Thanh Thúy
Thanh Thúy xin chân thành cảm tạ tất cả quí khán thính giả, và bằng hữu khắp bốn phương đã gìn giữ và gởi tặng Thanh Thúy một số tài liệu quí giá để đóng góp cho trang này thêm phong phú. Xin đa tạ.
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm – thong dong tuổi 84
Trần Chí Phúc
Tôi ghé thăm nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, tác giả của bài hát nổi tiếng Gọi Người Yêu Dấu. Năm nay ông đã 84 tuổi, sinh năm 1930 tại tỉnh Nam Định và qua bao nhiêu thăng trầm, cuối đời ông định cư ở thành phố San Jose, California . Nhờ trời sức khỏe vẫn còn tốt, giọng nói vẫn còn sang sảng và văn chương như những lời ca trong các nhạc phẩm của ông.
Trung tá Vũ Đức Nghiêm sau tháng 4/1975 bị tù Cộng sản 13 năm và sang Hoa Kỳ theo diện HO vào cuối thập niên 90 ở Thung lũng hoa vàng từ đó cho đến nay. Tôi hỏi về nguồn cảm hứng nào để ông viết nên ca khúc dễ thương Gọi Người Yêu Dấu. Ông trầm ngâm kể lại mối tình nồng nàn mấy tháng với một cô gái và cả hai chia tay trong nước mắt; lúc đó ông đã có vợ con. Ông gọi đó là mối tình “ngọai hôn” và cuối cùng người nhạc sĩ đa tình vẫn phải trở về với bổn phận một người chồng, người cha. Ông cũng nói thêm rằng có một MC đã thuật lại chi tiết mối tình này và tô vẽ thêm cho lâm ly trên băng hình ca nhạc và người tình năm cũ đã gọi phôn trách móc tại sao ông lại kể chi tiết cho người ta biết để rồi phổ biến khắp nơi.
Tâm lý của người đời là thích nghe những tình sử trong các ca khúc. Tác giả có người muốn kể hết tâm sự, đôi khi vẽ vời thêm; nhưng cũng có người ngại ngùng vì còn có vợ bên cạnh và cũng ngại cho đối tượng cũng vướng víu chồng con. Nhưng có cuộc tình lãng mạn thì mới có nguồn cảm hứng để cho ra đời những bản tình ca làm đẹp cho cuộc sống, cho những kẻ đang yêu nhau hát cho nhau nghe.
Bài hát Gọi Người Yêu Dấu ra đời tháng 11 năm 1969, lúc vừa chia tay; nhạc sĩ ngồi bên bờ hồ Xuân Hương viết và ca sĩ Thanh Lan lên Đà Lạt chơi gặp Vũ Đức Nghiêm hỏi có viết ca khúc nào mới và ông đưa bản này. Tháng 1 năm 1970, tíếng hát Thanh Lan lần đầu tiên giới thiệu bài tình ca ướt át này trên đài truyền hình Sài Gòn, được thính giả ưa thích. Bài hát điệu Boston, ¾ chậm buồn, lời ca chải chuốt và da diết : “ Gọi người yêu dấu bao lần, nhẹ nhàng như gió thì thầm, làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi, thương người xa xôi… Thương đôi mắt sao trời lung linh, thương yêu ngón tay ngà xinh xinh, thương yêu dáng vai gầy thanh thanh, thương yêu vòng tay ghì siết ân tình… Gọi người yêu dấu xa vời, mà lòng lưu luyến bồi hồi, ngày biệt ly đành nhớ nhau thôi, khi chiều nhẹ rơi.”
Bài tình ca đầu tiên của Vũ Đức Nghiêm vịết vào năm 1947 lúc ông 17 tuổi có tên là Bến May; chữ May ở đây là gió heo may. Và ông cũng viết một vài bản tình ca tặng cho vị hôn thê tuổi đôi mươi, kém ông một tuổi và cũng là người vợ gắn bó tới hôm nay.
Trong thời gian ở tù Cộng sản, ông sáng tác bản Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu (Ái Vân hát) tặng cho nguời vợ của ông đã hết lòng thăm nuôi ông và chăm sóc con cái. Bài Muôn Trùng Xa Em Về tả cảnh ông nhìn người vợ từ giã trại tù giam ông để về nhà có những câu cảm động : “ Gượng cười bên nhau phút cuối, nghẹn ngào bâng khuâng tiếc nuối, dáng em đường dài đơn côi, vai gầy chiếc bóng lẻ loi. Muôn trùng xa em về, bụi mờ vương theo bước chân đi…”
Tuy thương vợ nhưng tính lãng mạn vẫn có trong người nhạc sĩ và Vũ Đức Nghiêm cũng động lòng trước một vài bóng dáng yêu kiều.
Bản Trong Ngục Tù Bao La ông sáng tác năm 1970 khi quen biết một người con gái và cô này đi lấy một người cô không yêu làm chồng. Tác giả tưởng tượng ra cô gái ấy ở trong một ngục tù bao la và sống cô đơn như một cung nữ bị đày đọa trong lãnh cung. Lời ca như sau:
“Ta thấy em âm thầm sống đọa đày. Nơi lãnh cung xạc xào gió heo may. Ta thấy em môi hồng mắt mê say. Mái tóc xanh phai tàn với cỏ cây… Ôi mắt xưa u hòai. Ôi mắt xưa vời vợi. Ta thấy em lạc lòai lê bước chân miệt mài. Ta thấy em như thiên thần sa ngã. Em có vui trong ngục tù bao la.”
Bản Trong Ngục Tù Bao La đã được hát một cách say mê trong giới trẻ của Sài Gòn sau tháng 4 năm 1975. Họ đồn rằng đây là một bài hát của Liên Xô hoặc của các nước Đông Âu thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Với lời ca tả người em bị đọa đày nơi lãnh cung của vua chúa và có vẻ như chỉ trích chế độ phong kiến. Trong khỏang hai ba năm từ khi Việt Cộng chiếm Miền Nam, họ cấm đóan tất cả các bài hát của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, chỉ hát tòan nhạc đỏ. Cho nên có được một bản tình ca ướt át như Trong Ngục Tù Bao La thì giống như đang ăn cơm độn thì có được một bát cơm trắng. Hôm nay mới biết ra rằng ca khúc đó là của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và bài hát trở thành một kỷ niệm cho những dân nghe nhạc đã từng sống ở Việt Nam khỏang thời gian từ 4/1975 cho đến 1978.
Sự nghiệp sáng tác của Vũ Đức Nghiêm có thêm những bài hát tôn vinh Chúa khi ông ở trong các trại tù Cộng Sản suốt 13 năm như trại Long Giao, trại Suối Máu (Tân Hiệp), trại Yên Bái Hoàng Liên Sơn, trại Văn Bàn Lào Cai, trại Xuân Phước.
Những bài như Khi Tôi Quỳ Bên Chân Chúa: “Khi tôi quỳ bên chân Chúa, hồn bay thánh thóat về chốn cao vời. Dâng lên Ngài lòng tan vỡ, nghẹn ngào cay đắng lầm lỡ trong đời…”
Bài Lời Nguyện Chiều: “Khi nắng mong manh phai nhạt dần, dãy núi xa mờ sương ngân tiếng chuông chiều buông. Mây xám theo nhau bay về ngàn, đêm tối tăm tràn lan, bóng đêm sâu dần xuống. Nghe gió reo trong tim dạt dào, xin Chúa trên trời cao nghe tiếng con nguyện cầu…”
Bài Ngài Đến Bên Tôi Giữa Muôn Khổ Đau có câu: “Nhiều lúc trong gian truân, tôi tưởng rằng Chúa đã bỏ tôi. Nhìều lúc tôi bơ vơ, trong xà lim nhạt nhòa bóng tối. Ngài đến bên tôi giữa muôn khổ đau, lời nói êm êm “ Con đừng lo, ta dìu con, hãy vững lòng bước đi bình an”.
Thời còn trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, Vũ Đức Nghiêm viết mấy bản hành khúc như Sư Đòan 3 Dã Chiến Hành Khúc, Sư Đòan 22 Bộ Binh Hành Khúc, Sư Đòan 23 Bộ Binh Hành Khúc.
Sang Hoa Kỳ, ông thực hiện một vài CD như Đóa Hồng Cho Người Yêu Dấu và các bài ngợi ca Thiên Chúa.
Nhạc sĩ , Trung tá Việt Nam Cộng Hòa, ở tù Việt Cộng 13 năm từ 1975 đến 1988, Vũ Đức Nghiêm đã trải qua những thăng trầm cuộc đời. Ông bùi ngùi nói rằng nhìn lại thì chỉ là một thóang chiêm bao. Tuy nói vậy nhưng người nhạc sĩ vẫn canh cánh trong lòng một vài ca khúc và đang nhờ một vài ca sĩ phổ biến. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ, đã yêu âm nhạc thì vẫn mang nỗi đam mê đó suốt đời.
Tôi chụp ông bức hình, ông bảo không cần phải sửa soạn quần áo, cứ để tự nhiên vì đã là một ông lão 84 tuổi. Ông rất vui vì có bạn văn nghệ tới thăm hỏi. Người bạn đời của ông vẫn khỏe mạnh và tỏ vẻ gắn bó như đã từng mấy chục năm nay. Tác giả của Gọi Người Yêu Dấu, Trong Ngục Tù Bao La và những bài ca tôn vinh Chúa thiết tha thiêng liêng vẫn còn yêu đời, có lẽ lòng yêu nghệ thuật làm con người quên tuổi tác.
Trần Chí Phúc – 9/2014
=================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét