GIỚI - AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG - VĂN NGHỆ CÔNG AN
“Mộng dưới hoa” và sự tài hoa của Đinh Hùng – Phạm Đình Chương
Không chỉ thế, mãi đến bây giờ hơn nửa đời người tôi vẫn thường lẩm nhẩm những câu thơ này và cất tiếng hát bất chợt những câu hát này mỗi khi hoài niệm, ngập tràn cảm xúc về hình bóng của “ai đó” đã đi qua đời mình, đi một cách lặng lẽ, hay thật sự ồn ào gây ra những vết thương sâu, để nhớ mãi.
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Tóc xanh lả bóng dừa hoang dại
Ấu yếm nhìn tôi không nói năng...
Đời sống trải ra dưới chân đi không phải chỉ có con đường gai góc. Đời sống cùng một lúc cũng mở cho người những cánh cửa mơ mộng khác hơn. Ở đó giấc mộng đẹp đầu tiên khi người niên thiếu bao giờ cũng là một đối tượng hiện thân cho tình yêu. Người con gái ấy với đầy đủ quyền năng sẽ đưa người ta đi trên cây chổi thép, tới những bến bờ hư ảo nhất hiện tại.
Gọi tình tình yêu ấy là tình đầu đời và người yêu sẽ cùng chung một giấc mộng. Đường bay của cây chổi thép sẽ không có ga nào gọi là ga cuối cùng. Đời sống trong một giấc mộng là đời sống trôi hoài không nghỉ ngơi.
Có nghĩa, trí tưởng tượng còn là một vùng thênh thang mây trắng và cái “chưa gặp” ấy được hiểu như một định mệnh còn chờ để ban phân phát cho một người nào.
Cái tuyệt vời nhất nói theo nghĩa của hạnh phúc bao giờ cũng là cái “chưa” hơn là cái “đã có”. Chưa có nên vẫn nghĩ và những cánh cửa như thế cứ mở hoài với những đôi mắt trong tim, muôn nơi và muôn thuở.
Hồi còn niên thiếu, một cậu học sinh lớp đệ tam nhiều mơ mộng và nhiều nghi ngờ, tôi yêu thơ Đinh Hùng như chính những mơ mộng và những nghi ngờ đó.
Tôi đã thuộc vanh vách bài thơ Mộng dưới hoa, chép không biết bao nhiêu lần vào giấy vở để tặng học trò con gái, những tà áo “tiểu thư” đó làm cuống quýt mắt tôi như những sợi chỉ mộng đã rối ngây thơ trong lòng. Nhưng tôi quả thật cũng chưa hiểu được cái đẹp tuyệt vời và sâu kín nhất của bài thơ mà bắt đầu là câu:
“Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng”
Sao lại “vẫn” mà không phải “đã”? Bình thường nếu ở một người khác chứ không phải Đinh Hùng câu này chắc chắn phải dùng chữ ”đã” thay vì chữ “vẫn”. Chưa gặp em tôi (đã) nghĩ rằng, có nghĩa là chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng có nàng thiếu nữ đẹp như trăng, như hoa, hay đẹp như bất cứ hình dung từ nào khác.
Điều này còn nằm trong dự đoán, mà dự đoán có thể đúng mà cũng có thể sai. Bởi vì nàng thiếu nữ khi chưa gặp, tôi đã nghĩ đẹp như trăng nhưng khi tôi gặp rồi thì nàng thiếu nữ có thể sẽ đẹp một cách khác. Đó là điều hoàn toàn dành cho sự bất ngờ.
Đinh Hùng và Phạm Đình Chương. |
Ở đây, Đinh Hùng đã dùng chữ “vẫn”, tức là tôi đã xác định rõ ràng rồi dù chưa gặp, người thiếu nữ ấy cũng vẫn đẹp như trăng. Chữ “vẫn” quá tuyệt vời và điều này càng chứng tỏ rằng không phải chỉ là một thi sĩ làm thơ hay, mà còn là một thi sĩ tài hoa.
Dĩ nhiên không phải căn cứ vào một bài Mộng dưới hoa do Phạm Đình Chương phổ nhạc mà thôi. Thơ của Đinh Hùng nhiều lắm, đó là Đường vào tình sử hành trang của những người niên thiếu đi vào tình yêu lần đầu.
Sống với tình yêu thứ nhất là sống với người trong mộng, cõi mộng đầy tràn ánh trăng của độ mười sáu, mười bảy. Và Phạm Đình Chương cũng không chỉ phổ nhạc duy nhất một bài Mộng dưới hoa, những Nửa hồn thương đau, Dạ tâm khúc, Buồn đêm mưa, Người đi qua đời tôi. Đó cũng toàn là thơ phổ nhạc.
Nhưng với Mộng dưới hoa Đinh Hùng và Phạm Đình Chương như hiểu nhau hơn ở một độ nồng của thơ và một độ cao của nhạc. Thơ, nhạc bay bổng, câu liền câu, ý liền ý đến nỗi nếu không thuộc thơ Đinh Hùng thì nhạc của Phạm Đình Chương sẽ làm ta thuộc thơ Đinh Hùng, che những nốt nhạc ấy lại, nó là một bài thơ trọn vẹn của một thi sĩ.
Nhạc phổ thơ như thế mới nói được hết cái tài hoa của cả thi sĩ lẫn nhạc sĩ.
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Tóc xanh lả bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng...
Đó là bốn câu đầu của bài thơ (và nhạc). Đó cũng là sự nghi ngờ, lạnh bạc của một giấc mộng. Em đã hiện đến, vẫn đẹp như tôi nghĩ. Tóc xanh là bóng dừa hoang dại, âu yếm nhìn tôi không nói năng. Không sai vào đâu được nỗi ngỡ ngàng đó của một khoảnh khắc thời gian dừng lại với hai người gặp nhau trong giấc mộng. Hò hẹn bao giờ qua những cái nhìn âu yếm ấy?
Câu hỏi hoàn toàn không được trả lời vì đó là câu hỏi của một hạnh phúc tràn đầy như những sợi máu vừa căng lên làm nóng hổi trái tim ta.
Nếu bước chân ngà có mỏi
Xin em dựa sát lòng anh
Ta đi vào tận rừng xanh
Vớt cánh rong vàng bên suối...
Yêu nhau là nương tựa vào nhau những khi đổ nát, tan vỡ. Tôi vẫn nghĩ như thế nhưng tình đầu không bao giờ là một hạnh phúc đến với ta rồi ở mãi. Thế nên tôi vẫn chưa, hay không còn dịp nào để nghe những bước chân mệt mỏi của em ghé sát vào tôi và chúng ta đưa nhau vào tận rừng xanh vớt cánh rong vàng bên suối. Khi người yêu đã xa cách nghìn trùng tôi mới bàng hoàng với bốn câu (thơ hay nhạc) đó?
“Cánh rong vàng” đã tượng trưng cho một hạnh phúc mong manh. Có cặp tình nhân nào vớt được “cánh rong vàng” bên suối ấy chưa? Chưa, nó hoàn toàn là một giấc mộng.
Bước khẽ cho lòng nói nhỏ
Bao nhiêu mộng ước phù du
Ta xây thành mộng nghìn thu
Núi biếc sông dài ghi nhớ
Ôi chưa gặp nhau như đã ước thề
Mây hồng giăng tám ngả sơn khê
Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng
Và mộng em cười như giấc mê.
Tôi đã đánh mất tình yêu đầu tiên từ lúc nào. Thế nên khoảng thời gian yêu nhau hãy còn bàng hoàng lắm, và cơn mộng của Đinh Hùng - Phạm Đình Chương chụp xuống thành một bản trường ca, hát hoài qua những năm tháng, ngày tháng lênh đênh. Làm gì còn được một câu “Bước khẽ cho lòng nói nhỏ” để nói với nhau?
Chính điều đó đã làm cho tôi hiểu hơn lúc nào, bao giờ tình yêu cũng chỉ là một bóng hoa ngã xuống bàn tay mộng, và mộng em cười như giấc mê.
Quả thật, sống bây giờ là sống cho những cơn mộng đã xế mất ngang đầu, hụt hẫng bể dâu và có lẽ, cũng đã tan tành để mãi mãi đau xót, hối tiếc lại khoảng ngày nào, “chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng”.
Thi sĩ Đinh Hùng nổi tiếng rất sớm trong làng văn, làng báo Hà Nội, ông là em rể của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Thi sĩ Đinh Hùng nổi tiếng về thơ nhưng tác phẩm đầu tay của ông lại là tập văn xuôi Đám ma tôi được NXB Tân Việt in năm 1943 (ông sinh ngày 3-7-1920).
Trước đó Đinh Hùng đã có thơ đăng trên các báo: Hà Nội tân văn của Vũ Ngọc Phan, Giai phẩm đời nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Khi bài thơ Kì nữ ra đời và sau đó được nhà thơ Thế Lữ giới thiệu trong truyện Trại Bồ Tùng Linh đã đưa tên tuổi Đinh Hùng lên đỉnh cao và khẳng định ông là một thi sĩ tài hoa với thi ngôn và thi tứ đầy ma lực. Điều này thể hiện rõ nhất trong thi phẩm Mê hồn ca (1954).
Tháng 8-1954, khi vào Nam, Đinh Hùng cộng tác với nhật báo Tự do của ông Phạm Việt Tuyền, cùng thời với Tam Lang, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Như Phong... Khi nhật báo Tự do đình bản, Đinh Hùng cộng tác với đài phát thanh Sài Gòn, phụ trách ban thi ca Tao Đàn, một chương trình ngâm thơ nổi tiếng lúc bấy giờ và từng tạo nên những giọng đọc thơ nức tiếng như: Hồ Điệp, Quách Đàm, Tô Kiều Ngân, Hồng Vân, Hoàng Oanh...
Trong thời kỳ làm báo ở miền Nam, thi sĩ Đinh Hùng còn ký nhiều bút danh khác như Thần Đăng khi làm thơ trào phúng, Hoài Điệp Thứ Lang khi viết tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết dã sử như Cô gái gò Ôn khâu, Đao phủ thành Đại La. Năm 1961 Đinh Hùng cho ra đời tập thơ Đường vào tình sử đoạt giải “Văn chương và thi ca” năm 1962.
Năm 1967 Đinh Hùngcho ra mắt tuần báo Tao Đàn thi nhân nhưng báo chỉ ra được 2 số thì ông mất vì bệnh ung thư gan lúc đang nằm điều trị tại Bệnh viện Bình Dân (5h sáng ngày 24-8-1967) khi chỉ mới 48 tuổi.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (sinh năm 1929) tại Bạch Mai, Hà Nội, cũng là một nhạc sĩ tài hoa, nổi tiếng rất sớm, không chỉ là một nhạc sĩ mà ông còn là ca sĩ với tên Hoài Bắc, chủ trương thành lập ra ban hợp ca Thăng Long (1951) nổi tiếng ở Hà Nội với các thành viên đều là người trong gia đình gồm: Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái), Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh).
Trước đó, những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng với các anh em trong gia đình như vừa nêu đã gia nhập Ban Văn nghệ quân đội ở Liên khu IV và đi ca hát phục vụ chiến trường.
Thời kỳ này Phạm Đình Chương đã sáng tác những bản nhạc có giai điệu hùng tráng, tươi trẻ đầy hào khí như: Ra đi khi trời vừa sáng, Thanh niên tiến lên, Bài ca tuổi trẻ, Mười thương, Sáng rừng, Hò leo núi, Hội trùng dương...
Năm 1953 nhạc sĩ Phạm Đình Chương kết hôn với ca sĩ Khánh Ngọc rồi cùng gia đình vào Nam năm 1954. Sau khi vào Nam, gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương đều tiếp tục làm nghệ thuật, Ban hợp ca Thăng Long biểu diễn ở các phòng trà, vũ trường.
Nhạc của Phạm Đình Chương cũng chuyển hướng sang phong cách trữ tình, lãng mạn, sâu lắng và đầy tâm trạng như: Xuân tha hương, Buồn đêm mưa, Màu kỷ niệm, Xóm đêm, Mưa Sài Gòn mưa Hà Nội... Và một ca khúc không thể không nhắc đến mỗi dịp xuân về của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là Ly rượu mừng.
Khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã có những ca khúc đau xót, da diết như: Nửa hồn thương đau (phổ thơ Thanh Tâm Tuyền), Người đi qua đời tôi (phổ thơ Trần Dạ Từ)...
Riêng với việc phổ thơ, nhạc sĩ Phạm Đình Chương được đánh giá là một trong số rất ít nhạc sĩ phổ thơ tài hoa đã chuyển hóa thơ thành đôi cánh bay cao, giúp thơ hay hơn, nhiều màu sắc hơn, nâng hồn vía thơ bay bổng hơn để được nhiều người nhớ và thuộc hơn qua nhạc. Tài hoa phổ thơ của Phạm Đình Chương xếp ngang hàng với nhạc sĩ Phạm Duy.
Quả vậy, một số bài thơ khác của các nhà thơ được ông phổ nhạc đã khẳng định điều này như: Lệ đá xanh (phổ thơ Thanh Tâm Tuyền), Đôi mắt người Sơn Tây (phổ thơ Quang Dũng), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (phổ thơ Du Tử Lê)... Và bài Mộng dưới hoa (phổ thơ Đinh Hùng) là một ví dụ.
Sau năm 1975 nhạc sĩ Phạm Đình Chương định cư tại Mỹ, ông mất ngày 22-8-1991.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét