Ngoclinhvugia's Blog
PHỎNG VẤN NHÀ VĂN TRÙNG DƯƠNG
Chủ Nhật, Ngày 26 tháng 9-2010
http://www.hopluu.net/default.aspx?LangID=38&tabId=466&ArticleID=1062
LTS. Trùng Dương Nguyễn Thị Thái là một “hiện tượng” của sinh hoạt văn học, nghệ thuật và báo chí Miền Nam Việt Nam. Ngoài những sáng tác văn học, Trùng Dương tích cực tham gia sinh hoạt điện ảnh, và nhất là báo chí trong giai đoạn hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa [VNCH], từ 1970 tới 1974.
Người cựu nữ sinh viên Văn Khoa Sài Gòn nổi danh rất sớm, qua hai sáng tác Vừa Ði Vừa Ngước Nhìn và Mưa Không Ướt Ðất. Du học Liên Bang Mỹ trở về, bà đứng tên Chủ Nhiệm báo Sóng Thần mà nhóm chủ biên do nhà văn Chu Tử và nhà báo Uyên Thao trách nhiệm. Sóng Thần–đúng với danh xưng của nó–mang đến những đợt sóng dư luận chấn động Miền Nam, như việc khai quật những xác nạn nhân chôn vùi tập thể ở Huế và Quảng Trị trong mùa Xuân 1968, phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh, phong trào đòi tự do báo chí với những đợt công kích Luật 007, ngày ký giả đi ăn mày, và nhất là những cuộc tịch thu báo mới in xong, không cho phát hành, nhằm bóp tắt sự sống các cơ quan ngôn luận chống chính quyền. Ðó là chưa nói đến việc truy tố chủ nhiệm và các ký giả, nhà văn ra tòa. Nhưng dù bị áp bức, trù dập, Sóng Thần không chịu khuất phục trước thủ đoạn và sự trấn áp của nhà cầm quyền lúc đó. Trùng Dương, Uyên Thao cùng nhóm chủ biên Sóng Thần (nhà văn Chu Tử đã rút lui vì lý do riêng) tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do báo chí. Nếu không có cuộc tổng tấn công Ðông Xuân 1975–đưa đến sự sụp đổ của VNCH trong vòng 55 ngày và 55 đêm địa ngục–chẳng hiểu Trùng Dương và Sóng Thần trôi giạt về đâu.
Dù vô cùng khiêm tốn và nhã nhặn sau 35 năm định cư ở Mỹ, nữ sĩ Trùng Dương vẫn cung cấp cho độc giả Hợp Lưu, qua cuộc phỏng vấn với Lê Quỳnh Mai, những thông tin khả tín về diễn đàn ngôn luận tâm huyết do bà và văn hữu chủ trương đầu thập niên 1970. Ðặc biệt, những thông tin của Trùng Dương có thể giúp những thế hệ trẻ thấy một sự thực: Văn nghệ sĩ miền nam cũng có những phần tử can đảm bất chấp mọi hậu quả bi hài đứng lên tranh đấu cho đệ tứ quyền.
Trân trọng giới thiệu nữ sĩ Trùng Dương cùng các văn hữu và độc giả thân quí của Hợp Lưu.
Tạp chí Hợp Lưu
—————————
Tiểu sử và tác phẩm
Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, di cư và lớn lên tại Miền Nam từ 1954. Nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Saigòn, 1971-75), và là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978). Tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ từ 1975. Trở lại trường học và tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế, Đại học Tiểu Bang California, Sacramento. Fulbright Fellow, niên khoá 1990-91 tại Hong Kong, nghiên cứu về các vùng kinh tế đặc biệt (special economic zones) của Trung Cộng trước khi nước này mở tung mọi cửa ngõ đón nhận nền kinh tế thị trường. Từ 1991-93, phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif.; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., làm copy editor rồi trưởng thư viện tin tức (chief news librarian, archivist & researcher) từ 1993 tới khi về hưu năm 2006.
Các tác phẩm văn chương đã xuất bản trước 1975: Văn xuôi: Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn, tập truyện (Khai Trí, 1966); Mưa Không Ướt Đất, tập truyện (Văn, 1967); Cơn Hồng Thủy và Bông Hoa Quỳ (Trình Bầy, 1968); Chung Cư, tập truyện (Tân Văn, 1971); Một Cuộc Tình, tập truyện (Tân Văn, 1972); Lập Đông, tập truyện (Văn, 1972); Thành Trì Cuối Cùng, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Thần Phong, Saigòn, khoảng 1970-71, chưa in thành sách); Những Người Ở Lại, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Sóng Thần, 1973, chưa in thành sách). Văn dịch: The Prophet (dịch Kahlil Gibran, đăng rải rác trong một số tạp chí, 1968-70); Ngàn Cánh Hạc (dịch Kawabata Yasunari, Trình Bầy, 1969); Đường Về Trùng Khánh (dịch Han Suyin, chung với Hồ Hải Nguyễn Vũ Thiện, không nhớ tên nhà xuất bản, khoảng 1970); Người Đàn Bà Trong Cồn Cát (dịch Kobo Abe, An Tiêm, 1971).
Từ sau 1975, viết nhiều thể loại và đăng báo, nhưng chưa xuất bản thành sách.
Lê Quỳnh Mai: Xin chị giới thiệu về nhà báo và nhà văn Trùng Dương Nguyễn Thị Thái.
Trùng Dương: Khi viết báo, tôi tôn trọng dữ kiện, sự chính xác. Khi viết văn, tôi để óc tưởng tượng của tôi thở, sống, “theo chân mây”, như tựa một cái truyện ngắn viết trước 1975, thay vì nhốt nó ở đâu đó. Ở cả hai bộ môn, văn chương và báo chí, chân thực là điều căn bản, nhất là sự chân thực trí thức.
LQM: Là chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần tại Miền Nam Việt Nam trước 1975. Chị có thể cho quí độc giả biết về quá trình thực hiện và hoạt động của cơ quan ngôn luận này không?
TD:Tình cờ tôi vừa viết xong bài điểm sách cuốn Báo chí ở Thành Phố Hố Chí Minh – 100 Câu Hỏi Đáp Về Gia Định – Sài Gòn TP. Hồ Chí Minh, do Trương Ngọc Tường và Nguyễn Ngọc Phan biên soạn và nhà xuất bản Tổng hợp TP-HCM ấn hành năm 2006, về báo chí Miền Nam từ 1865 tới 1995, trong đó có hai trang về tờ Sóng Thần với rất nhiều sai sót. Tôi nhận thấy, vì nhu cầu trong nước và cả ở hải ngoại hiện muốn tìm hiểu về nền văn học Miền Nam 1954-1975, trong đó báo chí là một bộ phận, nên tôi có viết lại về tờ báo Sóng Thần để những ai muốn tham khảo về tờ báo như một phần của báo chí nói riêng và văn học Mỉền Nam nói chung, có tài liệu và không phải đoán mò, cương ẩu. Rất tiếc là tôi không có phương tiện, nhất là sức lực, để suy khảo về cả 20 năm báo chí Miền Nam, mặc dù một dạo rất muốn và đã thu thập được một số tài liệu. Sau đây là phần viết về tờ Sóng Thần rút ra từ bài điểm sách.
Tờ Sóng Thần ra đời vào tháng 10, năm 1971, và bị rút giấy phép vào tháng 2, năm 1975. Microfilm của những số báo Sóng Thần (trừ những số báo bị tịch thu không ra được tới sạp bán) hiện được lưu trữ tại thư viện Kroch Library Asia thuộc Đại học Cornell, Ithaca, N.Y. Bộ phim gồm bẩy cuộn, mang số 5004, gồm 1971: Oct.-Dec., 1972-1974, 1975: Jan.-Feb.
Khởi thủy Sóng Thần là cơ quan ngôn luận của nhóm chống tham nhũng Hà Thúc Nhơn (tên một đại úy y sĩ đã bị sát hại vào năm 1970 trong khi đơn thương độc mã chống tham nhũng trong chính quyền Nha Trang). Nhóm này gồm Bác sĩ Phạm Văn Lương, Giáo sư Nguyễn Liệu, Hà Thế Ruyệt, Phan Nhự Thức, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên và một số người khác tôi không nhớ hết tên, và những người vì lý do riêng, không muốn công khai. Sau vì nhu cầu chuyên nghiệp, tờ báo tách ra đứng riêng, mặc dù vẫn theo chủ trương chống tham nhũng trong chính quyền và quân đội. Hồi ấy, tham nhũng ở Miền Nam chỉ bằng một phần nhỏ, so với bây giờ, và cũng chẳng lãnh đạo nào dám ngang nhiên tặng đảo, đất hay cho ngoại bang thuê mỏ, thuê rừng để bỏ túi riêng, như bây giờ. Và cũng không có lãnh đạo nào dám bênh vực tham nhũng, cho rằng tham nhũng ở Việt Nam còn thua xa vài quốc gia khác, như mới đây, ở Việt Nam.
Sóng Thần được hình thành là do đóng góp tiền bạc dưới hình thức mua cổ phần của các cổ đông và độc giả. Tờ báo có trụ sở đặt tại 133 đường Võ Tánh, Saigòn (không phải ở Miền Trung như ghi trong cuốn Báo chí TP. Hồ Chí Minh). Tờ báo do tôi dứng tên làm chủ nhiệm, và nhà văn-nhà báo Chu Tử làm chủ biên. Sóng Thần chống tham nhũng ngay từ lúc đầu, chứ không phải mãi tới cuối năm 1974, như ghi trong bài “Xin cho biết về tờ Sóng Thần”. Tuy vậy, Sóng Thần chống tham nhũng, không chống chế độ hay chính phủ, như một số báo chí ngoại quốc hồi ấy xếp loại là “anti-government”. Ngoài ra là thông tin, bình luận thời cuộc, xã hội, và giải trí (mà việc đăng tải những truyện feuilleton là một).
Báo có anh Nguyễn Đức Nhuận lo trị sự, một người rất tận tụy, không những đối với tờ báo, mà còn với gia đình của anh chị em tòa soạn. Phát hành thì có Sáu Cao (tôi không nhớ trọn tên họ của anh, anh chị em quen gọi anh là Cao vì anh … rất cao và gầy, người miền Nam, năng nổ, bộc trực). Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh Sáu ngồi kiểu nước lụt (tức ngồi xổm, theo lối diễn tả của người Bắc), bứt rứt, khốn khổ, buồn so, mỗi khi nghe tin báo bị tịch thu vì một lý do nào đó, và anh không có báo để phát hành.
Phần tòa soạn thì anh Uyên Thao điều hành, với tư cách tổng thư ký, và anh Trương Cam Vĩnh làm phụ tá. Phụ trách về trình bầy và dàn trang, lo in ấn có các hoạ sĩ Đằng Giao, Huy Tường, và Vị Ý. Hồi ấy, chúng tôi đưa báo đi nhà in mướn người ta in, nhưng có riêng một dàn sắp chữ với khoảng một tá thợ, cậu nào cậu nấy lúc nào cũng mình trần vì phòng sắp chữ vốn là một cái gác lửng trần thấp nên rất nóng, và lem luốc vì mực. Phòng sắp chữ nằm phía sau tòa soạn, do xếp typo Tấn, một thanh niên gốc miền Nam, rất tận tụy, trông coi. Giờ nhìn lại tôi không khỏi xấu hổ mà nhìn nhận là trong số thợ sắp chữ đó có một số em chỉ mới trên dưới 10 tuổi, đủ biết đánh vần để có thể sắp chữ, bỏ học đi làm để kiếm sống giúp gia đình. Tôi cũng còn nhớ cảnh Tấn giục bài, “để mấy đứa nhỏ có bài sắp chữ” vào buổi trưa sau khi báo đã in và thợ sắp chữ sắp các bài nằm, có lần đứng bên cạnh bàn làm việc của tôi với cái thước kẻ, hễ thấy viết được khoảng nửa trang, cậu ta kê thước kẻ vào trang giấy xé cái rẹt, đem phần giấy có chữ xuống nhà sắp chữ, mặc tôi ngẩn ngơ như con gà vừa bị cắt đầu. Sau kinh nghiệm đó, tôi thường viết bài ở nhà, nếu bữa nào chậm bài cho Tấn.
Thành phần biên tập, bình luận và nhiếp ảnh khá đông, nồng cốt gồm có Vũ Ánh, Đỗ Ngọc Yến, Lý Đại Nguyên, Đường Thiên Lý, Lê Thiệp, Dương Phục, Nguyễn Tiến Sơn, Lê thị Bích Vân, Anh Điển, Nguyễn Tân Dân, Chóe Nguyễn Hải Chí, Hùng Phong, Nguyễn Tuyển, Thục Viên, Triều Giang, Chu Vi Thủy, Vũ Ngọc Long, và nhiều người khác nữa. Bên cạnh đó là một hệ thống các văn phòng đại diện ở các tỉnh, đặc biệt là Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị, với Nguyễn Kinh Châu, Nguyễn Quý, Ngy Thanh, Đoàn Kế Tường và nhiều anh em khác. Cộng tác viên thì càng đông hơn. Thường xuyên lui tới toà soạn tôi nhớ nhất có các anh Trần Phong Vũ và Vũ Đức Vinh, cả hai hồi ấy làm đài phát thanh Sàigòn, với anh Vinh là tổng giám đốc. Về sau này, sau khi nhật báo Đuốc Nhà Nam của ký giả lão thành Trần Tấn Quốc tự ý đóng cửa để phản đối luật báo chí mới 007/1972 đòi mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng, Sóng Thần (tồn tại nhờ vay tiền ký quỹ, và số tiền này còn nằm ở Ngân Hàng Quốc Gia khi biến cố 30 tháng 4, 1975 xẩy ra) mời được bỉnh bút Ngọa Long về cho có mầu sắc người Miền Nam vì đa số thành phần biên tập là những người gốc miền Bắc di cư năm 1954. Khác với lời ghi trong cuốn “100 Câu Hỏi Đáp” là cả ba nhà báo kỳ cựu gốc miền Nam Trần Tấn Quốc, Nam Đình và Ngọa Long “cùng sang cộng tác với Sóng Thần”, thực tế chỉ có một mình ông Ngọa Long bằng lòng về hợp tác thôi.
Riêng về các nhà văn nhận lời viết feuilleton cho Sóng Thần thì khởi thủy gồm có Nguyên Vũ, Cung Tích Biền, Nguyễn Thuỵ Long, Vũ Ngọc Đĩnh, Hoàng Hải Thuỷ, vv. Sau thêm một số khác nữa trong đó tôi nhớ hơn cả, vì là do chính tôi mời, mà lại mời viết hồi ký chứ không phải tiểu thuyết, để in song song, một phần cũng là nhằm lôi cuốn người đọc, đó là hai nhà văn nữ Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi đã dự tính sau hai nhà văn này thì sẽ mời Nhã Ca và Nguyễn Thị Hoàng viết hồi ký song song như thế, nhưng chưa kịp, không nhớ vì lý do gì. Cả bốn chị đều là những nhà văn có nhiều sách truyện đã xuất bản và được nhiều người biết tới và đọc, khác với tôi, một người viết truyện “xuân thu nhị kỳ”, như chủ bút Văn dạo ấy, Trần Phong Giao, đặt cho tôi, có thể vì tôi luôn có những sở thích khác lôi cuốn mình, không chỉ mình văn chương. Những người viết feuilleton cho báo hàng ngày là cộng tác viên, không nằm trong thành phần biên tập.
Ngoài công việc thông tin, nhật báo Sóng Thần còn tham gia vào hoặc tài trợ cho một số những sinh hoạt giáo dục (như hỗ trợ cho chương trình gây quỹ học bổng cho trường Quảng Ngãi Nghĩa Thục dậy học miễn phí cho vài trăm em học sinh trung học nghèo ở Quảng Ngãi, do Nguyễn Liệu và trên 100 giáo sư trung học ở Quảng Ngãi đảm trách); xã hội hoặc nhân đạo (như chương trình xây nhà giúp người nghèo, hoặc gây quỹ và phát động chiến dịch hốt xác và chôn cất gần 2,000 nạn nhân chiến cuộc trên Đại lộ Kinh Hoàng trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972); hoặc văn nghệ (như lập nhà xuất bản Nhân Chủ, hỗ trợ gánh hát cải lương Bạch Tuyết-Hùng Cường, thực hiện phim “Yêu”, do Đỗ Tiến Đức đạo diễn, dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của Chu Tử).
Cái ưu điểm của Sóng Thần, và lý do tờ báo lôi cuốn được nhiều người tham gia, hỗ trợ, đó là, ngoài chủ trương chống tham nhũng làm sạch hậu phương để hỗ trợ tiền tuyến chống Cộng đặng bảo vệ một Miền Nam tự do, còn do chỗ này: đó là tờ báo do nhiều người làm chủ, với tư cách cổ đông góp phần hùn vốn, và niềm tin của họ đặt vào hoài bão của nhóm chủ trương, cũng là ước vọng của họ. Tôi chỉ là người đứng tên trên giấy phép xuất bản và chịu trách nhiệm đối với chính quyền, trong đó có những màn đi hầu tòa mỗi khi báo bị tịch thu. Tôi còn nhớ mỗi lần tôi mặc áo dài đến tòa soạn, thế nào cũng có người hỏi: “Bữa nay bà đi hầu tòa hả?” Vì tôi ít khi mặc ào dài, mà thường mặc âu phục để đi xe đạp cho đỡ vướng. Nói tóm lại, không có các anh chị em khác đã cộng tác với Sóng Thần và sự tin tưởng vào lý tưởng của tờ báo từ các cổ đông và độc giả, chắc chắn đã không có tờ Sóng Thần.
LQM:Khó khăn lớn nhất mà chị đã gặp khi thực hiện tờ Sóng Thần.
TD:Có lẽ là sự kiểm duyệt khá khe khắt, đôi khi vô lý và lố bịch, của chính quyền của ông Nguyễn Văn Thiệu, và đặc biệt là luật báo chí 007/72 ban hành sau biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa, đòi mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng để được phép tiếp tục xuất bản. Nguyên nhân sâu xa, đã hẳn là do tình trạng chiến tranh do cộng sản Hà Nội chủ trương, với sự thâm nhập hàng ngũ quốc gia của các cán bộ nằm vùng, đặc biệt trong giới cầm bút viết văn, đưa tới thái độ “paranoid” của giới lãnh đạo Miền Nam. Khi một tờ báo bị kiểm duyệt và tịch thu hơi thường xuyên, khách hàng quảng cáo sợ và độc giả cũng dần nản, bỏ mình, rồi cái nọ kéo theo cái kia.
LQM:Mặc dù tạo được tiếng vang lớn, nhưng tuổi thọ của Sóng Thần không được lâu dài như một số nhật báo nổi tiếng của miền Nam Việt Nam trước kia. Chị nghĩ sao về cái tên của nó như điềm báo trước về hiện tượng này?
TD:Chuyện “tên như một điềm báo” chỉ là để nói đùa với nhau cho vui. Tôi không tin tên Sóng Thần tự nó là một điềm báo. Hồi đó, mặc dù Sóng Thần nghe không có vẻ tên báo, nhưng ông Chu Tử rất thích khi tôi cho biết đã chọn tên báo là Sóng Thần. Ngoài Sóng Thần, còn có vài tờ khác cũng bị rút giấy phép cùng lúc, trong đó có tờ Đại Dân Tộc của ông Võ Long Triều.
LQM:Sau nhiều biến cố xảy ra, chị có tìm ra nguyên nhân tại sao nhật báo Sóng Thần bị đóng cửa hay không?
TD:Tôi nghĩ tờ Sóng Thần bị đóng cửa là vì thái độ sợ hãi, không còn tin ở ai của chính quyền của ông Thiệu. Như tôi đã nói ở trên, chính quyền của ông Thiệu khi ở bước đường cùng càng trở nên quẫn trí, phản ứng không còn theo lý trí nữa. Người Mỹ có thành ngữ “shoot yourself in the foot” (tự bắn vào chân mình), nói cách khác là tự đào mồ chôn sống, và đấy là tình trạng của những chế độ ở bước đường cùng và không tin ai nữa, kết quả là hở ra làm cái gì cũng sai, trật, và từ từ tự đào hố chôn mình và chôn theo cả một quốc gia, dân tộc. Ta cũng thấy điều đó hiện đang diễn ra ở Việt Nam.
LQM:Chị có nhận xét và so sánh thế nào giữa hai nền báo chí ở miền Nam Việt Nam trước 1975 và của cộng đồng người Việt hải ngoại sau 1975 (nói riêng tại Hoa Kỳ).
TD:Báo chí ở Miền Nam trước 1975 có kiểm duyệt, mặc dù không bị chỉ đạo, như báo chí dưới chế độ cộng sản độc tài ở Miền Bắc và cả 35 năm qua trên toàn Việt Nam. Báo chí Việt ở hải ngoại thì hoàn toàn tự do, chỉ cần xin giấy phép mở một cơ sở thương mại (business). Ngày nay với kỹ thuật Internet phổ biến, nhiều báo điện tử không cần cả giấy phép thương mại, chỉ cần đăng ký với một trong những cơ sở đăng ký trên Internet. Tuy nhiên, nhiều người làm báo ở hải ngoại, tất nhiên không phải tất cả, hiểu nhầm quyền tự do báo chí, cho rằng mình muốn viết gì, công kích hay chụp mũ ai thì đó là quyền của mình. Điều này không đúng. Càng tự do, trách nhiệm của người cầm bút càng cao, do đấy người cầm bút càng phải luôn học hỏi, tự trau giồi, về kiến thức cũng như khả năng nghề nghiệp. Và quan trọng hơn cả, theo tôi, là vun sới đức tính khiêm tốn, đạo đức nghề nghiệp.
LQM:Chị có so sánh gì về cả hai mặt tốt xấu trong cách làm báo của người bản xứ tại Hoa Kỳ và của người Việt tại hải ngoại.Và ý kiến về sự xuất hiện mạnh mẽ của báo điện tử hiện nay?
TD:Báo Việt ở hải ngoại, đặc biệt tại Nam Cali, nhiều quá, vì ai cũng muốn làm chủ báo, mà số người viết thì có hạn, độc giả có hạn, cũng vậy là khách hàng quảng cáo. Lượng thì nhiều mà phẩm không có bao nhiêu. Về phát thanh cũng vậy. Đã vậy, báo chí Việt ngữ, vì tính chất chính trị đặc biệt của cộng đồng Việt tị nạn, ít nhiều, dù không muốn, cũng bị lôi cuốn vào vòng chính trị, khó duy trì được tính khách quan, chuyên nghiệp. Chưa kể ảnh hưởng của khách hàng quảng cáo tới sự độc lập của tờ báo nữa. Báo chí Mỹ không bị chi phối bởi đặc tính chính trị này, mặc dù cũng không tránh được sự chi phối của quảng cáo. Báo chí Mỹ cũng không xuất bản ồ ạt như vậy. Tại một thành phố như Stockton, nơi tôi đã sống và làm việc 12 năm, chẳng hạn, với dân số khoảng 250 ngàn cho thành phố và khoảng nửa triệu cho toàn quận, chỉ có một tờ báo hàng ngày, tờ The Record, với số phát hành khoảng 70 ngàn số. Vậy mà từ nhiều năm trở lại đây tờ báo cũng đang khốn đốn vì sự phổ biến của Internet vì kỹ thuật này đang lấy đi khách hàng quảng cáo, nguồn thu chính của tờ báo. Và đấy là tình trạng chung của báo in tại Mỹ: nguồn thu quảng cáo đang bị thu hẹp lại, trong khi số độc giả mua báo cũng giảm đi.
Kỹ thuật Internet chỉ mới được chính phủ Hoa Kỳ bàn giao cho tư nhân xử dụng vào năm 1995, bốn năm sau khi kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh. Tuy thế, Internet đã biến đổi sâu xa đời sống của chúng ta ở mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật và cả những liên hệ và đời sống cá nhân. Cũng chưa có kỹ thuật nào từ cổ chí kim mà lại có khả năng thu nhỏ quả địa cầu, thông tin chớp nhoáng, kể cả “tin” bậy, và dân chủ hoá và trang bị sức mạnh (empower) cho người xử dụng, như kỹ thuật Internet, mà World Wide Web, gọi tắt là Web, là một bộ phận. Do đấy chúng ta không nên lấy làm lạ khi báo điện tử của người Việt trong và ngoài nước bỗng tràn lan, bên cạnh những ấn bản điện tử (online) của những báo giấy, đấy là chưa kể các trang Web của các đoàn thể, hội, nhóm và cá nhân. Không cần chi phí nhiều để mở những trang Web đó, chưa kể nếu chịu khó thì có thể tự làm lấy trang Web của mình với sự hỗ trợ của một vài chương trình computer, rồi thuê post lên Web, tốn vài chục Mỹ kim/tháng. Vấn đề là có người viết và viết như thế nào, có đáng cho chúng ta theo giõi đọc và tin được không. Không ai ở hải ngoại này, kể cả chính quyền, có thể “đóng cửa” những Web sites này, trừ phi họ vi phạm điều lệ của hãng Internet mà họ thuê post và có người khiếu nại. Do đấy, người đọc cần đủ hiểu biết và thông minh để phân biệt thực hư, giữa sự thực và dối trá, đừng bạ cái gì cũng tin, rồi chuyển đi tứ tán, qua phương tiện e-mail, một cách vô trách nhiệm.
LQM:Là nhà báo và cũng là nhà văn, chị thích lãnh vực nào hơn. Tại sao?
TD:Không có lãnh vực nào tôi thích hơn lãnh vực nào, mà cả hai bổ sung cho nhau. Càng lớn tuổi, với kinh nghiệm, mình càng thực tiễn hơn, không còn mơ mộng, đam mê như lúc còn trẻ, do đấy óc tưởng tượng cũng mòn mỏi đi. Vì nhu cầu công việc và thói quen nghề nghiệp, tôi nghiêng về báo chí nhiều. Tóm lại, tôi đọc báo, tạp chí, sách non-fiction, xem phim tài liệu nhiều hơn là đọc truyện và xem phim truyện, trừ những tác phẩm thật hay. Viết cũng vậy.
LQM:Ý kiến của chị thế nào về văn học hải ngoại. Và sự khác biệt giữa hai thời điểm trước 1975 và sau 1975 dưới mắt nhìn của chị?
(Còn tiếp…)
Xin đọc phần còn lại ở Tạp Chí Hợp Lưu 111 số tháng 8 & 9 – 2010 (trong ấn bản trên giấy)
=========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét