thông sang đường Tự Do rồi về đường Nguyễn Huệ. Con đường Nguyễn Văn Thịnh này hồi đó đầy những quán cóc và tiệm cơm bình dân trên hè. Chai bia đầu tiên tôi uống ở Sài Gòn do Hồ Dzếnh mời ở trong một quán cóc vô danh nơi đó. Và cũng là lần đầu tiên gã Bắc Kỳ mới lạ, tôi ngơ ngác trước cụ Hồ Dzếnh, về cách kêu món ăn ở trong Nam. Hồ Dzếnh đã làm tôi ngạc nhiên với những danh từ “la ve” và “mì khô”. Ở Hà Nội chỉ có mì nước với mì xào chứ không có mì khô. Hồ Dzếnh bảo tôi:
- Cậu định sống ở cái đất Nam Kỳ này thì phải tập ăn những món miền Nam. Mì khô, hủ tíu, giá sống và hột vịt lộn.
Thú thật lúc Hồ Dzếnh đưa tôi vào quán cóc, tôi đã thất vọng và hơi buồn vì cách xử của nhà thơ này. Tôi yêu Hồ Dzếnh, yêu thơ Hồ Dzếnh, yêu những truyện ngắn của Hồ Dzếnh trong Chân trời cũ, nhưng quả tình lúc đó không còn thấy yêu Hồ Dzếnh chút nào khi anh đưa tôi vào một quán cóc bên lề đường, mời mình ăn một bữa trưa với một chai lave với một tô mì khô hai vắt. Vừa từ Bắc vào, “máu Hà Nội” hãy còn đầy người, tôi chưa thể chấp nhận cái lối tiếp bạn tại một nơi... tạp nhạp như vậy. Nhưng tôi cũng cạn hết chai lave và ăn hết tô mì khô do Hồ Dzếnh mời. Đợi tôi ăn hết tô mì, Hồ Dzếnh hỏi tôi:
- Cậu thấy thế nào?
- Anh nói cái món mì này hả?
Tôi hỏi lại Hồ Dzếnh. Anh gật đầu:
- Phải. Bắc Kỳ mình làm gì có thứ này? Cậu ăn có thấy lạ miệng không?
Tôi thành thật cho Hồ Dzếnh biết là cái thứ mì này thua xa mì Hà Nội. Đói thì ăn hết vậy thôi chứ không thấy ngon gì hết.
Hồ Dzếnh vẫn cười:
- Nếu vậy thì cậu nên ở chơi Sài Gòn vài bữa rồi về Hà Nội chứ đừng nên ở đây lâu.
Nghiêm mặt lại, anh tiếp:
- Sống ở trong Nam này cần phải dễ dãi một chút. Từ ăn đến mặc, cần ngon, cần tốt.
Sang vấn đề viết văn làm báo, anh khuyên tôi nếu muốn sống được với cái nghề viết ở trong Nam thì cần phải viết những tiểu thuyết có tình tiết hấp dẫn, văn phải cho sáng sủa, giản dị chứ không cầu kỳ, bóng bẩy, xa xôi v.v... Cả một bữa trưa hôm đó, Hồ Dzếnh giảng cho tôi những bí quyết viết cho ăn khách ở miền Nam qua kinh nghiệm của anh trên báo Thần Chung. Tôi nhìn bậc đàn anh của mình lúc đó nói về nghệ thuật viết feuilleton cho báo hàng ngày mà không thể nào nghĩ được rằng đó là một Hồ Dzếnh thi sĩ của những bài thơ: “Trên đường về nhớ đầy, chiều chậm đưa chân ngày” và “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, nếu trót đi em hãy gắng quay về, đời hết vui khi đã vẹn câu thề, tình chỉ đẹp khi còn dang dở...”
Tôi thất vọng, thất vọng hết sức và từ biệt Hồ Dzếnh ra về. Có lẽ mình phải trở về Bắc mất thôi. Trên đường về tôi đã tự nhủ như vậy khi nhớ lại buổi nói chuyện với Hồ Dzếnh trong quán cóc cạnh tòa soạn báo Thần Chung.
Nhưng rồi, tôi đã trở lại Sài Gòn, làm báo viết văn hăng hơn ai hết, trở thành một thứ ký giả miền Nam ngay cả trong lời hành văn và trong đời sống nghề nghiệp, khiến nhiều độc giả cũ đinh ninh tôi là người miền Nam viết văn. Trong khi đó, hiệp định Genève, Hồ Dzếnh lại trở về Bắc... lấy vợ. Nghe nói vợ anh là chủ một tiệm sách. Từ đó có nhiều dịp đọc báo chí miền Bắc nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy một bài nào ký tên Hồ Dzếnh nữa. Hơn 20 năm, bao nhiêu biến đổi, giờ này nếu Hồ Dzếnh còn sống chắc cũng đã già yếu lắm, gần 60 tuổi rồi... không rõ anh có còn nhớ câu chuyện viết feuilleton làm sao cho ăn khách trong một quán cóc vô danh đường Nguyễn Văn Thịnh Sài Gòn?
Riêng tôi thì sau hơn hai chục năm lăn lóc trong làng báo miền Nam, những quán cóc lề đường của Sài Gòn đã trở thành một kỷ niệm không bao giờ có thể quên. Từ hồi còn làm thư ký tòa soạn cho tờ Thẩm Mỹ ở đường Phạm Ngũ Lão, bấy giờ còn gọi là đường Colonel Grimaud, cho đến những năm gần đây viết cho tờ Tia Sáng ở đường Phát Diệm, số thời gian la cà trong quán cóc của tôi có thể nói là ngang với thời gian ngồi trong các tòa soạn viết bài.
Sài Gòn đổi mới, Sài Gòn muốn làm đẹp nên Sài Gòn dẹp bỏ những quán cóc đó. Chuyện này đối với những người khác thì chẳng có ý nghĩa gì --nhiều người còn cho đó là điều hợp lý nữa-- nhưng với tôi đó là một trong số những tin buồn từ quê nhà đưa sang. Bởi từ hình ảnh những quán cóc đó, tôi nhớ lại những con đường quen thuộc Sài Gòn mà tôi đã qua lại nhiều lần trong một ngày, những con đường mang tên Phạm Ngũ Lão, Võ Tánh, Lê Thánh Tôn, Phát Diệm. Nhớ đến những bảng hiệu Tiếng Vang, Nghệ Thuật, Tia Sáng, Trắng Đen, Kịch Ảnh, những buổi trưa cùng một số anh em từ các tuần báo đổ về họp mặt. Mỗi buổi trưa trở thành một buổi hội khó quên. Biết bao nhiêu bộ biên tập đã được khai sinh từ những buổi trưa họp mặt đó, bên cạnh những đĩa tôm khô, củ kiệu, những đĩa xì oát, những tô mì khô, những trái soài tượng chấm mắm ruốc, những trái ổi xanh bên những chén muối ớt đỏ tươi, những con khô mực nằm kề bên chén tương pha trộn hai màu đen đỏ, những dãy vỏ chai 33 sắp hàng theo chiều dọc chiều ngang của từng chiếc bàn gỗ ọp ẹp...
 
Bây giờ, sống trên đất Mỹ, xa lộ thênh thang, đường phố sạch bóng, nhiều lúc thấy thương, thấy nhớ vô cùng những con hẻm tối tăm và nhất là những buổi chiều từ sở ra về, thấy thèm hết sức cái không khí quán cóc những buổi trưa nào ở Sài Gòn thuở xưa.  
Tôi nghĩ đến số bạn bè cũ hiện ở Sài Gòn, những gương mặt thân thuộc suốt 20 năm nghề nghiệp không hiểu bây giờ ra sao? Cơn bão lớn của thời thế vừa qua đã thổi những số phận đó đi đâu, về đâu? Và có lúc nào tình cờ đặt chân lên một thành phố cũ, nhìn lại dấu tích của một quán cóc ngày xưa, họ có còn đủ bâng khuâng nhớ lại một đôi chút kỷ niệm còn tươi như một vết thương chưa lành?


Thanh Nam

Túy Hồng

Thành phố Ramsey khốn khổ ngâm lạnh. Bầu dưỡng khí chúng tôi đang thở toàn một màu xám chì. Lề đường, cột điện đóng tuyết buốt băng, hàng cây cao cố gắng đứng thẳng. Thời gian lo âu thở dài. Gió thỗi thốc ngược từ dưới lên đập mạnh vào hông nhà. Trời màu lam tê tái, mây màu lưu huỳnh, giá băng đóng trên mặt đường màu trắng. Không một con chó nào dám xông ra khỏi nhà đi đêm, không một con mèo nào nhẩy lên mái ngói gào kêu. Khi chúng tôi theo họ đạo đi lễ về thì tấm khăn len choàng cổ Thanh Nam đóng băng và hơi thở chàng nặng.
Truớc khi đi nhà thờ, Thanh Nam đã nướng sẵn trong lò sưởi một viên gạch để khi trở về sẽ gói vào tấm vải len cho vào mền. Mấy thằng con kêu: “nóng quá bố ơi!” rồi chúng đạp tung tấm chăn xuống thảm.

Năm 1975 tị nạn trên đảo Guam, Thanh Nam đã kêu đau cổ vì bị một vết xước bên trong cuống họng  ngày nào cũng ho. Chàng giải thích: “Anh ho từ cổ trở lên, chứ khong phải từ phổi bật ra. Đau cổ không sao, đau ngực mới đáng sợ.”
Khi ra trại, Thanh Nam không uống nứơc cam được nữa, chàng nhăn mặt khi nhìn trái chanh chua. Ruợu chát ấm cỗ chàng nhâm nhi mỗi ngày , bia và thuốc lá thì không làm sao bỏ được!
Đầu tháng tư 1976, chúng tôi nói  "Amen" với họ đạo rồi dời về Seattle. Thời tiết Tây Bắc hiền và bao dung kẻ nhát lạnh không như thứ khí hậu miền Đông. Thanh Nam cười bảo: “Thời tiết Seattle chỉ lạnh chừng này thôi sao? Cửa sổ chỉ một lớp kính, ở New jersey, cửa sổ phải ba lớp dày, máy sửơi chạy bằng hơi nước phát ra tiếng ồn êm ái.”
Về đất mới, Thanh Nam bớt ho và dễ thở hơn, mỗi ngày nhâm nhi rựơu chát và tì tì nhậu budweiser.  Và chàng nhớ bia 33.
Nhưng  sau chừng vài ba năm, Thanh Nam lại ho ra máu. Nhiều bữa tối, chàng không nuốt nổi miếng cơm kẹt nửa chừng trong cổ, phải uống nứơc đẩy xuống. Đi khám bệnh, bác sĩ cho uống trụ sinh thấy bớt. Khi cơn ho trở lại, cũng trụ sinh luôn. Lập đi lập lại nhiều lần, trụ sinh đâm nhờn. Bạn bè ai cũng khuyên nên đi rọi hình, thử test.
“Anh đau lâu quá rồi, phải đi bác sĩ ở nhà thương Mỹ"
“ ở Mỹ, sao không đi nhà thương Mỹ ?”
Thanh Nam cãi: “Moa chắc là cổ moa bị nhiễm trùng, uống trụ sinh chắc sẽ khỏi”.
Thanh Nam không đi nhà thương mà chỉ đi vào nhà bếp nấu phở.
Trên cổ chàng dần dần hiện ra những cục tròn nhỏ, từ từ lớn dần thành khối u. Cuối cùng, chị Lai Hồng khuyên được chàng và chở chàng đi khám bệnh.
Bác sĩ Faith giải phẫu cổ chàng, cắt bỏ ống nói và ống dẫn hơi rồi khoét một cái lỗ nhỏ cho chàng thở.
Dr. Faith giảng: “Loại cancer này sau khi giải phẩu thì thường khỏi bệnh, nhưng vì để lâu quá, bệnh đã lan ra những bộ phận khác. Nếu biết sớm, cắt bỏ đi thì tuy mất tiếng nói nhưng còn giữ được cái mạng".
Tôi đặt câu hỏi: "Chồng tôi có thể sống đựơc bao lâu?"
“Several months".
“Nghĩa là bao nhiêu năm? Thưa bác sĩ".
“ I don’t know".

Chín năm chung sống ở Saigon, Thanh Nam không phải là người chồng tốt. Chúng tôi lấy nhau có đám cưới nhưng không có hôn thú. Khi con gái đầu lòng học hết lớp mẫu giáo, chàng mới chịu đóng tiền đút lót một ông lý trưởng ở Quảng Nam để ông ta cấp cho một tờ hôn thú lậu và làm giấy thế vì khai sinh cho con.
Giấy tờ giả làm xong, Thanh Nam nói: “Anh rất quý bạn bè bằng hữu. Giữa bạn và vợ, nếu bắt buộc phải chọn một, thì em là người anh bỏ”.
Bạn hiền của Thanh Nam là tất cả đàn ông chàng đặt lòng thành và tình hiếu hữu. Khi đất nước còn chia đôi hai khối hận thù, miền Nam nằm dưới miền Bắc, chính quyền miền Nam cải tổ toàn thể cục diện, thành lập bộ chiêu hồi tượng trưng bằng một vòng tay ấm dang rộng ra để ôm lấy anh cán binh Việt cộng quay về chính nghĩa. Lòng Thanh Nam cũng bao la như cánh cửa chiêu hiền, cũng rộng mở như thùng thư trước ngõ mang tên số nhà chàng ở, cũng ấm như hộp PO.Box đặt trong sở bưu điện và nhẹ như con tem dán vào góc bì thư gửi tình theo gió mang đi.
Huy Quang Vũ Đức Vinh bảo:
“Nó với Mai Thảo... chơi đêm ngủ ngày, một đằng thì uống bia, một đằng thì đánh bài, một năm dọn nhà bốn lần, vợ moa cấm moa chơi với hai tay này".
Nhà văn trẻ Nguyễn Thiếu Nhẫn cũng nói: “Có... có khi... hồi còn độc thân ở Sài Gòn, anh Thanh Nam tiêu nguyên một tháng lương vừa mới lãnh ra... trong... một đêm".

Tháng chạp năm 1966, tôi gặp Thanh Nam lần đầu và lấy chàng ngay trong ngày cuối tháng đó thì Thanh Nam đã là một lực sĩ đuối sức trên hai vòng đua tình và tiền.
Khi một phụ nữ gặp gã đàn ông chưa quá vài lần mà đã ngủ với hắn ngay và lấy hắn làm chồng liền, đó là hoả hoạn của tình dục, của hoang dâm bấy lâu đè nén đã thừa cơ bật dậy. Những cuộc hôn nhân vội vã như thế này thường xuyên có thể đưa đến đổ vỡ, nhưng Thanh Nam và tôi lì lợm chung sống với nhau hoài bên bầy con bốn đứa. Hôn nhân của chúng tôi đứt đôi vì có một cái chết.
Thanh Nam xoè bàn tay ra :
“Em ngửi tay anh có thơm mùi nho khô không?”
Những điếu thuốc lá Pall Mall nhẹ thơm mùi nho khô. Những ngón tay thuôn dài của Thanh Nam nám màu khói thuốc. Thanh Nam ngồi đâu thì chỗ đó tất phải có lon bia Hams và bao thuốc lá Pall Mall màu đỏ bầm.
Dr.Faith bảo: “ Thuốc lá có thể gây ung thư cổ họng".
Đến với Thanh Nam trong tình yêu vỡ lòng là Hồng Ngọc, cô gái yểu mệnh chết non trước đợt di cư 1954. Hồng Ngọc là tên truyện viết đầu tay của Thanh Nam, người yêu nhỏ lìa đời trong tuổi thanh xuân 18, lúc dong chơi trên ngọn đồi cát màu vàng loãng, dưới hình mặt trời tròn như cái đĩa đồng và những khối mây lớn xù lông trắng đục.
Khi ung thư giết chàng lần mòn, Thanh Nam vẫn mộng thấy nàng:
Cùng với giá băng em trở lại
Tóc xưa Hồng Ngọc thuở xuân nồng
Thương yêu siết nhẹ vòng tay cũ
Em gọi tình xa tỉnh giấc gần.
Thanh Nam
Sàigòn cũng có những tháng ngày ướt mưa và sương rơi  từ những đường thẳng trên cao xuống các mái tôn và ống máng trong hẻm dài, Thanh Nam khoác áo ra đi theo hướng ánh điện đỏ vàng dẫn tới rạp hát Bích Thuận lúc trên sân khấu người đẹp Bích Sơn đang diễn xuất một màn ca kịch bi thương, để đêm đó Thanh Nam về nhà rung đùi uống bia, đốt thuốc lá viết câu đối đăng lên báo Thẩm Mỹ:
“Kiều nữ Bích Sơn, nàng đứng nhìn gì trên núi biếc?”
Rồi mũi tên Cupid lại chỉ đường Thanh Nam dến một sân khấu vĩ đại hơn, một vòng quay ánh sáng chói mắt hơn, một đám đông xô bồ chen chúc người mộ điệu: Đoàn ca kịch Thanh Minh Thanh Nga. Chàng đã bứng cây si từ Kiều nữ Bích Sơn sang Kỳ Nữ Thanh Nga, huy chương vàng quý báu nhất của miền Nam trái ngọt cây lành. Cải lương ngọt như sầu riêng, mít tố nữ, ổi xá lị, mãng cầu dai.
Trưa Lái Thiêu xưa vườn tiếp vườn
Trĩu cành trái ngọt thở hương thơm.
Thanh Nam
Hồi đó, nếu Sàigòn là hòn ngọc Viễn đông thì Thanh Nga là một của những hòn ngọc Sàigòn. Đêm đêm, nàng hát nhạc vàng, ca vọng cổ, đóng tuồng tích trên bục gỗ... nàng có một cuộc đời thật để sống và nhiều cuộc đời ảo cũng để sống... nàng có tiền, vàng, và nhà... Nhưng quả thật Thanh Nga là người nữ tù bị nhốt trên sân khấu, là Hằng Nga ngủ ngày, xa cuộc đời, xa xã hội, nàng viễn mơ và viễn thị không mấy hiểu cuộc đời. Những lúc không lên sân khấu, nàng đã đọc truyện tình do Thanh Nam viết và đọc những bài phóng sự kịch trường Thanh Nam đề cao nàng. Tình yêu quả có thật giữa họ. Thanh Nam, với công việc của một ký giả kịch trường, bao phen đã khó khăn xông vào bedroom của nàng để phóng vấn viết bài cho báo. Thanh Nga ngay ngắn ngồi tiếp chàng trong chiếc kimono đẹp như tranh vẽ. Họ nhìn nhau qua khói ấm tách trà nhỏ.
Nay đã nghìn thu vào tĩnh mịch
Những anh hùng cũ mỹ nhân xưa.
Thanh Nam

Khi còn ở quê nhà trước năm 1975, Thanh Nam đã phát hiện sở thích đi chợ mua đồ ăn. Mấy bà hàng xóm trong hẽm cụt Lý Thái Tổ thỉnh thoảng ré lên cười:
“Coi kìa! ông nhà báo đi chợ để vợ ở nhà".
“Đôi giày láng lườm của ổng dính dơ bùn chợ hết rồi! Coi coi... ông ta cố dấu bó rau muống trong túi ny lông nhưng cái bó muống nó dài quá, nó cứ thòi ra không thụt vào".
Ngày tháng êm trôi trước khi bệnh, Thanh Nam đi chợ không do dự, mỗi tuần lễ ba lần sau giờ làm việc cho báo Đất Mới. Hồi còn ở miền đông, ông bạn Trần Đình Hồng Lâm đã kêu: ”Tính toa sao lạ vậy, chứ moa thì không thể nào muốn đi chợ chút nào hết!”
Tôi lắc xắc xen vô: “Safeway, Fred Meyer, Alberson... là những nơi chỗ vui chân mà Thanh Nam mến thích, còn tôi thì mỗi tuần lễ đi chợ một lần là quá cỡ!”
Ba thằng con trai cũng thường theo bố mẹ đi chợ hồi mới đến Seattle. Một sáng chủ nhật, Thanh Nam hối hả giục cả nhà đi Safeway mua xương bò nấu phở Bắc. Nấu phở mệt phờ người ra, nấu xúp bui-da-bét... lòng tôi cũng bét nát ra luôn vói món xúp này... ai trong cái nhà này phải đứng nhặt giá, rửa rau, cắt củ cải, xắt hành, thái thịt bò, nướng gừng, luộc bánh phở và may một cái túi nhỏ xíu đựng gia vị phở Bắc quê hương... Khi công việc của người bếp phụ xong, đầu bếp chính Thanh Nam bước vào bên bếp điện, mở tủ lạnh lấy xương bò ra tắm rửa kỳ cọ, cắt bỏ mấy cục mỡ thừa vứt đi, rồi nêm vào thùng nước dùng ba muỗng nước mắm,một dúm bột ngọt, một cục đường phèn Quảng Nam, nửa cục đường phổi Quảng Ngãi!
Chàng phân tích: “Người Huế không nấu ăn ngon được vì họ ăn cay quá, nấu phở cần phải tận tình đứng vớt bọt, nhưng đừng vớt mỡ thẳng tay quá! Khi thưởng thức tô phở, em nên biết rằng phở cần chút nước béo, vài ba giọt sao óng ánh".
Cầm đôi đũa cả trở lát thịt xào lăn trên chảo mỡ, Thanh Nam bảo: “Ở Việt Nam, anh đã ăn cải làn, bí đao, bầu... Sang đây, anh không thể nào ăn zucchini và brocoli được. Ăn phải đúng cách, nấu phải đúng kiểu, món nào ra món đó".
Một chiều thứ bẩy trong Safeway thịt bò bán đại hạ giá, buy one get one free. Thừa lúc Thanh Nam mãi chọn mấy miếng thịt thăn, thịt mông, ba rọi... thằng con lớn đẩy xe đi chất hai két nước ngọt.
Thanh Nam nạt: “Không được mua nhiều nước ngọt như vậy".
Thằng bé vặn hỏi: “Tại sao không được hả bố? Coi! Bố mua bao nhịêu két bia kìa!”
“Bố lớn, mày nhỏ".
“Mình equal mà bố”
Tôi chen vào: “Mình bình đẳng mà bố".
Khi đồng hồ trong chợ chỉ đúng vaò số 5, thời gian ấm nhất của ngày, thằng con lớn đòi về nhà gấp, Thanh Nam bảo tôi gọt vỏ khoai tây, cắt thành khối vuông nhỏ để chàng làm mashed potatoes. Cao thủ đầu bếp trong ngôi nhà Lỗ Tấn này sở trường nhiều món chứ không phải một vài! Khoai tây nghiền bấy xong, Thanh Nam trộn thịt jambon vào rồi dùng thìa lớn múc ra bốn đĩa cho bốn đứa con đang há miệng như bốn cái mỏ hoét.
“Non quá bố ơi!”
Thanh Nam cười giỡn thằng Cu Tý: “Bố ngon mà con...À bố tên gì?”
“Xanh Nam !”
Thanh Nam quay lại bếp điện xúc thêm một đĩa khoai bấy đưa cho tôi:
“Em ăn đi".
Thứ bẩy tuần sau, trẻ con không chịu đi shopping với bố mẹ. Khi ở chợ về, tôi chạy vội vô nhà, vì mấy ngày trước, họ đạo ở miền Đông điện thoại  cho biết đã gửi hai thùng áo quần và đồ chơi cho trẻ con.
Thanh Nam khệ nệ xách hai túi đồ ăn từ xe vào bếp cất giọng cà khịa:
“Ra xe đem đồ ăn vào chứ em, em để một mình anh phải xách hai cái túi này nặng... nặng nặng... đựng hai ga lông sữa bò ở trong".
Ba thằng con vội chạy ra bê đồ ăn vào một phút xong ngay.

Ba năm trôi mau, vầng trăng chưa qua hết mấy chu kỳ sáng tối thì Thanh Nam vào bệnh viện, mổ, khám và tái khám.
Sau cuộc giải phẩu rùng rợn, Thanh Nam vẫn gượng gạo khoẻ mạnh, bộ mặt thụng xuống dưới áp lực của ống nhựa, ống hút đặt trong mũi trong miệng.
Từ ngày mất tiếng nói, chàng viết: “Ngày xưa ăn chơi, sang Mỹ bỏ chơi chỉ còn ăn... Một thằng khoái ăn ngon như anh mà trời không cho đớp".
Rồi lại viết: “Cái khổ của kiếp người là chỉ có một đời để sống mà lại có quá nhiều đời khác để mơ".
Mỗi tuần lễ, Thanh Nam đều soạn sẵn một thực đơn:
- Chủ nhật ngày 10 tháng 6: Cơm thịt bằm xào dưa leo hoặc cà chua nhồi thịt.
Canh sườn heo rau cải xanh, hoặc bí đao.
- Thứ hai ngày 11 tháng 6:
Gà nấu nấm ăn với cơm hoặc bánh mì.
- Thứ ba:
Spaghetti ăn với sauce cà chua.
Gà nấu nấm (left over}
- Thứ năm ngày mười bốn tháng sáu:
Phở.
Ngâm gạo nếp nấu xôi.


Thanh Nam đọc sách, ôm kinh Phật tung âm thầm, cố gắng tập thể dục thực hành những lời thiền chỉ dạy. Hàng phục vọng tâm, an trụ chân tâm. Có những đêm thức giấc, đứng sau cửa kính mờ, Thanh Nam nhìn  ra ngoài trời không trăng sao, có những ngày an phận nín câm, Thanh Nam đi tới đi lui, ngồi nằm... Có khi con cái tan trường về, Thanh Nam vui cười nấu ăn, coi tivi, lòng thư thái an lành như lá bạch dương êm ái chạm vào nhau khi có gió. Còn tôi ngồi bên cạnh, tôi nghe bộ tiêu hoá của chàng réo sôi ùng ục, đồ ăn cử động trong bao tử, chuyển từ ruột non tới ruột già xuống hậu môn. Bằng hũu đến thăm, gửi thư gửi thiệp chúc mừng. Thơ và văn, thiền và thuốc, và những cơn đau khủng khiếp vỡ đầu bể ngực từ cái ống nhựa đặt trong cổ thay thế cho thanh quản, khí quản gì đó phải cắt bỏ vứt đi, và từ những phản động hoá học của thuốc mê, thuốc tỉnh, thuốc viên, thuốc nước, thuốc bột, trụ sinh, an thần, morphine.

Thi sĩ Huyền Không, tức là Hoà thượng Thích Mãn Giác, viết thư thăm, gửi theo hai câu thơ.
Ta từ vô sinh tử về chơi
Ngồi trên chóp đỉnh, mỉm cười với trăng.
Huyền Không
Thầy Mãn Giác khuyên tôi đừng quá sợ hãi bệnh hoạn của thân xác, nên an nhiên tự tại - chữ của nhà Phật - có nghĩa là mặc kệ, để đó, dẹp đi... chấp nhận cái bất hạnh, như cậu bé mỉm cười với trăng. Tôi hãy chuẩn bị lo cho Thanh Nam một ba lô nhẹ, một va li nhỏ để chàng dễ dàng xách theo trong chuyến đi chót. Đôi mắt sắt đá của tôi có bao giờ biết khóc? Thầy Mãn Giác vẫn dạy tôi những bài Thiền học để tâm tính đằm lại. Người Mỹ đã bắt đầu học Thiền để mưu lợi cho sức khoẻ và cầu an cho tâm thần. Sao tôi mãi mãi mang nặng những khổ đau vô thần? Chàng em trai của tôi vẫn mắng tôi như vậy.
Thanh Nam đem xấp giấy ra viết xuống:  "Thích Mãn Giác ngày xưa có theo Cộng sản không? "
Trông Thanh Nam lúc đó giống như một chiến sĩ H.O. Tôi trả lời:
“Không. Báo Mỹ bảo Thầy là một chiến sĩ chống Cộng. Thầy là một Thiền sư vẻ mặt tương tợ như một Samurai trong các môn võ thuật Nhật bản".
Tôi kéo ra từ trong trí nhớ mấy câu thơ của thi sĩ Huyền Không:
Chùa xưa mái ngói cũ
Trèo lên kéo cây sào
Đêm  khuya rồi không ngủ
Khều rụng bao nhiêu sao.
Thầy Mãn Giác một lần hỏi tôi: “Chị Túy Hồng còn nhớ tên người đàn bà Việt Nam đầu tiên vào chùa tu là gì không?”
Sư Huyền Không hứa sẽ gửi thêm một số tài liệu Phật pháp trong đó có chương bàn về Mạn Đà La.
Thầy Mãn Giác ngày xưa tu học ở chùa Bảo Quốc Huế, du học tại Nhật Bản.
Chùa Bảo Quốc xưa, một hàng thông xanh, một một luống cải xanh. “Gió thông đưa kệ tan niềm tục, hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời." Bươm bướm toả ra một đoàn rộng cánh bay, ve ve thì tụ lại trong các lùm cây. Gần chùa có một tiệm cho thuê xe đạp, hai ba cái lốp xe bằng cao su và những xích sắt treo vào vách. Ngày đó một mình, tôi đạp xe qua cầu Ván, rượt tới Morin, ghé Sát-Făn-rông mua bánh choux à la crème, rồi phóng tới ngã giữa. Tiệm cho thuê sách Ngô văn Mạch mở cửa bảy ngày trong tuần. Tôi ký tên vào cuốn sổ cũ mướn mấy cuốn tiểu thuyết của văn sĩ Thanh Nam về nhà đọc.

Thanh Nam đã viết quá nhiều tiểu thuyết loè loẹt màu sắc xã hội đắng cay, viết một cách dễ dàng và kiếm sống bằng ngòi bút của mình...  Chàng viết cho bà nội trợ đọc, cô bán hàng đọc, nữ sinh, nữ công chức đọc... và đã bắt đầu viết khi tuổi đời còn sớm bảnh mắt, khi trí khôn và sức học chưa đủ cho một người cầm bút. Thanh Nam dùng thì giờ để đi chơi nhiều hơn thì giờ ngồi viết bài. Đây là một lỗi lầm không phải nhỏ. Người tu sĩ bỏ đời theo đạo, người nghệ sĩ, kẻ đã nghe tiếng gọi của nghiệp dĩ từ cao xanh, phải cố gắng thí phát thì giờ của mình vào nghệ thuật. Người nghệ sĩ Việt Nam luôn luôn nên cố gắng trau dồi khả năng,tức là phải học hỏi thêm. Trước cái đẹp, nhà văn cảm xúc mười phần, hắn viết xuống trên giấy, người đọc chỉ nhận được một phần. Kịch sĩ, ca sĩ, văn thi sĩ, trong mấy kẻ sĩ đó, kịch sĩ đóng hài kịch tức là những cây cười cần phải học thêm nhiều hơn ai hết. Hề cần phải học. Hề là kẻ phải hiểu biết nhiều, sâu rộng và lanh trí mới ứng khẩu nói ra những lời chọc cười.
Với truyện dài, Thanh Nam thất bại. Với truyện ngắn, tức là các sáng tác nhỏ đã đăng trên các báo Hiện Đại, Sáng Tạo, Thế kỷ 20, Thanh Nam không thất bại. Tập truyện “Buồn ga Nhỏ” xuất bản năm 1962, tái bản lần thứ nhất năm 1965 và tái bản lần thứ hai tại hải ngoại năm 1983 cho thấy rằng Thanh Nam là cây bút viết truyện ngắn có ích cho tiếng Việt.
Sau năm 1975, Thanh Nam làm được tập thơ “Đất Khách”.
Thi sĩ Nguyên Sa gọi điện thoại khen: “Moa không ngờ Thanh Nam làm thơ hay đến như vậy. Nếu moa bị đày đi Côn đảo hoặc bị đưa sang Reunion, moa chỉ mang theo bên mình mỗi một tập thơ “Đất Khách”mà thôi".
Bác sĩ Nguyễn Đăng Diệm ở Seattle cũng đã nói giữa toà soạn báo Đất Mới:
“Phải chăng bệnh ung thư đã khiến Thanh Nam làm được  một cái gì...".
Nhà văn trẻ Chu Vương Miện, một cây bút chủ lực của nguyệt san Văn trước 1975, cũng viết thư thăm:
“Anh buồn quá! Thơ anh thật tuyệt vời, anh Thamh Nam ạ".

Trước năm 1975 ở Việt Nam, chợt xuất hiện các nhà văn nữ viết tự truyện. Theo giáo sư Sharon O’brien giảng dạy tại đại học Dickinson college, lối viết tự truyện chỉ thành công một phần nhỏ trong văn chương mà thôi. Đưa cái tôi vào tác phẩm, vạch sống áo để lộ tấm lưng ra, giải bày đời tư trên giấy trắng... người viết tự truyện thường bị phê bình là thiếu đề tài, nghèo tư tưởng. Ngòai ra, văn tự truyện còn bị nói là thời thượng.
Trái lại với văn tự truyện, thơ tự tình được đề cao lên. Bà Huyện Thanh Quan với mấy bài tả cảnh u hoài tình non nước, Cao Bá Nhạ vói khúc tự tình oan khiên đau khổ đã được đưa vào sách giáo khoa dạy học, và hậu thế còn lấy tên họ đặt tên đường.
Nói chung, thơ gồm hai phần: lời và ý. Mỗi chữ mỗi câu là một sự cố tình sắp đặt gồm có âm thanh, vần điệu và màu sắc. Mỗi ý tưởng là phần thân và tâm của thi sĩ. Thơ tự tình của Thanh Nam, chữ và nghĩa không chênh lệch mấy, chữ nhiều và nghĩa cũng khá nhiều, là tâm thần bất ổn của người lìa nước ra đi lòng nao nao nỗi sầu viễn xứ và nỗi buồn quốc hận Ba Mươi Tháng Tư
Canh bạc trần gian dù thắng bại
Nẻo về đất lạnh giống nhau thôi.
...............................
Ghé thân lữ thứ trăm miền
Nõi buồn nào cũng mang tên Sàigòn.
...............................
Giống như người lính vừa thua trận.
Nằm giữa sa trường nát gió sương.
...............................
Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
Nghĩ đắt vô cùng giá tự do.

Thanh Nam không khéo tay làm thơ tình. Ta có thể tạm kết luận rằng Thanh Nam làm thơ vì tình bạn và lòng hiếu hữu. Rõ ràng tình bạn đã đuổi tình yêu đàn bà ra khỏi lòng chàng:
Uống say mai sớm bạn lên đường
Thân lai nương nhờ chốn viễn phuơng
Trăm hận nghìn đau nào sánh nỗi
Tấm lòng lưu lạc nhớ quê hương
Ta như giông bão tan rồi hợp
Trôi giạt còn hơn sóng đại dương.

Tình quê hương trong thơ Thanh Nam thật dịu dàng qua từng ngón tay lẳng lơ của Chàng:
Hai mươi ba tuổi gặp SàiGòn
Như gặp người yêu chưa phấn son
Bỡ ngỡ làm quen thành phố lạ
Mặn nồng nhiệt đới nắng trao hôn.
Thanh Nam

Thỉnh thoảng Thanh Nam cũng làm một vài câu thơ vui.
Buổi Sáng
Ngó ra buổi sáng quê người
Tiếng xe lăn bánh, nhịp đời bon chen.
Giã từ ngôn ngữ đã lâu
Hôm nay thèm nói một câu chửi thề.
Hoặc
Bụi đời đầy đã lòi cơn sốt
Mang chuyện tương lai tháu cáy hoài.
Lâu lâu,chàng lại viết câu đối:
“ Vừa mới Tết bính thìn, chín Tết ôm hờn xa tổ quốc.
Giờ xuân giáp tí, một xuân nào hẹn cùng quê hương".

Thanh Nam mất sau gần mười năm ở Mỹ, xác được hoả thiêu trong một nhà táng lúc đó hoa xum xuê nở banh ra. Hoa auriculas, hoa thrift và một vài hoa lạ không có tên trong tự điển Việt Nam.
Giữa xấp giấy chàng viết nguệch ngoạc trong những tháng ngày mất tiếng nói, có một đoạn nhỏ: “Anh nhận thấy mấy đứa con sao dại khờ và vô tâm quá, chúng cứ tự nhiên... Nếu chúng nói được những câu buồn thương này nọ, chắc lúc anh ra đi, anh sẽ khó cất bước, khó".
Tôi vội cãi: “Con Ti nó ăn ít quá mà anh, còn ba thằng đực thì cứ quanh quẩn ở trong nhà không nói năng... Bà y tá bảo rằng tình cảm của trẻ con đôi khi còn biểu lộ ở sự học có sút kém hay không".
Ngày hôm sau Thanh Nam viết xuống tiếp: “Hôm nay bảo thằng Cu dẫn hai em nó đi phố chơi đi. Lấy tiền lì xì mà đi bus và tiêu cho sướng. Mười hai giờ trưa về".



Thơ tức là người. Thanh Nam mang một lòng hiếu hữu thương bạn hiền. Tình đàn bà, người đàn bà trong thi tập “Đất khách” và trong cuộc đời ngắn hạn, bất hạnh của Thanh Nam, không được vẽ và chiếu ra rõ nét, không biết chàng đã nhung nhớ ai trong dĩ vãng khi đang nằm trên chăn gối hiện tại.
“Nửa khuya nghe động tiếng mưa buồn
Mái lạnh hiên người giọt giọt tuôn
Chăn gối bỗng thơm mùi dĩ vãng
Dịu dàng mộng cũ ghé môi hôn”.
Mộng cũ - Thanh Nam
Người tức là thơ. Thanh Nam đau yếu nhưng tình bạn trong chàng vẫn dồi dào sức khoẻ:
Xin chào bằng hữu gần xa
Dẫu chưa quen biết đã là anh em.
...............................
Ôi hỡi quê hương bè bạn cũ
Những ai còn mất giữa sa mù.
...............................
Ôi bạn ôi ta, chiều đã xế
Phù sinh thương mình ly rượu suông.

Sau hết, Thanh Nam có biệt tài làm báo, làm tổng thư ký toà soạn, làm chủ bút bao sân tất cả mọi công việc viết lách. Trang trong thiếu bài, trang cuối còn mấy chỗ trống, Thanh Nam tìm bài khác lắp vào, vá vào trám hết tất cả mọi lỗ khuyết ngay tức khắc. Chính chàng đã đề nghị quý vị chủ báo miền Nam ngày nào, hãy đưa phần tiểu thuyết vào trang hai để độc giả dễ dàng xếp đôi tờ báo lại ngồi đọc chuyện tình bất cứ chỗ nào.

Nhiều người bảo rằng khi đến giai đoạn cuối, cancer gây ra những cực hình tra trấn dã man, những cơn đau xé xác thân ra, bệnh nhân kêu rên ngày đêm không ăn ngủ... chỉ mong được chết để giải thoát... Nhưng Thanh Nam đã mất tiếng nói, mất âm thanh để kêu đau... Ba thằng con bất hiếu ngủ chung giường đâu có biết cha sắp chết, chúng nằm xoay ngược trở ngang, hất gối xuống giường, đạp mền xuống thảm. Thanh Nam chỉ biết ghi vào hồi ký  “đau, đau, đau"...
Trước khi đi vào hôn mê, Thanh Nam đã viết xuống “Người nghệ sĩ có những lúc sống cẩu thả, buông thõng dây cương luân lý, nhưng em nên nhớ rằng từ ngày lấy em, anh không bao giờ phản bội thể xác em".
Đôi mắt Thanh Nam to nhưng cạn và mờ đục, lúc đó ánh lên, nhìn thẳng mặt tôi. Tôi thấy tôi hiện diện trong cái nhìn thật thà đó: ở chàng, tình nghĩa vợ chồng cũng quý báu như lòng hiếu hữu ái mộ bạn hiền.

Túy Hồng

Ngày 27 tháng 5 năm 2007
© 2007 gio-o
 _______________


(...)   


=========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét