Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

" từ ca sĩ đến nhiếp ảnh gia ĐÀO HOA NỮ [ i.e. Phạm Thị Nữ 1945 - ] / Xuân Trường phỏng vấn -- nguồn: https://baogialai.com/.vn>

 

Từ ca sĩ đến nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ

XUÂN TRƯỜNG

Thứ Tư, 20/04/2011, 20:30 [GMT+7]

.
 
Xin chào nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ! Chị có thể chia sẻ một chút riêng tư về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình trong quá trình lao động, sáng tạo và đi đến thành công hôm nay?


- Vâng. Tôi có tên thật là Phạm Thị Nữ, sinh năm 1945 tại Cố đô Huế. Năm 1959, tôi theo gia đình vào Sài Gòn đi học. Khi còn là một học sinh của trường dòng, tôi đã tập hát thánh ca và học nhạc. Được trời cho một giọng hát truyền cảm, nên tôi cũng nhanh chóng bước vào con đường nghệ thuật của mình.
 
Ngày ấy có nữ danh ca Thanh Thúy với giọng hát mê hoặc đi vào lòng người. Chị ấy là người đồng hương với tôi nên dìu dắt tôi trong nghệ thuật. Hai chị em hay đi với nhau, chị đưa tôi đến phòng trà Bồng Lai ở đường Beauna, góc đường Lê Lợi- Nguyễn Trung Trực ngày nay. Một hôm, sau tiết mục của chị Thanh Thúy thì đến một ca sĩ khác nhưng chờ mãi không thấy họ đến. Ban tổ chức đề nghị em chị Thanh Thúy hát thay. Thế là tôi có dịp để thể hiện mình. Sau khi tôi hát, được đông đảo khán giả ủng hộ bằng những tràng vỗ tay kéo dài. Thế là tôi bắt đầu nhập cuộc.
 
Sau khi thi đỗ tú tài phần hai thì nghề ca hát đã thực sự gắn bó với đời tôi. Sau năm 1975 tôi tiếp tục tham gia văn nghệ cùng với các anh: Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Trần Long Ẩn… Trước ngày anh Trịnh Công Sơn bị bệnh, tôi đã kẻ nốt nhạc trên bản giấy lớn để anh Trịnh Công Sơn viết lời bài “Một cõi đi về” và tôi chụp được tấm ảnh lưu niệm ấy của anh.
 
Huế hiện lên trong mắt Đào Hoa Nữ vẻ đẹp dịu dàng, lãng mạn... Ảnh: Đ.H.N
Huế hiện lên trong mắt Đào Hoa Nữ vẻ đẹp dịu dàng, lãng mạn... Ảnh: Đ.H.N
Ngày chưa đến với nhiếp ảnh, tôi có học hội họa và thường vẽ cảnh quê hương và thiên nhiên. Tôi suy nghĩ rằng: Mình vẽ được tại sao mình không chụp hình để tạo tác phẩm ảnh cho phong phú hơn. Đến năm 1979, tôi thực sự đến với nhiếp ảnh và liên tục sáng tác cho đến nay. Đầu tiên tôi chụp phong cảnh, trẻ em và con người. Tôi quan tâm tập trung cho ảnh phụ nữ. Chuyến sáng tác đầu tiên của tôi được tổ chức thời gian 45 ngày; tôi chụp liên tục với 150 cuộn phim. Tôi gửi dự thi 10 tấm ảnh, được một giải nhất và một giải khuyến khích. Từ đó tôi gửi ảnh đi dự thi và đạt giải liên tục. Nhiếp ảnh là niềm đam mê của tôi. Tôi được kết nạp vào Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh và Hội Nhiếp ảnh Việt Nam. Tôi có nhiều nhiệm kỳ trong Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay tôi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ Hải Âu. Năm 1990 và 1991, tôi tổ chức triển lãm ảnh với tư cách cá nhân tại TP. Hồ Chí Minh và Huế. Năm 1993 tôi xuất bản sách ảnh “Việt Nam quê hương tôi”, năm 2000 “Huế- Đất mẹ của tôi”, năm 2006 “Huế- thành phố Festival” và năm 2010 “Việt Nam những nẻo đường”.

 
Ảnh: Đ.H.N
Ảnh: Đ.H.N
Trong tập “Việt Nam những nẻo đường” phần đầu tôi giới thiệu ảnh phụ nữ của các dân tộc anh em trong cộng đồng Việt Nam. Trong mỗi trang tôi có in dấu bàn chân và đánh số trang trên bàn chân ấy, cũng có nghĩa là bàn chân đi tìm phong cảnh đẹp trên quê hương Việt Nam. Trong tập sách có nhiều bài viết giới thiệu của các tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Dương Trung Quốc, Ca Lê Thuần, Trần Văn Khê, Nguyễn Trọng Huân… được dịch ra tiếng Anh. Sách gồm có 385 trang với hơn 500 bức ảnh được chụp từ các cảnh đẹp và con người Việt Nam.

 
Trong tương lai, chị có dự định cho chuyến sáng tác nào tại TP. Pleiku- Gia Lai không?
 
- Cười… Trên ấy có bao nhiêu ảnh thì anh Phạm Dực và anh Trần Phong đã chụp hết rồi… Nói đùa vậy thôi, chứ tôi bận công việc của Hội quá nhiều. Tuy nhiên, Gia Lai cũng là điểm hẹn của ngành nhiếp ảnh. Chúng tôi sẽ hẹn đến đó một lần.
 
Xin cảm ơn ca sĩ- nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ. Chúc chị luôn vui, khỏe và thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật của mình


Xuân Trường 
thực hiện

===============.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét