5. MỤC SƯ VŨ VĂN CƯ
Mỗi vị Mục sư Giáo sư Thánh Kinh Thần Học Viện có một tánh cách khác nhau, nhưng về tinh thần thể thao thì chỉ một mình Mục sư Vũ văn Cư có. Tôi tin rằng tất cả những anh em hầu việc Chúa từng ngồi dưới mái Trường Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang không thể quên được hình dáng tướng đi chắc nịch của Vị Mục sư nầy khi ông với quần short áo thun bước xuống sân bóng chuyền của Viện vào những buồi chiều sau giờ học.
Vì Thánh Kinh Thần Học Viện được xây dựng trên một ngọn đồi nhìn ra thắng cảnh Hòn Chồng Nha Trang. Tôi được kể lại rằng, khi Trường Kinh thánh tại Đà Nẵng được BanTrị Sự Tổng Liên Hội biểu quyết di dời vào Nha Trang, Đức Chúa Trời đã dùng Ông Bà Giáo sĩ Revelle dâng toàn bộ tài sản được chia trong gia đình để xây dựng Thánh Kinh Thần Học Viện. Lúc bấy giờ, có một người Pháp phải trở về Pháp nên tìm cách bán lại khu đất Hòn Chồng, Đức Chúa Trời dùng Mục sư Duy Cách Lâm là một mục sư lai Pháp đứng ra liên lạc và lo mọi thủ tục mua sở đất trên. Công việc mua khu đất ban đầu tưởng dễ, nhưng khi tiến hành thì gặp rắc rối do những người thuộc một tôn giáo dựa thế lực của Tông thống Ngô Đình Diệm để ngăn cản. Cảm ơn Chúa cho Mục sư Duy Cách Lâm vượt qua được, chỉ duy cuối cùng bởi sự can thiệp trực tiếp của Tổng thống Ngô Đình Diệm thì Hội thánh Tin Lành bằng lòng nhượng lại khu Hòn Chồng làm thắng cảnh quốc gia. Cũng nhờ việc bị gây rắc rối, nên Mục sư Duy Cách Lâm đã có đủ mọi giấy tờ hợp pháp. Khu đất là một ngọn đồi nhiều cây cối rậm rạp, từ đó Mục sư Duy Cách Lâm đã cho cắt ngang ngọn đồi để xây dựng, dùng những cây giáng hương mọc trên ngọn đồi đó làm trần nhà và những tủ bàn trong Viện. Thánh Kinh Thần Học Viện thiết kế hình chữ U, gồm hai dãy phòng một trệt một lầu làm chỗ ở cho các sinh viên, các sinh viên độc thân thì ở trên lầu với một phòng có thể chứa năm người, tầng trệt được ngăn hai dùng cho các sinh viên có gia đình với qui định chỉ được đem theo một con nhỏ. Một dãy ngang làm các phòng học với một phòng dài làm Lễ Bái Đường, tất cả các phòng học đều được trang bị băng ghế ngồi có chỗ để viết. Có sáu ngôi nhà của các Giáo sư, cùng một nhà thờ lớn đẹp bên cạnh nhà của Mục sư Viện Trưởng. Thánh Kinh Thần Học Viện có một phòng ăn của các sinh viên có thể chứa trên 200 người, cạnh đó là nhà bếp, cũng có nhà giặt quần áo, các phòng vệ sinh tiện nghi. Thánh Kinh Thần Học Viện có một Thư Viện khá nhiều sách với dự kiến lên 15.000 đầu sách và còn đang xây dựng một Thư Viện riêng ngoài hướng Hòn Chồng.
Vì là một khu biệt lập cách xa thành phố, nên trò chơi giải trí duy nhất là sau giờ học mỗi chiều, anh em sinh viên có dịp xuống sân bóng chuyền để vận động thư giãn, hoặc cũng có thể đi bơi nơi bãi biển hàng dương gần đó.
Trong những giờ thể thao nầy, Mục sư Vũ văn Cư thường xuống sân và vào đánh bóng chuyền với anh em sinh viên. Mục sư Cư có sức khỏe rất tốt, có thể nói tốt hơn tất cả các giáo sư trong Viện, kể cả các Giáo sư Giáo sĩ người Mỹ. Khi Mục sư Cư xuống sân luôn được anh em hoan nghinh bằng một tràng pháo tay, chơi vài hiệp thì ông xin nghỉ, những lúc như vậy, anh em sinh viên bắt gặp một vị Giáo sư bình dị, hòa đồng với anh em, tinh thầy-trò thân mật, khác với vẻ nghiêm khắc trong lớp của Mục sư.
Trong lớp, ít khi Mục sư Cư cười, mà có cười cũng chỉ mỉm cười, cộng thêm cách cho điểm của Mục sư Cư rất gắt. Có một anh em trong lớp của tôi làm bài thi môn Lịch sử Hội thánh, không biết làm bài thế nào mà Giáo sư cho 69¾ trong khi điểm tiêu chuẩn là 70, thầy ấy bị điểm đỏ, theo qui định như vậy là rớt. Thầy ấy gặp Mục sư Cư xin cho thêm ¼ điểm nhưng không được nên đành phải thi lại.
Mục sư Vũ văn Cư dạy môn Lịch sử Hội thánh, môn Âm nhạc và môn Việt văn III. Khi tôi vào năm thứ I thì Mục sư còn dạy một môn học đối với tôi rất quý, đó là môn Giáo Nhạc Sử, học biết về quá trình hình thành âm nhạc trong Giáo hội từ sơ khai đến hiện đại, rất tiếc là năm sau đó Viện đã không còn cho học môn nầy. Môn học cho biết thuở Hội thánh đầu tiên hát Thi thiên, lần lần qua Giáo hội tại La Mã đã đọc những Thi thiên theo tiếng La-tinh, vì tiếng La-tinh có giọng lên xuống như nhạc điệu, như Bài Thánh ca số 27 của Thánh ca Tin Lành Việt Nam đó là giọng ê a xướng Kinh.
Tôi chưa tìm thấy hoặc nghe được một tài liệu nào nói về Mục sư Vũ văn Cư làm chủ tọa Hội thánh, Đức Chúa Trời đã cho Mục sư Vũ văn Cư ân tứ về âm nhạc để lo cho tiền đồ của Hội thánh Chúa tại Việt Nam, đặt nền cho sự ca ngợi Chúa qua quyển Thơ Thánh không có nhạc sau đó có nhạc với những lời mộc mạc chân thành (còn lưu lại một số bài phía sau quyển Thánh ca đang lưu dụng), rồi đến quyển Thánh ca khổ lớn, cuối cùng là quyển Thánh ca khổ tiện dụng. Tôi ghi vào đây lời của một mục sư trẻ thuộc Hệ Tư gia nói về Thánh ca trong đó là công khó của Cụ Mục Vũ văn Cư:
“Mục sư ơi, Hội Thánh con rất cần những quyển thánh ca bìa xanh ở nhà thờ truyền thống vẫn thường hay sử dụng, vì những quyển thánh ca tư gia toàn đoản ca, vui nhộn nhưng không chứa đựng Lời Chúa, đã từ mấy năm nay, con liên tục photo những bài thánh ca trong quyển xanh của nhà thờ truyền thống, vào mỗi tuần, vừa đắt đỏ và hay thất lạc, vì nó là bài đơn lẻ cho nên mọi người không giữ được Mục sư ạ. Con rất cảm động vì những lời trong những bài thánh ca đó rất sâu sắc và chứa đựng Lời Chúa rất thâm sâu, gây dựng…”
Mục sư Vũ văn Cư dạy môn nhạc là một môn bắt buộc của Thánh Kinh Thần Học Viện, vì (theo tôi) chủ trương của Viện là đào tạo người ra hầu việc Chúa không phải dạy như một khoa trong Trường Đại học, mà ngoài những hiểu biết cần về Kinh thánh, Thần học, người hầu việc Chúa còn cần biết ít nhiều về âm nhạc để hướng dẫn hội chúng hát ngợi khen Chúa. Đó là lý do môn âm nhạc là bắt buộc với mục đích không phải để sinh viên ra Trường trở thành nhạc sĩ, nhưng ra thi hành chức vụ khả dĩ có thể hướng dẫn hội chúng hát ngợi khen Chúa. Bởi lý do đó, những bài học về âm nhạc mà Mục sư Vũ văn Cư dạy từ căn bản, đến những hợp âm và điều quan trọng là làm cách nào có thể hát bất cứ bài Thánh ca nào trong khi Hội thánh không có đàn. Cảm ơn Chúa cho Cụ Mục sư Cư đã tận tình chỉ dạy, dĩ nhiên cũng có người thành người không thành, cái lỗi do nhiều anh em cho rằng những bài học âm nhạc đó không cần thiết, nên khi ra Trường không hề áp dụng, phụ lòng của người Thầy.
Trong thời gian dạy, Mục sư Vũ văn Cư cũng phụ trách những chương trình Lễ của Thánh Kinh Thần Học Viện, như Lễ Khai Giảng, Lễ Kỷ Niệm Chúa Jêsus giáng sanh, Lễ Tốt Nghiệp. Tất cả những chương trình được Mục sư Cư dàn dựng khéo léo, ngay cả phần trang trí, thường theo chủ đề, nhất là phần ngợi khen Chúa của các sinh viên được Mục sư Cư tuyển chọn từ các sinh viên trong Viện rồi tập luyện cho hát. Có những bài Thánh ca được Mục sư dịch hoặc chuyển cung điệu rất đặc biệt, tôi không biết có ai trong Hội thánh Chúa hoặc những người trong gia đình của Cụ Mục sư còn giữ những bài đó không. Tôi còn nhớ được vài bài rất ấn tượng như:
Lúc vui lúc buồn, ngày ngày luân thứ,
Có Cha Ái Từ săn sóc tôi hoài…
Khi hát bài Thánh ca này, tình cờ có Giáo sĩ Long (tiếng Anh) đến thăm và giảng cho Viện, Giáo sĩ Long nói đến đời sống chức vụ mỗi người có một cái gánh với hai gánh nặng hai đầu, một đầu là vui còn đầu kia là buồn, nếu chỉ vui hoặc buồn hoài thì chúng ta không đi được, Chúa cho có lúc vui lúc buồn để cân bằng hai đầu giúp chúng ta đi được. Chí lý thay.
Hoặc bài Thánh ca Chúa ôi, cho tôi gần Ngài, được Mục sư chuyển đổi các giọng xen vào, nhất là phần câu cuối phần âm điệu thật vui tươi mô tả cảnh những người tin Chúa được bay lên không trung gặp Chúa:
Khi tôi bay lên Thiên cung, ôi thật khoan khoái!
Không trung trăng, sao, kim ô, tôi đều lướt qua.
Tôi luôn luôn hân hoan ca, xin Chúa đem tôi lại gần…
Chúa ôi, cho tôi gần Ngài, càng gần Chúa nay…
Kỷ niệm với tôi là những bài Nam Ban mà Mục sư Cư tập cho các Nam sinh viên chúng tôi trong Viện. Từ khi tôi tin Chúa chỉ nghe những bài hợp ca nam nữ ban, phải đến khi vào Thánh Kinh Thần Học Viện mới nếm được cái hay của hợp ca Nam Ban dưới sự hướng dẫn của Vị Giáo sư về Âm Nhạc của Viện. Chúa cho Mục sư Cư có chất giọng và cách lấy giọng rất cao để dạy cho cho giọng bè 2 của Nam Ban. Bài Thánh ca đầu tiên trình bày qua Nam Ban ghi ấn tượng trong tôi là bài Thánh ca: Khen Chúa! Ngợi Chúa!
Khen Chúa, ngợi Chúa,
Jêsus Đấng thi ân mua chuộc ta.
Ôi đất cùng hát ái tâm Ngài rao giảng ra.
Tôn Chúa, tụng Chúa,
Thiên sứ luôn cơ binh trên trời cao.
Danh Chúa đáng được năng lực tôn quý dường nào…
Tôi đã đem bài Thánh ca nầy tập cho ban hợp ca Nam Nữ Ban của Hội thánh Chúa tại Túc trưng nhơn ngày Lễ Cung Hiến Đền Thờ ngày 6 tháng 12 năm 1972. Trong ngày Lễ, sau khi tất cả khách mời đã vào trong nhà thờ còn đang đứng, Ban Hợp ca đã chúc tụng Chúa bằng bài Thánh ca nầy. Đến câu thứ 3 của Bài hát có lời:
Khen Chúa, ngợi Chúa,
Jêsus Đấng thi ân mua chuộc ta,
Muôn tiếng tụng tán Chúa thiên đàng: “Hô-Sa-Na!”
Các Thanh niên nam nữ trong Ban Hát vì cảm động lần đầu tiên mấy chục năm Hội thánh tại Túc trưng mới có được một cơ hội cung hiến Đền Thờ cho Chúa và có mặt đông đủ quan khách từ Chính quyền, các Tôn giáo bạn ở địa phương và đặc biệt lần đầu tiên có sự hiện diện đầy đủ các Vị Lãnh đạo Hội thánh Tin Lành Việt Nam từ Địa Hạt đến Tổng Liên Hội, cho nên khi dừng lại để tung hô Chúa “Hô-sa-na”, tiếng Hô-sa-na đã làm quan khách giật mình ngạc nhiên.
Điều không thể quên được công khó của Mục sư Vũ văn Cư đối với Thánh Kinh Thần Học Viện là Chúa đã dùng Mục sư Cư cộng tác với Giáo sư Giáo sĩ Sutherland trong nhiều năm, để quyên góp tài chánh cho Viện. Ai cũng biết chi phí điều hành Thánh Kinh Thần Học Viện một phần do sự giúp đỡ của Hội Truyền giáo Phước âm Liên Hiệp (The Christians and Missionary Alliance - CMA), đồng thời mỗi năm các Hội thánh lạc quyên vào Chúa nhật Thánh Kinh Thần Học Viện vào đầu tháng 9 là ngày Viện khai giảng, cũng có những ân nhân từ các nơi quyên giúp, thường là giúp cá nhân các sinh viên trong Hội thánh địa phương đến học, chỉ những sinh viên năm Tốt Nghiệp mới được miễn đóng học phí. Thánh Kinh Thần Học Viện còn phải lo cung cấp cho các sinh viên thực tập nữa. Cảm ơn Chúa cho thỉnh thoảng, Giáo sư Giáo sĩ Sutherland liên hệ được với các Mục sư Tuyên úy trong quân đội Mỹ hoặc Hàn quốc tổ chức cho Ban hát Sinh viên Đến ngợi khen Chúa vào những Chúa nhật, kèm theo lời làm chứng của đôi ba sinh viên, nhờ đó sự quyên góp được thêm vào ngân quỹ của Viện. Có khi Mục sư cùng đi, có khi chúng tôi đi cùng Giáo sĩ Sutherland; có khi Ban hát sẽ đi sau giờ học buổi chiều đến những nơi xa như Phan-rang, Qui nhơn, rồi quay về Viện giữa khuya. Những lúc đó Mục sư Cư chịu trách nhiệm tập luyện cho Ban hát, và thường khi Ban hát trở về dù ngày hay khuya, Mục sư Cư cũng có mặt để nói vài lời vui khích lệ Ban hát.
Mục sư Vũ văn Cư cũng dạy môn Lịch sử Hội thánh và môn Việt văn III. Cho đến khi viết những dòng chữ nầy, tôi vẫn hình dung được giọng đọc bài thơ Ông Đồ Già (tác giả Vũ Đình Liên) của Mục sư Cư, giống như những lời của bài thơ:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người quạ
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng baỵ
Nhưng mỗi năm, mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Đọc bài thơ sao nhớ Thầy của tôi quá! Giờ Mục sư Vũ văn Cư đã ở với Chúa, chắn chắn ông thỏa lòng dùng ân tứ Chúa cho về âm nhạc ngợi khen Chúa. Một đời tận tụy, đến cuối dời Mục sư Cư bị ung thư xương hàm lần lần không còn nói được, phải tự nguyện từ chức Phó Hội Trưởng Hội thánh Tin Lành Việt Nam qua những tiếng khều khào giữa Hội Đồng Tổng Liên Hội năm 1975.
Có một lần tôi được các em Thiếu niên thuộc Hội thánh Chúa tại Khánh hội - Quận 4 mời giảng cho chương trình Thánh nhạc nói về Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Ira Sankey, là tác giả có nhiều bài Thánh ca trong dịch trong quyển Thánh ca Tin Lành Việt Nam, nhất là bài Kìa chín mươi chín con chiên, trong khi tìm tài liệu, tôi được biết rằng, Ira Sankey là ca sĩ hát cho những buổi truyền giảng Tin Lành của Mục sư Dwight Moody, người ta nói Sankey hát khiến người ta tin Chúa nhiều hơn do Mục sư Moody giảng. Khi đến tuổi già, đôi mắt của Sankey bị mù, giọng đã khàn không thể hát được nữa, có người bạn đến thăm vả hỏi Ira Sankey rằng: Sankey đã một đời tận tụy hầu việc Chúa, bây giờ già bị mù, bịnh, ông có buồn không? Truyện kể rằng, để trả lời cho câu hỏi đó, Sankey đã lần mò đến bên chiếc đàn phong cầm, và vừa dạo đàn Sankey vừa cất giọng khàn đục của mình hát bài Thánh ca Kìa, màn sương tiêu tan, và đêm đó tôi đã hát những câu trả lời của Sankey:
Ngàn lần tôi đau trong tâm linh,
đuối sức đương khi đi trên nẻo gai,
Thân gian lao trong nơi u minh,
ruộng xa xăm lo gieo, nước mắt tuôn.
Nhưng lời Chúa phán:
"Hãy đến! hỡi người trung tín! sẽ thưởng cả công khó”.
Chính lúc sương âm u tiêu tan
thì anh em sẽ biết Chúa rõ hết.
Tôi sẽ biết giống Chúa biết tôi.
Nay cô đơn sẽ có Chúa luôn.
Buổi mai rất sáng láng,
rất phước hạnh, hừng đông hoan hô Jêsus đến!
Chính lúc sương âm u tiêu tan
thì anh em sẽ biết Chúa rõ hết”.[11]
Năm nay hoa đào nở,
Không thấy vị Thầy xưa.
Những học trò năm cũ,
Lòng ở đâu bây giờ?
Ms TRẦN THÁI SƠN
**********************************
**********************************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét