ĐỖ VẪN TRỌN - PHI NHUNG - Đôi Mắt Buồn Pleiku
Sau nhiều ngày bước vào cõi sinh/ tử chống chọi với Covid, cuối cùng Phi Nhung đã rời xa trần thế lúc 11 giờ 57 phút ngày 28 tháng Chín năm 2021, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hưởng dương 52 tuổi.
Phi Nhung ra đi trong sự tiếc nuối của bao người, giữa Sài Gòn tang thương, đẫm lệ chia ly, hàng chục ngàn người chết/ đói vì Covid gây ra.
Phi Nhung tên thật là Lê Thị Tuyết Lan, pháp danh Tịnh Bình. Sinh ngày 10 tháng Tư năm 1969, tại Pleiku.
Phi Nhung có một người con gái ruột duy nhất là Wendy Phạm. Wendy không chọn con đường nghệ thuật như mẹ, mà theo học ngành y tá và tốt nghiệp thủ khoa tại một trường nổi tiếng ở Mỹ.
Phi Nhung sinh ra ở miền đất đỏ. Tôi cũng vậy, nơi một thành phố nhỏ tình thân gắn bó. Phố núi đìu hiu: “… đi dăm phút trở về chốn cũ…” Có những buổi sáng se lạnh, sương mù giăng thấp không nhìn thấy nhau. Buổi trưa, nắng bụi cao nguyên. Buổi chiều, mưa bạt ngàn. Buổi tối, gió núi lạnh buốt từng hồi, co rút trong chiếc chăn dày cộm bên cạnh than hồng, củi đốt để sưởi ấm. Ngoài phố, khăn choàng, áo măng tô phủ kín người. Nhâm nhi ly cà phê đậm đặc, ly sữa đậu nành nóng hổi, miệng nhai những trái bắp nướng mỡ hành thơm phức để ấm áp phần nào. Một ngày có đến bốn mùa, xuân - hạ - thu - đông.
Nhà của Phi Nhung trong khu Đức An, trước đây là khu Dinh Điền, đa số người Bắc sống ở đây. Họ sống bằng nghề nông, trồng hoa quả và rau rừng. Đó là một khu rất sùng đạo, có một nhà thờ lớn. Nơi đây, là nơi hẹn hò thơ mộng bên đồi thông xanh cao ngát tận bao quanh bờ hồ Đức An, là bóng mát của những đôi tình nhân nguyện thề yêu nhau.
Một lần, tôi đến thăm Dì của Phi Nhung, con đường đất đỏ trơn trợt, đất bám vào còn cao hơn đế giày. Dù đi rất chậm nhưng lúc nào cũng có thể té ngã. Phi Nhung vòng tay chào tôi: “Thưa Chú…” Tôi linh cảm ở cô bé có gì khác thường…
Sau đó, tôi không về lại Pleiku nữa. Tôi bặt tin về gia đình Phi Nhung. Năm 1989, Phi Nhung cùng gia đình đến Mỹ theo diện con lai.
Đầu thập niên 90, ca sĩ Trizzie Phương Trinh gửi gắm cô em kết nghĩa Phi Nhung từ Tampa - Florida đến Quận Cam để bước vào sân khấu nghệ thuật. Tôi không mườn tượng Phi Nhung là cô bé ngày nào ở Đức An - Pleiku. Một ngày nọ, tôi gặp Phi Nhung, cô nhí nhảnh nói: “Em gọi anh là chú hay anh đây? Anh là bạn của Dì em và là người đồng hương đó nha! Có chương trình văn nghệ nào anh tổ chức phải mời em đó…” Và tôi đã mời Phi Nhung trình diễn trong nhiều Show.
Phi Nhung thành danh rất nhanh, ngay từ tiếng hát đầu tiên cất lên đã được đón nhận. Tên tuổi của Phi Nhung vang lừng, quả là một giọng hát đặc biệt. Giọng ca Phi Nhung như tiếng chuông ngân nga thánh thót, chạm vào trái tim người nghe. Bất cứ một buổi văn nghệ nào mà không có Phi Nhung, dường như người nghe thấy thiếu vắng một điều gì. Phi Nhung trở thành một hiện tượng, một giọng hát đi vào lòng người và ở lại đến ngày hôm nay.
Gọi Phi Nhung là “Nữ Hoàng” của nhạc tình quê hương, thật đúng với mỹ từ này. Phi Nhung được yêu thích không những từ người hâm mộ mà trong giới nghệ sĩ cũng quý mến Phi Nhung ở tính cách hiền lành, tử tế của cô.
Phi Nhung có một tiếng hát trữ tình/đẹp, một đôi mắt buồn/đẹp, một nhân cách đẹp.
Năm 2005, Phi Nhung về Việt Nam chọn quê nhà cho phần đời còn lại. Phi Nhung trỗi bật hơn nữa trên sân khấu ca nhạc - kịch nghệ - điện ảnh. Tiếng hát và bóng dáng Phi Nhung vang vang, có mặt khắp mọi nẻo đường của đất nước, từ thành phố đến thôn quê, trên những giòng sông Cửu Long, Sông Hương, Sông Hồng… lời ca của Phi Nhung vọng lại một âm hưởng quê hương và trở thành người bạn đời của người nghe nhạc.
Ý nguyện của Phi Nhung được mở ra từ đây. Niềm mơ ước thầm kín của Phi Nhung được khỏa lấp bởi tuổi thơ lạc loài - thiếu thốn tình thương của Phi Nhung được chia sẻ bằng chính tình cảm của Phi Nhung trao gửi bảo bọc những em bé mồ côi. Phi Nhung làm nhiều việc công đức, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, xây dựng một đại gia đình hạnh phúc với 23 người con trong tiếng “Mẹ” nồng nàn tình mẫu tử mà Phi Nhung từng khao khát để luôn nghĩ về mẹ mình. Phi Nhung gọi mẹ bằng “Má”. Một âm thanh êm ả bao la chất chứa mà Phi Nhung không thể nào diễn tả hết bằng tiếng hát của mình. Phi Nhung không bao giờ trách cứ Mẹ, mà còn yêu thương nhiều hơn nữa. Hoàn cảnh và định kiến xã hội khiến người mẹ phải đành lòng xa con trong một thời gian.
Năm 10 tuổi, Phi Nhung rời Pleiku về Cam Ranh sống trong vòng tay yêu thương của mẹ. Nhưng chỉ được vài năm thì mẹ Phi Nhung mất, để lại 5 người con cùng mẹ khác cha. Trách nhiệm nặng nề trên đôi vai tuổi thơ, Phi Nhung trở về lại Pleiku để cùng ông bà ngoại và mấy dì nuôi dưỡng các em.
Phi Nhung kiếm sống bằng nhiều nghề, từ việc bán trà nóng trong khu Chợ Mới, thêu thùa may vá, cơ cực tảo tần sớm hôm.
Có một lần, tình cờ tôi gặp Phi Nhung ở phi trường Liên Khương - Đà Lạt, hai anh em gặp nhau mừng rỡ, nói chuyện thật lâu. Phi Nhung cho biết là ăn chay trường, mở nhiều tiệm cơm chay để nuôi nấng 23 người con mà Phi Nhung nhận nuôi. Phi Nhung còn xây nhiều ngôi nhà tình thương và bệnh xá ở Pleiku để chăm sóc miễn phí cho người nghèo. Tôi thật kính phục tấm lòng nhân ái của Phi Nhung.
Nói chuyện một lúc thì Phi Nhung bỗng cười khúc khích: “Ba anh tếu lâm lắm, Bác lên nhà em nói với mọi người em là con dâu” (Ý Ba tôi là gán ghép Phi Nhung với người em trai).
Về Sài Gòn, tôi đến tiệm cơm chay của Phi Nhung ở khu Tân Định. Tôi hiểu rõ hơn, những em nhỏ làm việc ở đây rất kính mến Phi Nhung. Em nào cũng có hoàn cảnh đáng thương, được Phi Nhung đưa về làm việc - đi học, sống với nhau trong một mái ấm gia đình.
Cách đây 3 năm, khi xem một chương trình văn nghệ ở Reno có Phi Nhung biểu diễn, tôi thật sự xúc động khi ở tiền trường rực rỡ của sân khấu, Phi Nhung vẫn cất tiếng chào tôi rất thân mật.
Mới đây, khi biết Phi Nhung đang có những bóng đen vẩn đục bao quanh, tôi nhắn tin cho Phi Nhung: “Tâm của em là tâm bồ đề. Hãy bình thản - an nhiên với những diễn biến xung quanh. Mọi việc rồi cũng sẽ lắng đọng. Nhân cách và sự tử tế của em mọi người hiểu/biết để suy ngẫm, phán đoán. Hãy xem đó là hạt bụi vướng đọng trong đôi mắt buồn của em…”
Được tin Phi Nhung bị Covid, tôi gọi thăm hỏi nhiều lần nhưng không được, đành phải nhắn tin: “Cầu xin cho Phi Nhung qua được khổ nạn.”
Sự ra đi của Phi Nhung mang lại một giá trị lớn về sự hy sinh cao cả mà Phi Nhung chấp nhận đương đầu. Không dễ gì mấy ai làm được. Lòng quả cảm của Phi Nhung như một chiến binh, một anh hùng ngoài trận mạc khi Phi Nhung nhường tiêm liều vaccine trong lúc đang làm công việc chống dịch, như Thầy Thích Nhật Từ - trù trì chùa Giác Ngộ đã nói.
Quả là số mệnh. Dẫu biết có sinh/có tử. Đời người như bóng ngựa hồ qua kẽ cửa, nhưng sự ra đi của Phi Nhung làm nhiều người thương tiếc. Trong tôi rất đỗi bàng hoàng, lệ như thấm vào lồng ngực sâu thẳm.
Giá như, Phi Nhung về lại Mỹ theo lịch diễn. Nhưng không. Phi Nhung đã ở lại cùng với Sài Gòn đau thương để chia sẻ niềm đau với Sài Gòn trong những ngày tang tóc, đại dịch lan tràn.
Phi Nhung đã làm một việc quá phi thường. Một đức tính đẹp, một nhân cách sống để chúng ta noi theo. Sài Gòn sẽ nhớ mãi cô ca sĩ thấp bé nhưng ý chí cao ngất. Phi Nhung đã chấp nhận sống/chết để nằm xuống với một Sài Gòn thân yêu trong đẫm lệ trào dâng.
Nhớ về Phi Nhung, một tiếng hát trữ tình, một “Nữ Hoàng” của nhạc tình quê hương, một mất mát lớn cho sân khấu nghệ thuật, cho người yêu nhạc, nhưng tiếng hát của Phi Nhung sẽ còn và mãi mãi trong lòng mọi người.
Dạt ngang miền hư ảo, trí nhớ và ký ức bay bổng theo điệu ru hò Phi Nhung. Một lần nào đó, trở lại Pleiku tôi sẽ nghe được những lời nói thân quen: “Tội nghiệp con bé Phi Nhung, mới ngày nào quanh quẩn lủi thủi trong khu chợ này, rồi trở thành danh ca, và bây giờ sớm vội lìa trần…”
“… Nằm đây, hơi ẩm quanh mình
Nghe mưa Phố Núi nhòa xanh nẻo mù
Mưa Bản Thổ, mưa Pleiku
Thương em nơi cõi phiêu du mỏi mòn
Anh xa xôi vẫn thật gần
Giốc sương em vẫn bên đường ngủ ngon
Xin bình an giấc nữ thần
Trong mưa có tiếng thạch cầm ru em…”
Pleiku, một thành phố nhỏ của chúng tôi đầy mộng mơ, nơi sinh sản ra những tâm hồn nghệ thuật. Nhiều tên tuổi vang lừng đã từng ở, từng sống, từng gắn bó và cho ra đời nhiều tác phẩm về Pleiku như: nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Kim Tuấn, nhà thơ Vũ Hữu Định, nhà văn Lê Thao Chuyên, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Lê Uyên Phương, ca sĩ Ngọc Lan và bây giờ là ca sĩ Phi Nhung đã ra đi, đã yên nghỉ nghìn thu. Pleiku, rừng gió cao nguyên đậm mùi tiễn biệt.
Còn lại nhạc sĩ Từ Công Phụng, nhạc sĩ Miêu Đức Thắng, nhạc sĩ Trần Duy Đức, nhà thơ Vũ Hoàng, nhà thơ Lê Nhược Thủy, ca sĩ Đặng Ánh Nguyệt… ươm giữ hơi thở, âm nhạc, nghệ thuật.
Phi Nhung!
Dù trong không gian tĩnh lặng, tiếng hát mượt mà của em ru vọng những âm thanh buồn bã, ghi đậm nỗi lòng nhân gian, anh vẫn luôn nhớ về Phi Nhung.
Thắp nén hương lòng gửi đến Phi Nhung, thắp cho nỗi niềm bỏ lại. Lòng anh rưng rưng một nỗi buồn, kỷ niệm về theo những con dốc cao thấp của Phố Núi, nơi mà chúng ta đã sinh ra.
Trở lại với Pleiku, trở lại với ký ức thời tuổi dại. Đến những mái nhà ấp ủ yêu thương mà em đã tạo dựng. Anh sẽ rất nhớ Phi Nhung.
Anh ngậm ngùi tiễn biệt một tình thân, tiễn biệt Phi Nhung - Đôi mắt buồn Pleiku.
Đỗ Vẫn Trọn
https://mail.google.com/mail/u/0/?pli=1#inbox/FMfcgzGlkFsqTbZrQDsGsSNHhpbrhmpj?projector=1
==============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét