Gió O đặc biệt
nhớ Võ Đình
1933 – 2009
Hồ Đình Nghiêm
CÂU VỌNG CỔ KHÓ XUỐNG
Hôm ấy, tháng 6 mà Montréal nóng lạ thường, cọng với độ ẩm con số 27 độ C (hơn 80 F) chừng đã ăn gian dối lừa tới cái nhiệt kế đổ mồ hôi chẳng lên xuống sồi trụt một mảy may. Gió táp mặt, ngửi ra mùi nhựa đường hâm hấp đang mềm thân cuồng nhiệt bốc hơi.
Tôi dùng métro, lẫn vào đám người mặt đỏ ké lần lượt chui xuống đường hầm rất nhiều ánh sáng (không biết cuối đường có ánh sáng chăng?), dò trên bản đồ đếm thầm tới tám trạm thì trồi đầu đến hẹn lại lên. Có thể là mọi người đã tề tựu ngồi đợi trong quán ăn buộc phải có máy lạnh nằm ở khu phố Tàu xét hợp lý do Phạm Nhuận chỉ định, dàn xếp. Người này vốn dòng hào sảng, là mạnh thường quân, là đầu mối, luôn tạo điều kiện cho tất cả những kẻ có máu văn nghệ ưa sum vầy, mà đa phần kẻ nào có chút máu ấy chảy trong thân đều sở đắc chữ rớt mồng tơi. Rớt mồng tơi nghe có vẻ trừu tượng nhưng may thay, trẻ lên năm cũng tường. Trẻ nói, mấy bác ạ, cơm thương chứ không ai thương đâu, viễn mộng cũng chừng mực nào đấy thôi, nhớ?
Mồ hôi đẫm lưng áo khi tôi quáng gà dẫm bước lên lầu có lối bài trí hệt như một tửu điếm nằm đầy trong phim võ hiệp kỳ tình giả tưởng Hong Kong. Hắc bạch giang hồ qua lại rậm rật dưới lòng đường ngập nắng vàng nhưng những cái lồng đèn đỏ giăng mắc ở đây tịnh không đong đưa. Thời khắc mới có ba bốn giờ chiều nên quán nhốt khu biệt một thứ không gian tịch yên đến ruồi cũng lặng lờ xếp cánh buồn ngủ trên bàn rút ngấm mùi tàu vị yểu, tương đen, ngũ vị hương, há cảo xíu mại các thứ. Tửu bảo, ba cân thịt bò xào cải cùng với hai cân Mai quế lộ chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Không mạng che mặt, không nón sùm sụp, không đao kiếm dắt lưng, không chéo áo phần phật khi thi triển khinh công, không rượu mời chẳng uống lại đi uống rượu phạt… Thấp thoáng bóng một nữ nhân vận sường sám màu hồng vụt biến sau tấm màn vẽ cảnh Tử Cấm Thành khi tôi vừa đếm xong mười tám cước bộ từ tầng trệt mỏi gối lên đến lầu một chồn chân.
Phạm Nhuận, Trương Vũ, Võ Đình đứng cùng hai vị nào đó nhỏ to luận bàn bên cái chậu cá lớn một cách chẳng thể lớn hơn. Vớt cá ra chiên, hấp, dọn sạch bao vật thể dùng trang trí trong ấy thì có thể thoát y nhảy vào sau khi dụ khị được một mỹ nhân ngư. Một bể bơi không hơn không kém. Mát mẻ thấy rõ, sướng rên mé đìu hiu tới sau. Máy lạnh trong tửu lầu này chỉ nhằm hạ hoả có chút xíu. Nhưng nhìn khuôn mặt của chủ và khách đứng đó thì tôi đánh hơi ra có điềm bất thường vừa va vấp qua. Ai nấy đều, nói giọng của Bùi Bảo Trúc: Mặt nghiêm và buồn. Họ chỉ gật đầu khi nhát thấy tôi, đưa tay chỉ về ba cái bàn tròn kê trong góc đang đông chật thực khách. Và bấy giờ, trong quán nhạt mùi chiên xào củi lửa mới bắt đầu xô động một nỗi niềm, một vực dậy tiếng nói cười. Ô là la. Làm chi bây chừ mới tới? Hồ Đình Nghiêm phải không? Nguyễn Thị Hoàng Bắc đứng lên, thi triển lăng ba vi bộ để ôm lấy một hình nhân đang bận láo liên dòm mặt hảo hán bốn phương. Người tại hạ đang xuất hạn nhưng vị cô nương ấy hổng ke cái rít rát nhớp nhúa kia. Nhưng nói nào ngay, ôm là ôm ơ hờ phù du rứa thôi, bà con cô bác đang đổ dồn nhãn mục tới thăm dò thực hư, dễ sinh dị òm. Một vị yểu điệu thục nữ khác, hình như Thuỳ Hạnh cô nương bắn tiếng: Ủa, nếu không xướng danh thì tôi cứ tưởng đó là ông Đức Huy đi lạc. Đức Huy nào dậy cà? Không lẽ dung mạo tại hạ lại giống chàng nhạc sĩ viết lời thậm ngây ngô: Tôi thích mặc jeans và áo trắng… thích đi bộ dưới hàng cây… và tôi cũng yêu em. Khà khà, may mà ở đây mưa ít không như Sài Gòn, nếu không tôi mặc quần bò và áo chim cò, hát hỏng ra trò rồi chung cuộc mới giả đò yêu em.
Định thần hồn xong, liền tá hoả, kinh mạch đảo lộn trong người. Hoa Sơn luận kiếm cũng chẳng thể quy tụ được ngần ấy các hào kiệt đủ mọi bang phái sản sinh ở thương ca hải ngoại. Từ Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Vũ Thuỳ Hạnh (?) Trân Sa xong đến Phan Tấn Hải, Phạm Việt Cường, Chân Phương, Khánh Trường, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Đinh Cường… cùng các huynh đệ chưa rõ quý danh đang quây quần với không ít những trầm tư khó hiểu. Ngộ chẳng ra trong sát na để quỷ tha ma bắt chừng tàn một nén nhang mới vỡ lẽ, hoá ra danh môn chính phái phải chào thua bọn bàng môn tả đạo. Ám khí vung vãi bay đầy hèn gì nhiệt độ hôm nay nóng bức lạ thường. Những đứa thích khách dấu mặt trong bóng tối đã thi triển thứ kung-fu bổn cũ soạn lại và tuồng tích ấy vẫn còn chứa giá trị: Ganh ghét ai thì chụp ngay cho họ cái nón cối. Này nhé, tự dưng mà Trịnh Công Sơn từ ngàn trùng bay qua chốn đất lạnh tình run, Hợp Lưu của Khánh Trường bên Cali. bay về, Trăm Con của Trân Sa ở Toronto lái xe nuốt dặm đường mất 6 tiếng đi lên… Hẳn chúng đang nhóm họp đại hội bất thường, dùng mặt trận văn hoá để tấn công, chia rẻ cộng đồng lưu vong chúng ta. Mỹ có CIA thì chúng nhất định là CIB chứ còn gì khác?
Dạo đó, 1992 chưa đẻ ra những cụm chữ dị thường kiểu “chán như con gián, buồn như con chuồn chuồn, nhỏ như con thỏ, chảnh như con cá cảnh…” nên mấy ôn người Huế lạc loài ngồi ngó nhau: Chơi chi ba de rứa bây! Quá mất dạy! Thiệt là ba lơn! Chỉ mình Chân Phương đại ngôn: Sông Saint- Laurent ngoài kia không tài nào rửa sạch vết nhơ bẩn này! Buổi nớ cũng chưa hiện hữu mấy chữ “biết chết liền” hoặc “bó tay chấm còm”, bao nhiêu văn nhân thi sĩ có tên tuổi ở hải ngoại đang là nạn nhân của sự “nghĩ không ra”. Bao nhiêu tạp chí Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21, Hợp Lưu, Trăm Con vẫn giữ nguyên bản sắc cũ, không một ai bỏ công viết ra, nhắc lại cơn bệnh-dịch-đáng-nguyền-rủa-của-thiểu-số-người-Việt-ta-nó-vốn-thế.
Kể lại chuyện xưa để thấy thương cảm cho hoạ sĩ nhà văn Võ Đình phải chịu đựng một kỷ niệm xấu nhất trần đời khi bao người vì mến tài anh đã lặn lội vượt ngàn dặm tới chung vui, gát bỏ mọi khó khăn sang bên để về nhìn mặt nhau, nhưng… nhưng “người về có nhớ ta chăng, ta về ám ảnh màu trăng ám tà”. Để có kẻ yếu lòng đã gọi buổi đoàn viên ấy tựa một “trận động đất ở Montréal”. Văn hoá ích gì cho buổi ấy, khi quanh ta còn lắm đứa chưa thể viết tròn một câu thơ tử tế. (Ngoài Võ Đình, một nạn nhân khác cũng mang họ Võ, nhà văn Võ Kỳ Điền thì bị hứng ám khí nhiều hơn, bọn ác khẩu đã thêu dệt những chuyện thần sầu quỉ khóc nhằm phá hại hạnh phúc một ông nhà văn Nam bộ lù khù mà trời hổng độ. Chuyện này nằm ở một chương hồi khác trong toàn bộ chuyện dài nhân dân chẳng tự vệ, chưa quỡn để thuật lại. Ở Việt Nam người ta bảo: Chúng ăn không từ một thứ gì. Ở ngoài biển người ta rỉ tai: Chúng phá không chừa một ai. Chúng học cách hành xử ác ôn của Vi-xi chăng?).
Trở lại chuyện mùa hạ không hoa phượng chẳng ve kêu, trước đó hơn tuần, tôi nhận lá thư đề ngày 12 gửi đi từ Maryland: “… Đinh Cường cho hay là em khéo tay việc cắt chữ dán vào bích chương, biểu ngữ. Chịu khó giúp anh hỉ? Nội dung là 35 năm cầm bút của Võ Đình…” Đi làm về, tôi tạt qua tiệm bán vải to khủng của Ấn Độ mua 10 thước vải khổ 1m2 để làm băng-rôn căng trước hội trường. Cái ông quấn khăn nặng đầu, râu quai nón rậm rạp vễnh ra trước thách đố bụi trần, bôi vệt vôi trắng trên trán da ngăm đen vừa thắp xong ba cây nhang mùi nồng cay hơn cà ri nị, với tay lấy cây thước gỗ. Tên ông ta nếu đổi sang tiếng Việt chắc có nghĩa là Bảnh. Cuộn vải to đùng đặt trên bàn rộng được kéo thẳng ra, mỗi thước của ông tự động lố thêm cả gang tay cho nên tuy là mười thước nhưng mang về nhà, trải ra, nó dài miên man, dài quá cỡ thợ mộc. Ai cũng ngon cơm hào sảng như Mr. Bảnh thì chắc thành phố này suốt đời hổng có động đất đâu nhỉ? Bảnh quá thì tự khắc bọn khủng bố cũng đâm ái ngại, nhỉ? Tôi chọn vải coton màu nâu, nhạt chút đỉnh so với màu áo nâu sòng mà những vị xuất gia ưa quấn quanh thân. Màu có hơi tối nhưng tôi nghĩ là nó hợp cho chủ đề “Đêm Trầm Hương” mà anh Võ Đình đã thuận lòng với ban tổ chức lựa đặt. Ba chữ sớm mang thứ điềm gỡ ấy tôi cắt giấy màu xanh da trời, những chữ khác kích cỡ nhỏ thua thì dùng màu vàng chanh ngó bắt mắt chút đỉnh. Cắt rồi xịt keo dán, loay hoay gần cả ngày trời mới hoàn tất, xoa tay khi làm tròn sự uỷ thác. Thiên lôi sai đâu đánh đó dù thiên lôi không mường tượng ra được “cái đêm hôm ấy là đêm gì”? Trầm Hương, nghe nó làm sao ấy. Mọi người có ai thở than? Riêng anh buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya!
Hồi tưởng lại, khởi từ 1974 tại Huế nhiều thương tích cho đến 1992 lưu vong lắm tật nguyền, như vậy Võ Đình và tôi chỉ gặp mặt nhau đúng 5 lần. Sự bất quá ngũ rồi thì anh lặng lẽ phủi chân đi ngủ một giấc dài, thôi hay biết “đêm qua, sân trước, một cành mai”. Nếu hoa mai không nở có nghĩa là Võ Đình Mai đã qua bên kia núi. Đột ngột và địa hình cách trở nên tôi không thể thu xếp bao chướng ngại lôi thôi để đứng bên Nguyễn Thị Hoàng Bắc mau nước mắt mà oà khóc theo nàng một trận đã đời cho ướt dầm trời Florida hiu hắt mông quạnh.
Từ nay tôi hết nhận những bức thư anh chia sẻ đủ thứ chuyện trên cõi đời ô trọc này. Vì xem tôi như một đứa em út nên anh không ngại tâm sự đôi điều riêng tư. Tặng tranh khổ nhỏ, cho xem ảnh chụp, tặng sách bao gồm cuốn “Trường Ca Lời Mẹ Ru” của Trương Anh Thuỵ, bản tiếng Anh của Nguyễn Ngọc Bích với các minh hoạ màu nước tuyệt đẹp của Võ Đình Mai.
Võ Đình Mai là tên thật, anh giản lược, đánh rơi chữ cuối, còn lại hai chữ Võ Đình dùng làm bút hiệu. Đến một chặng đời nào, bất ngờ ẩn hiện sau khúc quành, Võ Đình nhìn thấy lại Mai. Một nửa như tên mình nó vốn thế, nửa khác là tên một người nữ. Nhân vật này đã hoá thân thành một đám mây nằm loã lồ trong truyện ngắn “Người Chạy Bộ” của anh, theo tôi nghĩ, có nghĩa là nếu hư cấu thì anh phải nương vào Bạch Mai có thật ngoài đời để dùng làm lực đẩy ban đầu, vẽ rắn mà không thêm chân:
“Đang chạy, tôi dừng lại, đứng chết sững. Trên không, một đám mây lớn, nằm dài. Đám mây có hình dáng một người. Một người đàn bà. Trần truồng… Mái tóc che lấp cả khuôn mặt. Nhưng thân hình lồ lộ… Đôi vai tròn, bộ ngực đầy, bờ hông cao rồi sóng soải chạy theo vòng đùi mướt và bắp chân dài. Nàng nằm một bên, hướng mặt về phía trước, nên thấy rõ đôi vú lớn, chiếc lỗ rốn sâu, và hình tam giác giữa hai đùi.” (ngưng trích).
Bạn đọc có để ý tới thủ pháp rất cao của nhà văn hoạ sĩ? Một đoạn văn ngắn, Võ Đình đã ngắt, cắt bằng những dấu chấm, xong tới phết đầy dụng ý. Một người đang chạy bỗng dừng đứng lại, nhịp đập con tim khi ấy khác với bình thường. Thứ đến, cái sửng sờ khi phát hiện mây trên bầu trời in dáng một người đàn bà nằm, sống động, chi ly những đường nét, hẳn khi đó người nhìn ngắm phải hoang mang, trí óc làm việc không thể mạch lạc. Thủ pháp của Võ Đình đã tinh tế, chụp bắt lấy bằng cố tình ngắt rời châm phết. Viết cho liền lạc không khó, nghệ thuật nằm ở sự bằm vụn kia. Bạn có thấy vậy không? Phương chi mây trời vốn tượng trưng cho thứ gì rời rạc, dễ tan biến, vụn vằn rồi sạch trơn, không tì vết.
Tôi từng gặp gỡ và chào, và cười, và trao đổi dăm câu với chị Bạch Mai. Tôi cũng từng học Mỹ Thuật nên khi nheo mắt, tôi nhìn ra “đám mây" quen thuộc ấy, những đường nét tổng thể thôi chứ không có được sự sắc sảo như người trong cuộc nhìn ra “vân cẩu”, sa đà những là “ đám mây nhỏ, phía dưới bụng, thật đến nỗi thấy rõ hình tam giác đen giữa hai đùi khép kín. Ở giữa, đen thật là đen, chung quanh nhạt hơn. Loăn quăn, lơ thơ. Tôi thấy hai bầu vú lớn, căng tròn, nặng nề, phảng phất vài đường gân xanh. Tôi thấy cả hai núm vú, hồng tươi… Tôi biết rằng đó không phải là một ảo giác. Tôi chỉ không biết một đám mây chiều, gió ôm ấp, gió vuốt ve làm sao mà có thể trở thành một hình dáng hiện thực đến thế. Và tôi khoái cảm cực độ. Tôi rung động từ đầu đến chân.” (ngưng trích).
Tâm lý chung, đặc biệt của quý vị phụ nữ, vẫn ngầm lên án cách suy nghĩ hoặc đôi khi thể hiện ra bằng lời ăn tiếng nói, dẫn tới hành vi “cực đoan” bị các bà nghiêm khắc phê bình là thiếu đạo đức. (Thứ giây mơ rễ má mà giới văn nghệ sĩ luôn mắc phải lỗi lầm? Không la cà tới nó thì còn gì là chức phận của kẻ vác thập tự trầy trụa lưng còng, đánh đổi được sự hàm oan thua thiệt nhằm ca tụng muôn năm vẻ đẹp trường cửu?) Có tật có tài. Hoặc, chữ tài liền với chữ tai một vần. Tai ương hay tai tiếng, thị phi? Phạm Duy là một “phù thuỷ âm nhạc”, người nghe giảm thiểu sự mến chuộng đôi phần khi hay biết ngoài đời ông còn là “phù thuỷ” trong lãnh vực xếch, xiếc. Không lắng lòng nghe những cung bậc du dương rù quến mà lạc hồn tới lãnh vực đời tư của người ta là thế nào? Thơ Tô Thuỳ Yên toàn bộ thảy hay tuyệt nhưng số đông các bà tạm quên tài vọc chữ của thi nhân mà chỉ nhớ một ông Đinh Thành Tiên lỡ không vuông tròn chức năng làm chồng làm cha. Như vậy thì có hồ đồ làm rách chuyện không? Võ Đình cũng thế, tôi thấy có lắm kẻ không thích anh về thứ “chuyện tình lẩm cẩm”, chưa kể ở anh còn lộ ra “bộ phong tróc ảnh”, vẻ cao ngạo kiểu ở đời này ta khó tìm thấy tri kỷ, chẳng có ai hiểu được ta. Điểm này gần trùng với nhà văn Mai Thảo (và hai tiền bối này không mấy ưa nhau). Đơn cử một ví dụ về tính khí của nhị vị:
Võ Đình: Một bà mang tập truyện chạy tới: Tôi vừa mua trong phòng, dáo dác nhìn mà không thấy nhà văn, té ra anh đứng ngoài này, xin anh ký tên vào sách ạ. Vừa ký vào trang sách anh vừa nói với tôi: 12 Mỹ kim tương đương với 15 Gia kim, nhưng riêng chữ ký này có khi nhiều hơn 3 vạn!
Mai Thảo: Một ông cầm ly rượu lại gần, điệu bộ khiêm cung xin được cụng ly cùng anh. Mai Thảo dùng bàn tay trái bao che tay phải đang nắm ly rượu, chả thèm nhìn xem mặt ấy lạ, quen: Cụng cái đếch gì, nhà quê bỏ mẹ!
Cách xử sự “khó chịu” ấy, hoặc nói theo từ mới ở trong nước là “phản cảm”, theo tôi, bạn chớ có để tâm. Nên hiểu để thông cảm về cái trực tính của họ. Nếu không là văn nghệ sĩ từng trải qua bao thăng trầm, đón nhận những giông bão, hẳn họ đã “dễ thương” đôi chút. Mà nghĩ cho cùng tôi thấy chữ đếch của Mai Thảo rất đáng yêu. Riêng anh Võ Đình, tôi chẳng dám đơm đặc một ý kiến nào cả. Tôi nhớ câu nổi tiếng, lưu truyền tới mấy trăm năm, của Honoré de Balzac: “L’amour est comme le vent, nous ne savons pas d’où il vient”. Tình yêu như cơn gió, chúng ta không biết nó đến từ đâu. Tôi nghe gió thổi, vẳng theo ca từ xa vắng không nên xếp nó vào dòng nhạc sến: “Mai, anh đã quen em một ngày, anh đã yêu em một ngày, một tình yêu quá không may!… Mai, anh đã yêu em thật rồi, anh đã yêu em thật nhiều, một tình yêu quá cô liêu…”
Chị Bạch Mai thấp thua tôi chút đỉnh, nhưng nếu mang cân ra đo trọng lượng thì tôi tủi hổ xem chừng mình “nhẹ tợ lông hồng” chẳng phân bì được với thứ khuôn trăng đầy đặn kia, cũng nhại theo Kiều: dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên. Lần gặp gỡ đầu tiên vào năm 1989 ấy chúng tôi không nói năng chi vì chị tên Mai mãi bận rộn với anh tên Mai. Song Mai Hợp Kiếm chỉ chí thú đùa nghịch cùng nhau trên sân cỏ trước nhà anh Đinh Cường xanh um bóng cây vùng Annadale trầm lặng, để mặc cho tôi “không biết thì dựa cột mà” đốt thuốc ngắm khói huyền bay lên cây. Cây lá vùng này đan xoắn lấy nhau, phồn thịnh dâm mát hơn vùng đất tôi sống. Tôi thích Willa Cather ở câu: “I like trees because they seem more resigned to the way they have to live than other things do”. Tôi mến chuộng cây cối bởi vì trông chúng có vẻ an phận với đời hơn hết thảy những loài khác. Đứng ở phương này mà nhớ khung trời Đại Nội cũ, một địa phận giam giữ biết bao loài cây lưu niên, rõ là chúng an phận khi chứng kiến lắm triều đại suy vong. Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay. Đại Nội Huế là nơi tôi sống với anh Đinh Cường, gặp anh Võ Đình lần đầu vào những tháng ngày êm đẹp, đã mất tăm, luôn không an phận, cứ loay hoay một nỗi nhớ. Nhớ cả điệu hò (thần sầu) xứ Huế:
Anh xa em, em cảm thấy sầu tư
Bưng chén cơm ăn, đôi đũa rớt răng chừ chẳng hay!
Rồi tôi xa Virginia, rời vùng chan ngập bóng mát để về lại thành phố từng bị “động đất”. Và một hôm tối lửa tắt đèn nào, tôi có thêm một chị người Huế. Chị cũng đặc biệt thích cây cỏ hoa trái, ưa chăm sóc vườn tược, gầy giống những loài rau rác mà bên nhà chúng thường hiện diện trong mâm cơm đạm bạc. Hầu như có đủ mọi “đặc sản”, thư chị viết: “Về đây chơi, tui cho ăn đủ thứ…” Lại nhớ ca dao phương ngữ chốn xưa:
Cam đời mô mà cam không ngọt
Ớt đời mô mà ớt chẳng cay
Sao anh nghe lời phờ phỉnh lá lay
Bỏ em bơ ngơ báo ngáo giữa chốn này anh ơi.
Hoặc (quỉ khóc):
Xin đừng tham gió bỏ mây
Tham vườn táo rụng bỏ cây nhãn lồng
Nhãn lồng trong bọc ngoài bao
Con ong châm còn được huống chi quả hồng đào chín cây.
Chị Trần Thị Lai Hồng trước ngụ ở thành phố ướt át quanh năm cũng lắm cây xanh Seattle, một vài người quen cho tôi hay là căn nhà của chị thuộc loại bề thế “đẹp ngất ngây”. Và rồi một hôm trận gió nào đã phờ phỉnh lá lay thổi qua khiến chị buông bỏ quyết thõng tay vào chợ. Thõng tay là chữ hàm súc mang nhiều nghĩa trong đó còn chứa lấy một hành động mở rộng ra, khoan thứ và bao che cho duy chỉ một người: Võ Đình. Tôi liên tưởng, với chút méo mó đầy sai lạc, Võ Đình là Modigliani và chị Lai Hồng là Jeanne Hébuterne. Không có Jeanne e cái kết của chàng nghệ sĩ danh hoạ Modi ắt sẽ đớn đau hơn? Hoạ sĩ Võ Đình như một con tàu có lúc mất định hướng để sau rốt tìm được và đứng khựng lại ở một sân ga tuyệt đối an toàn, vĩnh cửu bình yên.
Yêu nhau đứng ngái cũng mê
Không yêu ăn cận ngồi kề cũng không
Ra về ngó vói chơi vơi
Lòng thương cảm bốn phương trời đều hay.
Tôi hay tin anh chị quyết định chọn vùng nắng ấm khuất nẻo của bang Florida để ra sức xây nên túp lều tranh yên hàn vô sự nhằm vỗ về nhau sau “những bực mình tức không thể nói” (Đỗ Kh.). Tôi mừng cho anh, nỗi vui chẳng thể tìm lời sớt chia.
Em với anh vô can vô cớ
Buộc lấy chữ tình thương nhớ khôn khuây
Đoái nhìn bạn cũ niềm tây
Mưa lâm thâm ướt vạt áo này không khô.
Lâm thâm là mưa nhỏ mà áo còn chưa kịp khô, huống chi mưa lớn, dầm dề, trút xuống một thuỷ lượng nặng nề. Đó là ngày anh Võ Đình thực sự xuôi tay. Tôi chưa từng gặp mặt chị Trần Thị Lai Hồng, không mường tượng ra được, chỉ đọc ở đâu đó lời của nhà văn Tuý Hồng: “Là người chống Cộng dễ nể”. Cũng chưa rõ nét dù ngầm mang cảm tình với chị, đặc biệt chị còn có hoa tay vẽ nét bay bướm nhuyễn nhừ lên những tà áo dài, từng có lần triển lãm và đón nhận tiếng thơm. Vẫn chưa đủ đầy một phác thảo chân dung. Cho đến khi anh Võ Đình mất đúng 49 ngày, chị có gọi điện thoại viễn liên, tôi mới nghe ra giọng nói của chị. Và tôi sửng sốt với lời tâm sự, có chút lạ thường vướng mắc trong lối thuật chuyện thật tỉnh táo của chị: “Mỗi ngày tui đều ngồi tỉ tê cho anh Võ Đình nghe bao sự việc xảy ra trong hai mươi bốn giờ. Cây lá vườn mình đơm bông kết trái thế nào tui liền thông báo cho anh. Xem tạp chí thấy có bài thơ hoặc đoản văn nào hay tui đều đọc lên cho anh nghe. Nhiều khi tui thiếp ngủ nằm ngay dưới bàn thờ, bóng hình anh đầy chật trong căn nhà cô quạnh, đi mô cũng thấy, kể cả trong giấc mơ trì nặng cũng gặp anh”.
Tôi hình dung ra một căn nhà lạnh ngắt chôn thân giữa vườn cây, nằm ở nơi chốn vắng tẻ, không hàng xóm, chẳng láng giềng, xa phố thị. Nhiệt náo do nhân quần ngoài kia luôn khởi động không hề vẳng tới một âm hao. Nói chung là tuyệt đối cách biệt, trong thẳm sâu kia có người đàn bà ngồi giữa bóng mờ nói chuyện với một nửa của mình đã khiếm diện. Hàn huyên cùng tấm ảnh lộng kiếng và khói trên đầu ba cây nhang mãi chờn vờn, trì trệ, không hề loãng tan. Thú thật tôi là đứa yếu bóng vía, tôi yêu hình ảnh có trong câu ca dao: “Anh buồn còn chỗ thở than, em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya”. Nhưng giờ đây, rõ là trường hợp mà chị Lai Hồng đang cầm cự, đang chống chọi chẳng thể khớp vào hai câu buồn lặng kia.
Can trường bội phần và yêu chàng không đổi.
Từ đó đến nay tôi không còn nghe thêm, từ phía chị Lai Hồng vọng lại một nguồn tin sinh hoạt nào cả. Chúng tôi đã già nua, đã sẵn lòng đón lấy bệnh tình đường đột đến thăm. Tôi tự ví mình như thân cây sứ từng âm thầm nở hoa, và tôi yêu cây, cái cách thế nó hiện diện có vẻ an phận với cuộc đời này. Những lời trên, tôi thuật lại một tì vết kỷ niệm chẳng mấy vui, khi còn nhớ, trước lúc lãng quên. Nếu có gì không phải, xin mọi người thân rộng lòng thứ tha. Tôi nhìn ra, con đường vừa tan chảy hết tuyết, nhảy múa mông lung hai câu trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều mà anh Võ Đình, có vẻ tâm đắc, dùng in ở ngoài bìa cuốn “Mây Chó” của anh:
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.
Hồ Đình Nghiêm
nhà văn Hồ Đình Nghiêm và nhà văn họa sĩ Võ Đình, 1992 - Montreal, Canada
http://www.gio-o..com/HoDinhNghiem.html
© gio-o..com 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét