Chị Dương Thị Xuân Quý
Gia đình nhà thơ Bùi Minh Quốc trước mộ chị Quý sáng ngày 7 tháng 3 năm 2019
Vừa về tới mộ chị Quý, tôi vội chạy ra phía sau lưng tấm bia đá đã bạc màu thời gian. Tôi tìm lại thời gian của chính mình, trong hồi ức cứ luôn bồi hồi thao thức suốt mấy chục năm. Đây rồi! Vẫn những dòng chữ ấy: “Bia tưởng niệm – do gia đình nhà văn Dương Thị Xuân Quý lập trên phần đất của ông bà Võ Bắc – Hồ Thị Anh tặng. 12.2.1996”. Chếch phía trên là hai câu thơ của Bùi Minh Quốc “Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên”.
Tìm lại, bởi đầu buổi chiều tháng Hai nắng quày quả khắp những khóm tre bụi chuối nơi này của 23 năm về trước, tôi đã cùng anh Quốc thắp những nén hương đầu tiên dưới khối đá thiêng ấy, sau lễ đặt bia chính thức chọn nơi “nằm lại” cho chị.
Tôi giờ vẫn còn cầm theo đây bản đánh máy chữ trên giấy bổi đen xạm bài viết hôm ấy với cái tít đề “Và em gọi đó là hạnh phúc…”. Cho báo Tiền Phong số thứ Ba 8/3/1996. Kể rằng, để chuyển được khối đá trắng Non Nước cao hơn 2 mét nặng 2 tấn ấy qua nhiều cây số đường làng rồi đường ruộng vào tận xóm sâu này, người làng đã bỏ công sức, tiền bạc sửa lại con đường ngang qua ruộng, rồi kiếm bằng được chiếc xe/cộ đủ sức chuyển vào tận nơi. Nên đâu phải chỉ mảnh ruộng vườn rộng lớn mà vợ chồng anh Võ Bắc tặng lại cho gia đình anh Quốc để làm khu tưởng niệm nữ nhà văn liệt sĩ. Tôi nhớ kể từ bữa đó đã có 3 lần cùng anh Quốc và bạn bè văn nghệ về đây viếng hương chị. Nhưng không thể biết từ ngay sau 1975, đã bao nhiêu lần Bùi Minh Quốc đã lặn lội về cái xóm Xuyên Tân này tìm vợ.
Thời ấy nghe nhiều người tuổi đã trung niên kể lại rằng, cứ mỗi lần anh Quốc về, là vợ chồng anh Bắc cùng trai tráng trong xóm bỏ công việc giúp anh đào tìm hài cốt của vợ. Xới tung ruộng vườn. Đào hết khu vực giếng, lại đào sâu hơn 2 mét xuyên qua bụi tre dẫn đến vị trí hầm bí mật ngày xưa. Nhưng di vật kiếm được duy nhất là tấm vải dù và một số tre mục của căn hầm. Cho đến sau này khi xuất hiện một nhà ngoại cảm…
Anh Bắc sau chừng ấy năm, nay đã bước vào tuổi già. Nhưng vẫn đó trên gương mặt xạm đen cái nét hiền hiền, khắc khổ, trầm lặng. Ruộng vườn, lối đi, nhà cửa anh bây giờ đã khang trang thoáng đãng hơn xưa, xung quanh những vạt đậu phộng đầu mùa vươn lên xanh um. Trên đường làng, hỏi chuyện, kể cả thanh niên trẻ nhỏ ai cũng vanh vách với tôi về chị Quý. Rồi bảo “Bà Quý linh thiêng lắm!”.
… Lúc này phía trước bia chị Quý mọi người đang sửa soạn mâm cúng tròn 50 năm ngày chị hy sinh. Bùi Minh Quốc, vợ chồng con gái Bùi Dương Hương Ly từ Anh quốc về. Vợ và con gái nhà văn Nguyên Ngọc, các nhà thơ nhà văn Thanh Thảo, Thái Bá Lợi, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán từ Hà Nội vào, anh em Hội văn nghệ Quảng Nam…
Đây là lần đầu tiên tôi gặp mặt Ly. Dẫu đã đọc Nhật ký chiến trường của chị Quý từ mấy mươi năm trước. Cuốn “Dương Thị Xuân Quý - Nhật ký, tác phẩm” NXB Hội nhà văn in năm 2007 do Bùi Minh Quốc, Hoàng Minh Nhân và Nguyễn Thế Khoa sưu tầm, biên soạn. Cuốn sách do nhà thơ Hoàng Minh Nhân tặng. Nhà thơ của bài “Hầm chữ A” Hoàng Minh Nhân đã chia xa cũng vào một ngày đầu tháng 3 năm 2011. Một người nặng nợ với những trang văn và người miền Trung, dành gần cả đời mình làm sách về họ. Biết bao cuốn sách ra đời…
Những dòng đầu tiên của nhật ký, chị Quý ghi lại cái đêm cuối cùng ở với con gái Hương Ly, để sớm mai vào chiến trường. Đêm 10/4/1968. Khi ấy cô bé Ly mới 16 tháng tuổi. Hai mẹ con lên bờ đê. Trăng cũng vừa lên. “Gió lộng, mình thủng thẳng dắt Ly đi dạo trên đê. Những phút ấy sao êm đềm và hạnh phúc đến thế. Rồi sợ gió nhiều mình vội đưa Ly về và hai mẹ con đã chơi một tối trăng tuyệt diệu. – “Ông trăng đâu Ly?”. Ly ngửa mặt lên và cười – “Đầy!”. Mình bỗng khám phá ra một điều kỳ lạ: trong mắt Ly, giữa hai con ngươi lóng lánh, có hai chấm vàng nhỏ xíu bằng đầu kim lay động. Ông trăng đã in trong mắt Ly. Mình nghĩ ngay đến những chặng đường hành quân sắp tới. Mỗi khi nhìn trăng, mình sẽ nhớ rằng ông trăng ấy chính là ở trong mắt Ly...”.
“Có một lúc mình bỗng thấy Ly cười: “Quốc!, Quốc!”. Ly nói Quốc rất rõ, không ngọng nghịu tý nào. Rồi Ly gọi “Quý! Quý!”, Ly tròn miệng: “Bố! Bố!”. Mấy tiếng ấy Ly thường nói liền nhau. Mình ứa nước mắt. Không biết bao giờ Ly mới được sống gần bố. Nếu mình vào và anh được ra với Ly thì mình sung sướng quá”.
Nhật ký ngày 3/5/1968 ghi trên đường Trường Sơn: “Mùa hè năm ngoái, chính vào những ngày này đây, Anh chuẩn bị lên đường và mình thì tái người vì nỗi nhớ... Lúc ấy cả em và anh không ai hình dung nổi sau đúng một năm thôi, em lại đi trên quãng đường anh đã đi”.
Ghi trên đường hành quân vượt Trường Sơn băng qua đất Lào: “Ly ơi. Đêm qua mẹ nhớ Ly vô hạn. Ở nhà ai cắt móng tay cho con? Ai ngoáy tai cho con? ... “một tháng qua con sống sao hở Ly? Con có khoẻ không? Có bị sốt, bị đi ỉa chảy không?”.
Hai vợ chồng gặp nhau giữa chiến trường Quảng Đà đầu tháng 7/1968. Nằm bên nhau, sát bên là võng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhiều người. B52 bất ngờ dội xuống. Nhường vợ cái hầm ếch duy nhất, Bùi Minh Quốc và Chu Cẩm Phong (Trần Tiến) chỉ còn biết ngồi nấp dưới gốc cây. Loạt B52 đầu tiên mấy hôm trước đó hai vợ chồng còn không có hầm, phải nằm rạp trên đám cỏ. Những trận bom liên tục dội xuống, không còn biết chạy đâu. Bốn đợt với 12 trận bom B52 dội xuống trong một đêm. Cướp đi 17 bộ đội, nhiều người bị thương.
Ở bên nhau được hơn 1 tháng, lại chia tay. “Anh đi về Quảng Đà phía nam. Anh chìa tay “Nào/ đồng chí/ bắt tay” (thơ Nguyễn Đình Thi). Mình ngoảnh mặt đi, cố nén, cố nén... Anh có biết không, nhìn Anh lúc ấy thì em khóc mất... Anh đi, một mảnh ni lông che mưa không có, chỉ có nửa mảnh nhỏ rách tươm. Bảo anh mang ni lông của mình đi, anh nhất định không mang. Thuốc đánh răng không có. Có chiếc thìa lại cụt...”. Đêm xa anh, B52 lại dội, ngay vào nơi chị Quý vừa di chuyển. “Tưởng tượng đêm đó mình nằm lại, một trận B52 trút xuống. Mình tan xác. Mình mất tích. Không ai biết mình ở đâu. Nỗi đau đến với Anh và Ly thật vô hạn, vô hạn”.
Bài thơ tình đầu tiên Bùi Minh Quốc viết tặng vợ “Bài thơ tình yêu” (sau được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc với cái tên “Cuộc đời vẫn đẹp sao”), được viết ra buổi chiều ngày 7/3/1969. Dưới căn hầm bí mật còn hằn vết xích xe tăng của địch ở xã Bình Dương (Thăng Bình). Lúc ấy, Dương Thj Xuân Quý cũng đang dưới hầm bí mật ở Xuyên Tân (Duy Xuyên). Cách hơn hai chục cây số đường chim bay. Bùi Minh Quốc chép lại bài thơ vừa viết xong, khấp khởi “mường tượng ít ngày nữa ra Quảng Đà gặp Quý, cho Quý đọc, chắc Quý thích lắm đây”.
Nhưng chị Quý không bao giờ được đọc những câu thơ ấy. Khoảng 9 giờ tối ngày 8/3/1969, lính Nam Hàn phát hiện khui hầm bí mật. Chị Quý cùng 3 du kích bật hầm lao lên… Chị dính một loạt đạn… Sau trận càn, lính Nam Hàn còn chốt giữ nơi ấy nhiều ngày, cày ủi khắp nơi. Thân xác chị không còn nữa… Giây phút cuối cùng ấy, không đồng đội nào nghe được lời nói cuối cùng của chị. Nhưng với Nguyên Ngọc, ông cứ mãi “tin lời cuối cùng của chị là một tiếng gọi: Con!”.
Giờ đây tôi nhiều lần chứng kiến cảnh những đoàn người Hàn Quốc hàng năm kéo nhau về những mảnh đất Duy Xuyên, Điện Bàn, Hà My này. Họ đến để quỳ lạy, để sám hối thay cho những bà con anh em mình từng gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng nơi đây. Đoàn người sám hối ấy đa phần là trí thức, văn nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội. Không biết trong số ấy có ai biết nhà văn Dương Thị Xuân Quý và đọc những trang viết của chị?
*
Đến bây giờ tôi cứ nghĩ hoài về câu thốt lên của nhà văn Nguyên Ngọc, người thủ trưởng từng chứng kiến những ngày tháng khốc liệt của chị Quý ở chiến trường Quảng Đà – Khu Năm. “Thật bất công nếu không gọi chị là một người anh hùng!”.
Không phải về một danh hiệu “anh hùng” cần được ai đó phong tặng, mà tôi cứ nặng lòng với câu hỏi cần giải mã về sự dấn thân đáng kinh ngạc của thiếu phụ 27 tuổi mảnh dẻ, chân yếu tay mềm lớn lên giữa đất Hà thành kinh kỳ. Gác lại sau lưng công việc quen thuộc, cha mẹ già, gia đình nhỏ với đứa con dại chưa đầy hai tuổi, khoác ba lô vào chiến trường khốc liệt bậc nhất miền Nam thời ấy để làm một người lính cầm bút.
Chỉ đến khi lang thang khắp cả 5 con đường mang tên những người dòng họ Dương làng Phú Thị (Mễ Sở, Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) mà thành phố Đà Nẵng đặt tên, tôi mới xâu chuỗi được cảm xúc của mình. Là con đường mang tên Dương Thị Xuân Quý ở Bắc Mỹ An gần biển Mỹ Khê quận Ngũ Hành Sơn bên kia sông Hàn. Cách đó không xa là con đường mang tên Dương Tụ Quán – cha ruột của Dương Thị Xuân Quý. Ngày 8/3/1969, con gái ngã xuống giữa chiến trường, thì chỉ ít hôm sau, ngày 27/3/1969 ở Hà Nội người cha cũng lặng lẽ từ biệt cõi trần. Và tại Đà Nẵng trong một ngày, hai cha con ấy cùng được đặt tên đường, theo Nghị quyết ngày 6/12/2012. Có lẽ là một trong những chữ ký cuối cùng của ông Nguyễn Bá Thanh trên cương vị Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng?
Đi trên những con đường mang tên Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm nằm sát bên nhau ở Hòa Cường Nam, quận Cẩm Lệ – cũng là hai người bác ruột của Dương Thị Xuân Quý. Và con đường mang tên danh họa Dương Bích Liên – anh con bác ruột của chị Quý. Những người lừng danh họ Dương ấy lần lượt được gắn biển tên đường các năm 2007, 2008, 2009.
Những người họ Dương ấy là những chí sĩ, nhà giáo, nhà văn, nhà báo lừng danh, từng bị bắt bớ, lưu đày nhưng không bao giờ chịu buông bỏ khí tiết. Nghĩ dẫn lại đây đôi câu đối cụ Bùi Kỷ khóc chí sĩ, nhà văn Dương Bá Trạc tại Hà Nội năm 1945, cũng là đủ. “Ngẫm cho phải, thác thì đành hẳn, thác để tuổi để tên, để lại một đời tiết nghĩa, thác cũng là vinh/ Suy đến nơi, sống phải thế nào, sống còn nhà, còn nước, còn muôn nỗi ưu nan, sống sao khỏi hổ”. Thì tiếp nối dòng máu và trí tuệ ấy, tôi nghĩ làm sao có thể có một Dương Thị Xuân Quý khác được!
Chị Quý và con gái Bùi Dương Hương Ly *
Buổi chiều tại Đà Nẵng trong lễ ra mắt cuốn “Nhật ký chiến trường” tái bản, gặp lại Bùi Dương Hương Ly, tôi hỏi đúng một câu: “Sau 50 năm, Ly nghĩ gì về mẹ Quý?”. Nữ phóng viên đài BBC ấy đáp rất nhanh: “Tôi lần đầu biết mẹ vào năm 1975. Bà ngoại cho xem ảnh mẹ và kể về mẹ. Lúc đó tôi 9 tuổi. Tôi làm báo, đã đi các chiến trường và các điểm nóng xung đột trên thế giới, Afghanistan, Yemen,... và tới đây ít hôm nữa là Iraq. Tôi nghĩ rằng mình phải làm gấp đôi phần của Mẹ”.
Nhớ lúc ở Duy Xuyên, lễ cúng xong vợ chồng Ly ngồi hoá vàng cho mẹ Quý. Ngay trên cái sân xi măng rộng mênh mông, mà tôi đồ rằng chị Quý còn đang nằm dưới ấy. Gương mặt Ly cúi xuống. Tôi không biết trong đôi mắt ấy có ánh trăng nào như mẹ Quý vẫn mường tượng suốt những ngày ở chiến trường không. Nhưng tôi biết, trong mắt Ly, đang có lửa...
Duy Xuyên, 7/3/2019
Đỗ Hồng Lân, giáo viên Tổng phụ trách đội trường Tiểu học Duy Thành (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) tọa lạc không xa khu tưởng niệm nhà văn Dương Thị Xuân Quý, kể: Hơn 10 năm qua, Liên Đội nhà trường đã nhận chăm sóc mộ nhà văn-liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý. Đây cũng là phần việc Măng Non đăng ký với Hội đồng Đội huyện. Các bạn nhỏ hàng tháng đến vệ sinh khu vực di tích, nhổ cỏ và viếng hương. Nơi đây cũng thường xuyên là địa điểm để tổ chức lễ kết nạp Đội viên và tuyên dương cháu ngoan Bác Hồ. Hàng năm vào dịp 22/12 nhà trường mời các nhân chứng lịch sử đến nói chuyện dưới cờ, để học sinh hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.
Đường Dương Thị Xuân Quý tại Đà Nẵng
Vợ chồng Bùi Dương Hương Ly hóa vàng tại nơi mẹ Quý ngã xuống 50 trước
Trần Tuấn
Tienphong.vn/ 10/03/2019
Có một nữ phóng viên hy sinh ngày 8/3
Ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Bùi Dương Hương Ly đã trở thành một ca khúc đi cùng năm tháng với nhiều người. Những câu hát, lời thơ “Một sớm mai xuân trước cửa hầm dã chiến/Thấy trời xanh xao xuyến ở trên đầu ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau” không chỉ là lời của một thế hệ mà còn là tâm sự của một trong hai nhân vật “ta” ấy. Đó là nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý. Chị đã hy sinh vào ngày 8/3, đúng nửa thế kỷ trước, ở tuổi 28.
co mot nu phong vien hy sinh ngay 83
Nữ phóng viên Dương Thị Xuân Quý và con gái Bùi Dương Hương Ly trước ngày chị vào Nam- Ảnh tư liệu gia đình
Những ngày ác liệt ấy ở trên mặt trận khu V, nhà văn Dương Thị Xuân Quý và chồng chị, nhà thơ Bùi Minh Quốc cùng có mặt ở những điểm “nóng” nhất. Có lần chị nhỏ nhẹ với chồng: “Sao anh làm thơ tình tặng nhiều người mà chưa có bài nào tặng cho em?”. Lời ngỏ ấy của nhà báo vợ đã khiến cho nhà thơ chồng đâm ra bối rối và anh đã chọn thời điểm ngày 8/3 năm ấy để “ra mắt” vợ những dòng thơ không chỉ còn là tâm sự của riêng họ nữa: “Cuộc đời vẫn đẹp sao/Tình yêu vẫn đẹp sao/Dù đạn bom man rợ thét gào…/Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch/Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần…”.
Ngày mai, vâng ngày mai. Bài thơ hẹn ước với người vợ sẽ đến tay chị.
Nhưng… đúng vào đêm 8/3 rạng ngày 9/3/1969, loạt đạn tội ác của đám lính Park Chung-hee khi đi càn tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã cắt ngang cuộc đời nữ phóng viên Dương Thị Xuân Quý. Bài thơ chồng chị đã hoàn thành với hy vọng được người vợ đón đợi đã không còn bao giờ trở thành hiện thực nữa.
Trong hồ sơ của cán bộ chiến sĩ đi B được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III thật may mắn còn đọc được đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu của chị. Lá đơn ấy chị viết: “Tôi là Dương Thị Xuân Quý, đoàn viên thanh niên lao động, phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam tình nguyện gửi đơn này xin các đồng chí xét cho tôi được vào Nam chiến đấu. Tôi năm nay 24 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, đã mười năm nay không ốm đau, không có bệnh tật gì. Nếu được vào Nam chiến đấu, tôi có thể dạy học, làm công tác Đoàn, làm báo, phụ trách thiếu nhi... Nhưng nếu miền Nam cần đến tôi ở bất cứ một việc nào, bất cứ một nơi nào, tôi xin sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ. Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng, không một mảy may tính toán…”.
Phóng viên đài BBC Bùi Dương Hương Ly và chồng: Adrian Edward,
-- phóng viên Reuters thường trú ở Hà Nội
Để lại sau phía sau đứa con gái vừa thôi nôi, tháng 4/1968 nữ nhà báo Dương Thị Xuân Quý đã vượt Trường Sơn vào với đồng bào khu V, nơi nóng bỏng nhất trên chiến trường miền Nam lúc ấy, nơi chồng chị đã vào trước một năm. Gặp nhau lần nào cũng vội, ao ước trao được cho nhau những dòng tâm sự, những dòng thơ giữa những khoảng lặng của các trận chiến. Chỉ thế thôi. Nhưng chiến tranh khốc liệt vô cùng. Và chị đã ra đi như một anh hùng.
Cô bé Bùi Dương Hương Ly khi mẹ trao tay bà ngoại để từ biệt gia đình vào Nam mới 16 tháng tuổi, cái tuổi còn quá bé để thấu cảm tình yêu của mẹ. Ngồi trong quán cà phê trên phố Ngô Quyền, Hà Nội cách không xa nhà hộ sinh A, nơi mẹ chị sinh chị, nữ phóng viên chiến trường 52 tuổi của đài BBC Bùi Dương Hương Ly giờ đây xúc động nhớ lại những di vật, những kỷ niệm về người mẹ được bà ngoại, những người bác truyền lại. Có lẽ nhớ nhất là kỷ niệm của bữa ăn sau cùng của mẹ với người chị ruột trước khi đi B. Bữa cơm ấy chỉ có mỗi món canh rau.
Rồi những gì chị biết về tình cảm của mẹ với chị là mãi về sau này khi những dòng nhật ký chiến tranh của mẹ Quý được công bố. Ngắn thôi nhưng chứa chan tình cảm nhớ thương khôn xiết, rồi cả những nỗi dằn vặt như có gì không phải của mẹ Quý với chị. Cũng có những phút giây chạnh lòng lắm nhưng rồi chị cũng đã thốt lên: “Mẹ ơi, mẹ vẫn mãi là mẹ của con!”.
Quang Lộc
congthuong.vn/ 18:43 | 08/03/2019
Ngôi nhà búp bê của vợ chồng nhà thơ Bùi Minh Quốc
Ít người biết, nhà thơ Bùi Minh Quốc đang sống trong một ngôi nhà... búp bê. Một khung cảnh dịu dàng có phần trái ngược với tính cách bộc trực và bốc lửa của ông.
Vợ chồng nhà thơ Bùi Minh Quốc tại triển lãm búp bê
Chủ nhân của những con búp bê vận trang phục của 54 dân tộc Việt Nam này là người vẫn ngày ngày cận kề bên nhà thơ: nghệ nhân Hiền Thục.
Ý tưởng búp bê made in Việt Nam
Trong quãng thời gian ngắn ngủi lưu lại Đà Lạt, tôi có kế hoạch đến thăm nhà thơ Bùi Minh Quốc. Tôi đi bằng xe máy thuê của khách sạn, qua hàng chục con phố quanh co tĩnh lặng đến ngã tư gần khu nhà thờ Domain de Marie, xuôi một đoạn dốc ngắn rồi lại lên dốc với những ngôi biệt thự yên tĩnh.
Trước khi đi, biết tôi khó tìm đường, ông chỉ dẫn rất kỹ và dặn đi dặn lại rằng cứ nhìn thấy tiệm Búp bê Hiền Thục là đến nơi. Mới đầu nghĩ rằng nhà ông gần tiệm búp bê, sau thấy nhà thơ xuất hiện từ sau tấm biển hiệu búp bê mới ngạc nhiên “Không lẽ ông đã chuyển sang nghề búp bê”.
Khuôn viên của nhà thơ Bùi Minh Quốc rộng rãi giống hệt những căn biệt thự xung quanh, dù cách thiết kế khiêm tốn hơn. Tôi lên những bậc thang bằng gỗ, hết chiếu nghỉ hành lang đã nhìn thấy một tủ kính búp bê, bước vào nhà thấy đầy ắp những con búp bê len, búp bê trên tường, trên bàn, trên giá trưng bày.
Thật kỳ lạ. Thành phố Đà Lạt đã vô cùng êm đềm, sang trọng và thơ mộng, vậy mà đến con phố yên tĩnh này, vào căn nhà yên tĩnh này lại thấy toàn búp bê, khác nào lạc vào một thế giới cổ tích. Mới hay, chủ nhân của những con búp bê vận trang phục của 54 dân tộc Việt Nam là người vẫn ngày ngày cận kề bên nhà thơ: nghệ nhân Hiền Thục.
Thật không may mắn bà mới gặp một tai nạn xe máy nên đang phải dưỡng sức trên giường bệnh. Nhà thơ Bùi Minh Quốc buồn bã “Đôi bàn tay vàng mà giờ không cử động được nữa”.
Một lát, ông xin lỗi tôi rồi đứng lên bê thuốc vào phòng cho bà uống. Người vợ hiền thục của nhà thơ có khuôn mặt đúng như nghệ danh của bà: quý phái, tri thức và dịu dàng, một vẻ đẹp mơ hồ hệt như thành phố Đà Lạt.
Bà Nguyễn Thị Thục người gốc Hà Nội nhưng sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt. Bà từng có 18 năm làm phóng viên, biên tập viên của Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh Lâm Đồng.
Năm 1993, bà nghỉ mất sức và như nhiều phụ nữ khác ở Đà Lạt, nơi được coi là xứ sở của len, bà quay về với công việc đan móc và bắt đầu truyền thụ lại nghề thủ công này.
Bà từng dạy nữ công cho học sinh phổ thông tại trường Hermann Gemeiner Đà Lạt, cho trẻ em mồ côi tại Làng SOS Lâm Đồng, cho trẻ em khiếm thính tại Trung tâm người khuyết tật Đồng Nai.
Cuối năm 2008, sau 3 năm chuẩn bị, tác giả của những con búp bê xinh xắn và tinh xảo đã có cuộc triển lãm đầu tiên tại gallery Ý Ngọc – Sĩ Hoàng, trưng bày gần 500 mẫu búp bê len, trong đó đặc biệt nhất là một bộ gồm 108 búp bê khoác trên mình trang phục của 54 dân tộc Việt Nam
Trong một lần tình cờ nhận được món quà là một con búp bê mặc trang phục dân tộc (của nước ngoài), bà nảy ra ý định thực hiện những con búp bê Made in Vietnam. Bà nhớ lại những hình ảnh trang phục dân tộc trong các chuyến công tác trước đây và một ý tưởng được thành hình.
Thiên hướng nghệ thuật và bàn tay tài hoa của nghệ nhân Hiền Thục đã cho ra đời những con búp bê đầu tiên có trang phục và hoa văn tinh xảo y hệt những bản gốc của chị em Ê Đê, Ba Na, Cơ Ho, Gia Rai, Mơ Nông. Những sản phẩm này từng giành được 3 giải nhất, nhì, ba trong Cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch của tỉnh Lâm Đồng.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng được tỉnh mời tham gia ban giám khảo, anh đặc biệt chú ý tới những con búp bê len. Anh khuyến khích tác giả của chúng mở một gallery trưng bày và đồng thời tìm cho bà nhiều tài liệu hướng dẫn cách làm búp bê. Nhưng cũng phải mất một hành trình dài tới 15 năm, những con búp bê mới được hoàn thiện một cách chuyên nghiệp và điêu luyện.
Công việc khó khăn không chỉ từ việc cố định những mũi đan, móc trên các hoa văn li ti mà còn ở quá trình nghiên cứu và đi tìm tư liệu hình ảnh, để rồi chỉ với chất liệu len bình thường và cốt gỗ, người sáng tạo đã thổi hồn vào những con búp bê khiến họa tiết lung linh một vẻ đẹp mang đậm nét lịch sử và văn hóa dân tộc Việt.
Những chất liệu không phải hàng cao cấp, đắt tiền, nhưng việc chế tạo ra sản phẩm vô cùng phức tạp và tỉ mỉ với đầy đủ vòng, khuy áo, dây chuyền. Mỗi con búp bê có mặt trên giá thường phải mất thời gian 1 tuần nằm lại trong xưởng. Vì thế giá thành của sản phẩm rất cao, thường lên tới vài trăm ngàn và có con tới vài triệu.
Có thể nhiều người sẽ phân vân về giá cả, nhưng đối với khách ngoại quốc thì họ không lạ, vì ở phương Tây, đồ lưu niệm thuộc loại hàng handmade (thủ công mỹ nghệ chế tác bằng tay) thường có giá thành cực đắt.
Nhà thơ phò trợ sự nghiệp của vợ
Tác phẩm của nghệ nhân Hiền Thục
Cuối năm 2008, sau 3 năm chuẩn bị, tác giả của những con búp bê xinh xắn và tinh xảo đã có cuộc triển lãm đầu tiên tại gallery Ý Ngọc – Sĩ Hoàng, trưng bày gần 500 mẫu búp bê len, trong đó đặc biệt nhất là một bộ gồm 108 búp bê khoác trên mình trang phục của 54 dân tộc Việt Nam. Cuộc triển lãm này đã tiêu tốn của tác giả đến hàng trăm triệu đồng.
Tôi tẩn mẩn ngắm những con búp bê mang dáng hình thiếu nữ Dao, Mông, Thái, Mường, Tày... xúng xính váy áo rực rỡ như trong một phiên chợ ngày Tết đang đứng kìn kìn giữa căn phòng lát gỗ của cặp vợ chồng nghệ sĩ Bùi Minh Quốc – Hiền Thục.
Khác với búp bê mặt sứ của Trung Quốc và búp bê mặt vải của Nhật Bản, những khuôn mặt bằng len trông có sinh động hơn, tinh xảo hơn, mang đậm hồn Việt, hồn tài hoa của những người con người Đà Lạt thân thiện, nhưng cũng vì thế mà quá trình làm ra nó cũng công phu hơn rất nhiều.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc dường như hết lòng vì sự nghiệp búp bê của vợ. Vừa ngồi chưa ấm chỗ, nhà thơ chẳng nói mấy về văn thơ chữ nghĩa, chỉ mê mải giới thiệu búp bê.
Ngoài việc giúp đỡ vợ tìm tư liệu ảnh về màu sắc và hoa văn của các trang phục dân tộc, ông còn hàng ngày đi bỏ mối búp bê len ở các quầy bán đồ lưu niệm và tự tay tham gia vào quá trình sản xuất.
Không đan len được thì ông giúp vợ làm cốt gỗ. Là một cựu sinh viên văn khoa Sài Gòn, nghệ nhân Hiền Thục hẳn đã vô cùng xúc động về bài thơ cổ vũ tinh thần được sáng tác dành riêng cho bà.
Em ngồi đó quên cả ngày tàn quên đêm khuya khoắt
Mười ngón tay lan một thế giới dịu hiền
Những búp bê len muôn màu hồn nhiên ánh mắt
Em lẳng lặng đẩy lùi cơn bão dập đời anh
Nghệ nhân Hiền Thục nói với tôi rằng cuộc sống của hai người vẫn còn rất vất vả vì kinh tế nên nhiều mong muốn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, sự sang trọng tinh tế vẫn toát lên từ ngôi nhà giản dị đong đầy tình yêu thương qua những đôi mắt búp bê len.
Bà đang có kế hoạch biến tiệm búp bê Hiền Thục và xưởng sản xuất của mình thành địa điểm tham quan cho khách, vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc khi mà những tiêu bản trang phục gốc đang dần mai một, vừa đóng góp cho sự phát triển du lịch của Đà Lạt.
Di Li
Tienphong.vn/ 10/04/2009
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét