VĂN ĐOÀN VIỆT
Vì một nền văn học Việt Nam tự do, nhân bản
VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (469): LỆ HẰNG (KỲ 1)
Nhà văn nữ Lệ Hằng sinh năm 1948 tại Hải Dương, miền Bắc. Vào Nam năm 1954. Rời VN đến Úc vào năm 1989, Lệ Hằng đã chọn vùng Blue Mountains sống một cuộc sống lặng lẽ cách thành phố Sydney hoa lệ (bang New South Wales) khoảng 100 km! Blue Mountains là một vùng núi non trùng điệp, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Sau đó, nhà văn chuyển về vùng Cabramatta để… được gần gũi với những người Việt đồng hương… mà theo bà là: “Lá rụng về cội”.
Bắt đầu sáng tác từ năm 1967, nhà văn nữ Lệ Hằng đã từng nổi tiếng ở Sài Gòn với các tác phẩm trước 30.4.1975: Thung Lũng Tình Yêu, Tóc Mây, Bản Tango Cuối Cùng, Ngựa Hồng, Mắt Tím, Tình Yêu Như Băng Sơn, Chết Cho Tình Yêu, Kinh Tình Yêu… Từ sau 1975 bà tiếp tục sáng tác ở hải ngoại, đi đi về về VN, một số tác phẩm chính trong giai đoạn này: Sa tăng Dịu Dàng (1992), Nghề Làm Vua (truyện dài 1992), Hạnh Phúc Quanh Ðây (truyện phim, Sài Gòn 1981), Bình Nguyên Xanh (truyện phim, Sàigòn 1982), Năm 2100, Bên Kia Là Núi, Nói Thầm Với Ðá (1998)…
Tác phẩm đã xuất bản:
Thung Lũng Tình Yêu
Tóc Mây
Bản Tango Cuối Cùng
Ngựa Hồng
Mắt Tím
Tình Yêu Như Băng Sơn
Chết Cho Tình Yêu
Kinh Tình Yêu
Sóc Nâu
Chiều Gío
Màu Xanh Ðang Lên
Như Sương Long Lanh
Sa tăng Dịu Dàng (1992)
Nghề Làm Vua (truyện dài1992)
Hạnh Phúc Quanh Ðây (truyện phim, Sài Gòn 1981)
Bình Nguyên Xanh (truyện phim, Sàigòn 1982)
Năm 2100
Bên Kia Là Nuí
Nói Thầm Với Ðá (1998)
Từ “Tóc Mây” Đến “Vì Tôi Là Linh Mục”
Lệ Hằng là một tên tuổi quen thuộc trên văn đàn miền Nam tính đến trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cô cũng có thể được coi là một trong những mặt tiêu biểu trong văn đàn nữ giới của miền nam, mặc dù so với những tên tuổi khác như Nhã Ca, Túy Hồng hay Thụy Vũ, nữ sĩ Lệ Hằng tham gia muộn hơn.
Thật vậy, phải đến đầu thập niên 70s thì nhà văn Lệ Hằng mới được công chúng biết đến nhiều, rồi cô nhanh chóng bước những bước đi thật xa để định hình tên tuổi của mình trong lòng công chúng vói nhiều tác phẩm mang thuần túy một nội dung về tình yêu. Lệ Hằng viết về tình yêu. Nhiều nhà văn thời bấy giờ, bất kể là nam hay nữ, cũng viết về tình yêu. Nhưng tình yêu trong các tác phẩm của nữ sĩ Lệ Hằng là một cơn bão thổi tốc những khuôn luật đã định sẵn của xã hội miền Nam và nhiều người vẫn còn nhớ đến dư âm của thời kỳ này như một “hiện tượng Lệ Hằng”, hay nói đúng hơn là “hiện tượng Tóc Mây”.
“Tóc Mây” là một trong những tác phẩm đầu tay của Lệ Hằng và cùng vói “Thung Lũng Tình Yêu”, cũng là tác phẩm giúp đưa tên tuổi của cô lên đài danh vọng. “Tóc Mây” ghi lại một cuộc tình của một cô sinh viên và một chàng nhạc sĩ. Điểm khác trong truyện tình này là người nhạc sĩ cũng là vị linh mục trong một thánh đường Thiên Chúa Giáo. Không biết có phải chịu ảnh hưởng của “Tóc Mây” hay không mà ít lâu sau đó, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên cũng đã trình làng tập thơ mang tên Thiên Tai, bao gồm bài thơ nổi tiếng “Linh Mục”. Bài thơ này đã được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ thành bài hát “Vì Tôi Là Linh Mục” làm say mê giới thưởng ngoạn cho đến ngày nay.
1.
dĩ vãng là địa ngục
giam hãm đời muôn năm
tôi – người yêu dĩ vãng
nên sống gần Satan
ngày kia nghe lời quỉ
giáng thế thêm một lần
trong kiếp người linh mục
xao gầy cơn điên trăng!
2.
vì tôi là linh mục
không mặc áo nhà giòng
nên suốt đời hiu quạnh
nên suốt đời lang thang!
vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian
nên không có thánh kinh
nên không có bổn đạo
nên không có giáo đường
(một tín đồ duy nhất
vừa thiêu huỷ lầu chuông!)
vì tôi là linh mục
phổ lời tình nhân gian
thành câu thơ buồn bã
nên hạnh phúc đâu còn
nên người tình duy nhất
vừa thiêu huỷ lầu chuông
vì tôi là linh mục
không biết mặt thánh thần
nên tín đồ duy nhất
cũng là đấng quyền năng!
3.
tín đồ là người tình
người tình là ác quỉ
ác quỉ là quyền năng
quyền năng là tín đồ
tín đồ là người tình
(vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian!)
4.
vì tôi là linh mục
không biết rửa tội người
nên âm thầm lúc chết
tội mình còn thâm vai…
Viết về đề tài tình yêu đôi lứa và tôn giáo là một điều tế nhị, đôi khi nhạy cảm khiến nhiều người phải tránh. Cho dù là trong xã hội nào, văn hóa nào, đề tài này cũng dễ dàng gây những dư luận trái chiều và tác giả dễ trở thành đối tượng bị tấn công của những người quá khích. Nhưng Lệ Hằng đã viết. Cô đi vào đề tài tự nhiên và nhẹ nhàng như kể lại câu chuyện của chính mình. Phải hiểu lề lối sinh hoạt văn hóa của xã hội miền Nam thời bấy giờ, tức là khoảng cuối thập niên 60s, bước sang thập niên 70s thì mới thấy hết được sự thành công của “Tóc Mây” cũng như những tác phẩm của nữ sĩ Lệ Hằng.
Nhìn quanh thế giới, người ta cũng dễ dàng tìm thấy những tác phẩm văn chương với đề tài tương tự. Năm 1977, nữ văn sĩ người Úc Colleen McCulough cũng đã làm công chúng yêu văn chương trên thế giới choáng ngợp với tác phẩm đầu tay của bà mang tên “The Thorn Birds” đã được Việt hóa thành “Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết”. Tác phẩm kể lại cuộc tình của một cô bé tại một vùng quê và vị linh mục trong giáo xứ. Cũng như trong “Tóc Mây”, họ phải vật lộn vơí chính mình để tìm ra cho mình một cách giải quyết mà họ cho là tốt nhất giữa “Thiên Chúa” và “tình yêu đôi lứa”.
Những năm gần đây, trên văn đàn hải ngoại, khi nhận xét về tác phẩm Tóc Mây của nữ sĩ Lệ Hằng, nhiều người thường hay gọi “Tóc Mây là “The Thorn Birds” của Việt Nam”. Có lẽ họ muốn “nâng tầm” của “Tóc Mây” lên trường quốc tế vì dù muốn hay không, “Tóc Mây” của Lệ Hằng cũng chỉ là một tác phẩm văn chương quanh quẩn trong phạm vi Việt Nam, trong khi “The Thorn Birds” đã chắp cánh bay cao trên hàng quốc tế. Tuy nhiên, gọi như vậy là không nhìn thấy hết ý nghĩa của tác phẩm “Tóc Mây” cũng như bản lĩnh sáng tác của nữ sĩ Lệ Hằng. Nền văn hóa mang đậm nét truyền thống của Việt Nam thời bấy giờ vẫn chưa đủ cởi mở để văn nghệ sĩ có thể thoải mái đi vào những đề tài gây tranh cãi như vậy. Những người cầm bút như nữ sĩ Lệ Hằng là những kẻ tiên phong đầy dũng cảm, đã mang đến cho sinh hoat văn chương Việt Nam nhiều màu sắc phong phú, đa dạng và sinh động.
Đã gần 50 năm kể từ khi “Tóc Mây” ra đời. Cả tác phẩm lẫn tác giả cũng đã phải trải qua bao thăng trầm của thời cuộc. Người yêu thích “Tóc Mây” vẫn tìm thấy ở tác phẩm này một giá trị đích thực của tự do sáng tác. Người ta nghĩ đến Lệ Hằng khi đọc “Tóc Mây” và người ta nhắc đến “Vì Tôi Là Linh Mục” của Nguyễn Đức Quang-Nguyễn Tất Nhiên như một khúc nhạc dạo cho truyện tình của “Tô Kim-Cô sinh vien Đà Lạt” và vị linh mục nhạc sĩ Hà Vĩnh Duy trong Tóc Mây của Lệ Hằng. Chỉ ngần ấy cũng đủ để Lệ Hằng xứng đáng là một trong những gương mặt tiêu biểu cho những nữ văn sĩ của miền nam Việt Nam Nam, những ngày hoàng kim.
Chu Văn Lễ
Vancouver, Ngày 27 tháng 6 năm 2017
TÓC MÂY VÀ THORNBIRD
Phải mất cả một buổi sáng mới chụp được hình con chim Thornbird tại New Zealand Úc châu, là bối cảnh và tựa đề của cuốn tiểu thuyết đã đóng thành phim gây khá nhiều tò mò. Thornbird là loài chim thích gai đâm cho chảy máu!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu.
(Thơ Hàn Mặc Tử)
Bài hát quen thuộc hồi nào văng vẳng bên tai với lời tâm sự mới:
Vì tôi là linh mục,
chung phận kiếp lưu đầy,
nên suốt đời phiêu bạt,
nên mãi là mây bay.
TÓC MÂY VÀ THORNBIRD
Ở Sài Gòn thời thập niên ’60, truyện Tóc Mây đã trở thành như một cái “mốt” cho nhiều người tìm đọc. Tác giả Lệ Hằng khai thác đúng lúc cái đề tài rất ư ăn khách mà trước đó chưa ai đụng tới. Nó gợi tò mò. Ông cha mà cũng biết yêu thương cơ à! Đọc một tí để khám phá cái thế giới huyền bí đàng sau vẻ trang trọng của một linh mục, lại chẳng phải là chuyện hấp dẫn sao?!
Rồi bài hát do Nguyễn Đức Quang phổ nhạc lời thơ “rất khều mặt trời” của Nguyễn Tất Nhiên, đã len lỏi vào khắp mọi ngóc ngách, làm rung lên những sợi tơ trời. Tôi nhớ lõm bõm được mấy câu lúc đầu nghe thật ngộ nghĩnh:
vì tôi là linh mục
giảng lời tình nhân gian
nên không có Thánh Kinh
nên không có bổn đạo
nên không có giáo đường
(một tín đồ duy nhất
vừa thiêu hủy lầu chuông!)
vì tôi là linh mục
phổ lời tình nhân gian
thành câu thơ buồn bã
nên hạnh phúc đâu còn…
vì tôi là linh mục
không biết rửa tội người
nên âm thầm lúc chết
tội mình còn thâm vai.
Truyện Tóc Mây thời mới là Thornbird, hư cấu từ khung cảnh bên Úc, đã được đóng thành phim chiếu đi chiếu lại dài dài, chuyên chở nhiều cơn phấn đấu dai dẳng với đủ mùi đắng ngọt của cả một đời người. Thornbird là một loại chim thật lạ, cành cây thơ mộng bên hồ không thèm đậu, lại thích lao mình vào cây gai trên rừng cho chảy máu mà hót lên cung điệu bài “thú đau thương!”
QUYỀN NĂNG LÀ TÍN ĐỒ
Một hôm được mời tham dự Đêm Thơ Nhạc Du Tử Lê ở California, tôi ngồi bên một nhà văn không Công giáo. Trong lúc chờ khai mạc chương trình, sau một số trao đổi chuyện trò, ông ta hỏi tôi có dịp đọc cuốn truyện Thornbird của một tác giả người Úc nào chưa? Tôi chưa kịp trả lời thì ông hỏi tiếp ngay: tại sao ở Việt Nam chế độ không ưa gì Công giáo mà lại cho chiếu phim đó hoài vậy?
Không chút du dự, tôi trả lời ngay: “Có thể người ta muốn rêu rao cho thấy bề trái của hàng linh mục: quá nhiều bê bối thấy chưa, phải đáng hồ nghi là vừa!”
Ông ta liền buông một câu tỏ ra hết sức ngỡ ngàng: “Thế à! Tôi chưa bao giờ nghĩ ra điều đó. Ngược lại, với cá nhân tôi là một người không Công giáo, khi đọc truyện Thornbird, tôi hiểu và thương mến các linh mục nhiều hơn, vì nhận ra chất người nơi họ, rất gần gũi và rất nhân bản. Dĩ nhiên đã là người thì cũng có thể vấp ngã, đó là con số nhỏ. Họ cũng là người như tôi, thế mà họ lại có thể phấn đấu với chính mình để ra đi cứu nhân độ thế. Biết bao nhiêu người như thế. Tôi phục quá chứ!
Nhận xét của ông nhà văn này làm tôi suy nghĩ và thấy ông nói đúng. Có một số người chỉ thích nhìn hình ảnh người tình trong phim là một cô gái. Nhưng đang khi đó tác giả lại muốn trình bày về những phấn đấu tất nhiên của con người để bước tới mà cũng có thể quị ngã vì những hướng chiều từ trong mạch máu, vẫn gọi là tham sân si, trong đó khuynh hướng tham vọng mê quyền năng mới là người tình ác quỉ đứng hàng đầu trong bẩy người tình là những mối tội đầu mai phục trường kỳ bên dưới những tế bào. Bên Mỹ cũng có truyện Cardinal Sins của Andrew Greeley khá nổi tiếng. Đề sách là một kiểu chơi chữ: vừa có nghĩa là Những Mối Tội Đầu là những “tội gốc chưa tan”, mà vừa có nghĩa là Hồng Y Phạm Tội! Đứng đầu bẩy mối tội gốc của mọi thứ tội là kiêu ngạo, là yêu người tình danh vọng thường phá hủy lầu chuông, đúng như lời thơNguyễn Tất Nhiên.
tín đồ là người tình
người tình là ác quỉ
ác quỉ là quyền năng
quyền năng là tín đồ
tín đồ là người tình
thiêu hủy lầu chuông tôi.
Lần đầu tiên một số người phát giác ra rằng ”ông cha” cũng có một con tim bằng thịt biết lúc lắc bồi hồi chứ đâu phải gỗ đá. Trước kia cứ tưởng linh mục là một loại thụ tạo thiêng liêng sáng láng từ trên trời rơi xuống. Liên hệ giữa giáo dân và linh mục luôn có một ngăn cách kiểu ”kính nhi viễn chi.” Bây giờ người ta có dịp nhận ra linh mục vẫn còn là một người nguyên vẹn hình hài, biết khóc biết cười, biết đói biết no, biết đau khổ, biết đối diện với những lúc đen tối, biết vui mừng biết hy vọng, biết lo âu biết sợ hãi. Và cũng có khuynh hướng con người cho những đam mê tham sân si với đầy đủ lễ bộ hỉ nộ ái ố.
Chúa Giêsu khi làm người, Ngài cũng đã chấp nhận thân phận như vậy. Satan biết thế nên trong sa mạc đã gạ gẫm Ngài bằng những màn hấp dẫn vật chất quyền hành danh vọng. Đấy chỉ là cơn cám dỗ điển hình. Kinh Thánh nói rõ: “Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỉ rút lui để chờ dịp khác” (Lc 4:13). Điều đó chứng tỏ rằng cả cuộc đời của Chúa Giêsu luôn là một phấn đấu chọn lựa bước tới hoặc bước lui, như một con người, như một tư tế, như một linh mục đã chọn sống độc thân để có thể phục vụ trọn vẹn, trong khi vẫn có thể chọn khác như bất cứ ai.
CƠN CÁM DỖ CUỐI CÙNG
Karanzakis đã từng viết truyện Cơn Cám Dỗ Cuối Cùng (The Last Temptation), cũng muốn nói lên phần nào cái nhìn trên. Vào lúc kết thúc sứ vụ ở trần gian, Đức Giêsu đã bị ghìm chặt vào thập giá nhưng vẫn phải quằn quại giẫy giụa. Ngài cũng vẫn bị cám dỗ tìm ra kiểu cứu nhân độ thế bằng một lối khác, như dùng quyền năng biểu diễn một trò ngoạn mục là nhẩy xuống khỏi thập giá trước mặt bá quan văn võ để thiên hạ lác mắt mà bái phục. Cơn cám dỗ này giống y chang cơn cám dỗ trong sa mạc lúc khởi đầu. Gọi là cơn cám dỗ cuối cùng, vì chỉ khi chết rồi mới hết phải phấn đấu thôi.
Linh mục cũng không thể ra khỏi thân phận đó. Cuộc đời linh mục cũng luôn là một phấn đấu chọn lựa giữa việc dừng chân ở một đối tượng “tóc mây,” ở những kiếm tìm xây dựng lâu đài thành công chói sáng, và sự dấn thân bước tới lý tưởng. Nhìn một cách tích cực qua truyện Tóc Mây hay Thornbird, thì đây là dịp để người ta có thể nhìn rõ được những phấn đấu không ngừng của linh mục, như lời Thánh Kinh trong thư gửi giáo đoàn Do Thái. Và từ đó sẽ cùng với cả nhiệm thể Chúa Kitô là Hội Thánh hỗ trợ, cảm thông và chia sẻ trách nhiệm gầy dựng thân thương.
“Linh mục là người được chọn giữa người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người mà giao tiếp với Thiên Chúa để dâng lễ vật và lễ tế đền tội. Linh mục có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính mình cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên linh mục phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.” (Do Thái 5:1-3)
Lm. Trần Cao Tường
(Từ tác phẩm Khúc Sáo Ân Tình, Thời Điểm Xuất bản)
Chú thích:
1. Tóc Mây
Là tiểu thuyết của Nữ Văn sĩ Lệ Hằng, nói về cuộc tình giữa Tố Kim, một cô sinh viên Đà Lạt, với Hà vĩnh Duy, một Linh mục Nhạc sĩ.
Tác phẩm này đã tạo nên một cơn lốc, mà trước 1975, người ta gọi là “Hiện tượng Tóc mây”.
Hình như trước hay sau đó ít lâu, nhạc phẩm “Vì tôi là Linh mục” cũng được ra lò và chiềng làng.
Bài hát này đã gây được một âm vang khá lớn, thậm chí những lúc buồn tình, các cô gái ngây thơ cũng chu mỏ và ngay cả các “ma xơ” cũng mở miệng nghêu ngao :
Vì tôi là Linh mục,
Không mặc chiếc áo dòng,
Nên chi đời đau khổ,
Nên trót đời lang thang…
Hẳn đây là tâm sự buồn của một Linh mục lỡ dại trót yêu một tín đồ duy nhất, nên đã cởi bỏ chiếc áo chùng thâm, mà nhập thế ?
Sau 1975, cũng có nhiều sách viết về Linh mục, như “Bão biển” của Chu văn “Người mục tử trong sương mù”…
Cũng giống như những Tiểu thuyết thấm nhuần Tư tưởng Phật Giáo, như “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng (trong nhóm Tự lực Văn đoàn), “Tắt Lửa Lòng” của Nguyễn Công Hoan, rồi dựng thành phim, kịch… như “Chuyện Tình Lan Và Điệp”…
2. Thorn Birds
The Thorn Birds, tạm dịch: Tiếng chim hót trong bụi mận gai, có thể được xem là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nữ Văn sĩ người Úc Colleen McCulough, được xuất bản năm 1977.
Tiểu thuyết The Thorn Birds, của nữ văn sĩ Colleen McCullough (sinh ở Bang New South Wales, cách nơi ở của NNS hơn 1000km), ngay khi vừa xuất bản (1977) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được xếp ngang hàng với tác phẩm văn học kinh điển “Cuốn theo chiều gió”. Nhưng ít ai biết được rằng, thời điểm tác phẩm ra đời, viết văn chỉ là nghề tay trái của Colleen McCollough, Bà thật sự hành nghề nhân viên y tế.
“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” được thai nghén trong ngót 4 năm, là quyển Tiểu thuyết đầu tay, rồi đầu mùa hè năm 1975, bà bắt tay vào viết một mạch trong 10 tháng. Suốt thời gian ấy, bầ vẫn túi bụi công việc ở bệnh viện, chỉ viết tác phẩm vào ban đêm và ngày Chúa nhật.
The Thorn Birds, Phim truyền hình 6 tập, sản xuất năm 1983
Nhà sản xuất David L. Wolper. Đạo diễn Daryl Duke
Tài Tử:
Richard Chamberlain, vai Cha Ralph de Bricassart
Rachel Ward, vai Meggie
Barbara Stanwyck, vai Mary Carson
Đến năm 1988, phim đã được chiếu rạp ở Việt Nam, với nhan đề “Những con chim ẩn mình chờ chết“.
Câu chuyện về Thorn Bird kể chuyện tình cay đắng nhưng thật Tuyệt vời và vượt qua mọi định kiến Xã hội, của Mecghi và Linh Mục Ranfo. Để có được sự Tuyệt vời đó họ đã phải trả giá cả cuộc đời. Như lời đề tựa đã viết:
“… Theo truyền thuyết có một loài chim chỉ hót lên một lần trong cả cuộc đời nó, tiếng hót đó ngọt ngào hơn bất cứ sinh vật nào trên trái đất này. Ngay khi vừa rời tổ loài chim ấy đi tìm ngay một thứ cây có những cành gai nhọn và tiếp tục bay mãi không chịu ngơi nghỉ, cho đến khi tìm được mới thôi. Sau đó nó cất tiếng hót giữa những cành cây hoang dại rồi lao vào một cây gai dài và nhọn nhất, cây gai xuyên thủng qua ngực. Giữa cơn hấp hối một tiếng hót vút cao, thánh thót hơn cả tiếng hót của sơn ca hay họa mi. Tiếng hót tuyệt vời đánh đổi bằng cả cuộc sống. Trời đất dừng lại để lắng nghe còn thượng đế ở trên cao thì mỉm cười. Bởi vì sự tuyệt vời chỉ có được bằng niềm đau vô tận ấy.
Con chim mang chiếc gai nhọn xuyên qua ngực vẫn tuân theo một quy luật bất biến, không hiểu điều gì đã thúc đẩy nó tự đâm suốt vào tim và lịm dần trong tiếng hót. Vào lúc gai nhọn xuyên qua nó không ý thức được cái chết đang chực chờ. Nó chỉ mãi mê hót và hót cho đến khi không còn hơi thở để cất thêm một nốt nhạc nào nữa.”
Chữ Tình là cái chi chi vậy…
LM Trần Cao Tường
============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét