Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

' TAM ÍCH -Lê Nguyên Tiệp [1915 - 1972 ] / Vũ Bằng -- source : Blog Du Tử Lê ( Mỹ )

  Tam Ích Lê Nguyên Tiệp - Một Lời Nguyện Thiết Tha: Xin Cho Tôi Chết Lẹ

VŨ BẰNG

22 Tháng Tám 20201:29 CH(Xem: 1799)

VŨ BẰNG - Tam Ích Lê Nguyên Tiệp - Một Lời Nguyện Thiết Tha: Xin Cho Tôi Chết Lẹ
[…]

Tam Ích đã tự kết thúc cuộc đời một cách đặc biệt ở trên căn gác của anh tại số 531/74 Phan Đình Phùng góc Nguyễn Thiện Thuật vào khoảng một giờ rưỡi đến hai giờ trưa ngày 5 tháng Giêng Dương lịch năm 1972 (tức là ngày Ất Mùi 19 tháng Mười một Âm lịch năm Tân Hợi).

 Sáng ngày 4 tháng Giêng, Tam Ích khác hẳn lệ thường, đưa chị Tam Ích ra tận phi trường Tân Sơn Nhất, tiễn đưa chị đi Hội An thăm gia đình và nhân tiện dự một đám cưới con cháu ở ngoài đó cử hành vào ngày 7 tháng Giêng Dương lịch. Sáng hôm sau, 5 tháng Giêng, Tam Ích đến quán Tân Phương Khanh ở đường Lê Văn Duyệt, là nơi chúng tôi vẫn ngồi uống rượu, uống trà từ hai năm nay, không biết để làm gì. Thấy chưa có ai tới đó, Tam Ích lại sang tòa báo Văn Học ở cạnh đó, hỏi cô thư ký xem có thấy ai chưa. Khác hẳn mọi lần, Tam Ích không để lại một chữ gì. Trưa hôm đó, anh tự kết thúc đời mình.

Et le tour est joué! (Thế là xong!)

Ngay buổi trưa hôm đó, hai anh trong bọn chúng tôi đến nhà riêng anh Tam Ích hỏi thăm. Chị Tam Ích đi Hội An chưa về, chỉ có hai người con ở nhà. Hỏi tất cả những tin tức thâu lượm được với những lời do các con Tam Ích cho hay thì những nét chính về cái chết của anh như sau:

Anh mất vào khoảng từ một giờ rưỡi đến hai giờ trưa ngày mùng 5 Dương lịch. Sự ra đi chắc chắn là được xếp đặt từ lâu nên chu đáo lắm. Có một điều hơi lạ là anh viết thư cho các nhà hữu trách “yêu cầu đừng điều tra lôi thôi về cái chết của anh làm gì vì anh tự tạo cái chết của anh” viết từ ngày 10 tháng Chạp Dương lịch năm 1971 mà đến ngày 5 tháng Giêng Dương lịch 1972 anh mới thi hành ý định tiềm tàng từ lâu trong óc. Từ ngày 10 tháng Chạp đến ngày 5 tháng Giêng có điều gì xảy ra? Tam Ích âm thầm nung nấu trong trí óc những gì trong những ngày rùng rợn một cách thản nhiên như thế?

Vậy, trưa hôm mùng 4, sau khi tiễn vợ đi ra sân bay Tân Sơn Nhứt, Tam Ích đã làm những gì trong căn gác lạnh? Có phải anh hoàn tất sự xếp đặt để thi hành ý định manh nha từ lâu ở trong đầu. Thay vì đứng lên một cái ghế đẩu như người khác, anh xếp tất cả những cuốn từ điển và những cuốn sách dày nhứt trong phòng sách lại, đứng lên trên, lấy một cái dây ni lông nhỏ làm thòng lọng, chui vào… Thế là hết. Cũng như anh thường nói bằng chữ Pháp với anh em:
  “Ça, non plus, ca ne m’est plus entrainant… Une goutte de cette “eau” brune qui a paur effet de me calmer – et le tour est joué!.”

Tam Ích chết giữa những chồng sách vở bề bộn chất cao ngất ở chung quanh, đứng lên văn chương sách vở mà chết. Nhưng đến khi chết, anh vẫn cố giữ cho hoàn toàn cái đẹp của kẻ sĩ trong thời buổi đảo điên: đẹp cả về tinh thần và vật chất.

Về vật chất: anh lấy mùi soa bịt chặt lấy miệng lúc nghểnh đầu nhìn sang thế giới bên kia. Mặt khác, sợ rằng chân mình giẫy giụa làm kinh động kẻ khác chăng, anh lại cẩn thận lấy dây buộc chặt hai chân mình lại.

Về tinh thần: mọi công việc xếp đặt đâu ra đấy, không để cho ai phải phàn nàn; tờ khai lý lịch, nhờ tôi làm giúp để gửi cho ông bạn chủ nhiệm tạp chí mà anh đương cộng tác; thư từ để lại cho vợ con rất phân minh; thậm chí đến một bản thảo của một người bạn quen biết anh ở hội Subud nhờ sửa chữa, anh cũng cho vào bao, kèm một bức thơ trả lại chu đáo trước khi nhắm mắt…

Mặt khác, giáo sư Việt Hùng Nguyễn Quý Hùng (cùng dạy trường Pasteur với anh Tam Ích) còn cho biết, theo lời xác minh của các nhân viên trong ban giám đốc nhà trường, anh Tam Ích đã tỏ ra một thái độ rất chi ly, cẩn thận trước khi anh tự kết thúc đời mình. Theo lệ nhà trường thì ngày mùng 5 mỗi tháng, nhà trường đưa tiền thù lao trước cho các giáo sư, kể cho đến ngày 20, lại đưa lần nữa, tóm lại là mỗi tháng đưa hai lần tiền. Thường thường từ ngày 1 hay 2 đầu tháng, Tam Ích đã ký giấy lấy thù lao, có khi lấy ngay từ cuối tháng trước. Đặc biệt là tháng giêng mới đây, Tam Ích tuyệt nhiên không hỏi gì hết, sang ngày 1, ngày 2 cũng không, chí kỳ đến ngày 5 là ngày Tam Ích còn đi ngang qua nhà trường (trước khi đến báo Văn Học), anh cũng không vào lấy… Nhiều người cho rằng vì anh đã biết mình phải chết nên không muốn mắc nợ một ai (vì dù sao cầm số tiền ấy cũng là một thứ lấy lương trước mà sau này phải trả bằng cách dạy học… mà Tam Ích biết trước là mình sẽ không bao giờ dạy nữa…)

Tính đến năm nay, Tam Ích được năm mươi bảy tuổi, theo âm lịch (tuổi Ất Mão) - theo đúng lời anh nói với tôi được chị Tam Ích xác nhận, mà cũng theo đúng lá số tử vi mà anh vẫn cùng tôi xem để bàn luận về thân mệnh, cũng như về đại, tiểu hạn của anh.

Tôi đau buồn ghê gớm vì chuyện thầy mẹ tôi.

Bút hiệu Tam Ích nổi tiếng trong văn học sử đã lâu, làm lu mờ mất tên thật của anh. Chính tôi, lúc mới biết anh, phải đợi tới hơn hai tháng trời mới rõ tên thật anh là Lê Nguyên Tiệp, do một tấm cạc mà anh cho học trò anh, một hôm, mang đến cho tôi:

Tam Ích Lê Nguyên Tiệp
(không đề số nhà)

Trong cạc, có viết những dòng chữ như sau:

Kính anh,
Mãi nay mới được sách anh cho. Đa tạ và cảm động vì thái độ của anh đối với tôi. Tôi cũng vậy, đối với anh: đó là sự thật, chẳng phải màu mè gì.
Chúng ta già cả rồi, phải không anh? Có bao nhiêu nữa phải sống đâu mà kiểu cách xã giao. Âu đó cũng là cái duyên.Mes amitiés.

Thực ra anh không bao giờ nói tên anh cho tôi biết (có lẽ vì anh cho là không cần thiết) mà cũng chỉ cho biết đại khái anh sinh đẻ ở Thanh Hóa thôi, nhưng sau này tự mình tìm hiểu tôi được biết anh quê ở làng Ngọc Đường, tổng Vân Trai, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. (tức là cùng quê – làng trên với làng dưới – của nhà báo lão thành Tô Văn- Bùi Bá Nhân.)

Anh ở Nam từ lâu, từng tranh đấu trong nhóm Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm. Thời gian kháng chiến, anh tranh đấu chống Pháp xâm lăng, ở bưng và ngay trong nội thành, bị bắt giam và tra tấn tàn ác trong hai năm trời, một phần lớn vì anh từ trước chí sau không chịu khai tên một đồng chí nào của anh với các nhà chức trách lúc bấy giờ.

Trước khi anh mất, hàng ngày ngồi hội họp chuyện trò với nhau ở quán Tân Phương Khanh 67 đường Lê Văn Duyệt (gần trụ sở tạp chí Văn Học), Tam Ích thường hay gợi lại những kỷ niệm lúc còn mạnh khỏe và tranh đấu chống thực dân:

- Tôi nhớ… lúc ấy cái quán này lụp xụp lắm. Thỉnh thoảng bọn chúng tôi sau khi công tác rồi lại về hội họp ở đây uống nước đá chanh và ăn cơm Tây bình dân (lúc ấy mỗi phần có một đồng.)

Anh chỉ vào một người bạn, nói:

- Thằng này lúc ấy cũng ở trong bọn chúng tôi. Bây giờ già rồi, ngồi nghĩ lại y như giấc mộng, vừa thú vị mà lại vừa sợ nữa. Không phải sợ Tây nó đánh, không phải sợ đau khổ gian nan… nhưng sợ chính mình sao lúc trẻ lại khỏe mạnh đến như thế nhỉ… Bây giờ thì hết. Làm thế nào để lại hăng được như thế nữa?!

Ở nhà giam ra, Tam Ích bị cựu thủ tướng Nguyễn Văn Tâm đưa ra miền Trung an trí ở Hội An. Tại đây, anh gặp chị Tam Ích, đôi bên thành vợ thành chồng. Đầu năm 1954, Tam Ích được tha, vợ chồng dắt nhau về Sài Gòn, và anh tiếp tục làm nghề dạy học (Pháp văn) và viết văn viết báo. Trong thời kỳ này, anh hợp tác với nhiều tờ báo Pháp, Việt, phụ trách phần tiếng Pháp của đài phát thanh Sài Gòn, hợp tác với một người bạn chủ nhà sách Vĩnh Lợi tiếp tục làm từ điển. (công việc này anh làm từ khi còn bị an trí ở miền Trung.)

Điểm đặc biệt nhất của Tam Ích là bao giờ cũng chân thành nhận thức ở đời có rất nhiều người tốt (chớ không phải là đầy rẫy những người xấu xa tồi bại như nhiều người khác vẫn thường cảm nghĩ). Anh nói:

- Nếu ở đời đầy rẫy những người xấu xa tồi bại như thiên hạ vẫn thường nói thì bản thân tôi đây chết đã lâu rồi. Tôi sống được đến bây giờ là vì có nhiều người, rất nhiều người tốt với tôi. Nhưng nói thế không có nghĩa là ham sống. Sống hay chết đối với tôi cũng thế thôi… Điều quan trọng nhất, đối với tôi, là sống thì phải có ý nghĩa gì, tin tưởng cái gì, một khi thấy đời sống mất ý nghĩa, mình không còn tin tưởng gì nữa thì sống hay chết cũng vậy mà thôi.

Một khi khác, đương ngồi uống hồng trà với nhau, gặp trời mưa không về được, Tam Ích bảo tôi:

- Hôm nay tớ có tiền, chúng mình ăn cái gì với nhau cho đỡ buồn.

Ít khi Tam Ích nói đến chữ “buồn”. Anh không lưu ý nhiều về tình cảm. Anh thích nói về nội tâm mình nhiều hơn. Chính nhờ những ngày mưa gió cầm chân khách ở nơi quán gầy như thế, tôi biết thêm về nội tâm của Tam Ích hơn một chút. Cái nội tâm này, anh đã có lần viết ra trong những bức thư giấy trắng tinh (chữ rất đẹp, rất rõ) gửi cho tôi qua bưu điện, nhưng qua những câu chuyện đối diện đàm tâm, tôi mới thực tình hiểu rõ các chi tiết ra sao.

Tam Ích là con trai một thế gia vọng tộc ở Thanh, thân phụ anh là một người hay chữ có tiếng tức là cụ cử Ngọc Đường. Hồi diễn ra cuộc di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam, anh biết tin của gia đình là cụ cử Ngọc Đường bị đấu tố. Anh Tam Ích không dám nhớ lại việc này (vì cứ nghĩ đến thì anh thấy rùng rợn quá) và cũng chỉ nói sơ sơ cho tôi biết vậy mà thôi, chớ không nói dài dòng. Nhưng qua nhiều bạn khác đã từng tranh đấu, đi sát với Tam Ích hồi đó, thì cụ cử Ngọc Đường, trước sự bất lực của một người con trai – em anh Tam Ích không dám đi ngược lại ý định của Đảng – đã nói với các người đấu tố như sau: 

Tôi chẳng may sinh vào lúc đất nước bị xâm lăng, phải sống như mọi người, làm ăn như mọi người, một tấc sắt trong tay không có nên không đánh đuổi được thực dân. Tôi nhắm mắt lại làm ăn, có ít ruộng đất để cho con, không ngờ như thế lại là có tội, vậy tôi xin chịu tội. Các anh không cần phải làm nhục, tôi tự xử lấy tôi đủ rồi.”

Nói rồi ông cụ treo cổ tự tử.

Gia đình ly tán, thân mẫu anh Tam Ích phải tha phương cầu thực kiếm ăn… Tam Ích hết sức đau đớn về chuyện đó. Chính anh, trong một bài báo đăng trong Văn Học đã nói qua về chuyện đó, ngoài ra anh lại viết cảm xúc của anh trong một bức thư gửi cho tôi, đại khái:

J’en ai jusqu’à la gorge car j’ai passé par mon historicité trop chargée: mon père pendu à cause du VM, ma mère isolée et condamnée à avoir faim et avoir froid. Je souffre énormément jusqu’à perdre ma raison de vivre!

Tam Ích đau buồn ghê gớm về vụ này, nhưng một lời nói là một đọi máu, tôi không nói sai làm gì: chính tai tôi chưa nghe thấy Tam Ích chửi rủa hay căm thù kháng chiến hay chính phủ một lần nào.

Nhưng nguyên nhân mất tin tưởng phát sinh từ đâu?

Qua nhiều buổi chuyện trò tâm sự khác, tôi được biết là sau khi nghe được tin thân phụ và thân mẫu chết một cách vô cùng oan khổ, anh Tam Ích chán nản vô cùng, nhưng đó cũng chưa phải là nguyên nhân làm cho anh vô tình với sự sống, với kiếp sống nhân gian. Cái đã làm cho anh nguội lạnh với cuộc đời là sự thất vọng, sự vô nghĩa của sự sống. Trong bức thư đề ngày 30-8-1971, anh đã viết cho tôi:

 “Tôi cũng không hiểu tại sao tự nhiên tôi lại yếm thế một cách từ từ. Từ từ, vì hình như ở cõi nhân thế này không còn cái gì có ý nghĩa đối với tôi nữa.

… Anh thấy là nguy hiểm chưa anh? Khi mà người ta thấy không còn một chút nồng nhiệt, thì buồn nản hết sức – người ta có thể chấp nhận cái chết một cách hết sức, hết sức thản nhiên!”

Theo tôi, cái chết ám ảnh Tam Ích đã từ lâu, lâu lắm rồi, ít ra cũng là hơn một năm nay – khi anh viết cho tôi:

“Phải mà. Tôi có một lời nguyện: nếu phải chết xin cho chết lẹ. Đó là điều mong duy nhứt của tôi.”

(Si. J’ai fait une prière: si on doit mourir, on meurt vite! Voi là mon seul souhait.)

Mà tại sao cái chết ám ảnh anh như thế? Điều này, duy chỉ có anh Tam Ích biết mà thôi, nhưng qua những bức thư anh gửi cho tôi, qua những câu chuyện tâm sự lúc chỉ có hai anh em, khi thì đông đảo bạn bè, lúc dắt nhau đi thơ thẩn trên các nẻo đường, hay khi ngồi trước một ly nước trà, một đĩa thịt bò lúc lắc hay vài ba cái bánh ngọt, bây giờ suy ngẫm lại thì tôi thấy rằng anh chán sống, luôn luôn nghĩ đến cái chết vì nhiều lý do khác biệt, nhưng lý do chính là vì anh mất hết cả tin tưởng trong cuộc sống.

Tư tưởng yếm thế – cái yếm thế trầm trầm mà Tam Ích đã nói tới trong bức thư gửi ngày 30 tháng 8 năm 1971 – thực ra không phải mới phát sinh như anh đã nói, nhưng từ lâu lắm rồi – ít nhất cũng từ trọng đông năm 1970 là thuở tôi gặp anh lần đầu. Mặc dầu là trong những khi trò chuyện tâm tình với nhau, Tam Ích cười cợt, pha trò và có nhiều khi chỉ vì một lý do rất tầm thường anh bỗng cất tiếng cười ha hả, cười rất lâu, có khi đến chảy nước mắt ra, tôi vẫn thấy ở trong anh có một cái gì rất chán chường vương ở trong đôi mắt anh, một cái gì chua chát xót xa trong cặp môi anh.

Thoạt đầu, tôi cho là tại anh không được mạnh, mà không có sức mạnh, người ta buồn rầu cũng là lẽ tự nhiên. Nhưng chính Tam Ích, trừ phi có hỏi mới nói đến bệnh tật của mình, ngoài ra tự nhiên không bao giờ anh lại phàn nàn về bịnh tật.

Nói về bịnh tật, anh nói vắn tắt và thản nhiên:
 “Cơ thể tôi hỏng cả,”

,hay:

 “Họ đánh tôi nhiều quá, nhất là hai bàn tay, máu và nước vàng chảy ra nhiều quá, chữa lâu lắm mới khỏi. Nhưng dạo này máu và nước trong lỗ tai lại chảy ra như trước“,

 hoặc: 

“Tôi đau cái đầu quá sức, nằm không chịu được, ngồi cũng không chịu được. Chốc nữa, tôi lại phải kiếm một rạp chiếu bóng nào có máy lạnh vào ngồi để cho mát cái đầu rồi đến chiều tôi mới về.”

Tháng 5 năm 1971, anh Vương Bách đưa anh vào bệnh viện Bình Dân chiếu điện. Kết quả: cơ thể anh tốt cả, không có cao áp huyết mà nước tiểu không có tròng trắng trứng hay đường. Chính Tam Ích lấy làm ngạc nhiên hết sức khi báo cho tôi tin đó và đưa cho tôi các giấy tờ của bệnh viện cấp cho anh. Anh nói: “Tant mieux” (Càng tốt) rồi nói sang chuyện khác.

Trong anh em bạn bè có người cho rằng anh chán nản thường nói tới không thiết sống, là vì đời sống gieo neo, nhất là không đủ tiền để hút. (vì anh có hút thuốc phiện).

 Riêng tôi, có thể nói rất nghiêm nghị mà không sợ anh Tam Ích ở dưới suối vàng cải chính: Tam Ích hút, nhưng hút rất ít, mỗi ngày dăm bảy điếu, số tổn phí về á phiện, so với các anh em khác, không đáng kể, so với lợi tức hàng tháng của anh, kể cả dạy học, viết văn thường thường có chừng dăm sáu chục. Mà dăm sáu chục đó, anh không phải chi tiêu về gia đình nhiều vì vợ con anh đều có lợi tức riêng. Một phần lớn tiền anh kiếm được, chỉ để tiêu cho riêng mình, đại khái như ăn bánh, uống nước, giúp đỡ các anh em nghèo túng hay mua báo chí sách vở ngoại quốc để đọc – vì anh có thể nhịn ăn được nhưng không nhịn được đọc sách, mỗi khi có kỳ báo Pháp, báo Mỹ qua đây, thể nào cũng phải mua cho kỳ được mấy số báo quen thuộc, nếu không thế thì băn khoăn, bứt rứt không chịu nổi.

Riêng về vấn đề thuốc phiện, Tam Ích từ tháng Hai 1971 đã cai hai lần. Anh hỏi các bác sĩ về những thuốc cai của Tây mới nhứt, anh lại tìm các môn thuốc cai của ta có tiếng là thần, ngoài ra anh lại tập Zen và ghi tên vào hội Subud để luyện trí óc cho kiên cường.

Lấy tư cách là một người đã hút và đã cai, chính tôi đã khuyên Tam Ích chẳng nên cai làm gì vì lẽ anh không được mạnh, cố cai có khi sinh ra biến chứng nguy hiểm cho sự sống. Đến lúc mất, Tam Ích chưa bỏ hẳn được thuốc phiện, nhưng tôi biết chắc chắn mỗi ngày anh chỉ dùng có bảy, tám giọt pha với nước trà, như thế để rút dần dần đi. Hỏi rút như thế thì có làm sao không, Tam Ích bảo chẳng làm sao hết. Như vậy, theo ý tôi, vấn đề tiền tài và thuốc phiện không phải là điều làm cho Tam Ích chán chường đến nỗi không thiết sống.

Còn vấn đề vợ con. Với tôi, Tam Ích cũng không bao giờ tỏ ra buồn khổ vì vấn đề vợ con. Về vợ, chỉ có lần Tam Ích nói – và câu này, nếu còn sống, anh cũng cho phép tôi nhắc lại vì anh viết trong thư – mà thư ấy, theo ý anh thì muốn tôi sau này sẽ in thành sách ghi là :

Thư tín giữa Tam Ích – Vũ Bằng:

J’ai aussi mon drame doméstique. Une goutte d’eau qui croit faire déborder le vase. Ma femme comprend les choses à sa facon. Que c’est curieux! Que c’est humoristique!

Hai chữ aussi và humoristique (do tôi gạch ở dưới) theo tôi, tỏ ý rằng Tam Ích không mấy chú ý đến chuyện đó và chỉ cho nó có một giá trị tầm thường. Thảng hoặc có hôm, anh vừa cười vừa nói: 

“Vợ tôi lại mới giận tôi. Nguyên do? Tiền vợ tôi cần, tôi mượn tôi mua sách mất hai ngàn, hôm nay phải xoay đem trả lại”, 

hoặc: 

“Vợ tôi muốn tôi nhận công tác trực tiếp với nhà sách Vĩnh Bảo. Nhưng tôi tin tử vi, không chịu làm. Vợ tôi không bằng lòng nhưng sau cũng nghe tôi…”. Đó, những chuyện gia đình đại khái như thế cả. Đứng ở ngoài nhìn vào, thì đó cũng chẳng phải là chuyện to lớn gì mà hầu hết người đàn ông nào chẳng có những bất mãn vặt ở trong gia đình như vậy?

Đến vấn đề con, anh có tất cả năm con, cả năm đều đã trưởng thành: một tòng sự tại sở Điện Lực, một tòng sự ở hãng Esso, một học năm thứ tư trường Luật, còn hai gái thì đã lớn và thành gia thất, một ở với ông và một làm dược sĩ lấy chồng quân y giúp việc tại một bệnh viện lớn vào bậc nhất trong Chợ Lớn.

Vậy có thể coi là về vấn đề gia đình Tam Ích cũng không đến nỗi buồn muốn bỏ cuộc đời nầy ra đi.

Cái tâm sự mà Tam Ích hay đề cập với một vài anh em và nhắc đi nhắc lại nhiều lần với tôi, trong các câu chuyện lẫn trong các thư từ trao đổi là vấn đề này:

“… mais quoi écrire, écrire pour quoi faire? Et pour qui?
… Même si mon oeuvre tombé en ruines d’un coup, ca me laisse froid…
N’est ce pas dangereux, pour un homme, my dear? Quand on n’a plus un peu de passion, ca devient trop banal – on accepte la mort avec beaucoup d’indifférence…”

Thật vậy từ lâu đã lâu lắm Tam Ích rất dửng dưng với đời. Tại sao? Là vì anh không còn tìm thấy lẽ sống nữa. Lẽ sống ấy, anh mất đi từ lúc cha bị đấu tố, mẹ lưu lạc bặt tin. Đã vậy lại còn bao nhiêu đau đớn đè trĩu lấy vai anh, gieo rắc u buồn thất vọng vào óc anh; đến nỗi chính những chiến hữu của anh bây giờ còn sống ở đây, nhiều lần đã phải nói nhỏ với tôi:

“Tam Ích hãy còn sống được, cũng là điều lạ. Tôi tưởng nó phải chết đã lâu rồi!”

Những người bạn đó nói như thế không phải nói đùa, nhưng nói như thế để ca ngợi Tam Ích là người can đảm, chịu đựng. Nhưng sức người dù can đảm, chịu đựng đến chừng nào đi nữa có một lúc cũng phải quỵ: ấy là lúc đã hết cả hy vọng rồi, hết cả tin tưởng rồi, hết tin tưởng vào chủ nghĩa đệ tứ, hết tin tưởng vào chủ nghĩa đệ tam, hết tin tưởng vào chủ nghĩa quốc gia, hết tin tưởng vào Phật giáo. Thanh niên là tương lai của quốc gia, Tam Ích cũng không tin tưởng nốt. Mà bóng của hòa bình thì mờ mịt, xa xăm, không biết dân ta còn thảm khổ, rên xiết đến bao giờ mới ngẩng được đầu lên…

“Đối với một người, có phải mất tin tưởng, có phải dửng dưng với cuộc đời như thế thì nguy hiểm quá, phải không?”

“Một khi người ta đã không còn lấy một chút nồng nhiệt trong lòng thì buồn tẻ quá chừng – người ta tiếp nhận cái chết một cách hết sức, hết sức dửng dưng…”

Trong trường hợp Tam Ích, chết mới đúng là giải thoát.

Tam Ích chết, theo tôi, vì anh là một nghệ sĩ: nghệ sĩ đi tìm cái đẹp, đi tìm hạnh phúc mà không thấy cái đẹp, không thấy hạnh phúc thì tự mình thấy mình vô ích, sống thêm vào nhiều năm nữa cũng chỉ là vô ích và kéo dài thêm sự tủi nhục cho bản thân, sự đau đớn cho tâm hồn mà thôi.

Tôi nhớ cuối năm 1971, trước lễ Giáng Sinh, Tam Ích một hôm tự nhiên tặng tận tay tôi một bài (chưa đăng tải báo nào) nói lên cái ý tôi vừa nói đó. Bài này là một bài (hiện tôi vẫn còn giữ làm tài liệu) nhan đề là Chuyện chân lý riêng và chân lý chung của con người,  lấy cuốn Cô Lâu Mộng của cụ Ngọc Am Võ Liêm Sơn bàn luận về văn nghệ.

 Đại ý câu chuyện là Khái Sinh – nhân vật chính trong truyện – cũng mất tin tưởng ở cuộc đời. Tất cả chỉ là một ác mộng: công danh, sắc đẹp thu hết vào trong “một bộ xương khô”, tiếng Tàu kêu là một tòa cô lâu mà giấc ác mộng thì kêu là cô lâu mộng.

Khái Sinh bỏ nhà, bỏ vợ ra đi và tưởng là tìm được chân lý, nhưng lầm, vì chán chường, cuộc đời nhớp quá. Chàng nói với mẹ: 

Con không làm cho thế giới này đổi ra thế giới khác thì ít ra con cũng tìm được một nơi trong sạch ở ngoài thế giới này.”

Khái Sinh đi, đi mãi nhưng vẫn không tìm ra chân lý. Kết cục ông Ngọc Am không nói rõ Khái Sinh đi đâu.

Kết luận, Tam Ích viết như sau:

Chân lý là sự giải thoát cá nhân ra khỏi tất cả những công thức xã hội, văn hóa… cá nhân thực hiện được hết cái bản năng tiềm tàng, phong phú và cái cá tánh đầy sinh tố tinh thần của mình, không bị một công thức lịch sử xã hội hay văn hóa trói buộc, không bị một nền văn hóa phong kiến hay tư bản nào đàn áp.”

Muốn thực hiện được chân lý ấy, cần phải cải tạo xã hội và giải thoát cá nhân. Nhưng không bảo ta nên quên rằng chân lý là hình ảnh của viễn vọng chớ không phải là sản phẩm của hiện tại. Con đường đến chân lý sẽ dài và rất kỳ khu. Đến đích, mỗi cá nhân sẽ giành được quyền tự do phát triển cá tánh và bản năng đến cực điểm, không bị một sức mạnh kinh tế và văn hóa nào chi phối nữa.

Ngày đó, chân lý chung của loài người sẽ xuất hiện. Nhưng vì đuối sức, vì thấy mình mất tin tưởng mất rồi, Tam Ích tự coi mình là vô ích nên chết đi, nhưng ta nên biết một đặc thù này: Tam Ích tự mình ấn định cái chết của mình, tự mình quyết định cái chết của mình, tự mình chọn lựa cái chết của mình, tự Tam Ích đã tỏ ra là anh giải thoát cho mình không cần đợi cho Thần chết giải thoát, tự anh chọn lấy cái chết chớ không cần đợi Bắc Đẩu, Nam Tào, tự anh định đoạt giờ giấc và cách thức chết chớ không cần đợi Thiên Nhiên hay Thượng Đế định đoạt. Trước thiên nhiên và trước xã hội loài người, Tam Ích, đến lúc đi sang thế giới khác, vẫn phản kháng thiên nhiên, phản kháng công thức xã hội (cho rằng tự vẫn là nhát và sẽ mất linh hồn), và lấy cái chết của mình để minh tỏ rằng anh, chỉ có anh, mới có thẩm quyền định đoạt cái sống cái chết của anh, chỉ có anh có quyền tự do phát triển cá tánh và bản năng đến cực điểm, không có một sức mạnh kinh tế văn hóa nào chi phối nổi.

Trọng đông Tân Hợi

 VŨ BẰNG

Văn Học số 145 (1-4-1972)

-------------------

Từ ngày 30 tháng Chạp 1971 (Dương lịch) đến ngày 4 tháng Giêng 1972, tôi chỉ gặp Tam Ích thêm một lần. Khác những lần gặp trước, lần này, anh có vẻ tươi hơn và có vẻ mạnh hơn. Nhưng chúng tôi không trò chuyện được với nhau lâu “ở cái quán cóc quen thuộc” vì hôm đó có hơn mười anh em tề tựu để nói về các vấn đề thời sự văn nghệ.

Uống cạn một ly hồng trà, Tam Ích chắp tay vái mọi người, cười ha hả rồi đi về phía Ngã Sáu. Anh cũng không hỏi tôi đã điền vào bảng kê khai lý lịch của ông chủ báo bạn anh chưa.

Vì bận rộn mưu sinh, tôi chưa làm được cái công việc anh giao phó thì sáng mùng 6 tháng Giêng Dương lịch năm 1972, bạn Phạm Trần, rồi tới giáo sư Nguyễn Quý Hùng, đến Quán Cóc nói trên, báo cho tất cả anh em biết là anh Tam Ích đã qua đời rồi.

Tất cả anh em ở đấy đều bưng mặt khóc – mà những bạn “giang hồ” nhất, “chai” nhất, lại khóc trước nhất, nhiều nhất, nghẹn ngào nhất, ấm ức không nói được lên lời. Tôi cũng khóc, và ngay lúc ấy tôi hiểu tại sao Tam Ích lại lấy cớ đi xa khỏi Sài Gòn, nhờ tôi điền vào bản kê khai lý lịch ông chủ nhiệm tờ tạp chí gửi cho anh vào một ngày cuối năm 1971.

Văn Học số 145 (1-4-1972)

    nguồn: Vũ Bằng Toàn Tập, tập IV. Nhà văn Triệu Xuân sưu tầm, biên soạn, giới thiệu. NXB Văn học, 2006.

============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét