GIỚI - AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG - VĂN NGHỆ CÔNG AN
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Ngọc Trai: Chiếc lá tuổi Quý Dậu
Vốn dòng dõi trâm anh thế phiệt một thời (cha của bà là một Thượng thư Sung cơ mật viện đại thần của triều đình Huế), với bao nhiêu tư liệu quý hiếm của gia đình, lịch sử dòng họ, bây giờ bà mới có thời gian bắt tay vào nghiên cứu, làm sách.
Bà Ngọc Trai khiêm tốn tự nói về mình thế này: "Mình không có khó nên mình rất trân trọng. Mình đã làm tròn bổn phận viên chức, giờ thì chuyển sang hoạt động từ thiện, chỉ mong đóng góp cho xã hội một phần nhỏ của mình sao cho có hiệu quả".
Phải nói ở sau tuổi 60, bà Ngọc Trai đã giành hẳn hơn 20 năm làm được những việc có ích nhất, là đền ơn đáp nghĩa cho người cao tuổi. Bà nhớ lại vào một chiều cuối năm, khi mà mọi người tất tả mua sắm tết. Riêng bà lại ung dung đèn sách vừa đọc vừa ghi chép về người cao tuổi, về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi và cách chăm sóc bản thân, mặc cho sự sôi động ngoài cánh cửa kia chẳng hề vướng bận đến tâm hồn mình.
nhà nghiên cứu phê bình văn học Ngọc Trai. |
Sáng lập ra Trung tâm này ban đầu chỉ có 3 người, đó là Tiến sỹ Xã hội học Bùi Thế Cường, nhà báo Trần Kiên hồi đó làm ở báo Văn hóa và Thể thao, và nhà nghiên cứu phê bình văn học Ngọc Trai vừa nghỉ hưu ở báo Văn Nghệ. Năm 1990, bà Ngọc Trai từng có một quán ăn chuyên về món Huế ở số 6 phố Lý Thường Kiệt, còn gọi là quán Huế. Đó là thời kỳ khó khăn nhất của cuộc đời bà, thời gian chia ra một ngày vừa lo chồng ốm, lo con cái học hành, vừa lo kiếm tiền chữa bệnh cho chồng, lại lo tìm một việc làm từ thiện phù hợp với khả năng và niềm yêu thích riêng...
Vốn đã có nhiều năm từng nghiền ngẫm, thông cảm, muốn chia sẻ với những người nghèo khổ không ai chăm sóc, tìm hiểu riêng về vấn đề người cao tuổi và quan tâm chăm sóc đền ơn đáp nghĩa người cao tuổi thời bấy giờ vẫn còn ít người nghĩ đến, nói chi đến dự án chăm sóc người cao tuổi tại nhà.
Bà Ngọc Trai đã phải nhờ cậy đến 3 người bạn nghệ sỹ giúp cho kinh phí ban đầu để Trung tâm hoạt động; đó là nguồn kinh phí có thể được trích ra từ chương trình trình diễn "thiện nguyện" của Nhà hát Tuổi Trẻ do đạo diễn, NSND Phạm Thị Thành ủng hộ; rồi hoạt động nghệ thuật múa của NSND Chu Thúy Quỳnh; đến nghệ sỹ xiếc "Cô hàng giải khát" do chị Tâm Chính ở đoàn xiếc Việt Nam hỗ trợ cho Trung tâm nữa.
Ba người nghệ sỹ này bà luôn luôn nhớ ơn vì họ đã đóng góp cho dự án buổi ban đầu vốn rất eo hẹp về kinh phí. Nếu không có một số tiền kinh phí ban đầu này thì Trung tâm làm sao hoạt động được. Thực tế để làm công việc nhân đạo này, và thật sự có ích cho xã hội này, bà Ngọc Trai đã phải mày mò học hỏi từ trước khi nghỉ hưu khoảng 5 năm; bà từng ước mơ làm những việc có ích, giúp người già nghèo khó không nơi nương tựa, giúp người cao tuổi hiểu biết hơn về tình trạng sức khỏe của chính bản thân mình, để mỗi người là bác sỹ cho chính mình.
Với những người già ở nông thôn khi còn sức lao động mà không có vốn để tăng gia trồng trọt chăn nuôi, cái khó bó cái khôn, họ rất cần được quan tâm và Trung tâm đã tìm nguồn vốn cho người cao tuổi nghèo vay, ban đầu có gia đình chỉ vay 500 ngàn đồng, để bắt tay vào trồng trọt chăn nuôi, không bỏ đất hoang vườn trống, khi không có vốn.
Ngoài ra, khi họ ốm đau, cần được khám chữa bệnh kịp thời, bà tổ chức đưa bác sĩ về khám bệnh cấp thuốc miễn phí. Để nâng cao hiểu biết cho người cao tuổi, bà Ngọc Trai tất tả đi mời các cố vấn như nhà văn Tô Hoài nói về cuộc sống của người cao tuổi; giáo sư bác sỹ Phạm Khuê nói về các bệnh thường gặp và cách chăm sóc. Con người cần một tâm thế thoải mái thì sẽ giảm thiểu bệnh tật ra sao; con người khi biết buông bỏ những lo âu, tự chăm sóc cho chính bản thân, sức khỏe vốn là tài sản của chính bản thân mình. Bà Ngọc Trai mời Tiến sỹ Từ Giấy nói về dinh dưỡng, về chế độ ăn uống của người già, chế độ sinh hoạt của người già khác với người trẻ tuổi ra sao. Từ việc nhỏ ăn uống nghỉ ngơi đến chăm sóc giấc ngủ của chính mình là việc tưởng chừng đơn giản, dễ làm nhưng thực tế không hề giản đơn.
Có thể nói hơn hai mươi năm nay, Trung tâm Nghiên cứu trợ giúp người cao tuổi, đã làm được nhiều việc có ích như: cho người cao tuổi nghèo vay vốn để sản xuất tự cải thiện ở các tỉnh từ Hòa Bình đến Hải Dương; Quảng Ninh, lên đến Hà Giang, vào Huế, Bến Tre…
Vốn vay quay vòng, không nhiều, tiền cho vay từ 3 - 5 triệu đồng, dự án vay vốn nhỏ cho người cao tuổi nghèo nông thôn là cái cần câu để họ câu cá kiếm ăn. Người thì vay tiền đào ao thả cá, người vay tiền nuôi gà, trồng hoa, người vay vốn để làm vườn và trang trải đời sống hằng ngày; trong đó việc nuôi ong cũng được nhân rộng.
Rồi còn chương trình đào giếng nước ở Hòa Bình giúp người cao tuổi khỏi vất vả hằng ngày phải đi rất xa tìm kiếm nước sạch. Bao nhiêu năm qua bà Ngọc Trai vẫn lưu giữ và nhớ những lá thư bày tỏ lòng biết ơn và trân quý sự giúp đỡ tận tình của Trung tâm đối với người cao tuổi ở vùng xa Hà Nội.
Trung tâm Nghiên cứu trợ giúp người cao tuổi bây giờ được mở rộng, đổi tên là "Trung tâm Trợ giúp người cao tuổi và Phát triển cộng đồng" cũng góp phần vào việc xây dựng luật của người cao tuổi, giúp người cao tuổi và toàn xã hội hiểu biết về quyền lợi, nghĩa vụ người cao tuổi. Giúp người cao tuổi có sức khỏe, độc lập và giữ được cách sống độc lập mới thật là khó. Rồi cả cách giúp người già nghèo khó không nơi nương tựa.
Bà Ngọc Trai tuổi Quý Dậu, tuổi con gà, mà con gà thì luôn phải bới đất kiếm ăn. Bà nói, giờ đây con cái phương trưởng rồi, "mình có thể là chiếc lá lành rồi thì cố mà đùm được những chiếc lá rách", giúp được ai là giúp thôi.
Còn nhớ, có một nữ nhà văn sau khi ốm dậy, nhà neo người, không biết trông cậy vào đâu; cô đã cậy đến bà Ngọc Trai, nhờ bà đi xin việc dạy học cho con trai; thế là bà Ngọc Trai tức tốc gọi tắc xi chạy ngược chạy xuôi để đi xin việc bằng được cho đứa cháu con nhà văn nọ. Xin được việc rồi, bà lại đi tắc xi đến nhà đứa cháu, cho quà động viên cháu chăm chỉ dạy học kiếm sống đỡ mẹ, dỗ dành cháu như con cháu trong nhà mình. Và bà vui như chính mình vừa kiếm được việc làm vậy.
Cả sự nghiệp văn chương nghiên cứu của bà chỉ có cuốn "Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân" là bà thấy tâm đắc. Còn một vài cuốn khác như "Nguyễn Tuân -con người và sự nghiệp", với một số cuốn sách phê bình và khảo cứu khác bà cũng xem như công việc của một công chức phải làm.
Những công việc đáng nói nhất không phải là công việc làm báo một thời vinh danh tên tuổi bà, mà là những việc làm từ thiện, lặng lẽ ít ai biết đến, vì bà chỉ ước ao làm công việc đền ơn đáp nghĩa, làm việc của cái "lá lành đùm lá rách", như cái lá sen khi tàn vẫn rủ xuống che cho lá non, tự nhiên như nhiên vậy. Như bà vẫn từ chối "mình không có gì đâu để viết".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét