Điều chưa biết về cố nhà thơ Phạm Tiến Duật qua lời kể của nhà biên kịch Hồng Ngát
Ngày 4/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Phạm Tiến Duật (4/12/2007 - 4/12/2017) với sự tham dự của đông đảo văn nghệ sĩ và người yêu thơ. Trong xúc cảm của một người em, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng đã chia sẻ rất nhiều kỷ niệm về cố nhà thơ họ Phạm.
Gặp nhau lần đầu dưới lòng đất!
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát kể, năm 1968, trước khi bà cùng Đoàn văn công Trẻ đi Trường Sơn, nhà văn Tô Hoàng (khi ấy ở Ban tuyên huấn Bộ Tư lệnh Pháo binh) có viết mấy dòng nhờ bà chuyển thư cho nhà thơ Phạm Tiến Duật đang phục vụ tại Đoàn 559 - Tổng cục Tiền phương.
“Chiến tranh, bom đạn, lính tráng nhiều làm sao tìm được anh Duật để đưa thư? Suốt mấy tháng lá thư cứ nằm trong ba lô của tôi. Bỗng một tối, trong hội trường dưới lòng đất của Tổng cục tiền phương, mọi người chỉ trỏ nói rằng, cái anh bộ đội cao cao gầy gầy kia là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Hồi ấy anh rất nổi với giải nhất thơ của báo Văn Nghệ. Tôi mừng quá chạy đến bên chào và nói anh có thư của anh Tô Hoàng gửi. Anh Tô Hoàng và anh Phạm Tiến Duật đều là đồng niên sinh cùng năm 1941, lại cùng học Đại học Sư phạm Hà Nội. Các anh đều gác bút nghiên ra trận. Anh Duật làm thơ, anh Tô Hoàng viết truyện ngắn”, bà Ngát kể thêm.
Theo bà Ngát thì việc được quen cả hai người anh nổi tiếng là một sự vinh hạnh lớn đối với bà bởi thời điểm đó bà cũng đã tập toẹ viết. Với bà, nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà văn Tô Hoàng lúc đó không khác gì “núi Thái Sơn” trong lòng bà.
“Sau khi đọc thư anh Tô Hoàng gửi, anh Duật tỏ ra quí mến tôi lắm. Anh hay trò chuyện về thơ và nói ở chiến trường nhiều đề tài hay có thể làm thơ lắm. Viết được bài nào tôi đều đưa anh xem. Anh thường lịch sự gật gù khen ngợi vài ba câu động viên... Có lần tôi được chiêm ngưỡng nơi anh ở thì “chao ôi!” bừa ơi là bừa. Giường của các chiến sĩ khác chăn màn ngay ngắn bao nhiêu thì giường anh Duật lại lộn xộn bấy nhiều cho dù đang ở chiến trường. Các Thủ trưởng yêu quí anh nên cũng không vì thế mà phê bình.
Những ngày Đoàn văn công trụ lại ở đoàn 500, anh Duật luôn bị chúng tôi quấy quả. Nào bắt anh kể chuyện chiến trường rồi bắt anh đọc thơ. Khi chúng tôi chụp ảnh chung với Chính uỷ Tổng cục Tiền phương khi ấy là Thượng tá Phan Khắc Hy, anh cũng ngồi chụp cùng. Chúng tôi nhớ mãi anh Duật gầy, gương mặt anh cũng gầy nhưng chỉ có cái mũi là cao và dài (không giống mũi của người Việt lắm). Đám bạn cùng đoàn cứ nghĩ nhà thơ nổi tiếng với cô văn công trẻ thế này dễ nảy sinh tình cảm. Nhưng sự thực thì anh xem tôi như đứa em, mãi cả về sau này anh vẫn coi tôi như vậy.
Thế rồi ba năm sau, năm 1971 hai anh em không hẹn mà gặp lại trên con phố nhỏ ở Hà Nội - ngõ Yên Thế trên đường Nguyễn Thái Học, gần Cửa Nam vì cùng làm dâu, làm rể của hai gia đình sống trên con phố này…”, nhà biên kịch Hồng Ngát nhớ lại.
Bất ngờ làm dâu rể trên cùng một con phố
Bà Ngát nhớ rằng, thời đó bà làm dâu ở nhà số 17, còn nhà thơ Phạm Tiến Duật làm rể nhà số 9. Cùng bên lẻ đi vài trăm mét là sang nhà nhau. .
“Anh ở rể một gia đình lớn, trong ngôi nhà cổ 2 tầng của riêng gia đình vợ anh. Như vậy cũng đủ thấy đó là một gia đình khá giả và hai cụ bố mẹ vợ anh rất hiền hậu, có khá đông con cái. Anh cả của vợ anh, chính là NSND diễn viên nổi tiếng Trọng Khôi (nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam). Chị Vân vợ anh là giáo viên cấp ba. Nghe nói anh là bạn thân của anh Trọng Khôi, theo anh Khôi về nhà chơi và phải lòng em gái anh ấy rồi lấy làm vợ luôn. Chị Vân cũng do mê tài thơ của anh nên anh chị chóng thành đôi thành lứa.
Tôi không biết đám cưới của anh như thế nào và sao anh lại ở rể vì tuy cùng con phố nhưng không phải anh em đã biết nhau ngay. Anh quá nổi tiếng ai cũng ngưỡng mộ, còn tôi vẫn làm việc ở Nhà hát tận trên Mai Dịch, luôn mải miết theo đoàn đi biểu diễn khắp nơi rồi lấy chồng sinh con, bận tối tăm mặt mũi nên cũng ít ngó sang bên văn chương.
Một lần vào cuối buổi chiều hè anh bế con đi dong ngoài ngõ, tôi cũng bế con ra hóng gió thế là hai anh em nhận ra nhau. Ngày ấy nhà nào khá lắm mới có một hai cái quạt con cóc do nhà máy điện cơ sản xuất chạy lọc cọc lọc cọc. Chẳng nhà nào có điều hoà nên mùa hè nóng lắm! Cuối chiều các nhà đều bế con ra phố hóng tí gió mát. Có nhà còn bê cả giường bạt ra ngõ nằm chơi hoặc ngủ nữa. Chao ôi! Hà Nội trước 75 thật cơ cực.
Dù anh là nhà thơ rất nổi tiếng thời đó nhưng cũng rất nghèo. Anh chị và hai cậu con trai nhỏ nằm trên một cái phản ở nhà bếp tầng 1. Nóng và trống trải. Đồ đạc chả thấy có gì. Kể về một thời như vậy để thấy thương Hà Nội, thương mọi người trong đó có anh Duật và cả bản thân mình nữa biết chừng nào”, nhà biên kịch Hồng Ngát nhớ lại kỷ niệm đã xa.
(Còn tiếp)
Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh năm 1941 ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964 nhưng sau đó không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ. Ông sống, chiến đấu và sáng tác rất nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng trên tuyến đường Trường Sơn (8 năm trong tổng số 14 năm quân ngũ).
Năm 1970, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ BáoVăn nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chiến tranh kết thúc, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam; là Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam.
Các tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Phạm Tiến Duật: Vầng trăng quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971), Ở hai đầu núi (1981), Vầng trăng và những quầng lửa (1983), Nhóm lửa (1996), Tiếng bom và tiếng chuông chùa (1997). Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012.
Tháng 11-2007, ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Sinh thời, ông được ca tụng là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “cây săng lẻ của rừng già”, “nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”. Thơ ông thời chống Mỹ từng được đánh giá là “có sức mạnh của một sư đoàn”…
Hà Tùng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét