Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

đọc thêm (3) : " nhà thơ TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG ... lâm trọng bệnh "/ Lê Công Sơn (tphcm) -- nguồn: báo thanh niên (tphcm)

 


Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương của 'Còn gặp nhau' lâm trọng bệnh

   3 THANH NIÊN ONLINE
“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/Lợi danh như bóng chim chìm nổi/Chỉ có tình thương để lại đời...”, tác giả của những câu thơ rất được yêu thíchTôn Nữ Hỷ Khương đang lâm trọng bệnh ở tuổi 86.
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương lúc còn khỏe mạnh /// ẢNH: QUỲNH TRÂN
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương lúc còn khỏe mạnh
ẢNH: QUỲNH TRÂN

Tin không vui trên được ông Trần Bá Thùy, chồng của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, xác nhận với PV Thanh Niên vào sáng 29.8. Ông cho biết thêm: "Hiện tôi cũng không vào nuôi trực tiếp được vì bà đang nằm ở khu vực săn sóc đặc biệt của Bệnh viện Hoàn Mỹ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nên không ai được vào thăm nom. Nhân viên và bác sĩ ở đây kỹ lưỡng và chu đáo".

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương của 'Còn gặp nhau' lâm trọng bệnh  - ảnh 1

Hiện bà đang được điều trị ở phòng phòng săn sóc đặc biệt của Bệnh viện Hoàn Mỹ (TP.HCM)

ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

Được biết, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương may mắn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tới 5 đời theo đuổi nghiệp thơ văn. Đặc biệt, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương thuộc dòng dõi hoàng tộc nên ngay từ năm 8 tuổi, bà đã được cha dạy cho những cách gieo vần thơ Đường luật. Lớn lên, Hỷ Khương vào trường Trung học Đồng Khánh (Huế) đến cuối năm thứ tư thì vào Sài Gòn học trường Quốc gia Âm nhạc nhưng vì cụ Ưng Bình không thể sống xa con nên Hỷ Khương phải trở về Huế.

Đến năm 1961, khi cụ Ưng Bình mất thì nhà thơ mới rời quê hương định cư ở Sài Gòn. Bà tham gia Tao Đàn Bạch Nga, Thi đàn Quỳnh Dao và cộng tác với nhiều tờ báo danh tiếng thời bấy giờ, trong đó tạp chí Phổ thông là nơi Tôn Nữ Hỷ Khương in thơ nhiều nhất, hầu như số báo nào cũng đăng thơ bà. Một điều ít ai biết, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính là anh em cô cậu ruột với nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và tại Huế có tới 3 người thân của bà: cha của bà là Ưng Bình, ông nội Hồng Thiết và ông cố Tuy Lý Vương đều được trân trọng đặt tên 3 con đường lớn của đất cố đô.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương của 'Còn gặp nhau' lâm trọng bệnh  - ảnh 2

"Hiền muội" Tôn Nữ Hỷ Khương với "hiền huynh" Trần Văn Khê lúc giáo sư còn sống

ẢNH: TRẦN BÁ THÙY

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương của 'Còn gặp nhau' lâm trọng bệnh  - ảnh 3

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương (thứ hai từ trái qua) cùng vợ chồng nhà thơ Trương Nam Hương - Lê Minh, ông Trần Bá Thùy và nhà thơ Vương Chi Lan

ẢNH: MINH LÊ

Ông Trần Bá Thùy kể về tình trạng hiện nay của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương: "Bà chỉ nhập viện cấp cứu được 3 hôm nay thôi chứ thực ra cách đây 1 tuần đã không chịu ăn uống gì cả. Hiện bệnh viện đang cho bà nhà tôi ăn bằng ống. Hôm qua, tôi vào thấy bà hơi lơ mơ nhưng sáng nay vào lại thì bà có nhận ra tôi. Do không ăn uống nhiều, chân bị sưng phù các bác sĩ sợ xuất huyết não mới tiến hành chụp phim nhưng may kết quả không thấy có hiện tượng này. Men gan cao và do không lọc được nước tiểu nên thể trạng bà cũng nhiều lúc mệt...”.

Nhà thơ Trương Nam Hương, một người em thân thiết với gia đình nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, tâm sự: “Trong giới văn chương, tôi luôn thương và quý mến chị Tôn Nữ Hỷ Khương lắm nên đã từng có bài thơ Tôn Nữ… sông Hương để ghi lại cảm xúc này tặng nữ sĩ tài hoa: "Mỗi lần nhớ Huế ngang thăm chị/Sẽ gặp Đông Ba mở giữa bàn/Bột lọc bánh bèo chè đậu ngự/Giọng cười như nắng rót Tam Giang". Một người con gái xứ Huế ấm áp tình cảm và cuộc đời tôi đã may mắn có được người chị tình nghĩa như vậy. Hôm nay nghe tin chị bị bệnh, tôi rất buồn và vừa gọi điện thăm hỏi ngay. Vì đang điều trị nằm phòng hồi sức đặc biệt nên dù muốn vào thăm chị, tôi cũng đành bất lực, chỉ biết cầu mong cho nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương mau khỏi bệnh, trở lại với những câu thơ tràn đầy sức sống cũng như bao trải nghiệm ở đời thấu đáo của chị".

===========


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét