Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

"[ lần thứ 2 : đăng bài viết về nhà báo"' kiệt xuất" XUÂN BA [ i.e. Trịnh Huyên 1954 - ] -- " đấy là ông XUÂN BA " / Phạm Hoa -- nguồn : https://cand.com.vn>

  

luc luong cong an nhan dan

Đấy là ông Xuân Ba

PHẠM HOA 


11:10 10/03/2014
Trong giới văn học Việt Nam, nhà văn chuyên về viết ký không nhiều. Mệnh danh nhà văn viết ký với nét sắc sảo cũng ít. Có thể chưa thật chính xác nhưng con số đó không quá vài ba người. Chúng ta nhớ đến Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Hoàng Phủ Ngọc Tường... Một số cụ đã ra đi. Hoàng Phủ Ngọc Tường thì đang lâm bệnh, cũng ít xuất hiện. Kể như thế là cảm tính và chắc chắn chưa đầy đủ, vì một số nhà văn như Đỗ Chu và các nhà thơ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Việt Chiến… viết thể loại này cũng rất tài hoa. Cần phải nói thêm, dọc đường văn học, nhiều nhà văn đã đụng chạm đến thể loại này như một việc cần làm ngay. Còn thì họ chuyên tâm về truyện, thơ vì theo con đường viết ký là rất cực nhọc.

Người giỏi viết ký thường là người có giọng văn giàu hình ảnh, nhạc điệu, biến ảo, sinh động và lôi cuốn. Không có giọng văn đẹp và cá tính, không thành nhà viết ký. Tuy nhiên giọng văn cũng chỉ là công cụ dẫn dắt, lôi người đọc vào trang sách mà thôi. Giáng những đòn quyết định trong việc chinh phục người xem phải là sự kiện và nhân vật. Qua đó, độc giả sẽ rút ra điều mà người viết gửi gắm.

Nhiều năm gần đây, nổi lên một nhà văn chọn cho mình một con đường riêng: viết ký. Đó là Xuân Ba. Tác phẩm của ông thường là hai loại công việc: viết cho cơ quan và viết cho riêng mình. Là một cây bút lớn trong làng báo, ông thường được gọi đi nước ngoài với các nguyên thủ quốc gia. Cũng là tốt, để nắm bắt những việc lớn của đất nước. Còn một dòng chính, ông lặng lẽ, tìm hiểu, chiêm nghiệm, viết cho riêng mình. Cho đến nay, Xuân Ba đã có 6, 7 đầu sách dày dặn. Tôi không có điều kiện đọc hết. Ở Mọi linh hồn đều được đưa tiễn, Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt, Thời chưa xa, người chưa cũ, Khang khác mây thường, Một tuần ở nước Mỹ, Chuyện buồn kể muộn..., thấy rõ một cách lựa chọn vấn đề không phải ai cũng có được. Có thể ví con mắt nhìn ra vấn đề thật sự có vấn đề của ông tinh như một chú chim bói cá từ trên cao, thấy mồi rồi lao xuống để nhặt lấy. Sự lựa chọn ấy chính là con mắt nhìn, là tài năng nghề nghiệp. Ở đó không chỉ là câu chuyện hấp dẫn, nó là vụ việc, là số phận và thông điệp của tác giả. Ở các bài đề cập đến Tạ Đình Đề (một nhân vật huyền thoại), Trần Độ (tướng võ, tướng văn và cuộc đời trắc trở), Hữu Loan (nhà thơ của khí phách xứ Thanh), Nguyễn An (một tài năng Việt trong xây dựng cố cung Bắc Kinh), Quách Lê Thanh (một ông quan không mấy may mắn), Nguyễn Huy Thiệp (một nhà văn sâu thẳm và trắc ẩn), Hoàng Xuân Hãn (một từ điển Việt Nam sống trên đất Pháp), Minh Phụng (những long đong trong cuốn hồi ký truân chuyên); gia đình Phạm Quỳnh trong Chạm vào cánh cửa một gia tộc không thườngchuyện kho báu nhà Nguyễn…, những sự kiện đó, riêng câu chuyện đã hay, đa số là những nhân vật nổi tiếng, được trình bày qua giọng văn đầy thao tác.

Phần lớn những bài ký của tác giả này cùng một lúc đạt đến nhiều điều người ta muốn biết, và cũng là điều tác giả mong muốn, sự kiện đó được chấm phá, lần giở theo từng giây từng phút, được ghi kịp thời nếu không sẽ bị thời gian vùi lấp. Hình như nó càng cũ, càng quý. Trong đó, tác giả luôn thoả mãn người đọc bằng giọng văn và các chi tiết lạ. Những tác phẩm ấy đạt tiêu chuẩn của ký (sự chân thực), tính văn học (hình ảnh), câu chữ, mà vẫn không mất đi hơi hướng chính luận.

Không đơn giản, chỉ là việc lựa chọn câu chuyện và sự kiện. Xuân Ba là nhà văn đi tìm những vấn đề có sức nặng. Tư duy đó hình thành từ trong định hướng sáng tác của ông. Một câu chuyện hay sẽ không cất cánh được nếu nó không chứa một tầm tư tưởng nào đó. Gần đây, mọi người ngạc nhiên khi thấy một nhà văn, một nhà báo tưởng chỉ quen đi công tác trên những chuyến xe đưa, xe đón lại tự nguyện dấn thân vào những chuyến đi gian khổ, không có tiền, không có nhà khách, đến tận những hang cùng ngõ hẻm ở các chiến trường Đông, Tây Trường Sơn, từng là những miền đất vô cùng ác liệt. Tại đấy ông chui vào từng cánh rừng, từng căn hầm. Đó là các vùng có tuyến đường chi viện chiến lược, khu vực đề tài chưa nguôi độ nóng. Đi và hỏi các nhân chứng. Ông tìm và đọc lại tài liệu cũ như lần theo một vết thương khó nhận diện. Và ông đã thấy rõ dân công hỏa tuyến hiện nay trở về đời thường, sau bao nhiêu năm hòa bình, chưa có chế độ, hoặc chưa được chú ý như các lực lượng khác. Thời gian tiếp lửa cho chiến trường, họ là một lực lượng hùng hậu, anh dũng và hy sinh không kém. Khổ nỗi, biết lỗi tại ai lúc này? Vì khi điều động hàng vạn dân công hỏa tuyến từ nhiều tỉnh thành vào mặt trận lúc đó là do các địa phương đảm nhận. Nhưng sử dụng lực lượng này lại do từng yêu cầu nhiệm vụ. Có khi là Đoàn 559 hay một Quân khu 4 hoặc 5, một Bộ Giao thông hay một binh trạm nào đó. Sau vài tháng, vài năm, các đơn vị dân công hỏa tuyến này đều giải thể. Vấn đề không nhỏ này, Xuân Ba đang dồn ghép tài liệu và có thể ông sẽ công bố như một phát hiện, phần nào đóng góp cho công tác điều chỉnh chế độ của Nhà nước theo cách đầy đủ và công bằng. Phong cách làm việc đó giúp cho Xuân Ba tìm đến được những đề tài lớn.

Xuân Ba lao động rất vất vả. Ông thường viết về đêm, nhìn ông nhọc nhằn nửa nằm, nửa ngồi trên giường bấm máy mà ái ngại. Mùa nóng thì chỉ độc chiếc quần đùi, lưng trần nhễ nhại, giống đi cày trên cánh đồng chữ, khác hẳn con người hào hoa, có dáng đi rất kẻ cả thường ngày, dáng đi của một người vừa lạc về từ miền Lương Sơn Bạc. May ở chỗ, phần lớn động cơ bài viết tạo cho ông sự hứng khởi, xúc động thật sự. Chính những tình cảm đó lôi dắt ông vào trang viết. Là người thông thạo chữ Hán nên vốn ngôn ngữ của ông khá phong phú. Đọc bài của ông cảm thấy rõ chữ nghĩa trên trang viết trào về như dòng sữa nuốt không kịp. Nhưng đọc ông thấy nể sợ đến mức không hiểu sao tác giả lại có một khối lượng tài liệu đồ sộ đến vậy. Ông đọc ở thư viện lúc nào? Ông giao du, tìm kiếm chi tiết, tích cóp câu chuyện, hình thành ý tưởng, mà toàn những chuyện liên quan đến thân phận, những con người nổi tiếng, viết sai là tai họa.

Xem ra nghề làm báo chuyên nghiệp đã hỗ trợ cho ông những kỹ năng lần tìm tài liệu. Hầu hết tác phẩm của mấy tập sách là những thông tin quý hiếm, khó tìm, đều được diễn đạt một cách đầy căn cứ. Thảo nào, có tờ báo đã ra giá với ông về độc quyền sử dụng các tác phẩm của thể loại này. Như Đến cố cung (Bắc Kinh) nhớ Nguyễn An; bài viết về kho báu nhà Nguyễn; bài viết về người vợ miền Nam của Tổng bí thư Lê Duẩn… không vững tay là khó. Việc lấy tài liệu, có trong tay tài liệu, sự kiện và nhân vật, việc công bố nó trên mặt báo, sách vở là cả một câu chuyện. Đó là qui trình chưng cất nguyên liệu để thành tác phẩm. Muốn viết hay, phải viết hết trên nguyên liệu sạch, an toàn. Muốn viết hết, khó lòng tránh khỏi động chạm. Nhất là các nhân vật Trần Độ, Tạ Đình Đề, Hoàng Xuân Hãn, Minh Phụng... đều đã mất, ít nhiều nhạy cảm. Nhưng kỵ nhất là chạm tới và làm tổn thương hậu duệ dòng họ. Nhưng xem ra nhiều tập sách có nhiều sự kiện, nhân vật như vậy ra đời cơ bản cho đến nay vẫn xuôi chèo mát mái và ấn tượng mạnh đối với độc giả.

Nhiều bài viết của Xuân Ba mấp mé giới hạn bị thổi còi. Ông đã được một số bạn bè trong giới cảnh báo. Chuyện ấy là đương nhiên trong việc bảo vệ một chính thể. Một số bài của Xuân Ba đã tới giới hạn nguy hiểm: khi đăng bài Ông đã biến xe công thành xe tư như thế nào, và Mớ bùng nhùng quanh mỏ Đại Hùng đã đẩy ông đến hai lần tai nạn nghề nghiệp. Hai lần khởi tố. May nhờ có Chủ tịch nước Lê Đức Anh và nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có ý kiến, sự việc mới dừng lại. Đời làm báo, nhiều thương tích như thế mấy ai nếm trải!

Viết ký về sự kiện và nhân vật, Xuân Ba rất chú ý dành cho người đọc cái gì. Nhất là ở thời hiện đại, độc giả phần lớn không có thì giờ như trước đây. Khi mà họ thích đọc báo hơn đọc sách, thích xem vô tuyến hơn đọc báo. Ngoài sự hấp dẫn của sự kiện, tác giả còn ý tứ lần giở từ từ những bí mật về các nhân vật của mình. Họ vốn từng nghe nói mà chưa rõ thực hư, đôi khi là huyền thoại, đơm đặt. Trí tò mò của độc giả bị kích hoạt. Câu chuyện được diễn giải bằng thứ ngôn ngữ mềm mại, nhiều hình ảnh, nhạc điệu. Độc giả được thoả mãn, được thư giãn, được giải trí và được biết thêm những điều chân thật, tin cậy, lần đầu công bố.

Trên con đường văn học với ký sự kiện và nhân vật, Xuân Ba đã định danh cho mình một ‘thương hiệu’’. Những tập sách của ông là thư ký về những con người, một giai đoạn mà số phận của họ gắn liền vận mệnh một dân tộc có nhiều biến cố. Một câu hỏi: Vậy tác giả là ai? Xem ra ngoài bản lĩnh của người cầm bút, tư chất và tính cách ông nhà văn này cũng có điều khang khác. Trong đó có nhiều nét không giống ai.

Tưởng là ông cứng rắn, mạnh mẽ: có cái đấy, nhưng ngay đó là một tâm hồn nhạy cảm, yếu mềm. Tưởng là ông ham chơi, nhưng thực ra ông là người lao động nghiêm túc, là tác giả sống bằng chính cây bút của mình. Tưởng là gia trưởng nhưng nhiều khi rất bình tĩnh suy xét bản thân. Tưởng là rất bất cần, thậm chí kiêu bạc nhưng không phải. Xuân Ba chăm bạn bè, chăm người khác chi tiết và chu đáo (nhiều nhà văn nói như vậy). Thậm chí với mỗi người trong đông đảo bạn bè, đối tác, người ta còn có cảm giác nợ tình ở ông. Ông chăm sóc họ như người thân vậy. Nhất là những ai thiệt thòi, ai ốm đau, ai vận hạn. Không những ông chăm lo, ông còn thông báo, đốc thúc mọi người cứ như ai cũng nghĩ như mình vậy. Ông làm nghĩa cử đó thật lòng, mọi người đều biết vậy. Trong khi nợ tình là món nợ ngần ngại nhất với những người hiểu biết và tự trọng. Có lẽ vậy nên, những chuyện vui và chuyện buồn của ông cho thấy rất rõ tình cảm của nhiều người, từ quan chức, bạn văn, bạn thân thích thể hiện. Ngày bà mẹ thân sinh nhà văn về với tổ tiên, bạn bè đông lắm. Giữa vùng núi đồi Vĩnh Lộc, dưới trời nắng chang chang và tắc đường, dòng xe đông nghịt. Đó cũng là hình ảnh âm bản cho biết ông đã sống với mọi người như thế nào. Nhưng cũng phải nói thêm, ai thân với ông, có điều gì khó nghe, nhà văn này cũng có thể giáng cho những câu mạnh như đấm vào mặt.

Đó cũng là lẽ thường tình ở đời. Có một việc mà ông nhà văn này trở nên lạ lẫm. Ông rất yêu người nhà, rộng ra là trong dòng họ. Ông bênh họ như gà mẹ bênh con. Người biết chả ai dại gì động chạm đến họ. Ông yêu và thương họ một cách vô lý. Bác Liên, người anh cả của nhà văn là một lính tăng trong chiến dịch Khe Sanh bị thương nặng. Bác chỉn chu và luôn luôn quí thằng em một cách đầy ngờ vực và lo lắng. Cứ như trong lòng bác luôn nghĩ: Không biết hắn (Xuân Ba) có ổn không? Bác cả ít mắng, ít khen, nhưng Xuân Ba sợ ông thật chứ không phải làm bộ. Về người anh cả, Xuân Ba luôn luôn nghĩ, nhỡ bác có gì lúc trái gió trở trời thì gay. Còn cô út, người ngoài cứ nghe anh nói em sa sả. Nhưng không phải đâu. Con người có dáng đi, giọng nói ngang tàng này, thương yêu cô út là số một. Mỗi lời nói với cô em đều nặng trĩu lo toan đấy.

Nhưng có một câu chuyện, tôi muốn kể lại cho mọi người nghe. Câu chuyện này mách bảo một điều gì đó rất khó gọi tên về nhà văn này. Chuyện liên quan đến người anh thứ hai của Xuân Ba, anh tên là Trịnh Xuân Cúc - một người lính đặc công miền Đông dũng cảm, đã từng được đồng đội đặt vào huyệt thì sống lại. Người anh này cá tính cũng mạnh mẽ. Ông nhiều lúc ngứa mắt trước thằng em ăn mặc chẳng giống ai, nói năng bỗ bã, theo ông, “hắn” luôn ra ngoài khuôn phép gia đình. Hôm ấy là buổi chiều, sẵn bực mình chuyện gì đó, ông đến và xông vào đánh Xuân Ba. Vừa đánh ông vừa dạy: “Tao đánh để mày biết Xuân Ba là thằng nào”. Xuân Ba đứng im chịu đòn, không dám nói gì, không chạy. Người đi đường ngạc nhiên dừng lại, nhận ra nhà văn, nói nhỏ với nhau - Đấy là ông Xuân Ba. May sao lần ấy, một người lớn tuổi đang ngồi ở đó đứng dậy ôm lấy bác Cúc và xin cho Xuân Ba mới dứt được cơn thịnh nộ. Sau này mới biết, hôm đó không phải là lần đầu ông bị đánh.

Hẳn nhiên đó là nếp sống một gia đình có gia phong, bố ra bố, anh ra anh, em ra em theo lối “chiếu không phải không ngồi” mà các cụ vẫn dạy con cháu về phương pháp xử thế. Bây giờ bác Cúc đã đi xa. Xin được mượn câu nói của người đi đường nhận ra nhà văn gần sáu mươi tuổi bị anh ruột đánh đòn để làm đầu đề bài viết. Qua đó thấy rõ hơn cây có gốc, nước có nguồn, nơi xuất thân của một nhà văn viết ký nổi tiếng


Phạm Hoa


===========


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét