Nhà văn Vũ Ngọc Phan - Một tâm hồn thấm đẫm văn hóa Việt
Cuộc đời Vũ Ngọc Phan là những năm tháng mải mê với nghiệp viết, từ làm thơ, làm báo, dịch thuật đến viết tiểu luận phê bình.
Ông là một trong số những nhà phê bình xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của ông thực sự có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn đối với văn học nửa đầu thế kỷ XX cho đến nay…
Ông là một trong số những nhà phê bình xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của ông thực sự có ý nghĩa và ảnh hưởng lớn đối với văn học nửa đầu thế kỷ XX cho đến nay…
Nhà văn Vũ Ngọc Phan và vợ - nhà thơ Lê Hằng Phương. |
Sinh ngày 8-9-1902 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống Nho giáo lâu đời, thuở nhỏ Vũ Ngọc Phan học chữ Hán, sau chuyển sang học chữ Pháp.
Năm 1929, ông đỗ tú tài toàn phần và được Toàn quyền Pháp lúc bấy giờ bổ làm quan. Nhưng với năng khiếu văn học nảy sinh từ sớm, với tư tưởng tự do không thích gò mình vào cuộc sống công chức, ông đã chọn và bắt đầu cuộc đời dạy học tư, viết báo, viết văn và dịch sách.
Trong gần 60 năm đeo đuổi nghiệp văn, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ về sáng tác, dịch thuật, đặc biệt về nghiên cứu, phê bình văn học. Có thể chia quá trình hoạt động văn học - nghệ thuật của nhà văn Vũ Ngọc Phan thành hai giai đoạn, đó là trước và sau Cách mạng Tháng Tám.
Dấu ấn trong dịch thuật, sáng tác
Trước Cách mạng, ông tập trung việc viết báo, dịch thuật, nghiên cứu, phê bình văn học viết…, ông đã cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí như: Pháp Việt, Văn học, Nhật Tân, Phổ thông bán nguyệt san, Sông Hương. Ngoài hàng trăm bài báo có giá trị, ông đã dịch, phóng tác nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết nổi tiếng từ tiếng Anh và tiếng Pháp sang tiếng Việt, có thể kể đến như: “Đảo giấu vàng” (Stenvenson), “Anna Karenina” (Tolstoi), “Ivanhoe” (Water Scott)… Ông được coi là người đi đầu trong việc dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng của nền văn học thế giới tới độc giả Việt Nam.
Đặc biệt với tâm huyết và trách nhiệm của người cầm bút yêu nước, nặng lòng với dân tộc, ông bền bỉ, kiên trì hoàn thành bộ sách “Nhà văn hiện đại” (Phê bình văn học) gồm 4 quyển. Sách dày hơn 1000 trang, in rải ra trong 4 năm mới xong, do nhà xuất bản Tân Dân ấn hành. Bằng phương pháp mới mẻ tiếp thu từ việc nghiên cứu văn học phương Tây, ông tập trung khảo sát kỹ lưỡng trên văn bản tác phẩm, đưa ra những ý kiến nhận xét về giá trị nội dung, nghệ thuật, vị trí của 79 nhà văn Việt Nam hiện đại viết bằng chữ quốc ngữ thuộc các thể loại: thơ, tiểu thuyết, ký, khảo cứu phê bình, kể từ những nhà văn viết hồi mới có chữ quốc ngữ đến những tác giả mới xuất hiện từ đầu thập kỷ 40.
Công trình mang dáng dấp của một bộ văn học sử về một chặng đường của văn học Việt Nam giai đoạn từ cận đại chuyển sang hiện đại và phát triển mạnh mẽ từ những năm 30 của thế kỷ XX. Ông có nhiều nhận xét tinh tường và xác đáng về đặc sắc tư duy, bút pháp của từng nhà văn cùng kiểu văn của mỗi cây bút, dự đoán về con đường phía trước của họ. Cuốn sách, qua thời gian, vẫn luôn thu hút sự tìm đọc của công chúng, bởi chúng giúp họ nhận chân diện mạo và đội ngũ tác giả của nền văn học Việt Nam hiện đại non trẻ cùng bút lực phê bình dồi dào, tư duy khoa học minh triết của Vũ Ngọc Phan.
Ngoài ra, ông còn viết, biên soạn các cuốn sách “Nhìn sang láng giềng” (1941); “Thi sĩ Trung Nam” (1942); “Con đường mới của thanh niên” (1944)…
Và trong sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian
Sau Cách mạng Tháng Tám, Vũ Ngọc Phan viết cho Tạp chí Tiền Phong, tham gia Đoàn văn hóa kháng chiến khu IV, rồi hoạt động trong Hội văn nghệ Việt Nam. Từ 1954 đến khi mất, ông chuyên tâm làm nghiên cứu văn học trong Ban Văn - Sử - Địa rồi Viện Văn học. Từng là Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
Thành tựu nổi bật của Vũ Ngọc Phan ở chặng đường sau thuộc về lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian. Ông cho xuất bản các công trình lớn như “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” (1956); “Truyện cổ Việt Nam” (1955) rồi “Truyện cổ dân gian các dân tộc Việt Nam” (chủ biên, 1961), “Hợp tuyển văn học Việt Nam” (chủ biên, 1972).
Cuốn khảo luận, sưu tầm, hệ thống gần 1.000 trang “Tục ngữ - Ca dao - Dân ca Việt Nam” của ông vô cùng giá trị, cho đến nay được tái bản 14 lần. Công trình gồm nhiều phần, mỗi phần có nhiều mục, mỗi mục là một bài tiểu luận hoặc cả phần tiểu luận và phần tác phẩm ca dao, tục ngữ. Ông đề cập khá nhiều vấn đề, nêu định nghĩa về thành ngữ, tục ngữ; phân biệt ca dao với dân ca, nêu rõ nội dung và hình thức của các thể loại này.
Ông cũng bàn về thực chất của “ca dao lịch sử”, chỉ ra mặt hạn chế về tư tưởng của người nông dân trong ca dao, tục ngữ, giới thiệu nguồn gốc, mô tả hình thức diễn xướng của nhiều loại dân ca. Bằng cách viết giản dị, ông đã giúp những người mới tiếp xúc với văn học dân gian hiểu được tương đối dễ dàng những vấn đề lý luận.
Các tập sách “Truyện cổ dân gian Việt Nam” và “Truyện cổ dân gian của các dân tộc Việt Nam” là bộ sưu tập truyện cổ không chỉ riêng của tộc Kinh mà còn của các dân tộc ít người khác.
Để hoàn thành những công trình nghiên cứu đầy tâm huyết, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã phải đi tới nhiều vùng miền, dày công sưu tập, thu thập cả những làn điệu dân ca cổ của các dân tộc ít người. Những tác phẩm, công trình nghiên cứu, sưu tầm của ông đã để lại là những kinh nghiệm rất bổ ích, góp phần thúc đẩy những bước đi lên của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian nước nhà. Không những thế, nhà văn Vũ Ngọc Phan còn là người khai sinh ra thuật ngữ “văn học dân gian” mà trước kia người ta vẫn quen gọi là văn học bình dân, văn chương truyền khẩu…
Vũ Ngọc Phan là một tấm gương lao động không biết mệt mỏi. Ông đã “chạy đua với thời gian” khi viết tác phẩm cuối cùng - Hồi ký “Những năm tháng ấy” khi đã hơn 80 tuổi.
Ông ra đi ngày 14-6-1987, hưởng thọ 86 tuổi. Tên của ông được đặt cho một con phố của Thủ đô Hà Nội.
Năm 1996, nhà văn Vũ Ngọc Phan được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những công trình biên soạn về văn học dân gian tiêu biểu của ông. Những đóng góp cho nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam hiện đại và văn học dân gian Việt Nam của ông thật xứng đáng với sự vinh danh cao quý này.
==========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét