Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2021

đọc thêm (2) : " nhà thơ NGỌC BÁI : Xin tạ ơn những người ngã xuống " bài & ảnh: Vương Tâm / nguồn ; https://suckhoedoiusong.vn>

 Thứ Hai, 18/10/2021 05:59 (GTM+7)



Nhà thơ Ngọc Bái: Xin tạ ơn những người ngã xuống

VƯƠNG TÂM


14-04-2017 7:24 AM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Lần ấy đi trại viết cùng nhà thơ Ngọc Bái trên Tam Đảo, tôi ngạc nhiên khi thấy anh hát rất say sưa, tay còn bập bùng chiếc ghi ta.

Lần ấy đi trại viết cùng nhà thơ Ngọc Bái trên Tam Đảo, tôi ngạc nhiên khi thấy anh hát rất say sưa, tay còn bập bùng chiếc ghi ta. Ở tuổi ngoài 70, giọng anh còn “mùi” lắm và có phần hơi phiêu một chút, trước các người đẹp ngồi trước mặt. Lời ca có phần quyến rũ với giai điệu mơ màng trong ca khúc mới sáng tác của anh...

Nhà thơ Ngọc Bái hát ca khúc mới.

Nhà thơ Ngọc Bái hát ca khúc mới.


Những cung bậc trầm hùng trên chiến hào


Ít lâu sau tôi có dịp gặp anh trên Yên Bái. Anh dẫn tôi ra khu công viên thắp hương tại Đài tưởng niệm Nhà cách mạng yêu nước Nguyễn Thái Học, ngay trung tâm thành phố. Một làn gió núi tràn về se lạnh. Mái tóc bạc dày của anh bay bay trước gió. Biết bao ký ức tràn về. Anh kể chuyện mình viết bản Giao hưởng hợp xướng Tráng ca khởi nghĩa Yên Bái thế nào. Giọng nhà thơ bồi hồi trong suy tưởng. Bản hợp xướng ba chương này đã được Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng từ năm 2005. Hình ảnh nhà chí sĩ cách mạng Nguyễn Thái Học, 27 tuổi đời bước lên đoạn đầu đài hiện lên trước mắt tôi. Nhà thơ Ngọc Bái bất ngờ hát những câu ca hào sảng khởi đầu cho bản hợp xướng: “Linh thiêng ngọn lửa thắp lên từ đất Vua Hùng. Rực sáng muôn vì sao đất nước...”. Khí phách của người anh hùng dân tộc trước máy chém không hề run sợ. Nguyễn Thái Học đã đọc vang lên những câu thơ của mình bằng tiếng Pháp, hiên ngang bất khuất: “Chết cho đất nước của mình. Là cái chết đẹp nhất. Thanh thản tuyệt vời nhất”. Âm hưởng bi tráng xuyên suốt bản hợp xướng của nhà thơ Ngọc Bái. Đó là sự biểu đạt hình tượng của những người hy sinh vì nước vì dân qua cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Tính quả cảm của những người anh hùng đã thôi thúc nhà thơ Ngọc Bái viết lên bản hợp xướng khá mãnh liệt này. Đó chính là lời hát ngợi ca với chủ đề sâu sắc luôn luôn được ngân vang: “Xin được hát những lời thiết tha. Nhắc với nhau về một thời bi tráng. Xin tạ ơn những người ngã xuống. Cho núi sông này vang vọng hùng ca”.

Tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết nhà thơ Ngọc Bái còn sáng tác một tổ khúc hợp xướng khác về đất nước Bay lên từ dáng rồng thiêng và hàng chục ca khúc về người lính. Anh kể đó là thành quả của một thời gian dài, hơn hai mươi năm đời chiến sĩ, bên cạnh những bài thơ anh viết nơi chiến hào. Quả nhà thơ Ngọc Bái là một hiện tượng khác lạ trong nhiều số phận của các nhà văn quân đội. Anh trải qua hết chiến trường miền Nam vào những ngày tháng cam go nhất ở Trường Sơn, mặt trận Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào; rồi lại đến chiến trường phía Bắc hồi 1979. Mỗi quãng bươn chải đến mươi năm gian khó, đúng với nghĩa vào sinh ra tử, vượt qua cái chết kề bên. Cùng với năng khiếu âm nhạc và biểu diễn phục vụ trong chiến trường, suốt chặng đường dài cho đến ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Ngọc Bái được Tổng cục Chính trị cử đi học chuyên ban âm nhạc tại Đại học Văn hóa (1977-1981). Sau đó anh còn được tiếp tục học tại Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1 (1981-1985). Nhà thơ Ngọc Bái là một trường hợp hiếm hoi khi hoạt động thành công ở cả hai lĩnh vực thơ nhạc. Nhiều ca khúc của anh trong thời kỳ chiến trường miền Nam đã được biểu diễn và thu trên đài phát thanh ca nhạc. Trong đó có những nhạc sĩ nổi tiếng như Thuận Yến, Trọng Đài, Hoàng Tạo, Nguyễn Cường, Văn Dung và Thanh Phúc đã sáng tác ca khúc với lời thơ Ngọc Bái.

Tuy nhiên, anh không chỉ dừng lại ở những ca khúc về hình tượng người chiến sĩ, mà còn sáng tác nhiều đề tài khác như vẻ đẹp thiên nhiên quê hương, tình yêu. Đáng kể có các bài hay như Sông quêGió trăngYên Bái của tôi, hay Lời thề giữa mây núiCà Mau ơi! hoặc Sang thu (phổ thơ Hữu Thỉnh). Anh bất ngờ hát cho tôi nghe bài hát Hoa núi của anh. Đây là bài hát đã đoạt Huy chương Vàng trong Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp năm 1997. Một giai điệu trữ tình và đầy đam mê từ giọng hát khê khàn nhưng lại nồng ấm trong tâm cảm. Bất ngờ có người trong đoàn đưa anh chiếc ghi ta quen thuộc. Lúc này không còn là một ông già với những nếp nhăn dằng dịt u sầu nữa mà hiện lên trước mắt tôi là một nghệ sĩ thực thụ. Mấy người đi cùng vây quanh anh như nhóm chiến sĩ ngày nào bên chiến hào đứng nghe anh hát với chiếc ghi ta gỗ đơn sơ. Những cung âm thanh ngọt và dịu dàng ngân rung từ ngón tay sần sùi của một người lính đã trải nghiệm qua khói lửa đạn bom.

Nhà thơ Ngọc Bái (bên phải) và tác giả.

Nhà thơ Ngọc Bái (bên phải) và tác giả

.

“Ghi ta đồng nội”

Nghe nhà thơ Ngọc Bái hát, tôi bỗng nhớ đến bài thơ Ghi ta đồng nội của anh. Đúng là anh đang hát với cuộc du ca đồng nội trong một tâm trạng của người chiến sĩ nồng nhiệt và đam mê. Thơ anh luôn luôn có nhạc điệu, đọc lên trong những nhịp phách ngỡ như đang hát vậy. Bài thơ Ghi ta đồng nội là một trường hợp như thế. Bài thơ có những câu như mơ vậy: “Ghi ta em ngồi cùng anh. Từng giọt âm thanh đồng nội trôi miên man. Khúc du ca của loài hoa vừa bay vừa nở. Tìm về ngây thơ búng những giọt nước mưa ướt lạnh”. Hoặc đam mê qua lời hát rằng: “Cứ để những ngón tay vô tư lướt trên hàng phím. Nghe từng giọt âm thanh ướt đằm lên ngực. Truyền qua đôi môi bản dạ khúc không lời”. Gần như bài thơ nào của anh cũng ẩn chứa một giai điệu chủ trong một bản nhạc. Đặc biệt là những bài thơ về tình yêu hay thiên nhiên đất nước. Bạn đọc luôn thích thú với những hình ảnh được hát lên trong những bài thơ Hoa ban trong mưa; với giai điệu nhạc của những giọt nước buông lơi. Hoặc Tú lệ trong mây, qua một cung điệu bồng bềnh mơ mộng; hay nhiều bài thơ khác cũng làm xao xuyến lòng người qua các câu thơ của Đêm xòe Mường LòChạnh lòng Sa PaChợ Bắc Hà...

Sau khi xuất ngũ, từ năm 1988, anh được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn rồi tiếp tục làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái sau khi tách tỉnh cho đến khi về hưu, năm 2005. Trong thời gian này, nhà thơ Ngọc Bái luôn luôn sáng tác xen kẽ hai lĩnh vực âm nhạc và thơ. Không ít người biết đến anh làm hội viên cả Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Thực ra anh bắt đầu sự nghiệp của mình chính là âm nhạc, biểu diễn và sáng tác ca khúc ngay từ khi mới vào quân ngũ. Bởi trước khi vào quân đội, anh cũng đã chơi đàn và ca hát nghiệp dư ở quê hương, cho dù chỉ là tập trên chiếc ghi ta tự đóng lấy. Chính vì thế mà anh đã được đi học và tốt nghiệp đại học âm nhạc trước khi theo đuổi nghiệp văn chương. Đó là một lợi thế vô chừng cho sự nghiệp văn học nghệ thuật của nhà thơ Ngọc Bái.


Bìa sách tiểu thuyết của Ngọc Bái.

Bìa sách tiểu thuyết của Ngọc Bái.


Những bản giao hưởng thơ


Ngoài hai tổ khúc hợp xướng cho dàn nhạc, anh còn viết ba tập trường ca khá dài hơi. Đó có thể nói là những dấu ấn quan trọng nhất trong sự nghiệp văn thơ của anh: Lời cất lên từ đấtCon của phù sa và Vầng trăng và cánh rừng. Đó cũng là những bản giao hưởng bằng thơ bởi giọng điệu trữ tình xen lẫn sự lãng mạn bay bổng đã làm nên đặc trưng nghệ thuật thơ ca của Ngọc Bái. Ở đó ta luôn bắt gặp hơi thở của khói lửa và không khí hừng hực của cuộc chiến mà anh đã trải qua. Cho dù giờ đây nhà thơ đã có lúc trút hết những nỗi niềm trên những cánh hoa ngọn suối và khói lam chiều quê hương nhưng khi đọc thơ anh vẫn gặp lại những ưu tư và nhịp đập thổn thức của trái tim: “Thôi cái thời chiến trận cũng đã qua. Thôi thiếu phụ đừng bao giờ khóc nữa. Khó lòng chết những câu thơ dang dở. Trước cửa thiền gương mặt bỗng trầm tư”. Nhưng có lẽ cảm xúc về cuộc chiến đấu của dân tộc luôn luôn ngự trị trong trái tim người chiến sĩ này. Đúng như anh đã viết trong bản hợp xướng: “Lòng yêu nước không bao giờ cũ. Lòng yêu nước như ngọn lửa thiêng. Như bài ca sâu nặng của thời gian”.

Hàng trăm bài thơ cùng ca khúc của nhà thơ Ngọc Bái liên tục ra đời trong suốt 40 năm qua. Quả anh có sức làm việc không biết mệt mỏi. Hơn thế nữa, bạn đọc còn biết tới những tác phẩm văn xuôi của nhà thơ Ngọc Bái qua tập truyện ngắn hay như Đá mồ côi và tiểu thuyết Ngang trời mây đỏ. Đáng chú ý tiểu thuyết Ngang trời mây đỏ cũng như bản giao hưởng và trường ca viết về Nguyễn Thái Học, người con anh hùng dân tộc. Đây là cuốn tiểu thuyết nằm trong bộ tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước của nhà thơ Ngọc Bái năm 2012. Chúng tôi chia tay nhau trong một chiều “ngang trời mây đỏ” trên thành phố. Hình ảnh nhà thơ Ngọc Bái ôm cây đàn hát ca in đậm trong tâm trí tôi, với những cung âm thanh rạo rực cùng lời ca văng vẳng bên tai: “Sau câu hát một trời xanh trong trẻo. Trắng bông lau phơ phất quét lên trời”...


-bài và ảnh:
Vương Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét