PHẠM TIẾN DUẬT
VƯƠNG TRÍ NHÀN
Phạm Tiến Duật học với mình, bây giờ lại gặp nhau ở cái món văn học này. Ngày xưa đi học là một ông tướng chúa luộm thuộm và bẩn thỉu, nhưng mà ngày nào cũng làm thơ, tháng nào cũng có một tập thơ có tên, có bìa, có mục lục. Say lắm, thỉnh thoảng lại ra tận Hà Nội, làm xong thơ là ào một cái gửi đi, thỉnh thoảng lại õng ẹo gọi con gái: Có nghe thơ Duật không. Duật đọc nhé. “Đọc thật uốn éo, cười, cái cười rất say mà rất bốc.
Hai thằng, đứa giường trên đứa giường dưới, cùng có âm mưu về văn nghệ cả mà không bao giờ gặp nhau. Ít lâu sau, mình đi từ Na Sản chỗ 148 lên doanh trại cao xạ trên đó với nó, cu cậu hẹn làm thơ rất nhiều. Rồi mãi đến cuối 1965, mới gặp lại nhau, và thỉnh thoảng trò chuyện- Mình chưa thể nhớ được ở Duật một cái gì, một câu gì cho thật rõ ràng cả, có lẽ vì nó thế chăng. Chỉ thấy đấy là một người rất tự tin và quý bạn. Đỗ Chu bảo: Nó bảo mỗi lần đi chơi với mình về, nó lại khôn hơn lên một chút”. Đúng là như thế thì thật hay. Duật quý bạn lắm, thằng nào cần gì ngửa tay là nó cho liền, khi cân gạo, khi ít tiền. Chỉ phải cái khổ là thỉnh thoảng lại trốn đơn vị, trốn từng buổi, ra nhà cậu Lâm ngồi viết. Rồi cuối cùng là cái vụ cuối năm 1967: Phát nhầm đài cho đơn vị, hụt vài trăm. Định bán cái xe đạp đi giả, thì sang thăm người yêu bên Gia Lâm, có chiếc xe đạp bị một thằng vớ vẩn nó giật mất. Thế là tay trắng. Gần đến ngày kiểm điểm cuối năm rồi, trốn về nhà chị. Đêm nằm cứ ngẫm nghĩ định xin tiền, sáng ra trông thấy các cháu nheo nhóc quá, lại thôi. Rồi đến lúc đơn vị tìm nháo nhác cả lên. khi ông Hồ Phương đến xin, người ta bảo:
- Đấy, người đào ngũ thế đấy, anh có xin thì xin.
Ông Hồ Phương bảo: Đến nổi tiếng như Nguyễn Khải mà đi đâu một ngày cũng phải báo cho cơ quan nữa là.
Ngẫm cái đời Duật mấy năm nay thật vất. Năm 1965, đánh mạnh khu 4 thì vào khu 4. Năm 1967, nó tập trung vào Hà Nội, thì lại ra Hà Nội. Năm 1968, vào khu 4 trở lại, hứng lấy chiến tranh hạn chế. Chiến tranh ác liệt nhất từ trước đến giờ. Và bây giờ cũng vào 500, lại vượt cửa khẩu, ở với những đơn vị Cha lo, Bép, Không dám ra mặt đường.
Mình đã đi với Duật rồi. Đến đơn vị xin đi với anh em một tuần. Tuần sau ở nhà viết. Viết xong đọc cho mọi người nghe. Thơ Duật là một thứ thơ dễ dàng, đọc cho ai nghe cũng được. Bây giờ thì lại có một kiểu khác. Đến các binh trạm, các ông ấy thú lắm: “ở với chúng tôi một tuần, một tháng chúng tôi cũng nuôi. Chỉ làm thơ thôi” Và Duật đã làm thơ “To lù din 3 cầu, khoẻ là din 3 cầu, đại đội có mình nó, nên quý như con đầu”. Làm xong thì chép vào những mảnh giấy. Đứng ra phát cho anh em trước khi qua cửa khẩu. Vậy thì là thơ đã có mặt với người ta.
- Nhưng mà đó cũng là điểm lo nhất của Duật hiện nay. Bởi vì cứ như thế mà kéo thôi, người ta sẽ hoá một thứ nghệ nhân, xẩm, không biết mình ra sao. Hình như so với người đời, mình dã giởi quá rồi! Hình như luôn luôn được hoan nghênh, và ai mà lại không làm đúng như người ta đã hoan nghênh được? Ghê nhất là một bài thơ của Duật: Chào những đoàn quân tuyên truyền. Chào những đoàn quân nghệ thuật- Sau khi ca ngợi một hồi, thì nâng lên:
- Có thế cũng như là nghệ thuật.
Chu bảo: - Thế thì không chơi với thằng này được nữa rồi.
- Cứ xem như thơ của bọn viết bây giờ thì cứ tưởng bọn trẻ như nhau thôi. Nhưng nói chung thì mới biết khác nhiều. Những thằng như thằng Bằng Việt nói chuyện với nó thì thấy nó sáng láng hết cả lên rất thông minh, rất trí tuệ. Thế thì mới được.
Lối làm thơ của mỗi người quyết định con đường đi của thơ người ấy. Duật làm thơ, cũng như Nguyễn Đình Ảnh , lạ lắm. Duật kể: Ngày xưa đi học, đọc hết sách Phú Thọ, rồi đọc từ 1, 2... đến hết. Làm thơ thì đọc rất kỹ các sách kỹ thuật (cây khoai lang, cây lúa) rất kỹ các phần tư liệu như tỉnh Bà Rịa, cây Vú Sữa... trên báo Thống Nhất. Mình nhớ, khi ra Bài thơ cuộc đời Duật đọc rất kỹ một chỉ khen Huy Cận làm thể thơ gì cũng giỏi, chỗ này trong bài này là học ca dao.v.v... Còn học thì Duật rất lười, lười không chịu được, không bao giờ làm được gì một cách trọn vẹn.
Con người Duật thì hóm hỉnh, thơ Duật rất hóm hỉnh. Cái câu viết. Chú Lư phố khách - Một thứ tiểu xảo chăng? Đúng hơn là nó biểu hiện một lý tưởng thẩm mỹ tầm thường, thích thú với những cách vớ vẩn. Ví dụ bài Chuyện lạ gặp trên đường hành quân- Bao giờ thì Duật cũng khoe cái câu:
Dấu vết voi xưa vừa đi vừa đóng
Chữ đóng thì hay thật, hay quá còn gì nữa.
Duật yêu người, dễ tin người, làm việc gì cũng chịu được. Lúc liều thì liều quá, bỏ đi. Nhưng đối với lúc ở nhà thì lại ngọt ngào dễ chịu. Chiều người, thích sáng chơi người ta, làm thơ tặng- Một cái câu tiêu biểu, do một cô bé ở Đoàn Chèo kể. Vừa gặp họ là Duật đã õng ẹo:
- Tiếc quá, các cô mà vào đây sớm thì hôm qua gặp một đoàn bướm vàng rất lớn mấy năm nay đi sơ tán mới lại trở về.
Nhưng mà Duật cũng là một kiểu nghệ sĩ chúa quên, chúa luộm thuộm. Có một cái bằng đại học cũng mang viết trên đường. Ở Cục vận tải kể, cái hồi yêu cô Liê . Cô ấy đến thăm Duật. Đúng là họ cũng khéo tìm nhau, chân đi đất, quần thủng buộc túm ống rơm v.v..
Mình bảo. Thằng Chu nó về đây lúc nào cũng được, nó đủ bản lĩnh rồi. Thằng Duật, thằng Hoàng thì phải gọi ngay nó về, cho nó đỡ đi. Lo thằng nọ thằng kia, như thằng Hoàng, không viết được thôi. Còn lo Duật thì lo nó không viết được hay hơn nữa.
Cuối 1970
Bộ mặt thời sự văn nghệ thường phụ thuộc vào cái này: người nổi tiếng trong một thời gian nào đó. Hồi trước, đó là Phạm Tiến Duật. Người ta đã nói: đó là cao hơn một nhà thơ, có nhưng phương diện còn cao hơn nền thơ - đó là một Apônline của Việt Nam. Và vừa rồi tôiđi văng, ông Khải kể: Mấy hôm ấy, con Điệp và con Bưởi chạy là cứ gãy gối. Lúc nào cũng có khách. Chúng nó ríu lại: ối - anh Duật ơi là anh Duật ơi! Hồi trước ở nhà, ông Nhàn đã lắm khách, nhưng ông này lại nhiều hơn. Chốc lại thấy một người hỏi, toàn là những báo nọ báo kia. Đến nối tôi ở phòng bên cạnh cũng sốt ruột lây, nhiều tay nó gõ cửa nhầm, tôi mức tức mình, tôi đ. ở đây nữa.
Điều quan trọng là lần này, nhiều vị trong chính giới cũng có mặt. Ông Trần Việt Phương đi ôtô lại, ôtô Vonga chứ, rồi lại mang mấy cái đĩa mới tới. “Đây là mấy cái đĩa mới nhất, chỉ có anh Tô vừa nghe nghe xong, Duật nghe là người thứ hai...
Gớm, thằng Duật là cứ cuống cà kê cả lên, mặt mũi nó hốc hác đi, nó tâm sự với mình: Em bận quá, chả còn viết lách được gì nữa anh ạ.
- Ông cứ yên chí, đời người chẳng phải ai cũng được như thế đâu, có người được nhiều, có người được ít... ta cứ tận hưởng cho xong.
Nhàn bảo như thần bảo, quả nhiên ít lâu sau con Lý Phiên nó đè luôn.
N: Thế anh xem, những ngày ấy. Duật còn tỏ ra lố bịch lắm.
X: Quả thật, cũng lố bịch một tí chứ, trách làm sao được. Khốn khổ, người đang ở chốn chiến trường, sợ từ tay trung đội trưởng trở đi, bây giờ gặp thế làm gì mà không thích. Tôi nhớ hôm ấy ông ấy bảo ông Bính: Em bị mệt quá, bây giờ các anh có cái đĩa nào mới em mượn tạm. ờ, cậu phải nghe nhạc chứ ! - Và cho mượn mấy cái đĩa của Bách. Thế là ông ấy ngồi, ông ấy dí tai vào tận đĩa ông ấy nghe.
Hồ Phương: tôi về, tôi cũng thấy cái chuyện cho ông Duật đại bản doanh ở đây là chối ngay rồi. Chỗ điện thoại thì .... Duật ở chỗ nọ chỗ kia. Và thế nào mà việc Thủ tướng mời cơm nhiều người biết quá, việc Đại tướng cho cái các cám ơn cũng nhiều người biết quá là thế nào ?
Nói thế: Phạm Tiến Duật ra, phòng Văn nghệ, Nhà xuất bản tổ chức toạ đàm, thu tiếng nói của Duật, Duật được báo Văn Nghệ tổ chức trao giải thưởng lại, được chi đoàn thanh niên bên đó mời nói chuyện. Và lần đầu tiên, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in riêng một tập thơ của một tác giả, tiếc là in lại tập Vầng trăng - quầng lửa mà Duật đã in bên nhà xuất bản Văn học. (đâu rút ra một bài cũ, thêm vào 10 bài mới ) Ngày nào, tột cùng gian truân, Duật bị cấm cửa ở các báo. Bây giờ Duật tột cùng hạnh phúc, tột cùng vinh quang rồi.
Từ trước tới nay, chưa bao giờ tôi nêu Duật cao quá như thế, tôi hay chê thơ Duật thiếu tâm trạng, ...phần làm thơ cho mọi người hơn là cho mình. Và một bức thư gửi vào, tôi bảo: Mọi người đều ca ngợi Duật, mà tôin lại chưa công nhận hoàn toàn. Có lẽ, đó là chỗ chúng tôi cần nhau chăng ? Trong Duật còn có những phần nghệ nhân, Duật nói được niềm vui của người lính, niềm vui mà người ta phải tạo ra, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, nhưng dẫu sao, đó cũng một niềm vui có phần dễ dãi, có phần lẩn trốn, và chưa thật sâu xa.
Những tâm sự của bạn bè trong những ngày này.
- Phạm Tiến Duật: Tôi nói thật với ông, tôi mệt lắm rồi. Giá có thể đổi tuyến, đi sang tuyến khác một chút. Tôi cũng thấy đỡ khổ chứ tôi cũng chẳng mong về báo về chí làm gì ở tuyến này, mãi cũng chỉ có xe với công binh thôi, có làm gì được... ở tuyến kia, năm nào nó cũng vào vào ra ra, nó cũng ngán lắm rồi.
30/12/70
Một nhân vật văn học của năm 1970, của những năm này là Phạm Tiến Duật. Đó là một người mà tôi quen từ hồi đi học,nhưng chưa bao giờ thật thân. Một người nghệ nhân, say mê với việc viết, cứ thỉnh thoảng lại … 10-12 bài mới làm lại, thành một tập thơ, trang hoàng rất cẩn thận. Nói với bọn con gái” Đọc cho nghe một bài thơ nữa nhé” rồi khịt khịt mũi đọc thơ. Rồi đi bộ đội. ?Cuộc đời Duật đã chịu nhiều cay đắng, đến những nơi bị đánh phá nhiều nhất, làm những việc vất vả nhất (bị đánh, bị kỷ luật, không được đăng các báo, bị giao cho làm những việc khổ cực nhất, ví dụ đi thuyết tôichiếu bóng v.v…) Đó là con người của những chuyến đi, đi khắp nơi, đi không biết mỏi, đi đến đâu, cũng làm thơ, sau khi bị đánh, không được in báo, vẫn cứ làm thơ, hồi trước thì mang thơ ra chỗ barie đọc cho lái xe. Sau chép thơ vào giấy, phát cho chiến sĩ trước lúc vượt khẩu, qua trọng điểm. .. Nhưng nơi mà cán bộ đơn vị dám đến. Duật cũng không sợ, ai đến, ngủ với anh em chiến sĩ. Tưởng con người này là một thứ trời cho, không cái gì làm cho anh ta suy suyển được cả vể sức khoẻ lẫn sức làm thơ. Đó là con người … nhấn đi, đâu cũng sống được, đâu cũng lăn. Và thơ anh cũng vậy, gặp đâu cũng ra thơ, không lúc nào biết thơ, thơ như là một thứ tự vệ của cuộc đời, phải có thơ thì mới sống được.
Cho đến những ngày vừa rồi, Duật về Hà Nội. Những ngày đó, tôi không có nhà, nhưng nghe mọi người kể lại, thì cũng lại đúng là một người ở rừng về rất khôn ngoan, tự tin, nhưng cũng rất vất vưởng, dại dột, khong ai không kính trọng mà vẫn không ăn nhập được với không khí của những người làm văn nghệ ở đây, cũng giống như nền văn nghệ Việt Nam chắc là không ăn nhập được với nền văn nghệ thế giới.
- NgX: Kể ra thì người cũng có tí hơi lố thôi. Nghĩa là nhiều khách quá, suốt ngày có người gọi. Tôi ở phòng bên cạnh, người gõ cửa ầm ầm cơ mà. Nay báo này, mai báo khác. Chốc lại có người gọi. Lần đầu tiên Tạp chí tôicó xe Von ga để cổng đấy chứ ? Xe ông Trần Việt Phương đến: Đây là bản báo cáo mới nhất, anh Tô mới đọc kia, là cái băng anh Tô mới nghe. Rồi cho mượn… đĩa hát. Thế là Duật nghe thôi. Hôm trước tháy bảo ông Bính: Anh có ít đĩa Bét tô cho mượn. Hôm sau ghi vào, thấy nhà thơ đang mở máy, tay gõ nhịp, có lúc lại cũi xuống ghé sát tai vào bên máy nữa.
… Nhưng mà bẩn thượng hạng. Ông xem xem, cái chỗ kia, khéo khi ông ấy đái vào đấy đấy.
- Các cô Đ, Vòng: Về khoản bẩn thì khỏi phải nói. Anh ấy nói chuyện vui lắm, ai cũng muốn nói chuyện với anh cơ, nhưng mà lúc căn cơm mà phải ngồi nói chuyện với anh ấy thì rất ngại. Có lần em đã nói xa nói xôi: Anh Duật này, thế trong ấy thiếunước lắm anh Duật – ừ, thiếu nước lắm – Thế ngoài này nhiều nước chứ – ừ , nhiều nước. Nói đến thế thôi, chứ còn nói gì nhiều nữa ?
Nhưng mà anh ấy lại hay nói chuyện vui lắm. Anh ấy bảo: Sống sao cho nhìn thấy mặt nhau nữa chứ, làm gì mà phải quá nạng nề với nhau. Hôm mẹ anh ấy ra đây, lúc về anh ấy kể: Dẫn mẹ đi, được một lúc, mẹ kêu: Con mua cho mẹ bắp ngô luộc. Thì ra đi ra Hà Nội vẫn chỉ thèm bắp ngô luộc.
- ..(Trị Sự): Để ông ấy ở đây thì cũng được thôi. Nhưng mà một là nhà khách nhiều điện quá, khách và điện nhiều hơn chủ nhiệm, cứ hết người nọ đến người kia. Sau lạ cả những khác ông ấy mới gặp, mới quen nữa, cũng đưa về đây hết. Thứ hai là ăn uống ông ấy cũng không trả đủ tiền ăn, phiếu gạo cho bếp ông Điền.
CK: Hồi ấy ông Duật nhiều người quen quá đến nỗi tôicảm thấy đến gặp ông ấy thì cũng thiếu tư cách.
Ông ấy nhiều người chờ như chờ vào khám bệnh ấy.
CK (tiếp): Tôi có cảm tưởng ông Duật ông ấy đối với ai cũng vậy. Nói chuyện nhiều không được, nhưng mới gạp thì lại rất dễ nói chuyện. Tôi biết là ông J cũng không thật là vào ông Duật, ông ấy như con hổ, động vào là c…. mọi chuyện
J… C: cứ mang tác phong lính tráng ra với mình, lắm lúc cũng đến chết dở với ông ấy. Ví dụ có hẹn mình, không bao giờ ông ấy đúng hẹn. Sau lại còn õng ẹo nửa xin lỗi, nửa bỡn cợt nữa chứ. Tùng chẳng hiểu ông ấy yêu bà Dạ thật hay đùa, với ai ông ấy cũng làm như là ông ấy có thể yêu chính ông ấy thôi vậy. Hai đứa đi với nhau trong Hà Nội cứ vật và vật vờ, không hiểu đứa nào dựa vào đứa nào.
Chi: Nhưng ngày tao với nó đi chơi, rồi về nằm nói chuyện, thì mới thấy gặp nhau trong nhiều ý nghĩ lắm.
… Thằng ấy nó đi nhiều, biết nhiều (N: Nếu nó viết văn xuôi thì ghê !) – Nó mà là một thằng cơ hội thì chắc ghê gớm lắm.
… Nhưng mà có nhiều điểm, ông ấy cũng cứ làm ào đi. Thế thì cả tập thể, nhưng mà số còn lại cũng chỉ độ một nửa, còn một nửa cũgn sẩm lắm. Còn đi chơi với ông ấy thì buồn cười. Ông ấy ở rừng quen rồi, chả biết sợ là gì nữa. Lao Quế Dg phó phòng tuyên huấn dưới kia, tôicũng phải sợ nó bỏ cha đi. Hôm ấy vợ ra chơi, đang đến xin nó tha ra ngoài ngủ – Duật đứng đấy cứ vênh vênh lên: Cho Chu nó đi mà - Không làm sao đâu. tôisợ quá, trông ông ấy cứ nhơn nhơn lên, thành ra ông ấy không nói đỡ tôithì cho, ông ấy sắp thì ra ngón gì, tôiphải chặn đi. Có lúc tôiphải bảo: Duật vào được lên gặp anh Văn đấy anh ạ. Cụ thích Duật lắm. Mai đến lúc sắp đi, nó mới lại nói được một câu nên hồi.
- Em đang được in tập thơ. Để khi nào xong em gửi Chu xuống cho anh.
Hôm nọ ông Trần Cư trước mặt đại diện tuyên huấn các nơi, kêu là ông Duậg tự kiêu, một thằng đi họp ở chỗ tao về nói lại. Lão KD bảo:
- ừ, cái tay Duật ấy, lấc cấc chết đi được ấy mà.
“Thằng ấy cứ lúc mê lúc tỉnh là thường. Nó nói thế là mê. Nhưng lúc khác, nó đến Vũ Tú Nam bảo ông này nhận xét được, thế là tỉnh chứ gì. Hôm nọ gặp ông Thi - ông Thi kể vừa nói chuyện về Nhật ở tạp chí. Duật nói ngay : … chỗ ấy được mấy ! Hôm nào mấy đứa đến chơi, nghe anh nói chắc hay hơn.
N: Thế là không hiểu ông Thi rôi, Ông Thi rất thích mọi thứ đình đám sang trọng
C: ừ, thì không hiểu. Có lúc lại hiểu. Như nó đến nó mắng lão Trần Cư cái việc in thơ của nó chậm, thì nó lại tỉnh, lại hiểu chứ còn gì nữa.
- Người về thì là quyền phép lắm. Tao với nó đang ngồi thì có lão ở báo Thống nhất đến xin bài.
- Có, tôi có bài rôi, nhưng chưa chép được mai anh lại.
- Thế thì mai tôi lại
- Nhưng thơ tôi là phải đăng liền 3 bài, chứ không đăng được một bài
Ông ấy đã có thơ đâu. Tôi mới ngồi làm. Làm luôn ba bài trong một tối. Hôm sau, tay kia đến, nó đưa ra, lại còn dặn phải đặt vào đâu như thế nào, tay kia nhất nhất làm theo cả.
Thế là hôm sau, Duật mang tiền cho anh em ăn bánh tôm bằng cái đó.
Duật là anh lính ở chiến trường về, tiêu vung lên. Vì nghĩ rằng không biết bao giờ tôisẽ về. Duật làm như thế, cả về mặt tài năng. Duật thử dùng quyền hành của mình, người ta để cho Duật cái quyền đó. Nhưng tất cả vẫn là xa lạ, xa lạ.
- Hôm nọ, nó lại ngồi cho ông Lình Chi về đấy.. Ông này đã vẽ tao một lần, tao sợ quá, phải mang về quê ngay. Bây giờ … ông Duật. Buổi trưa Duật đến.
- Để Duật ngồi, Duật vừa đọc thơ… thể. Anh nghe thơ anh hiểu Duật thì vẽ Duật đúng hơn.
Nhưng mà tranh ông Duật lại đẹp chứ, lão ấy sẽ bày trong triển lãm sắp tới đấy.
6/11/71
Như vậy là các bạn ra Hà Nội cả, lâu mới gặp khá đầy đủ. Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật… Có lần ông Châu hỏi mình: Phạm Tiến Duật là người thế nào, tôi bảo: Quả thật tôicũng không biết cho thật rõ ràng. Có phải là lòng ghen tỵ không, nhưng thành tâm mà nói, tôi thấy Duật không đùa, có lúc rất say mê, rất nhạy bén, nhưng có lúc lại rất ngẩn ngơ và đại dốt. tôivẫ giữ ý kiến, từ xưa đến nay, là thơ … như sự thông minh của người chiến sĩ, một sự thông tôirất là vớ vẩn, để dồn vào đánh nhau. Đó không phải một người hoạt động xã hội mà chỉ là một người lính có tâm hồn nghệ sĩ. K bảo: Nói chuyện với ông Duật lâu cũng không được, nó không vào – chỉ thấy quý ông ấy thôi… Ông ấy có đối với ai cũng như ai, thì còn gì là thú vị nữa.
Những ngày Đỗ Chu về – D và Đỗ Chu đi lang thang khi nhiều nhà, đi đâu cũng có đôi với nhau. Bọn tôinói đùa: chắc nó nghĩ đây là một người nhất thơ đi với một người nhất văn xuôi. …. có khả năng nghĩ như thế lắm. Duật như một người lính giành dụm được rất nhiều tiền, về hậu phương tiêu một mẻ thả cả, để rồi lại vào Trường Sơn, ăn rau với muối. (Người ta ví Duật như Apônline, không phải do những cách tân về thơ ca, mà vì A là người cứ lăn đi chiến trận, rồi lúc nào đó, lại quay về, lại đưa ra thơ, làm tất cả mọi người xôn xao cả một lượt !)
- Về mặt sinh hoạt, Duật là một thằng rất bẩn, và lại rất ít nhạy bén về cái bản mình. Điệp đánh máy kể: mở cái phòng con của anh ấy ra thì hôi không chịu được. Đi ăn cơm, đứa nào cũng thích nói chuyện với anh ấy, mà đứa nào cũng sợ ngồi cùng mâm. Có lần em bảo: Anh Duật này, ở trong Trường Sơn thiếu nước lắm nhỉ – ừ, ở đây sẵn nước lắm nhỉ – ừ – Nói thế mà anh ấy vẫn không nhận ra, vẫn cứ bẩn thôi…
Thế nhưng đó lại là một người được ông … trưởng gọi đến ăn cơm, từ 10 h đến 1 h trưa. X: ông Mai làm hộ ông ấy, nhưng có được thế đâu. N: một đằng như đồ vật, một đằng như cây cảnh. Mà thật ra, ông V có quý tho Duật lắm đâu. Căn cứ vào trình độ học thức của ông ấy thì đoán thế. Và nghe ông Hữu Mai nói lại, cũng là như thế. Nhưng mà ông ấy vẫn quý thôi. Đỗ Chu: Thế là phen này, tay Duật được gặp từ Thủ tướng đến thằng lính còn gì nữa. Nhưng mà đây vẫn là một thằng lính, tôi nói lại.
18/12/70
Tôi đứng trước Duật như đứng trước người nghệ nhân có tài năng nhất, tương đối mới mẻ nhất của quần chúng và chỉ có thế thôi.
Từ tháng 5 đến tháng 11/70, Duật đã ở Hà Nội như một người anh hùng. Nhưng thơ Duật là thơ phải đi mới viết được. Tôi nói đùa: Rồi Duật phải sang những chiến trường D, E, ... gì nữa. Người ta đã đưa Duật lên. Có lúc người ta đã cúi rạp người trước Duật, đã chịu để cho Duật làm tình làm tội. Thì cũng giống như trước kia người ta vùi dập Duật. Người ta sùng bái chính quyền lực của người ta. Người ta muốn thử thách quyền lực của người ta thì đúng hơn. Rồi lúc nào đó, người ta sẽ quên Duật đi, không xa đâu.
Thân cát bụi lại trở về cát bụi.
Khoảng 1974
Về Phạm Tiến Duật
Đọc Duật, cứ thấy một tâm hồn vào đời sống, nhẹ tênh đi.
Duật là một người đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa:
- một người tỉnh phải mê đi làm thơ
- một người làm thơ cho mọi người mà lâu quá, nhuyễn quá, biến thành một thứ yêu cầu nội tại làm thơ cho mình
- một người đi nhiều, mà rất lặng (khác Bằng Việt)
- một người làm ra vẻ hiện đại, ngổn ngang, nhưng thật ra đơn điệu, cũ, õng ẹo.
- một người sáo làm ra vẻ đơn giản (ngay cả sự sáo của cái đơn giản, vẫn là sáo, không thương được)
Sự phổ biến trong thơ Duật, sẽ nói một cái yếu trong thơ anh (Khi một người viết được tất cả mọi người công nhận, anh hãy coi chừng!)
Cái hồn õng ẹo đã chi phối cái thực tế ngổn ngang, cái mà từ đó, có thể rút ra một cái gì ghê gớm hơn.
Thơ Phạm Tiến Duật như tiếng thì thầm của một người bạn đi suốt với ta chỉ trỏ với ta mọi điều- và chỉ có vậy. Phạm Tiến Duật yêu thương, dễ rung động gần như là có cả tính ở sự không có cá tính.
Cái nhìn của Phạm Tiến Duật có hơi chiều đời quá chăng? Điều chắc chắn là Phạm Tiến Duật nhân hậu lắm, mà cuộc đời người ta, có phải chỉ cần nhân hậu.
Nhiều khi sự thông minh hóm hỉnh đã hoa tự sắp xếp thủ pháp khéo léo, người ta phục cái tài người làm thơ, hơn là điều sâu sắc của nhà thơ.
Sau một hồi dẫn dắt rất kỳ khu, điều Phạm Tiến Duật nói với mọi người lại là một điều không phải thật mới mẻ.
Thơ Phạm Tiến Duật là thơ của một người đi rất nhiều, mà tấm lòng vẫn vô chừng tĩnh tại.
... (Trong khi thơ người khác tưởng không đi, mà đi!) Một dấu hiệu ở Phạm Tiến Duật, năm tháng không làm cho thơ thay đổi bao nhiêu.
Thơ Duật đã là thơ một người ở chiến trường chưa. Sao ở đó, vẫn còn nhiều cái lạ. Duật lạ thủ đô mà cũng lạ cả lúc ở chiến trường.
Cái vui của Duật, chưa qua những niềm đau, nên chưa thành cái đau thật sự.
Thơ Duật chưa phải thơ lính, chỉ là một người bạn của người lính. Còn cái ồn ào của một người ngoài cuộc.
Một số người làm thơ quá giống mọi người. Duật khác mọi người. Nhưng thật ra, sự khác có là bao, nó là một cái áo ban ngày.
Thơ Duật là một thứ thơ cấu trúc, vụ cấu trúc toàn bài, hơn là từng chữ.
Duật tỉnh táo ở chỗ: tất cả đều hợp lý - những sự bất ngờ có bố trí. Không thấy một câu ngô nghê quá mức. Chỉ có những ngô nghê vừa phải.
Tôi nghĩ thơ mặt trận của ta có thể khác, có thể thấm thía hơn kia. Duật nói cái về bề ngoài, mà chưa thấy vẻ bên trong của người lính.
Khác với thơ xưa nay là tiếng hát, thơ Duật muốn là một thứ chuyện trò, chỉ trỏ suốt đường. Phạm Tiến Duật tài nghệ hơn sâu sắc
Những cái ngồ ngộ vốn không bao giờ có khả năng có thể biểu hiện được cái sâu sắc, và không bao giờ đi liền với một năng lực thẩm mỹ tinh tế.
Trong đời sống cũng vậy, trong văn học cũng vậy.
Rất nhiều lần, tôi thấy những thanh niên có nam cả mũ, rất trẻ dắt con khá lớn đi trên đường phố. Những người thanh niên này cũng lấy vợ, sinh con như các thế hệ trước. Nhưng ngày xưa, sau khi có con, người ta già đi. Còn hiện nay, người ta cứ ở đấy, đứng đấy, trong khi đứa con lớn lên, cho nên cảm thấy trẻ.
Xuân Quỳnh: Thơ Phạm Tiến Duật như thơ của người lính lúc đang đứng trong chiến hào, mà không phải người lính lúc đã về hầm.
Nguyễn Minh Châu: Thơ Duật viết về chiến tranh, nhưng nó lại trần xì chỉ có chiến tranh thôi. Phải nói về chiến tranh, để rồi thêm vào một cái gì khác nữa.
Niềm vui của ông Duật nó vừa có tính chất thời đại, vừa thiếu chất thời đại. Thời đại bây giờ nó có một cái gì dòng ngầm bền vững lắm cơ.
(Nó ở một không khí đầm ấm chân chính, lại có một thoáng xa vắng như trong bài hát Đường cày đảm đang mà cô Bích Liên hát vậy) Như bây giờ anh tả một HTX chẳng hạn. Đúng là phải tả cái máy bơm, buổi liên hoan. Nhưng nó vẫn có một cái gì sâu xa ở bên trong, ở hàng tre, ở mặt ao, ở cái màu áo gụ. Thơ Duật thiếu cái đó đấy (Nhàn: Đỗ Chu còn có duyên là nhờ cái đó!)
Phạm Tiến Duật cho ta thấy đề tài có thể có vai trò quan trọng đến như thế nào.
Nói chuyện với Phạm Tiến Duật
( khoảng 1973-74 )
Người mà tôi cảm thấy gần gũi nhất lại là Bằng Việt. Gần trên một quan niệm chung về đời sống. Đỗ Chu nhận xát rất đúng về mọi chuyện. Đỗ Chu làm khùng lên. Nhưng Đỗ Chu không thật trách nhiệm như Bằng Việt. Việt biết rất cả, nhưng chừng mực, độ lượng.
Nhàn: Tôi thích Những cánh rừng không dân của ông hơn VTQL . Có lẽ là vì chỗ này: Vì nó có cái gì chân thật tha thiết hơn. VTQL có phần mỏng, nhẹ.
- Năm 1965 , mình cùng hoà chung vào nỗi vui mọi người trong những năm đầu chiến tranh. Vui vẻ thật, không có gì phải phân vân hết
Lúc ấy, làm thơ, thường chỉ hay nghĩ: người đọc người ta cần cái gì
Lấy mình ra mà suy. Suy ra những cái lạ (Đọc một bài thơ thường vài khổ đầu mà không thích, mình không thể đọc được)
Đến những năm này thì khác. Mọi cái thấm vào mình, thấm vào đủ mọi tình cảm khác nhau.
- Nếu tôi hỏi: ví dụ như điều quan trọng nhất mà ông định nói, điều được coi là đường dây xuyên suốt trong cuộc đời ông là ?
Có phải là ông muốn nói về một niềm vui sống - về cái khả năng sống hầu như vô tận, trong cuộc đời này?
Có lẽ là như thế. Tôi nhìn ở đâu, cũng thấy những biểu hiện của cuộc sống, có thể khẳng định được. Tôi yêu Trường Sơn, vào đây thật sự cảm thấy niềm vui. Người lính từ hậu phương lớn vào đây mang theo mọi mối quan hệ sẵn có. Khả năng thích ứng của người lính thật lớn. Có nhiều điều họ không cần nghĩ nữa. Những chuyện như ta-địch, bên này bên kia, không có gì phải bàn cãi nhiều. Muôn vàn mối dây quan hệ ràng rịt họ lại. Họ phải quý mến nhau...
(Thật ra, quan hệ giữa người với người ở Trường Sơn còn có phần đơn giản hơn ở ngoài này nữa- viết rất khó)
Tôi cứ nghĩ. Phải biết tất cả mọi chuyện, để rồi nói những điều gì có ích nhất cho một người bình thường hiện nay.
Mỗi người bình thường đều hiểu những điều mà nhiều khi những người làm thơ, làm báo chúng ta có thể hiểu bằng nhiều con đường khác ( hiểu cả bằng con đường sách vở)
Thế nhưng tôi có cảm tưởng là họ còn hiểu hơn thế nữa.
Tôi muốn giành lấy phần đó, viết cho những người đó, về những cái đó.
Lịch sử như một dòng sông. Các tướng tá, những người làm chính trị vạch ra một con đường, vạch ra một bờ luồng. Những người dân thường, những binh lính, có khi không đi vào giữa luồng, mà rẽ ra chung quanh, nhưng thật ra cùng đi theo luồng cũ thôi. Và tất cả những cái đó, làm lên lịch sử.
- Cái mà còn lại của mọi nền văn học, là ở chính nghĩa, nhân đạo, là tấm lòng đồng cảm, nhân hậu.
... tôi đang muốn làm những bài thơ về ru con. độ 50 khúc ru chẳng hạn: khúc ru về những người chồng lang thang...
Biết đâu, trong những bài thơ đó, sẽ có thể nói được chuyện đời, không kém gì những điều tôi đã viết về những người lính.
Tôi có nhiều bạn bè trong những người lính (một lần, Duật đọc một bài thơ về một cô con gái hy sinh, những cô gái chung quanh ngồi khóc mãi!)
- Có nhiều điều mình cãi lại bạn bè, nhưng sau về nghĩ lại, thấy chính là bạn bè nghĩ phải.
Một tháng ở Hà Nội, tôi hiểu ra nhiều chuyện hơn mấy năm ở trường Sơn. Có những hoàn cảnh, chỉ ở trong một tháng, mình hiểu ra những vấn đề hơn hàng mấy năm. Dĩ nhiên phải có mấy năm kia, thì mới có mấy tháng ấy.
Nhàn: Nếu chọn một bài, ông chọn bài thơ nào, theo ông, bài thơ nào thực của ông
Duật: Bài Gửi em cô thanh niên xung phong, thật là tôi nhất: yêu thương, tán tình, đôn hậu, dông dài.
Đó là vì ông hỏi tôi bài tôi là tôi nhất. Còn bài tôi thích nhất, thì bài Những mảnh tàu lá. Cái đó tôi chưa có nhiều.
Nhàn: Tôi thường nghĩ đến ông là tác giả bài Trường Sơn đông Trường Sơn tây. Có một chút gì tây say trong đó.
Duật : anh nghe nhạc, thì nó còn gì sàng sê nữa cơ.
Tôi hiểu ý ông nói là trong thơ tôi có một cái gì dông dài. Nhưng nó lại là cái dông dài của số đông, hàng triệu người tìm thấy trong cái dông dài đó, những gì gần gũi với mình...
Nhàn: Nhưng anh em làm thở trẻ khác cũng tìm thấy sự gần gũi.
Duật: Đến mức khi tôi đã bỏ đi rồi, thì họ vẫn còn ở đó.
Nhàn: Tôi cho rằng ở chỗ dông dài đó, ông hiện đại hơn Đỗ Chu. Đỗ Chu vào đời không sòng phẳng. Đỗ Chu không hết lòng với chiến tranh, mà ngược lại có phần co lại trong chiến tranh! Có lẽ ông Duật là người biểu hiện hồn nhiên của chiến tranh.
Duật: Mình thật sự gần lính, là trong khía cạnh ấy. Người lính cũng nghĩ gần như mình.
... Nói chung, mình đã vào chiến tranh, đã không né tránh. Chỉ có một lần, lính địch nó đổ gần ngay đấy, mình không thể chạy được, quả lúc đó, có tìm cách rút.
Duật: Nhưng mà sau tất cả mọi chuyện, tôi gần nhất vẫn là Bằng. Vì người ta thường tìm cách thích những gì khác mình, thích những thứ mình không có.
N: Nhưng ông cũng phải thấy rằng về một phía nào đó, ông lại rất gần Bằng. gần trong những gì sâu xa của cuộc đời. Một cách nhìn ưu ái chẳng hạn về phía ấy, tôi khác gì các ông nhiều. Không nói về tài năng nhưng cách nhìn của tôi khác. tôi hay thắc mắc hơn chẳng hạn.
Duật: Tôi là người sống quen thích nghi, thế nào cũng được. Như với bạn bè, tôi trốn không được, nên cứ tiếp khách, và rồi cũng vui với khách được. Tôi biết tất cả, nhưng xa mọi người, thì không xa ai.
Thơ văn luôn luôn có cái gì vĩnh cửu, có cái gì thời sự nhất thời, và cả hai cái đó, là thống nhất.
Như về tình yêu. Các ông Xuân Diệu, Huy Cận, cũng đang làm thơ về tình yêu: ghen, nhớ, v.v... Nhưng các cụ lại không nói được cái mặt biến chuyển trong thơ. Ví như làm ra cái áo. Xưa nay, thì bao giờ cũng thế, cái áo để che người, và phần che người của nó bao giờ cũng thế. Nó chỉ có khác, hoạ chăng là ở cái cổ, những cái rất phụ thôi, nhưng lại làm cho nó phát hiện cái cũ với cái mới.
Duật: Tôi đã về hậu phương, và hiểu những gì mà chiến tranh mang lại, trên vai người nông dân.
Nhàn: Trước đây, cứ tưởng nông dân là một sức lực không cùng. Bây giờ không phải, họ cũng mòn mỏi đi.
Tôi gặp, chị phụ nữ, xa chồng 15 năm nay. Năm nào cũng mong chồng về, nhưng chồng không về. Cứ đợi từ năm này qua năm khác. Và thoáng chốc đã 15 năm.
- Người ta thường gắn Phạm Tiến Duật với những cách nói: Con bống thế này con cò thế kia. Hay nghịch là, hay cười là.
- Những cái đó, chỉ có trong một hai bài, đâu có phải là tôi? Tôi nghĩ bây giờ thấy xấu hổ, khi nhớ lại Tiểu đội xe không kính. Có lẽ một phần vì là vì hồi ấy, bắt đầu tôi làm thơ theo cách thế này: Tôi muốn làm cho mọi người nâng đỡ chán. Tức là cái gì mọi người đã biết rồi thì tôi không nói nữa (đọc bài thơ của người khác 1-2 khổ không ra sao, tôi thôi)
- Nghĩa là anh bắt đầu bằng một thứ gì như lạ? Anh nghĩ gì về sự lạ.
- Có những người bây giờ nghĩ tới Phạm Tiến Duật là nghĩ tới chuyến đi. Tôi rất thích đi, và còn đi. Nhưng phải vừa đi, vừa học, vừa viết. Lúc đã không viết được, thì đi đến mấy cũng không viết được.
... Dạo này, tôi cứ muốn nghĩ lại mọi chuyện. Nghĩ về hoà bình, nhưng lại nhớ tới chiến tranh. Tôi muốn ngồi viết về những cái hôm qua, dưới ánh sáng những điều hôm nay, tôinghĩ lại những điều hôm qua. Cuộc đời là rất thống nhất
Bài viết
MỘT TIẾNG NÓI LẠC QUAN
TRONG NHỮNG NĂM CHIẾN TRANH- THƠ PHẠM TIẾN DUẬT
NHững người đã có dịp đi với bộ đội ít nhiều hẳn biết rõ người chiến sĩ của chúng ta có một đời sống tinh thần đặc biệt; các anh rất dễ vui, và niềm vui của các anh rất trẻ, khoẻ. Hành quân nhọc mệt nhưng đặt ba lô nghỉ là nói đùa, nói "trạng". Leo những cái dốc "ê ẩm", đặt cho dốc đủ mọi thứ tên để cười. Làm được cái hầm đẹp đã vui. Cải thiện được bữa rau rừng cũng vui!. Cái lạc quan, cái vui đã thành một nét bản chất của người chiến sĩ, nó nảy sinh trong mọi hoàn cảnh, như một thứ thách thức vượt lên khó khăn; nó là cái hơi ấm toát lên từ tâm tình của những người tự tin và đang chiến thắng.
Trong chiến tranh , Phạm Tiến Duật luôn luôn có mặt giữa những người chiến sĩ như thế. Anh đi với lái xe, với công binh, với thanh niên xung phong trên một tuyến đường vận tải quân sự đặc biệt, và những bài thơ in lại trong Vầng trăng quầng lửa, trong Thơ một chặng đường chính là được bắt nguồn từ cái vui, cái lạc quan của cảnh và người gặp trên đường. Như là có một sự gặp gỡ đặc biệt giữa tâm hồn một người chiến sĩ và một người làm thơ. Và chúng ta có một tiếng thơ khá độc đáo.
Lần theo những trang thơ, người đọc biết rằng Phạm Tiến Duật đã đi nhiều nơi lắm. Trong văn học, từ việc sống đến việc viết, có nhiều cách thức khác nhau. Có người đi rất nhiều nhưng chỉ cốt nắm lấy không khí, cái "thần" chung nhất của khung cảnh. Đọc những trang viết của họ, nhiều khi thấy ánh lên một cái gì rất mới mà không bao giờ có địa chỉ rõ ràng. Phạm Tiến Duật không như thế. Anh đi đến đâu, anh gặp những ai, ta dễ đoán biết. Anh muốn vang vào trong thơ cả những chi tiết bộn bề như văn xuôi: những chuyến xe bom giật, bom rung vỡ kính; những đêm "cao xạ thình thình điểm đầu canh ba"; khu vực cho một ngày 17 trận bom Mỹ dội. Gợi ý cho bài thơ của anh là một cái cặp tóc ai để quên trên cỏ, tiếng đuổi gà của bà mẹ khi lúa chín trên đồng. Đọc thơ như được cùng anh vào một cuộc đi xa xôi và đầy hứng thú. Mọi thứ đều được anh chăm lo, chi chút. Lúc nào anh cũng giữ được một thứ ngạc nhiên, một niềm say mê "say miền đất lạ" rất tự nhiên. Tuy vậy, đó chỉ là cách viết. Điều quan trọng là thơ Phạm Tiến Duật không bó hẹp trong những người, những cảnh cụ thể. Mọi người khác, ở những đơn vị khác, đều có thể tìm thấy ở thơ anh một sự thông cảm. Một mặt, anh không muốn đơn giản, sơ lược. Như một người chứng kiến nghiêm chỉnh, anh nói khá đầy đủ về những vất vả đến với mỗi chúng ta trong cuộc chiến đấu. Mặt khác anh nói rõ những cái đó, nhưng không làm chúng ta băn khoăn do dự, mà ngược trở lại, một tiếng cười giòn tan cất lên, với tất cả sức trẻ của mình, chúng ta đã vượt qua mọi gian khổ. Người chiến sĩ trong thơ Phạm Tiến Duật vừa thực vừa đẹp một cách lạ lùng. Dù có thế nào vẫn "không có chuyện gì" về tất cả những người ở đây hết. Những xa cách "Trường Sơn đông Trường Sơn tây" không làm cho ai buồn. Trong cái đêm bom rung vỡ cả mái ngói, người chiến sĩ vẫn ung dung ngủ lại với gió sông Lam. Phải lạc quan lắm mới có được một giọng thơ như trong bài Qua một mảnh trời thành phố Vinh ấy! Càng đi vào những miền trọng điểm như Seng Phan, "tiếng bom như tiếng thú" nghe lại càng nhỏ. Và hơn thế nữa, không những ung dung tự tin, người chiến sĩ còn tìm được những niềm vui ấm áp. Anh không bỏ qua một đàn bươm bướm trên lèn đá, một câu hò trong đêm bốc vác rộn ràng. Biết tiếng hát trong rừng "nhịp với phách xem chừng sai cả" anh vẫn lắng nghe. Một tình thương mến bao trùm.
Thương em, thương em, thương em biết mấy.
Trong bài Gửi em, cô thanh niên xung phong, tình cảm giữa hai nhân vật rất tiêu biểu của cuộc chiến đấu của chúng ta, của anh bộ đội và cô thanh niên xung phong, được biểu hiện thật lành mạnh mà thấm thía, đậm đà. ở các bài khác Khi em qua đèo, nghe em hát trong rừng cũng vậy.
Tất cả những tâm tình chiến sĩ ấy là rất phổ biến, nhưng lại mang một dáng vẻ riêng của Phạm Tiến Duật. Anh hóm hỉnh nghịch ngợm mà đôn hậu thương yêu. Anh dễ dàng sao trong việc làm thân trò chuyện với mọi người! Và không chỉ có vui, anh còn có dụng ý muốn mang tới chúng ta những suy nghĩ khái quát. Chuyện các cô gái lái xe: niềm tin có thật trong cuộc chiến đấu. Nói về các lứa tuổi kế tiếp nhau trong trưởng thành là bài Khi em qua đèo. Về mặt này, bài thơ dựng cảnh Vầng trăng quầng lửa khá tiêu biểu. Trong ánh chớp nhoáng nhoàng của bom đạn, tiếng hát vẫn cất lên, mọi dấu hiệu của sự sống vẫn nảy nở. "Và vầng trăng, vầng trăng đất nước - vút qua quầng lửa vụt lên cao" - như là có một thoáng tượng trưng, nửa thực nửa hư, về đất nước, về chiến thắng như cùng trở về trong ta. Sức thuyết phục của bài thơ là ở cả một không khí được gợi lên khá trọn vẹn.
Không phải ngẫu nhiên, trong những năm chống Mỹ, thơ Phạm Tiến Duật thường được mọi người nhắc nhở. Đó là một tiếng nói trẻ, thứ tiếng nói mới trong thơ. Người làm thơ này bao giờ cũng coi bài thơ là một kiến trúc. Anh chọn được tình thế đáng nói. Anh biết nói một cách đặc biệt, thường lướt qua những chỗ lặt vặt, giành bất ngờ cho cái chốt chính, cái kíp nổ của bài thơ. Đọc thơ anh, dễ có những thoáng giật mình: sao có những điểm thi vị thế này mà không ai nhìn ra! Riêng cách đặt câu, dùng chữ trong bài đã chứng tỏ Phạm Tiến Duật là một người làm thơ có nghề nghiệp vững chãi đến độ dám đi ra khỏi một số khuôn sáo thông thường. Về mặt giọng điệu, nếu xưa nay thơ của nhiều người như một tiếng hát, thì Phạm Tiến Duật làm cách khác: Anh muốn trò chuyện với người đọc. Anh luôn luôn đi bên cạnh ta, thì thầm với ta điều kia điều nọ. Cách viết này mang lại cho tác giả một lối đi riêng, hợp với sức viết đang độ khoẻ. Cái tài hoa, cái khéo léo tay nghề, là tương ứng với cách cảm, cách nghĩ của anh và hai mặt đó gắn bó làm thành một phong cách thống nhất. Tại sao lại nảy sinh và tồn tại phong cách đó? Từ những năm chống Mỹ, trong bộ đội ta đã hình thành một lớp chiến sĩ mới, với cách sống, cách chiến đấu mới, dáng dấp tâm lý mới, có phần kế thừa mà có phần phát triển so với các thế hệ cha anh. Họ vẫn đọc những bài thơ của các nhà thơ lớp trước. Nhưng họ cần có tiếng nói của mình trong văn học. Thơ Phạm Tiến Duật là một trong những tiếng nói đó.
Có điều không nên cường điệu, coi thơ Phạm Tiến Duật là một mẫu mực, hơn nữa, một mẫu mực duy nhất cho tiếng thơ của cả thế hệ cùng tuổi với anh. Trên cái nền phát triển rộng rãi về mọi mặt của xã hội miền Bắc từ sau 1954, người chiến sĩ của chúng ta đã trưởng thành vượt bậc, với rất nhiều vẻ khác nhau. Để nói lên tiếng nói của họ, cần nhiều tiếng thơ khác nhau. Chỉ có thể nói Phạm Tiến Duật là một tiếng thơ trong đó với nghĩa nó có những chỗ mạnh chỗ yếu nhất định. Chỗ yếu quan trọng trong thơ Phạm Tiến Duật là bề ngoài bao quát được một hiện thực nhiều mầu sắc, song vẫn có cái vẻ đơn điệu của nó. Đây đó, một vài bài thơ dường như chỉ khác nhau về đề tài, về khung cảnh, về cách nói, mà ý tứ thì lặp lại. Thực tế lớn lao quá! Có lúc, tác giả như bị ngợp: Anh chỉ kịp làm những đoạn "ống kính chụp nhanh" mà chưa có sự cảm thụ và chuyển hoá sâu sắc. Thường khi anh chạy theo những thay đổi ở bề ngoài khung cảnh mà quên lắng nghe đúng mức về những phản ánh, những vang vọng của mọi thay đổi đó trong lòng, để sự kiện có dịp hoà cùng nhịp điệu với lòng mình. Cũng như nhiều người viết trẻ khác, một số khái quát ở Phạm Tiến Duật hoặc không sáng rõ, hoặc rơi vào chỗ đơn giản, sơ lược. Niềm vui mà anh gợi lên có phần dễ dàng, nhưng lại chưa thật sâu lắng. "Say miền đất lạ", anh đâm ra sa đà vào những cái ngồ ngộ, kỳ lạ, rồi tự bằng lòng, cười đùa vui vẻ mà không thấy hết những cái mới cơ bản trong khung cảnh và trong lòng người. Trong đời sống cũng như trong văn học, kinh nghiệm cho biết chưa bao giờ những cái ngồ ngộ đó có khả năng biểu hiện những điều quan trọng nhất. Cũng như về mặt cách viết, khi nào cố làm ra vẻ đơn giản. Phạm Tiến Duật lại rơi vào một sự sắp xếp, thành ra một thứ sáo mới, muốn làm duyên hơn là có duyên thật sự. Lẫn với cái thô mộc chân chính; một đôi khi sự qua loa cẩu thả đã xuất hiện trong thơ anh.
Bấy nhiêu chỗ yếu chỗ mạnh nói trên cố kết lại hữu cơ trong thơ Phạm Tiến Duật. Anh là người có bản sắc mạnh mẽ, bản sắc không giống ai, nên rất khó thay đổi. Mà có thay đổi, thì vẫn là đổi mới trong cung cách của mình. Cho nên, hơn cả nhưng đóng góp cụ thể, nên tìm ở thành công của anh một ý nghĩa khái quát: Nó là một bằng chứng xác minh thêm cái phương hướng lớn, phương hướng đi vào đời sống của nền văn nghệ mới. Thực tế dân tộc ta nói chung, thực tế bộ đội ta nói riêng là nguồn cảm hứng vô tận đủ sức nuôi dưỡng những tài năng lớn và khác nhau. Đó là điều lâu nay chúng ta vẫn nói. Đặt trong cái toàn cảnh đó, thơ Phạm Tiến Duật mới là một trường hợp, một thí nghiệm. Triển vọng của nó ra sao còn tuỳ thuộc ở sự phấn đấu của riêng người viết. Nhưng có điều chắc chắn: khi được phổ biến, ngay từ bây giờ nó đã là một gợi ý, một kích thích tốt cho những tiếng nói bằng thơ khác đang tiềm tàng trong lớp người trẻ tuổi đang cầm súng.
1971
Ý NGHĨA CỦA MỘT PHONG CÁCH
Những người mới quen giới văn nghệ nhiều lúc có cảm tưởng rằng những người viết có phần khắt khe: người ta khen nhau ít quá. Thực ra thì "nằm trong chăn mới biết chăn có rận" người nào tỉnh táo một chút khi nói về ngành mình cũng đều có nhiều băn khoăn lo lắng. Có lo lắng, băn khoăn thì mới biết hướng phải đi, biết đường mà phấn đấu. Nữa là đây lại là công việc văn nghệ, một thứ thực tế thứ hai, một thứ phản ánh của đòi sống, bao giờ cũng ít nhiều đi sau đời sống. Chúng ta hiểu đời sống thì lớn lao, cái phạm vi mà văn nghệ phải bao quát thì vô cùng, công việc trước mặt mình thật nhiều, đường xa mòn mỏi. Chúng ta trông ở nhau để làm việc, để sốt ruột hộ nhau, cũng là để thúc đẩy nhau tiến lên hơn nữa.
Nhưng trong đời sống, những điểu cực đoan lại hay đi với nhau. Người ròn cười thì cũng tươi khóc, người hay nghi ngại khi tìm được tri kỷ thì hết sức tin yêu. Đó cũng là quy luật của sự khen chê trong văn nghệ: giữa lúc mọi người đang bối rối, đang lo toan, bỗng nhiên một người mở ra được đường đi, vạch thêm được một lối thoát, thì mọi người đều hỉ hả vui mừng. Người ta không chỉ vui mừng cho chính người kia. Người ta vui mừng vì một khả năng của thực tế được phát hiện. Người ta vui mừng vì tương lai chung còn sán lạn, mình còn có hướng để phấn đấu. Người ta tìm được chỗ mà tin yêu.
Nghe các anh nhà văn lớp trước kể lại, tôi thường cố tưởng tượng khung cảnh chào đón những sự kiện lớn của đời sống văn học ta từ hơn hai chục năm nay, khi mà những giải thưởng văn học lớn được công bố. Khi những tác phẩm có tính chất cổ điển như một Đất nước đứng lên ra đời. Nhưng riêng trong năm 1969, năm thứ năm của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và năm thứ 15 của cuộc đấu tranh vì thống nhất nước nhà cùng một thời gian, tôi được chứng kiến sự chào đón của giới văn nghệ với hai tác phẩm đặc biệt: mấy chương đầu tiểu thuyết ở xã Trung Nghĩa của nhà văn miền Nam Nguyễn Thi và chùm thơ dự thi trên tờ báo Văn nghệ của Phạm Tiến Duật. Trong một năm mà tìm được một ít chương truyện với một chùm thơ hay, thế đã là hiếm hoi lắm. Riêng trong phạm vi thơ mà nói, cho đến cuộc thi thơ vừa qua, thơ Phạm Tiến Duật là trung tâm chú ý của tất cả mọi người. Các nhà thơ lớp trước đã không ngại dùng những chữ như "tài năng", "hiện tượng". Điều đó chứng tỏ thơ Phạm Tiến Duật vượt qua phạm vi thơ già- thơ trẻ, mà là một hiện tượng riêng, đòi hỏi mọi người phải nghiên cứu. Còn những người viết trẻ thì vui mừng cách khác. Đây lại là một trường hợp chứng tỏ khả năng của lứa mình. Người ta thấy những triển vọng mở ra: nếu mình được đi được làm việc, mình cũng sẽ có những đóng góp như thế. Ngay cả những người viết văn xuôi, ngoài cái sự "thẩm thơ" rất ngược văn xuôi, nhiều anh vẫn cảm thấy trong các thứ thơ, thơ Phạm Tiến Duật gần với thể loại của mình hơn cả, và mình có thể có những liên tưởng nhất định, giúp cho nghề nghiệp riêng của mình nhất định, khi đọc những bài thơ của tác gải trẻ này.
Chẳng riêng giới văn nghệ: nhiều người ở các ngành khác, đông đảo bạn đọc của chúng ta đã hỏi thăm về những bài Gửi em cô thanh niên xung phong. Tiểu đội xe không kính v.v… Khi cùng đi những chuyến đi công tác ở cơ sở với tác giả các bài thơ ấy, tôi đã được chứng kiến những cảnh làm xong thơ, anh mang ra đọc cho mọi người. Anh chăm chú nghe ý kiến trao đổi của một đồng chí cán bộ chính trị. Anh sung sướng nhận lời khen của một bà cụ già. Anh thường đọc thơ ngay cho những đối tượng thơ mình nói đến để chờ người ta góp ý kiến trực tiếp. ở những cửa khẩu, những trọng điểm vận tải quân sự, anh chép thơ của mình thành nhiều bản nhỏ, dúi vào tay các đồng chí lái xe, như một lời dặn dò tin tưởng giúp họ thêm nghị lực đi vào vùng địch đánh phá. Tôi biết rằng không phải người làm thơ nào cũng có gan làm như thế, và không phải thơ nào cũng có sức đi vào lòng nhiều người khác nhau như thế. Trong sự đa dạng nhiều màu sắc của thơ, thơ đã có sự phân công nhất định: có thứ thơ cho lứa thanh niên cuối cấp hai, đầu cấp ba đọc. Có thứ thơ cho những anh em sinh viên, anh em trí thức. Dĩ nhiên, có thứ thơ hợp với một số bà con ta quen nghe đài vào những buổi phát thanh nông thôn hơn. Xưa nay, thứ thơ được nhiều tầng lớp khác nhau thích vốn hiếm: hoặc là dở, hoặc là thật hay. Thơ Phạm Tiến Duật rồi sẽ chịu sự sàng lọc gắt gao của thời gian; tuy nhiên, ngay từ bây giờ, nó đã chứng tỏ khả năng phổ cập rất rộng, phổ cập mà vẫn không rơi vào thơ ca hò vè "tỉnh lẻ" cho nên càng dễ có khả năng sống lâu - phổ cập, dễ hiểu mà vẫn sâu sắc, hàm xúc vốn là một yêu cầu của văn nghệ nói chung, lại là một yêu cầu rất cao trong văn nghệ xã hội chủ nghĩa.
*
Ngay từ cuối năm 1966, trong giới thơ chuyên nghiệp của chúng ta đã có một cuộc trao đổi ý kiến về thơ chiến đấu. Thường chúng ta bận nhiều việc quá, cứ lo làm tới làm lui, chưa có những tổng kết kinh nghiệm, đúng hơn là chưa có những tổng kết có sức thuyết phục mạnh mẽ. ở một nước mà lịch sử là chống ngoại xâm liên tiếp như ở nước ta, đặc diểm của nền văn học là gì? Nền văn học nói về chiến tranh ra sao? Người văn nghệ trong các cuộc chiến tranh đã có những đóng góp gì? Vẫn chưa có những nhận xét cụ thể. Ngay sau cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc 1946-54, chúng ta cũng chưa có dịp bàn luận cho kỹ càng, thì đã bước vào cuộc chiến đấu mới. Đành là vừa làm vừa mò mẫm. Đành là có những nhận xét vụn vặt từng người từng trường hợp, để rồi lại tiếp tục làm mạnh hơn. Có một điều chắc chắn là: mặc dầu vậy, văn nghệ có những quy luật phát triển của nó, có những quy luật nội tại của văn nghệ mà cũng là những quy luật gắn liền với tình hình xã hội chính trị nói chung. ứng với mỗi giai đoạn có những phong cách văn học nổi lên, nó phản ánh những yêu cầu tâm lý chung, và sự tiếp nối của phong cách này bằng phong cách kia bao giờ cũng có tính chất tất yếu. Riêng trong phạm vi tiếng thơ của thanh niên, thơ của các bạn trẻ mà tôi thường đọc và tìm ở đó tình cảm ý nghĩ của mình chẳng hạn. Những ngày đầu chiến tranh, cuối 1965, đầu 1966, tôi rất yêu những câu thơ của một bạn trẻ là Lưu Quang Vũ.
Ta đi chiến đấu yêu thương lắm
Mỗi xóm thôn qua, mỗi nghĩa tình.
Cả dòng thơ Lưu Quang Vũ là một tiếng tâm tình tỉ tê tâm sự và thương yêu như thế. Cho đến những ngày 1967, 1968, tôi mới lại gặp một tiếng thơ khác đi
- Đi qua những chiến hào ta nhìn ra hạnh phúc
Đôi mắt nhìn nhau xanh hơn xưa
- Tự những năm ai cũng hoá anh hùng
Sẽ rèn đúc ai cũng đều nhân hậu
Thay cho cái bỡ ngỡ tin yêu là cái cần mẫn nhận thức trong thơ Bằng Việt. Tập Bếp lưủa ấy là một tập thơ suy nghĩ như ta vẫn nói. Bây giờ thì các bạn thơ ấy của tôi vẫn đang phấn đấu theo đường của mình. Nhưng cũng không hiểu tự lúc nào, một tiếng thơ khác xen vào, và dần dần có sức lay động tâm hồn chúng ta: mọi nguời vui mừng vì lại có thêm Phạm Tiến Duật. Chưa bao giờ trong thơ lại có nhiều chi tiết sinh hoạt như thế. Anh nói về những tiểu đội xe không kính, anh nói về các cô thanh niên xung phong đóng cọc dào rào quanh hố bom: anh nói về cái quệt nước trên xe ô tô những ngày mùa mưa ở Trường Sơn. Mà vào trong thơ những chữ nghĩa mới, khung cảnh mới, người đọc thơ như được làm một cuộc viễn du. Phạm Tiến Duật dẫn ta đi, anh có thơ về mọi bước đường của anh, mà cũng là mọi bước đường của cuộc chiến đấu hiện nay.
Khi nói thơ Phạm Tiến Duật nói được những cái cụ thể hàng ngày, những người làm thơ hiểu ngay khó khăn của anh: đưa những cái này thành thơ, người viết phải nói có duyên lắm
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa làm duyên phải luỵ hướng bay.
Phạm Tiến Duật đã ví quả ớt như ngọn đèn tín hiệu, vết xước trên vai áo của cô thanh niên bốc vác hồn nhiên như bông hoa lan trắng ngần.
Cái duyên nói nghe lọt tai của anh là nhờ anh có tình với những gì mà anh nói tới. Tình của một người tuổi trẻ, hồn nhiên đang mở rộng tấm lòng ra để thương yêu, có khi như là trêu đùa bỡn cợt nữa. Về phương diện này, một bài như tài Gửi em cô thanh niên xung phong rất tiêu biểu. Tôi nhớ cách nói của một nhà văn: Có lẽ đã nhiều người ca ngợi thanh niên xung phong họ dùng nhiều chữ nghĩa kêu hơn, mạnh hơn trong lòng họ. Còn hồn nhiên như bông hoa lan trắng ngần là người ở trong cuộc, anh mến yêu những người con gái ấy một cách rất cụ thể.
Thương em, thương em, thương em biết mấy.
Thương để rồi đi tìm, thương nên mới trêu, đùa, như là bỡn cợt nữa, cái bỡn cợt duyên dáng vốn rất cần sau những giờ phút làm việc mệt nhọc, vốn là một bản tính của những người lao động chúng ta.
Theo chỗ tôi hiểu, không phải hồn nhiên như bông hoa lan trắng ngần là người đầu tiên chủ trương đưa cái thực tế với những chi tiết nhỏ nhất của nó vào thơ ca. Có cả một nhà thơ chủ trương trong những bài tiểu luận quan trọng và anh đã mạnh dạn cắt bỏ những bài thơ theo một dọng điệu khác, để dễ xuống một thứ thơ như thế này. Trong số các bạn viết thơ trẻ, cũng đã có người nói thơ anh như công trường lúc nào cũng dở dang gạch ngói. So với những người ấy, thì thơ Phạm Tiến Duật có duyên hơn. Nếu cắt nghĩa rằng như thế, Phạm Tiến Duật có tài hơn thì chưa đủ. Bao giờ cũng thế ở trong văn học, cái tài bắt nguồn từ cái tình. Nhất là trường hợp lối thơ thực tế này, người viết phải có tình với đối tượng mà anh nói tới lắm mới phải.
Từ những đối tượng cụ thể, rồi anh sẽ nâng lên thành những vấn đề tư tưởng. Đã bao người làm thơ Đèo Ngang - Mà không nói con đèo chạy dọc" ấy là một câu thơ trong bài Đèo Ngang. Nó cũng là một ví dụ về tính tư tưởng trong thơ. Từ những điều rất bâng quơ mà nâng lên thành những chuyện chính trị, triết học cao siêu; nâng lên, nhấn mạnh, gói ghém trong đó, mà người ta không cảm thấy một cách gò gẫm, giả tạo, hoặc lên gân khó chịu. Trong đời sống, chúng ta vốn sợ những người lúc nào cũng ra vẻ ưu tư phiền muộn mà nói ra toàn những điều sách vở: người ta gọi những anh chàng kiểu đó là lý luận rởm, kiểu cách, gàn. Còn thỉnh thoảng ta mới gặp những người mà ung dung như không, nói cười ha hả, những nhận xét cái gì thì hết sức sâu sắc, cụ thể. Một sự thông minh có tính chất dân gian như thế rất tiêu biểu cho người Việt Nam chúng ta.
Không làm ra vẻ suy nghĩ, nhưng hồn nhiên như Phạm Tiến Duật vẫn muốn nói một điều gì đằng sau những cái hàng ngày. Đó là một cố gắng phấn đấu của anh, và có những trường hợp, anh đã thành công. Khi nói về Chuyện lạ gặp trên đường hành quân những dấu vết mà người chiến sĩ gặp ở Trường Sơn, một dấu voi đi, một cái bi đông những người anh Nam Tiến trước kia để lại, Phạm Tiến Duật muốn nói về sự tiếp nối của lịnh sử dân tộc. Còn những công việc bình thường hôm nay, dưới mắt anh, đều có ý nghĩa lịch sử - đó là trường hợp bài Công việc hôm nay. Lửa đèn có những đoạn nói về ta và địch vốn là rất khó nói mà Phạm Tiến Duật đã nói được. Cái đoạn cuối nó về ánh đèn chiến thắng ngày mai của anh xứng đáng là kết thúc cho một bài thơ vững chãi về toàn cục. Đây là cái bỏ nhỏ ở cuối bài Tiếng bom ở Seng Phan:
Thế đấy, giữa chiến trường
Nghe tiếng bom rất nhỏ
Nhưng có phải đó cũng là nhận xét chung của mọi người, ở những chiến trường khác nhau? Cũng rất tự nhiên là ở cuối bài Vầng trăng và những quầng lửa (Tạp chí Văn nghệ quân đội 12/1969), sau khi tả rất nổi những quầng lửa chiến đấu, Phạm Tiến Duật vẫn cho bao trùm một ánh trăng:
Và vầng trăng, vầng trăng đất nước
Vút qua quầng lửa, vụt lên cao
VƯƠNG TRÍ NHÀN
nguồn: vuongtrinhan.blogspot.com >
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét