Nhà thơ Thái Thăng Long: 'Yêu âm nhạc Phú Quang là yêu văn hoá Hà Nội'
Sáng 8-12, nhạc sĩ Phú Quang ra đi ở tuổi 73 sau hai năm chống chọi với bệnh tật đã để lại bao tiếc thương cho người ở lại, trong đó có nhà thơ Thái Thăng Long - người bạn tri kỉ gắn bó với cố nhạc sĩ gần 40 năm qua.
PLO đã có buổi trò chuyện với nhà thơ Thái Thăng Long để được nghe anh chia sẻ cũng như ôn lại những kỉ niệm về người bạn thân thiết.
Cố nhạc sĩ Phú Quang và nhà thơ Thái Thăng Long. Ảnh: NVCC.
Tình bạn gắn bó gần 40 năm
. Phóng viên: Cảm xúc của anh hiện tại thế nào khi hay tin người bạn thân thiết đã ra đi?
+ Nhà thơ Thái Thăng Long: Tôi biết Phú Quang bị thận hơn hai năm nay. Tháng 10 năm ngoái tôi có ra Hà Nội thăm anh khi đó anh thực sự rất yếu. Cả hai chỉ nhìn nhau rồi chảy nước mắt.
Thế nhưng khi nghe tin anh ra đi tôi thực sự rất sốc. Bởi tôi và anh gắn bó với nhau cũng gần 40 năm rồi cùng với nhiều kỷ niệm khó quên lắm.
Hiện tại tôi cũng đang chuẩn bị mua vé máy bay để bay ra Hà Nội tiễn anh về Phú Thọ. Dù biết thời điểm này rất khó khăn bởi dịch bệnh các con cũng không muốn tôi đi vì lo ngại sức khoẻ nhưng tôi nghĩ mình đã tiêm được hai mũi vaccine nên muốn bay ra để tiễn đưa bạn mình lần cuối.
Thơ ca, âm nhạc là sợi dây kết nối tình bạn gần 40 năm giữa nhà thơ Thái Thăng Long và cố nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: NVCC.
. Theo chia sẻ, anh và nhạc sĩ Phú Quang đã gắn bó với nhau gần 40 năm vậy anh có thể chia sẻ về mối quan hệ này?
+ Thực sự mối quan hệ giữa tôi và anh Quang đến rất tự nhiên. Anh Quang hơn tôi một tuổi, cả hai đều là người Hà Nội. Anh sống ở Khâm Thiên còn tôi ở Đội Cấn nhưng sau đó cả hai lại gặp và thân thiết tại Sài Gòn trong một buổi triển lãm tranh, từ năm 1985 đến bây giờ.
Có lẽ, tình yêu nghệ thuật âm nhạc cùng làm thơ về Hà Nội là sợi dây kết nối cả hai chúng tôi. Chúng tôi có thể ngồi với nhau hàng ngày để nói về nghệ thuật, tình yêu cũng như vẻ đẹp của Hà Nội trong ký ức xưa.
Đi cùng nhau trong những chuyến ra miền Trung, thậm chí những câu chuyện tình yêu riêng tư cũng nói với nhau. Anh Quang từng thừa nhận với tôi: “Tôi chơi rất nhiều người bạn bè rất nhiều nhưng chỉ có mỗi mình ông là tri kỷ”. Câu đó được anh viết trong hồi ký của mình và đến hiện tại anh ra đi đã để lại trong tôi nỗi hụt hẫng rất lớn.
- Tôi phổ nhạc rất nhiều bài thơ của Thái Thăng Long . Tôi với Long chắc hẳn có một mối duyên trời cho nên tất cả các bài hát mà tôi viết trên ý thơ của Long đều được công chúng đón nhận với sự yêu mến ... Long đôi khi cũng là người rất cá tính và rất cực đoan , ngay cả trong tình cảm bạn bè. Bởi thế mà Long cũng không phải là người thích giao du rộng rãi . Nhưng đi với tôi thì bao giờ cả hai cũng thấy rất hài lòng..." - Cố nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ. |
. Vậy có kỷ niệm nào giữa cả hai khiến anh nhớ mãi?
+ Thực lòng thì có khá nhiều, vì anh em gắn bó với nhau lâu trong quãng thời gian rất dài. Nhưng để mà nhớ nhất thì có lẽ là việc Phú Quang phổ bài Chiều phủ Tây Hồ của tôi.
Đó là vào khoảng tháng 12-1993, cả hai cùng ra Hà Nội rồi cùng đến thăm phủ Tây Hồ. Trên chuyến bay về lại Sài Gòn tôi đã sáng tác xong bài thơ, vài ngày sau thì Quang đã phổ nhạc cho bài thơ này của tôi và chỉ 10 ngày sau nữa là NSND Lê Dung đã lên thu ngay bài hát này. Đây là bài thơ được anh phổ nhạc và thu nhanh nhất trong những tác phẩm của tôi.
Những kỷ niệm trong lần gặp cuối
. Được biết, nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc từ thơ của anh khá nhiều. Anh có nhớ tác phẩm đầu tiên được cố nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc?
+ Bài phổ đầu tiên nằm trong tập Ám ảnh năm 1991 như Chiều hoang, Muộn, Heo mây… Sau đó là bài Chiều phủ Tây Hồ cuối năm 1993. Anh Quang phổ nhạc của tôi khoảng 16-17 bài và có khá nhiều bài giang giở cũng như thất lạc.
. Ca khúc cuối cùng của nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc năm 2018 cũng là tác phẩm của anh. Anh có thể chia sẻ về bài thơ này?
+ Bài thơ có tên Còn trong ký ức được tôi sáng tác tháng 9-2018. Đó cũng là lần cuối Phú Quang bay vào Sài Gòn.
Khi đó, cả hai đang trao đổi với nhau thì anh nói với tôi muốn phổ một bài có nội dung như thế thì tôi viết lời ra. Tôi còn nhớ cả hai ngồi trong khách sạn, Phú Quang đã ngồi ký âm và mượn cây đàn tại khách sạn để phổ nhạc luôn cho bài thơ này.
May mắn là tôi vẫn còn giữ được bản này vì sang năm 2019 thì anh bắt đầu bệnh không làm gì được nữa. Hiện tại bài hát vẫn chưa được thu âm.
Bài hát cuối cùng cố nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc năm 2018 do nhà thơ Thái Thăng Long sáng tác. Ảnh: NVCC.
. Khi viết bài thơ này anh muốn gửi gắm điều gì?
+ Trong những sáng tác của mình tôi chủ yếu viết về ký ức, về tình yêu và bài Còn trong ký ức cũng vậy. Đó là những là những gì còn trong ký ức như tình yêu, khát vọng… của mọi người của tôi và của Phú Quang…
. Vậy khi đó nhạc sĩ Phú Quang có chia sẻ gì về bài thơ này?
+ Nhạc sĩ Phú Quang cũng không nhận xét hay chia sẻ gì. Tuy nhiên trong những lần trao đổi với nhau về thơ ca âm nhạc, anh thường hỏi tôi những ý tưởng về đầu đề của các bài hát bởi trong các bài phổ của mình bao giờ tôi cũng là người đặt đầu đề.
Và tôi cũng hiểu bản thân đã có tuổi nên khi viết về tình yêu hay điều gì đó thì không bị luỵ không phải là trẻ mà nó phải có triết lý sâu sắc sâu xa và chính người lớn tuổi hay giới trẻ khi nghe điều đó sẽ thấy tâm đắc.
Âm nhạc của Phú Quang sẽ luôn trường tồn
. Gắn bó với nhau như vậy, anh nhận xét như thế nào về cố nhạc sĩ?
+ Phú Quang là một người nhạc sĩ tài hoa, dù những sáng tác của anh đến với khán giả chậm hơn nhưng nó vẫn mãi trường tồn. Những ca khúc của anh phổ đều đứng được và có sức bền với thời gian. Âm nhạc của anh rất hàn lâm và sang trọng.
Nếu so với nhạc sĩ cùng thời như Phó Đức Phương, Nguyễn Cường… thì chất nhạc của Phú Quang rất là riêng biệt và thuyết phục người nghe.
Nhà thơ Thái Thăng Long và cố nhạc sĩ Phú Quang đều là những người con Hà Nội. Ảnh: NVCC.
. Theo anh, âm nhạc của cố nhạc sĩ Phú Quang có ảnh hưởng như thế nào đến thế hệ trẻ ngày nay?
+ Âm nhạc của Phú Quang có ảnh hưởng rất lớn đối với thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ. Nó làm người ta có tình yêu khát vọng có tia hi vọng hơn chứ không hề bi luỵ và thật ra đó chính là văn hoá trong hầu hết các bài mà anh viết.
Một số bài viết về Hà Nội tình yêu của nó rất sang trong và nó có những nỗi nhớ về Hà Nội chính là văn hoá đó và giai điệu đó đi vào lòng người rất sâu sắc. Bây giờ mọi người đi tìm văn hoá ở tận đâu nhưng trong âm nhạc, trong thơ chính là điều đó.
Có thể nói, yêu âm nhạc Phú Quang là yêu văn hoá Hà Nội cái tình yêu về con người một cách chậm rãi nhưng bền vững.
. Cảm ơn nhà thơ Thái Thăng Long đã chia sẻ thông tin!
Bài thơ tiễn biệt nhạc sĩ Phú Quang của nhà thơ Thái Thăng Long. KHÓC BẠN ! VĨNH BIỆT PHÚ QUANG Bạn đi Hà Nội buồn ngơ ngác Tôi lặng im Giọt nước mắt lại rơi Bao bài hát để đời Hoa sữa mồ côi Những mùa đông giá Ký ức mồ côi Những ngày trở gió Câu chuyện mồ côi Đơn lẻ lại mình tôi Bạn đi Những con phố không nói cười Tiếng đàn im Giữa đêm Hà Nội Khóc bạn Giữa ngày dịch bệnh quanh nhà Khóc bạn Sáng nay Sài Gòn trở rét Sáng nay Quang đã xa tôi... 8-12-2021 ============ |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét