Nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy: Dạy con sống nghĩa tình
PNO - Chị chưa bao giờ lớn tiếng quát mắng hay đánh đòn các con. Sự dịu dàng, nhỏ nhẹ nhưng gần gũi, thân thiết của chị có một sức mạnh riêng - đủ để điều khiển năm người đàn ông trong ngôi nhà nhỏ.
Cứ rù rì, nhỏ nhẹ bằng những câu chuyện, bằng những lời gợi mở, Thu Thủy ở bên các con từ khi chúng là những cậu bé đến khi chúng trở thành những chàng thanh niên, đi làm về chạy vào phòng mẹ, nằm trên chiếc giường của mẹ, kể cho mẹ nghe về công việc và tình yêu của mình, như những người bạn thân thiết.
Nhắc đến phụ nữ Huế, tôi thường nghĩ ngay đến nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy. Hơn 20 năm quen biết, tôi chưa bao giờ thấy chị đánh mất sự nhẹ nhàng, dịu dàng và tươi tắn - những điều hết sức đặc trưng của phụ nữ Huế. Cứ tưởng với sự yếu đuối, mỏng manh và hiền dịu ấy, chắc chị sẽ gặp không ít khó khăn khi dạy dỗ bốn cậu con trai.
Thế nhưng đến nhà chị chơi, nghe những câu chuyện gia đình của chị, tôi mới hiểu rằng người mẹ ấy đã dạy dỗ con bằng sức mạnh từ những điều tưởng như rất mỏng manh.
Gia đình nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy |
Dạy con bằng tình yêu thương
Thu Thủy bảo, mình dạy con bình thường lắm. Từ khi sinh đứa con đầu đến nay, hơn 30 năm, chị chưa bao giờ nghĩ chuyện mình muốn hướng các con theo cách nào: “Chỉ để con phát triển thuận theo tự nhiên”. Tự nhiên chỉ bảo chị những điều hết sức giản dị: luôn ở bên con, quan sát, theo dõi và chia sẻ với chúng. Con ở độ tuổi nào thì phải hiểu tâm lý phát triển và hòa nhập vào đời sống các con.
Chồng chị đam mê công việc. Anh từng được giao những nhiệm vụ nặng nề trong các đơn vị văn hóa của thành phố nên anh thường xuyên đi sớm, về trễ, vắng mặt trong các bữa cơm gia đình. Hiểu chồng và vai trò của mình, Thu Thủy bỏ nghề giáo, về nhà lo nuôi dạy con cho chồng yên tâm công tác.
Lúc đầu là xe đạp cọc cạch, rồi chiếc chaly bé xíu, chị đưa đón bốn cậu con trai đi học suốt mười mấy năm, để bây giờ ba chàng trai đều đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định, cậu út đang học năm cuối. Những bữa cơm gia đình vắng chồng, chị luôn giữ không khí nhẹ nhàng, ấm áp.
Chị trò chuyện với các con, dành nhiều thời gian chơi với con khi con còn nhỏ, đọc truyện cho chúng nghe khi con lớn hơn. Những bài học cuộc sống đầu tiên chị truyền cho con đều từ những nhân vật ngụ ngôn đáng yêu và thú vị. Cũng nhờ thế giới trẻ thơ ấy, chị đã có hai tập thơ và một tập truyện dành cho thiếu nhi.
Chị chưa bao giờ lớn tiếng quát mắng hay đánh đòn các con. Sự dịu dàng, nhỏ nhẹ nhưng gần gũi, thân thiết của chị có một sức mạnh riêng - đủ để điều khiển năm người đàn ông trong ngôi nhà nhỏ.
Dạy con giữa xô bồ cuộc sống
Năm 1988, sau khi sinh cậu con trai thứ hai, chị bỏ nghề giáo và mảnh đất Nha Trang yêu quý để theo chồng vào TP.HCM. 30 năm qua, căn nhà của họ vẫn ở chỗ cũ - trong con hẻm nhỏ dài loằng ngoằng trên đường Âu Dương Lân, quận 8, giữa một cộng đồng dân cư tương đối phức tạp.
Thế nhưng, trong căn nhà ấy vẫn luôn giữ được nền nếp, sự bình lặng và hiền hòa. Các con chị trưởng thành giữa những xô bồ, vẫn là những chàng trai ngoan hiền, biết vâng lời cha mẹ, đi học về biết phụ mẹ quét nhà, rửa chén.
Khác với nhiều người - e ngại và sợ hãi khi buộc phải sống trong những hoàn cảnh quá khác biệt với mình, chị Thủy cười hiền khi kể về hàng xóm. Chị bảo, người lao động có đời sống, tâm tư của họ; bình thường họ cũng hiền, cũng vui, thỉnh thoảng cũng say xỉn, đánh chửi nhau ồn ào. Chuyện lấn cái hàng rào hay vài tấc đất của nhau cũng thường xảy ra.
Thế nhưng, mình hãy tự trọng và tôn trọng người khác, thông cảm và nhường nhịn mọi người thì tự khắc mình cũng được đối xử lại như vậy. Đừng quá khép kín, bảo vệ và co cụm hay thờ ơ, vô cảm; nhưng cũng đừng lê la, tọc mạch, bàn tán chuyện người. Chị mang cái tâm hiền hòa của mình ra đối đãi với người xung quanh.
Giúp ai được cái gì, có khi chỉ là ký gạo, vài bộ quần áo chị cũng sẵn lòng. Chị quan tâm đến mọi người trong cái tình mình khổ, nghèo, nhưng có những người còn khổ hơn mình, cần phải biết thương yêu, san sẻ cho nhau. Cách sống đó của chị đã truyền vào bốn cậu con trai thành cách đối nhân, xử thế khi chúng trưởng thành.
Giờ đây, bốn chàng trai của chị đều đã lớn, thành những người biết quan tâm, chia sẻ với người khác; sống với bạn bè, anh em họ hàng có nghĩa có tình. Đó chính là một trong những nền nếp gia đình mà chị Thủy coi trọng và đề cao.
Song Văn
(thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét