Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

" về một bài thơ của Phạm Công Thiện [ 1941- 2011 ] " / Thi Vũ [ i.e. Võ Văn Ái 19xx - / Paris) -- source : www.gio-o.com>

  

 

Thi Vũ

V mt bài thơ ca
Ph
m Công Thin

 

Thiện xem mình là triết gia. Tôi nhìn Thiện như một thi sĩ.

Năm ấy, 1966. Tình cờ đến quán ăn nhỏ Lạc Hồng nằm sau lưng điện Panthéon ở xóm La tinh, quận 5 Paris, gặp lại Trần Hiếu. Hiếu là họa sĩ mà mười năm trước sang Paris tôi có giúp đỡ việc nhập học Trường Hội họa Quốc gia ở Paris. Hiếu đang ngồi ăn với một người trông lạ, mặt đỏ gay, mắt lừ đừ. Hiếu giới thiệu tôi với người lạ. Nghe tên tôi anh đứng phắt dậy vui mừng la lớn : “Trời ơi, ông Nguyễn Thái ! hai tuần nay tôi tìm ông muốn chết”. Nguyễn Thái là bút hiệu thời tôi bỉnh bút cho tạp chí Liên Hoa ở Huế thập niên 50. Tôi lấy làm lạ cho cách ăn mặt xi vin của anh ta, vì trước đó nghe anh đi tu lấy pháp danh Thích Nguyên Tánh.

Thi Vũ và Phạm Công Thiện (bên phải) tại tòa soạn Quê Mẹ / Paris thập niên 80

Đó là Phạm Công Thiện. Chúng tôi biết nhau từ đây. Anh bỏ học ở Hoa Kỳ sang Pháp tìm người anh du học từ lâu trước. Nhưng chuyện gia đình sao đó Thiện bỏ thành phố Rennes về sống lang thang nơi vĩa hè Paris, ngày ngày làm đuôi theo đám clochard xin những bữa ăn xã hội. Gặp Trần Hiếu đem về nuôi được mấy hôm. Sau đó Thiện về ở với tôi. Thời ấy tôi chuẩn bị luận án ở Sorbonne đồng thời làm thư ký cho giáo sư Filliozart ở Collège de France như kế sinh nhai. Chúng tôi chỉ gặp nhau về đêm, đêm nào cũng kéo nhau ra quán cà phê nơi công trường Contrescarpe ồn ào những mộng mị văn chương cho đến 3, 4 giờ sáng. Hoặc quán đóng cửa, hoặc cháy túi mới về, tửu lượng Thiện không cao nhưng uống thì vô bờ.

Suốt ngày Thiện nằm dài đợi tôi đi làm về kéo nhau ra quán. Lâu lâu nổi hứng đòi đi Tây Tạng tu như Milarépa. Tôi bỡn, ông đi mau đi Mao Trạch Đông nó chờ ông bên đó. Ngày tháng lì trôi, thấy vậy tôi bày kế cho Thiện viết khi đề nghị phát hành một tạp chí văn học. Thiện hứng khởi lấy tên một tập thơ của tôi làm đề tạp chí : Hoa Nắng. Dự tính hai đứa tôi viết bài, kêu thêm bài trong nước rồi nhờ Thanh Tuệ ở An Tiêm coi sóc in và phát hành bên nhà. Chúng tôi viết quảng cáo gửi về Bách Khoa nhờ đăng giúp, anh Lê Ngộ Châu giúp đi mấy kỳ không tính tiền. Hàng trăm thư từ trong nước gửi sang hoan nghênh với nhiều sáng tác xin đăng. Tôi mong mỏi tập họp mọi cây bút đưa văn học chồm tới giữa thời khói lửa bạo tàn. Thiện chống lại, bảo : ”Ông ở nước ngoài lâu không biết bọn làm văn trong nước bè phái, tị hiềm, dìm đè, công kênh nhau thôi”, nên khăng khăng chủ trương tạp chí sẽ không đăng bất cứ tên tuổi nào đã thành danh. Thời gian này có Nguyễn Đức Sơn trong nước gửi thơ sang tặng, mang cùng tư tưởng chống hết “bọn caïd văn nghệ”.

Kể từ đó, Thiện bật tỉnh người, không nằm co hằng ngày như trước. Ngày ngày chờ tôi về để ra cà phê, hai đứa thi nhau viết. Đêm đêm ở quán Contrescarpe, cuối tuần kéo nhau ra quán Dôme ở Montparnasse. Chúng tôi chia nhau viết theo hai con đường Tính và Tình, qua mọi thể tài. Thiện đi con đường Tính, tôi theo con đường Tình. Một tháng, chúng tôi xong Hoa Nắng số một, dày vài trăm trang.

Bài sáng tác đầu tiên của Thiện là bài thơ “Quế Hương”, sau đó Thiện viết tiểu luận “Đặt lại căn bản học vấn của Nguyễn Văn Trung - Phê bình luận án Tiến sĩ của Nguyễn Văn Trung hay là tìm hiểu một thủ đoạn phá hoại Phật giáo”.

Bài vở chuẩn bị gửi về Saigon cho Thanh Tuệ in, thì đột nhiên Thượng tọa Thích Minh Châu đến thăm. Hôm ấy đang ngồi tán gẫu với Thiện ở căn nhà tôi cư ngụ số 8 rue Guy de la Brosse xóm La tinh, nghe tiếng gõ cửa gấp. Mở ra thấy Thượng tọa Thích Minh Châu đi cùng giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch. Thượng tọa vừa nói vừa thở hắt sau hai tầng gác : “Tôi biết Nhất Hạnh đang ở với anh, nhưng tôi cứ đến vì cần bàn chuyện khẩn”. Hai vị sư này có chuyện không vui với nhau từ Saigon. Tôi đáp cho Thượng tọa yên lòng : “Nhất Hạnh đi Úc rồi, mời Thầy vô”. An tọa xong, Thượng tọa Minh Châu, vị Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh vừa thành lập tại Saigon, nói : “Tôi sang dự hội nghị UNESCO, nhưng cố ý gặp anh mời anh về giúp Đại học Vạn Hạnh. Đại học mới mở trăm công nghìn việc khó khăn, nhiêu khê, phá phách, mình thiếu người quá, anh ráng về giúp cho một tay, …”. Tôi nhận lời. Thiện ngồi cạnh mặt đỏ gay vì rượu, tóc mọc dài hippie, có lẽ vì vậy Thượng tọa không để ý. Nhận lời xong, tôi tiếp : “Xin Thầy mời luôn Thiện về cho vui”. Thượng tọa Minh Châu mặt đỏ rầng ấp úng : “Ủa, chú… chú…?!”. Tôi đỡ lời “Dạ, chú Nguyên Tánh đó !”. Thầy Minh Châu gật đầu với nụ cười hiền giải thoát y như hai mươi năm trước, thời tôi còn gọi chú Minh Châu và giúp chú đánh bài vở ở Tổng trị sự đầu đường Thượng tứ, Huế : “Ừ thì chú Nguyên Tánh về luôn hí”.

Cả hai chúng tôi chuẩn bị lên đường. Thế nhưng lên Sứ quán xin chiếu khán nhập nội, tòa chỉ cấp cho Thiện, còn tôi họ bảo do những lời tuyên bố trên Truyền hình Pháp nên tòa không dám ký, xin Thượng tọa thương lượng với Bộ Nội vụ bên nhà. Số là tôi từng nói lên quan điểm Phật giáo về một nền hòa bình không Cộng sản, không chiến tranh trên báo chí, truyền hình, đài phát thanh Pháp lúc bấy giờ nên đụng chạm các quan.

Về đến Saigon Thượng tọa can thiệp với Bộ Nội vụ cho tôi về, nhưng tôi bỏ ý định hồi hương. Thế là Thiện ra đi một mình trên chuyến bay ngày ấy, sau này anh được chỉ định làm Khoa trưởng Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn ở Đại học Vạn Hạnh. Thiện mang bản thảo Hoa Nắng số một về in. Chẳng biết vì khó khăn gì Thiện không cho Hoa Nắng ra đời như dự tính, mà chỉ rút những bài Thiện viết in thành hai tập sách  “Im Lặng của Hố Thẳm” và “Bay đi những cơn mưa phùn”.

Nói về bài thơ đầu tiên làm sống lại cuộc đời sáng tác của Thiện khi đến Pháp sau một thời gian dài khủng hoảng. Bài “Quế Hương” mà tôi nhắc bên trên, có chi tiết nhỏ cũng nên ghi. Khi đến Pháp Thiện đã hoàn tục. Vì vậy hai câu thơ thứ tám và chín Thiện viết trên gác trọ nhà tôi ở Guy de la Brosse :

Em còn ca hát

Anh không còn làm tu sĩ

Báo hiệu cho câu thơ thứ 15 sau đó : Tóc anh mọc dài để che chở em những lúc mưa rơi.

Nhưng từ gặp Thượng tọa Minh Châu mời về Saigon cùng tôi, thì ngày hôm sau, Thiện nhờ tôi cạo đầu và tìm bộ y vàng Nam tông cho Thiện mặc. Người thay đổi hẳn, nghiêm trọng, ít nói năng, chỉ trầm tư mặc tưởng đăm chiêu không dứt. Khác hẳn những ngày trước đó ăn nói ồn ào, nhậu nhẹt, chửi thề vung mạng. Chuyện đầu tiên là Thiện sửa lại hai câu trên thành :

Em còn ca hát

Anh không còn làm thi sĩ

Một hôm sau Thiện bảo tôi bỏ bài Quế Hương khi in. Lúc ấy tôi chuẩn bị xuất bản cho Thiện tập « Ngày Sinh Của Rắn ». Tôi cự lại : « Ông đi tu cứ đi tu, chuyện văn học để tôi. Bài này là một trong những bài hay của ông, không bỏ được ». Rồi tôi cứ cho in bài thơ ấy vào tập « Ngày Sinh Của Rắn » ấn hành tại Paris năm 1966. Sau này tập thơ được in lại nhiều lần và dường như Thiện có sửa đổi qua nhiều bài, nhiều câu hay ý.

Hôm qua từ Jakarta bên Nam Dương trở về Paris, mở Internet thấy tin Lê Phong Sương, vợ hiện nay của Thiện, khấp báo Thiện qua đời tại một thị trấn gần thành phố Houston, bang Texas, lúc 6 giờ 30 chiều thứ ba 8.3.2011, thọ 71 tuổi. Thiện sinh ngày 1.6.1941 tại Mỹ Tho, âm lịch tuổi Tỵ - con Rắn. Nhân có ghi số điện thoại, tôi gọi chia buồn vợ Thiện, thì lại gặp Loan người vợ trước. Loan cho biết sang thăm Thiện 4 ngày qua nên chứng kiến phút ra đi khá nhẹ nhàng của Thiện, chẳng đau yếu gì ngoài sự mệt nhọc lúc tuổi già. Loan kể năm năm qua anh Thiện em xa lánh cộng đồng, sống ẩn mật trong vùng u tịch tựa như Dalat. Chỉ đọc sách, không viết chi nhiều. Chiều thứ ba hôm ấy, Thiện ngồi nghe bài Mùa Thu Chết do Julie Quang hát và khen hay. Sau thấy mệt đi nằm, một lát nghe Thiện trăn trở trên giường, Sương và Loan chạy ra lấy khăn thấm mồ hôi trên trán. Chốc sau Thiện im lặng ra đi theo hoàng hôn. Loan và Sương cho biết Thiện dặn chỉ làm đám giới hạn trong gia đình rồi hỏa thiêu. Tro cốt đưa về để ở chùa Viên Thông, một ngôi chùa đạm bạc ở Longbeach bên California.

Trả lời phỏng vấn trên Gió O về « những đóng góp nổi bật nào của văn hoá Phật Giáo vào trong văn hóa Việt Nam từ trước đến nay ? », đề cập thời cận đại suy nghĩ của tôi là:

« Ảnh hưởng cận đại thì căn bản là tâm tư người Phật tử Việt Nam biến thành thái độ chính trị để rộ nở ra văn học nghệ thuậtĐỉnh mốc của ảnh hưởng Phật giáo trong lòng dân tộc rõ nét nhất từ 1963 trở đi. Một sinh-thức-mới phi nhị tướng cũng gọi là bất nhị (non-duality) ra đời đối diện nhằm hóa giải tư tưởng khủng hoảng của Tây phương mà chiến tranh lạnh làm đầu mối cho sự sụp đổ toàn triệt của phương Tây mà chúng ta sẽ chứng kiến vào cuối thế kỷ XXI”.

Trong phong triều văn học mới này, thời hậu Tây và hậu Cộng, Phạm Công Thiện có đóng góp lớn.

Trở lại bài thơ « Quế Hương » nói trên, xin in lại làm kỷ niệm bản đầu tay của Thiện mà sau này Thiện sửa đi chữa lại nhiều lần dù tứ thơ không đổi, kể cả bản chữa lần đầu chọn in trong « Ngày Sinh Của Rắn » gồm 12 bài do Nhà xuất bản Hoa Nắng – 8 rue Guy de la Brosse – Paris 5, ấn hành lần thứ nhất vào Mùa Thu năm Bính Ngọ,1966 :

 

Thủ bút đầu tay bài Quế Hương qua 2 lần sửa ở câu 9 (bên phải) lần đầu và câu 7 lần hai (bên trái)

 

QUẾ HƯƠNG

Trời mưa Nữu Ước cây mọc

Nhớ em trời mưa ngày tháng

Nhớ em đường hoang mái vắng

Nữu ước chỉ còn em trong giấc ngủ

Trên bến điện nghiến nát

Tim anh tràn máu

Con chim đã bay về rừng đạn

Em còn ca hát

Anh không còn làm thi sĩ

Anh chỉ còn em trong giấc ngủ

Anh chỉ còn máu để đổ vào tim em

Quê hương anh làm hỏa ngục yêu quí

Thiên đàng làm lá đổ trên những đường mòn

Trên bước chân em trong giấc ngủ

Trên đôi mắt cà phê đen của Greenwich Village

Tóc anh mọc dài để che chở em những lúc mưa rơi

Những lúc đông lạnh

Những lúc lá rụng

Những lúc chim chiều đi mất

Những lúc anh chỉ còn em

Quế hương là em trên hồ quế mọc

Trên hồ thơm cây quế

Cây Quế Hương

Mười năm rồi

Cây Quế Hương vẫn nở hoa trên tim anh

Trên hơi thở anh

Trên những bước chân buồn phố mẹ ngày xưa

Trên những bước chân chiều phố lạ hôm nay

 

Mưa làm tóc anh thơm

Thơm mùi cây quế

Nở hoa chiều ba mươi Tết

Khi em còn nhỏ

Khi anh còn trẻ

Cây quế mọc

Như mặt trời mọc

Mặt trăng mọc

Mặt em mọc

Và nở hoa

Trên đôi mắt anh khi còn trẻ

Khi anh còn ca hát

Bây giờ em còn ca hát

Hay em đã quên

Như anh đã quên

Cây quế

Cây quế hương

Mọc mười năm trước

Và vẫn mọc hôm nay

Giữa quán cà phê Ý Đại Lợi

Tại phố Greenwich Village

Giữa lúc đêm mưa

Khi anh còn nhớ

Khi anh không còn khóc được

Nhưng anh vẫn còn máu để đổ vào những đêm khuya

Để đổ vào tám tách cà phê đen

Mà anh thường uống mỗi đêm

Tại Greenwich Village

Tại làng thi sĩ

Tại đường khói bay

Tại em trong giấc ngủ

Tại chiều ba mươi ở Việt Nam

Bây giờ anh ở xa Việt Nam

Đến mấy đại dương xanh

Anh xa Quế hương đến mấy phương trời cỏ mọc

Mấy phương trời quế mọc

Mấy phương trời em khóc

Em ơi

Em còn nói

Em còn phơi áo

Em còn đứng giữa phố buồn

Em còn cười

Cây Quế Hương vẫn mọc

Trên đầu anh

Trên mắt anh trong giấc ngủ

Trên môi anh

Trên mười ngón tay

Trên hai bước chân anh

Giữa đêm khuya ở Greenwich Village

Giữa lúc mưa

Giữa lúc anh buồn

Và hỏi

Anh đã làm gì cho chim

Anh đã làm gì cho lá

Anh đã làm gì cho cỏ

Anh đã làm gì cho những con đường

Anh đã làm gì cho những cánh đồng

Anh đã làm gì cho cây quế

Cây quế hương giữa chiều ba mươi Tết

Anh đã làm gì cho đời anh

Trả lời đi

Chim rừng

Lá rừng

Đường rừng

Cây Quế rừng

Mọc giữa hồ

Giữa Hồ Quế Hương

Anh vẫn ngồi đây

Anh vẫn còn thở

Vẫn uống cà phê

Vẫn nghe nhạc buồn

Vẫn trời mưa

Mưa trên phố đêm

Mưa trên quán cà phê Ý Đại Lợi

Mưa trên cây quế giữa hồ

Mưa trên chiến tranh

Của quê hương

Của Quế Hương

Của anh

Còn em.

PHẠM CÔNG THIỆN

 

 

Paris, 11.3.2011

Thi Vũ

 

 

http://www.gio-o.com/ThiVu.html

 

 

 

Bìa tập thơ Ngày Sinh Của Rắn của Phạm Công Thiện do Thi Vũ trình bày và Nhà xuất bản Hoa Nắng
in lần thứ nhất ở Paris, 1966

 

Thủ bút hai câu thơ Bùi Giáng viết cho Phạm Công Thiện gửi qua Thi Vũ

 

Thủ bút Phạm Công Thiện đề tặng Thi Vũ (tức Nguyễn Thái) và Vĩnh Ấn
tập truyện “Những Ngày Những Đêm” chưa hề xuất bản

 

 

© gio-o.com/2011



===============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét