Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

" mùi cộng sản "/ Sức Mấy -- source : http://www.talawas.org/talaD

 

Điểm nóngChính trị Việt Nam
28.5.2007
Sức Mấy
Mùi cộng sản
 
Nguyễn Ngọc Lan qua đời tại Sài Gòn lúc 6 giờ 15 ngày 26/2/2007. Khi còn sống, Nguyễn Ngọc Lan mang khá nhiều danh hiệu: linh mục, giáo sư, nhà văn, nhà báo, nhà đối lập, nhà tranh đấu. Ngoài ra, phía cộng sản còn gọi ông là nhà “xung kích”. Vì ông có quá nhiều danh hiệu, sợ lầm lẫn trong khi sử dụng, nên trong bài này, Sức Mấy chỉ gọi ông bằng tên không.

Vào đầu thập niên 70, qua báo Đối diện của linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan chống Mỹ và chống Thiệu rất hung hãn, đồng thời công khai đề cao cộng sản. Chẳng hiểu cảnh sát của ông Thiệu bấy giờ có biết Nguyễn Ngọc Lan vẫn thì thụt vào bưng gặp cộng sản không? Nếu không biết thì thật đáng trách, vì thời đó, chính quyền ông Thiệu đã làm luật hạn chế tự do báo chí, với lý do đề phòng cộng sản xâm nhập làng báo. Riêng Sức Mấy không hề biết những liên hệ bí mật của ông với cộng sản. Chỉ biết những hoạt động chống đối ngoài mặt, và lập trường thân cộng qua những bài báo của ông.

Làm báo ở Sài Gòn khoảng 40 năm trước, đôi khi rơi vào tình trạng rất khó xử. Những bài báo nặng tình người, yêu đất nước, với những lý luận sắc bén chống Mỹ chửi Thiệu của Nguyễn Ngọc Lan, đọc rất “đã”, nhưng không thể nuốt trôi những ý ngầm đề cao cộng sản rải rác khắp nơi. Tuy vậy, nếu chỉ trích Nguyễn Ngọc Lan, lại có thể bị coi là bồi Mỹ, hay gia nô của Thiệu. Nhưng đến khi Nguyễn Ngọc Lan và Phan Khắc Từ dùng cả nhà thờ Vườn Xoài để hội họp, hoan hô đả đảo ngay trước cung thánh, và đồng hoá việc làm của mình với việc làm của Chúa, gọi việc mình bị kiện ra toà là “Chúa sắp vác chiếu ra toà”, thì chẳng đặng đừng, cũng phải lên tiếng. Chuyện cũ, Sức Mấy đã quên hẳn. Cho đến khi Nguyễn Ngọc Lan gần và sau khi qua đời, nhờ tác giả Nguyễn Văn Lục viết trên Đàn Chim Việt, mới có dịp nhớ lại. Nguyễn Ngọc Lan đã gọi Sức Mấy là kẻ lỡ tàu.

“Chỉ có ông Sức Mấy nào đó trong Chính Luận đã ra công chỉ trích vài chi tiết bên lề mà còn làm một cách không mấy nghiêm chỉnh, như sau đó LM Trương Bá Cần đã từng có dịp chứng minh cẩn thận. Vả lại với thời gian, hẳn chính ông Sức Mấy cũng thừa liêm sỉ để thấy mình lỡ tàu như thế nào và đã làm thinh. Nhưng khi ông Sức Mấy này lỡ tàu, thì một cách bất ngờ, ông bỗng nhiên lại trở thành vị lãnh đạo anh minh cho cả một thứ phong trào báo chí Công giáo thi nhau chạy theo đả kích tám LM vô phúc.” (Nguyễn Văn Lục – bài đã dẫn - Trích trong Cho cây rừng còn xanh lá của Nguyễn Ngọc Lan, trang 40, nxb Đại Nam).

Nhưng lỡ tàu đi đâu?

Nếu là con tàu cộng sản tiến lên xã hội chủ nghĩa, quả thật Sức Mấy đã lỡ tàu. Nguyễn Ngọc Lan kịp tàu. Trong bài điếu Nguyễn Ngọc Lan đăng trên báo Thanh Niên ngày 26-2, Trần Bạch Đằng nhắc lại chuyện cũ:

“Trong đợt 1 Tết Mậu Thân 1968, tại Sở Chỉ huy của Bộ Tư lệnh Tiền Phương Nam, nhân tiếp một số trí thức, trong đó có anh. Súng còn nổ, chiến tranh đang vào thời điểm ác liệt, anh vẫn đến Sở Chỉ huy của chúng tôi, hoá trang như dân thường để lọt qua vòng kiểm soát của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Tại cuộc gặp mặt đó, chúng tôi trao đổi các mặt của cuộc chiến tranh cách mạng và tôi tìm thấy ở anh một thái độ chân thành, cởi mở đối với cuộc kháng chiến do Mặt trận Dân tộc Giải phóng lãnh đạo”. [1]

(Trong điếu văn mà Trần Bạch Đằng vẫn không thành thật với Nguyễn Ngọc Lan: Cuộc chiến Mậu Thân 1968 đâu phải là “cuộc kháng chiến”, cũng chẳng “do Mặt trận Dân tộc Giải phóng lãnh đạo”).

Trần Bạch Đằng cho biết tiếp: “Từ năm 1968 cho đến 30.4.1975, Nguyễn Ngọc Lan trước sau vẫn có mặt trong đội ngũ xung kích của những người yêu nước tại thành phố”.

Không lỡ tàu, nhưng khi con tàu tới bến vào năm 1975, mặc dù đã dùng cả chữ nghĩa Thánh Kinh để tung hô “Tin mừng ngày giải phóng”, Nguyễn Ngọc Lan vẫn bị đạp khỏi tàu. Trần Bạch Ðằng đã chỉ coi Nguyễn Ngọc Lan có mặt trong đội xung kích từ 68 đến 75. Kịp tàu mà bị đạp khỏi tàu, còn tệ hơn lỡ tàu.

Cũng phải thẳng thắn nói rằng, Nguyễn Ngọc Lan bị đạp khỏi tàu, vì ông là người có liêm sỉ, biết mình lên lầm tàu, nhưng không chịu làm tôi mọi cho chủ tàu. Dưới thời Việt Nam Cộng hoà, được hưởng chút tự do, ông chống Mỹ, chống Thiệu tới nơi tới chốn. Sống với cộng sản, không có tự do, ông chống ít hơn. Đó là lẽ tuỳ thời. Chẳng nên trách ông bên trọng bên khinh. Có những kẻ cũng lên lầm tàu như ông, rồi cúi mặt làm tôi đòi để kiếm ăn, lũ đó mới đáng khinh.

Lúc đầu, Nguyễn Ngọc Lan cũng được cộng sản cất nhắc: Tháng 9 năm 1975, ông được cho tham dự một phái đoàn 25 người từ miền Nam ra Hà Nội, tham quan Hội nghị Hiệp thương Thống nhất. Khi về, thay vì nhắm mắt ca tụng thiên đàng xã hội chủ nghĩa miền Bắc, ông viết bài “Hà Nội tôi như thế đó”. Có đỉnh cao trí tuệ đánh một dấu huyền vào chữ “tôi”, rồi kết tội ông đã chửi xỏ chế độ. Thế là tin mừng ngày giải phóng biến thành tin buồn. Rồi chuyện nọ kéo tới chuyện kia. Tờ báo Đối diện là cái loa cho ông chống đối thời quốc gia, được đổi thành Đứng dậy thời cộng sản, cuối cùng cũng chết đứng.

Dầu sao, trước khi bị thất sủng, Nguyễn Ngọc Lan cũng đã gây được nhiều cảm tình đối với đám lãnh đạo cộng sản. Họ để ý săn sóc ông khi còn dùng được ông. Trong điếu văn ngày ông chết, Trần Bạch Đằng cho biết: “Anh đặt vấn đề ‘ông Thiệu phản đối khẩu hiệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng chống Mỹ cứu nước thì tôi hiến cho ông ấy một khẩu hiệu khác phù hợp hơn: chống nước cứu Mỹ’. Sau này, tôi thỉnh thoảng viết về phong trào Sài Gòn, tôi nhắc lời ấy của anh với tất cả khâm phục. Tôi nhớ, ở chiến khu, Bí thư T.Ư Cục - anh Phạm Hùng có lần bảo tôi chú ý bảo vệ Nguyễn Ngọc Lan, nghe đâu ông đi lại bằng một chiếc xe gắn máy cũ kỹ, rất dễ bị ám hại”.

Các nhà lãnh đạo cộng sản e ngại cho tính mạng của Nguyễn Ngọc Lan. Họ sợ rằng vì ông chống chính quyền Sài Gòn, mà chỉ di chuyển bằng một xe máy cũ kỹ, ông có thể bị thanh toán dễ dàng, như trong một vụ đụng xe xếp đặt. Nhưng Đảng đã quá lo xa. Trước khi Sài Gòn bị đổi tên, Nguyễn Ngọc Lan không hề bị đụng xe. Cũng chẳng hề bị bắt hay bị quản thúc tại gia. Chỉ mới bị kiện, ông đã hô hoán lên “Chúa sắp vác chiếu ra toà”! Nhưng khi cộng sản thấy ông đã thuộc loại hết xài, họ biết ngay sẽ phải “săn sóc” ông như thế nào. Ông bị quản chế tại gia năm 1990. Cứ chịu ở yên trong nhà, chắc ông đã không bị đụng xe. Nhưng ông lại đi ra ngoài, nhất là đi đưa đám một người chống chế độ, nên suýt chết vào năm 1998. Bản tin của hãng AFP về vụ này, đã được đài phát thanh Veritas Asia loan đi từ Phi Luật Tân, vào ngày 7 tháng 5 – 1998, nguyên văn như sau:

Linh mục Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan bị mưu sát?

(AFP 7/5/'98) - Việt Nam (Hà Nội) - Hãng thông tấn AFP trong bản tin gửi đi từ Hà Nội vào thứ Năm 7/05/98 cho biết, Linh mục Chân Tín và người bạn là Nguyễn Ngọc Lan đã bị thương trong một tai nạn giao thông, trên đường đi dự đám tang của ông Nguyễn Văn Trấn, một cán bộ lão thành của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Cha Chân Tín bị thương ở chân và tay trong khi ông Nguyễn Ngọc Lan bị nứt sọ.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AFP, cha Chân Tín kể lại rằng xe gắn máy của cha đang chạy thì có một chiếc Honda khác chạy tới và kẻ lạ mặt trên xe đã đạp vào tay cầm xe của cha gây nên tai nạn. Cha Chân Tín nói như sau: “Ðây là một vụ mưu sát hay là cảnh cáo thì chưa rõ, nhưng xem ra thì có người không muốn chúng tôi đến dự đám tang của anh Bảy Trấn".

Ông Nguyễn Văn Trấn là một cán bộ kỳ cựu của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ông qua đời hôm thứ Sáu 1/05/98 hưởng thọ 84 tuổi. Ông cũng là tác giả của cuốn sách mang tựa đề Viết cho mẹ và Quốc hội trong đó ông kêu gọi nên có những cải cách dân chủ tại Việt Nam. Vì cuốn sách này, ông xém bị trục xuất khỏi Ðảng Cộng sản. Cũng trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AFP cha Chân Tín cho biết ông Bảy Trấn là một người bạn rất thân của cha vì hai người có những quan điểm giống nhau, cả hai đều tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ, một điều mà Ðảng Cộng sản Việt Nam không ưa thích gì cho lắm. Cha Chân Tín đã từng bị giam tại gia từ năm 1990-1993 vì đã lên tiếng kêu gọi Ðảng Cộng sản Việt Nam thống hối vì những thành tích vi phạm nhân quyền. Cha cũng nhấn mạnh rằng cho đến giờ, nhà cầm quyền vẫn duy trì áp lực đối với cha và các hoạt động của cha đều bị giới hạn.

Nguyễn Ngọc Lan chẳng những không lỡ tàu, bản tin trên cho thấy, hình như Đảng còn xếp đặt chu đáo cho ông đi chuyến tàu suốt. Vậy mà ngày ông chết, Trần Bạch Đằng vẫn cố chứng tỏ ông từng là người có công với Đảng. Cùng với điếu văn, Trần Bạch Đằng đã cho đăng lại một bài báo của Nguyễn Ngọc Lan trên tờ Tin sáng từ ngày 27-8-1971. Trong bài “Chống Mỹ cứu nước ‘như’ người Việt cộng sản?”, Nguyễn Ngọc Lan đã công kích những ai thường chỉ trích luận điệu hay việc làm của người này người kia là “sặc mùi cộng sản”. Công kích những người chống cộng, rồi đề cao cộng sản một cách rất khéo. Ông viết:

“Nói chuyện ‘sặc mùi cộng sản’ thì nhiều lắm, kể sao cho xiết. Anh này sặc mùi cộng sản. Cuốn sách kia sặc mùi cộng sản. Tờ báo nọ sặc mùi cộng sản. Cuộc hội họp này nữa, vụ tranh đấu kia nữa đều sặc mùi cộng sản.

Nhưng trong quảng đại quần chúng đố ai mà biết được cái mùi cộng sản nó như thế nào. Quảng đại quần chúng vốn không phải là một bầy chó săn của đế quốc Mỹ. Phúc đức cha ông còn để lại cho dân mình là ở đó.

Rất khó mà biết cái mùi cộng sản nó như thế nào. Nhưng quảng đại quần chúng thì biết khá chắc chắn cái gì thường không bị mang tiếng là sặc mùi cộng sản. Thuốc phiện chẳng hạn, không hề có mùi cộng sản. (...) Buôn lậu không sặc mùi cộng sản. Hối lộ, tham nhũng không sặc mùi cộng sản”.

Năm 1971, Nguyễn Ngọc Lan chưa biết mùi cộng sản, đã say mê cộng sản như người tình mới gặp, tưởng cộng sản đẹp như thiên thần, không nghiện ngập, không buôn lậu, không tham nhũng. Nhưng chẳng cần phải là chó săn của đế quốc Mỹ mới có thể đánh hơi được mùi cộng sản. Chỉ sau một thời gian ngắn sống với cộng sản, ông đã vỡ mộng. Ông không còn báo để chửi chế độ, như ông đã làm trước năm 75. Chỉ còn cách chửi cho mình nghe, bằng lối viết nhật ký. Nhưng cũng phải khéo léo, nói xa xôi. Ông phải mượn miệng người Thượng để mô tả nếp sống mới của người Kinh, dưới chế độ mới xã hội chủ nghĩa: “Người Thượng trên đó bây giờ bảo nhau: Người Kinh bây giờ giống như người Thượng mình rồi, sáng sớm cũng kéo nhau đi làm rẫy. Còn người Thượng mình vẫn giống như… khỉ.”

Chứng kiến người cộng sản hối lộ, tham nhũng, nhưng gọi là “quà biếu trên mức tình cảm”, Nguyễn Ngọc Lan đã nói thẳng... trong nhật ký: “Tại sao người ta phải né tránh, không dám gọi đích danh sự việc, chẳng hạn: kẻ nhận và đưa hối lộ”. Cuối cùng, Nguyễn Ngọc Lan cũng đã có đủ can đảm, vượt ra ngoài giới hạn những trang nhật ký kín đáo của mình, nói toạc cho mọi người nghe, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh hải ngoại, về lối sống của người dân trong nước: “Không sống lương thiện theo kiểu tư sản thì sống theo lối cộng sản thì tham nhũng hối lộ. Thì triệu phú, tỉ phú”.

Được nghe kể về buổi nói chuyện sôi nổi của Dương Thu Hương năm 1990, Nguyễn Ngọc Lan tiếc rẻ: “Tôi mà có mặt hôm đó e rằng khó tránh được lên tiếng hỏi Dương Thu Hương: ‘Những kẻ mù lôi thiên hạ về hướng thiên đường mù đã đành rồi, nhưng chị nghĩ sao về những gã chưa đến nỗi mù mà vẫn nhắm mắt đi theo đỡ gậy cho những kẻ mù?’” Nếu Sức Mấy là Dương Thu Hương, thì đã trả lời rằng “Anh cũng là người chưa đến nỗi mù mà đã từng nhắm mắt đi theo đỡ gậy cho những kẻ mù. Anh biết quá rồi, còn hỏi làm gì nữa?”

Sau khi ca tụng cộng sản không thuốc phiện, không buôn lậu, không tham nhũng, Nguyễn Ngọc Lan viết: “Đừng ai bảo tôi là từ lâu rồi những bài báo tôi viết như ngay cả bài báo hôm nay đây ‘đều được đài phát thanh Hà Nội và Mặt trận khai thác’. Chỉ có một điều đáng tôi quan tâm là đã viết hay chưa một dòng chữ nào khiến phải thẹn với tiền nhân mà ruột gan đã gắn liền vào đất nước này và để rồi một tháng sau, một năm sau, mười năm sau không còn dám đọc lại trước mặt anh em, bạn bè, đồng bào của mình”.

Không phải một tháng sau, một năm sau, hay mười năm sau; ba mươi lăm năm sau, ông chết rồi, cộng sản vẫn còn đem bài ông viết ra khai thác. Nhưng Trần Bạch Đằng đã khai thác bài của ông với mục đích gì khi ông vừa nằm xuống? Đem xác chết của ông để trang trí cho chế độ? Muốn giết ông lần thứ nhì, bằng cách dùng văn ông để chứng minh ông chỉ là một trí thức ngây thơ? Nếu khi còn sống, ông “không dám đọc lại trước mặt anh em, bạn bè, đồng bào của mình” những dòng chữ “khiến phải thẹn với tiền nhân”, thì khi ông chết, Trần Bạch Đằng đem bài của ông ra cho cả nước đọc, để mọi người thấy “Nguyễn Ngọc Lan như thế đó”. Hay Trần Bạch Đằng muốn mượn lời Nguyễn Ngọc Lan để chửi xéo chế độ? Đem những lời lẽ mạnh như khẩu hiệu: “Buôn lậu không sặc mùi cộng sản. Hối lộ, tham nhũng không sặc mùi cộng sản”, đặt giữa một chế độ mà ai cũng biết: nếu không tham nhũng hối lộ, không phải là cộng sản, thật là một bức tranh tương phản ngoạn mục. Hay Trần Bạch lẩm cẩm, tưởng dùng ông lần chót để làm đẹp chế độ, ai ngờ làm trò cười cho thiên hạ.

Sau khi đọc bài “Miền đất lạnh” của Nguyễn Văn Lục viết về Nguyễn Ngọc Lan trên Đàn Chim Việt (24-2-07), có độc giả Nguyễn K. (USA) góp ý như sau:

“Chúc ông linh mục Nguyễn Ngọc Lan sớm về nước Chúa và nên ở đó mãi mãi với Chúa. Mong ông đừng bao giờ trở về làm con người nữa.

Mặc dù dạo sau này ông đã thức tỉnh nhưng thử hỏi trong suốt thời kỳ chiến tranh ông đã gián tiếp trách nhiệm bao nhiêu thân xác của Quân lực Việt Nam Cộng hoà đã gục xuống ở chiến trường để bảo vệ cho ông được quyền đâm sau lưng chiến sĩ?

Ông ta không phải chỉ làm hại thân ông nhưng ông đã làm hại đến xương máu của biết bao nhiều người khác trên chiến trường. Ông ta có bao giờ biết chuyện đó không?

Tôi không ghét những người bên kia chiến tuyến vì ít nhất họ là địch và họ có đủ mọi quyền là kẻ địch. Đặc biệt tôi tôn trọng tất cả địch thù nào đã từng có đủ can đảm đối diện trên chiến trường. Tôi xin thành thật cúi đầu trước những vong linh của những người đã nằm xuống trên chiến trường bất luận bên nào.

Tôi lại càng kính phục hơn những người cộng sản hay bất cứ một người nào trước đây ở miền Bắc đã thấy được sự sai lầm của cộng sản và phản tỉnh. Đối với tôi, đó là những người có trí tuệ cao, ‘rất cao’!

Trái lại tôi rất khó quên và tha thứ được cho những ai đã sống ở miền Nam tự do. Họ đã ăn bám trên xương máu của những thanh niên đang bảo vệ tự do nhưng họ chỉ chực đâm sau lưng chiến sĩ dù họ đã phản tỉnh. Tại sao?

Giản dị thôi. Tội phản quốc là có thể lên đến tử hình. Pháp luật nào cũng vậy thôi...”

Qua bài “Lựa chọn chính trị (2): của tất cả và từ tất cả, qua chuyện đối lập” trên talawas ngày 17-3-2007, tác giả Hoằng Danh cũng viết: “Việt Nam Cộng hoà, do hành xử dân chủ, đã tạo những điều kiện dân chủ cho những lực lượng phản dân chủ triệt tiêu mình!”

Việt Nam Cộng hoà có luật cấm liên lạc với cộng sản. Nếu bị bắt với đủ bằng cớ vào bưng liên lạc với Trần Bạch Đằng, theo luật định, Nguyễn Ngọc Lan khó tránh bị án nặng. Chúa không chỉ vác chiếu ra toà, mà còn bị nằm khám. Nhưng an ninh đã không bắt được ông. Thành ra, không nên cáo buộc ông về tội hình. Vậy, chỉ còn “tội đâm sau lưng chiến sĩ” bằng ngòi bút.

Có thể nhiều người không đồng ý, nhưng riêng Sức Mấy cảm thấy miền Nam nên hãnh diện về việc đã nuôi dưỡng, và bảo vệ những người như Trịnh Công Sơn hay Nguyễn Ngọc Lan. Họ đã không góp công, và rất có thể còn góp phần làm trở ngại cuộc chiến giữ miền Nam. Nhưng sự có mặt của họ tại miền Nam, khiến cho sự hy sinh của các chiến sĩ có ý nghĩa. Đó là sự khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam. Khác biệt giữa chính nghĩa và phi nghĩa.
Nguồn: Thế giới Ngày nay, Wichita, Kansas, số 197, tháng 3 & 4, 2007


[1]Trần Bạch Ðằng, “Tiễn biệt anh, anh Nguyễn Ngọc Lan”, Thanh Niên 26/02/2007: http://www.thanhnien.com.vn/Xahoi/2007/2/27/182964.tno

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét