Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

đọc thêm (3) : " Từ Hoài Tấn , những ' gam' màu khảm nặng trầm tích "/ Du Tử Lê " -- source: Blog Du Tử Lê ( Mỹ)

 


 Thơ Từ Hoài Tấn, những gam màu khảm nặng trầm tích

  DU TỬ LÊ
 i.e. Lê Cự Phách 1942- 2019 ] 
Tôi thích cái lối chơi thơ của anh. Từ Hoài Tấn chế cái gạch ngang (-) như nhấn mạnh cho người đọc hiểu cuộc đời anh là thế đó. Du Tử Lê thì chặt (/) xuống mỗi con chữ, thành thử khi đọc hay ngâm thơ ông có cái gì như bóp cuống họng mình lại, nhưng làm quen hình thức đó rồi, đến khi đọc thì thấy thơ của Du tiên sinh hay siêu việt và bay bổng. Cho nên thơ nó nằm ở cõi phi ấy nhưng phải khởi từ cõi thực. Cho dù gạch ngang hay gạch dọc, chưa phải xác định được một bài thơ đặc thù, bởi một bài thơ không phải là muốn nói một cái gì mà hiện-hữu (a poem should not mean but be) ngoài ra có những siêu lý của thơ nghĩa là thơ phải đi lạc đường mới là thơ hay! Tôi nói dông dài về thơ, tại vì thơ của Từ Hoài Tấn tợ như thơ Thiền. Nghe thiền sư Cổ Ðức làm bài thơ 4 chữ này:

“Khi đói ta ăn
Khi mệt ta ngủ.”

“Chỉ mấy dòng thơ ngắn mà diễn được vòng luân hồi và thuyết vạn vật nhứt thể của đạo Phật. Từ Hoài Tấn là đệ tử chân chính của những nhà thơ thiền (?) cho nên bài thơ mở đầu cho tập thơ “Hành Tinh Phiêu Lạc” cũng được ngắn gọn và thâm hậu như lời nhắn gởi với muôn trùng…

“Tôi nghĩ, chính lối sống vô tư của anh đã giúp anh vượt qua những thử thách, những gian khổ từ trong trại học tập cho đến khi trở về nguyên quán. Từ Hoài Tấn không muốn ai quản chế mình một lần nữa, anh cho rằng tự-giác-giác-tha, anh tự khắc phục anh, hội nhập với đời, thích nghi kịp thời như anh đã lao mình; chính sự dấn thân của anh là những dòng chảy bất tận trong thơ. Từ Hoài Tấn một con người nhạy cảm về tình cảm (sentimental) về tình người cũng như thiên nhiên.

 Do đó thơ Từ Hoài Tấn phong phú và dồi dào. Từ làm thơ đa dạng, có khi niêm luật, có khi tự do… theo tôi nghĩ thơ anh xây dựng dưới dạng thức nào, tiết điệu trong thơ anh là tiết điệu của thời thượng hôm nay.

“Thơ lục bát Từ Hoài Tấn làm nghe điệu và mềm, chữ dùng rất Huế. Ðan cử bài thơ nầy:
“Ngày dài lóc cóc ngoài hiên

Ngựa xe qua hết một miền còn lưa
Ngày ngồi nắng đổ chưa bưa
Như sầu ai thắp canh khuya chưa tàn.”
(Dáng Thơ)

“Từ Hoài Tấn có những bài thơ tự do, thơ không vần (blank verse) nhưng đọc lên vẫn thấy như có âm hưởng của thơ vần đó là cái vi vu theo tiết nhịp vần xoay mà cuộc sống là biến động miên man theo mảnh lòng người hoài mong; tự do và thoát tục.

“Tôi đứng bên kia con đường
Một ngày đầu đông
Ðợi người tình quá khứ
Và mong đời nhẹ gót qua đây…”
(Huế-1968) (Nđd.)

Trên đây là chân dung thơ Từ Hoài Tấn, vẽ bằng chữ viết của Võ Công Liêm, qua thi phẩm đầu tay “Hành Tinh Phiêu Lạc” xuất bản năm 2003, bởi Nhà XB Thuận Hóa. Gần mười năm sau, năm 2012 Từ Hoài Tấn cho ra đời thi phẩm “Ði, Ðứng và chạy… với thời gian” – – Như tôi biết, đó là thi phẩm mới nhất của ông, tính tới hôm nay.

Vẫn là những cảm quan, cái nhìn đi ra từ trái tim mẫn cảm của một nhà thơ chọn ăn, ở một đời với cô quạnh, nhưng với “Ði, Ðứng và chạy… với thời gian” Từ Hoài Tấn đã cho thấy, dường ông bước lùi sâu hơn vào cõi riêng của mình. Tôi hiểu, khi chọn tựa đề “Ði, Ðứng và chạy… với thời gian” cho thi phẩm mới của mình, tác giả cho thấy dòng đời vẫn xuôi chảy, dù chúng ta có chạy, đi theo hay đứng lại. Nhưng tâm thức của mỗi cá nhân vốn độc lập.

Nó nằm ngoài định luật tự nhiên này – – Hiểu theo nghĩa chúng ta có toàn quyền chọn cho mình một thái độ ứng hợp: Xuôi theo hay đứng lại, bên lề…

Với Từ Hoài Tấn, chẳng những không “Ði, Ðứng và chạy… với thời gian” mà thơ ông còn cho thấy quá khứ, thiên nhiên những bức tranh tĩnh lặng, tựa những game màu cũng đã khẩm nặng trầm tích qua những liên tưởng sắc, buốt, xỉa-xói-vết-thương:

“Ly thủy tinh trong vắt như nỗi buồn không soi đáy
Khuôn mặt em hình quả mãng cầu gai
Ta nhảy múa với niềm vui cô độc
“Một kẻ lạ đi qua
Lời nguyền rủa
Như thanh kiếm chém vào mặt
“Một cô nàng đi qua
Tiếng cười vỡ
Ly thủy tinh ném xuống mặt đường
“Ngày đi qua
Thì thầm điệu ru tội lỗi
Ðôi tình nhân hôn nhau cuối hẻm”
(Trích “Trong Quán Rượu”)

hoặc:

“Ta thử khóc và cười mỗi ngày
Hình như không ai nhìn thấy
Ngày đi và đêm xuống
Không có nghĩa gì với gã ăn mày mù lòa tự nhiên đi qua công viên
Hay ngồi lặng lẽ trên băng ghế
“Ngày đi và đêm xuống mối tình em mang rơi theo
Sao viên đá nặng vẫn đeo trên cổ.”
(trích “Khúc Ban Chiều”)

hoặc nữa:

“Trong một cố gắng không dừng lại
Tôi hẹn hò em
Ám hiệu ngắn
9 giờ sáng – góc ngã tư – bờ tường tím – đội nón xanh
Tin đi
Người đi
Cuộc hẹn đi
Thời gian đi
“Và như thế
Trong một cố gắng không dừng lại
Tin mất
Người mất
Thời gian mất
“Chỉ còn lại
Tôi.”
(“Cuộc Hẹn”)

Vẫn với Từ Hoài Tấn, chẳng những không “Ði, Ðứng và chạy… với thời gian” mà ông còn cho thấy chia ly và bóng tối từ những tháng, năm khuất lấp vẫn tìm về trong thơ ông, tựa những game màu ám-dụ, đầy những liên tưởng sắc, buốt; mang theo những lát dao lạnh lùng đào-xới-những-vết-thương cũ, mới:

“Trả lại cho tình em vì không còn cách nào giữ lại em
Khi em đã là người khác
Khi đôi mắt em là ngọn lửa khác
Khi lời tình yêu đã là tiếng vang vọng
Và khi ngày đã trở qua đêm”
(Trích “Chỗ Không Cùng”)

hoặc:

“Vào những đêm khuya khi vầng trăng không còn
Sao Hôm dần biến mất
Anh tìm em trong bóng mây qua
Ðôi mắt em ẩn chứa niềm bí mật
“Chúng tôi sống lặng lẽ mơ ước trong gió bụi của khốn khổ
Hàng đêm nhìn lên khoảng trời xanh
Thì thầm cầu nguyện và mong đợi phép lạ…”
(trích “Những Ngôi Nhà Thuê ở Ðường Số 37”)

Tuy nhiên, có dễ mưa mới người bạn hoặc, nói một cách thậm xưng, là người tình thủy chung nhất của nhà thơ này.

Với tôi, mưa là hiện tượng thời tiết quen thuộc, thân thiết của rất nhiều thi sĩ Việt Nam. Nhưng, nếu có một nhà thơ cho thấy mưa hiện diện cùng khắp các trang thơ của họ thì, một trong những người đó là Từ Hoài Tấn:

“Tháng mười hai năm ấy
Mưa trở lại
Trong hẻm nhỏ có quán cà phê
Bà chủ bốn mươi tuổi
Em trở lại ngồi bên ta
tời tình ái dài và đều như mưa ngoài cửa”
(trích “Kỷ Niệm”)
…….
“Mùa mưa anh không thoát khỏi chiếc bóng em
Sự suy tư mòn gặm
(…)
“Buổi sáng theo cơn mưa đầu ngày
Một chút nhớ làn khói bay
(…)
“Em thiên nhiên đóa hoa mùa hạ
Những giọt mưa đầu mùa sóng sánh chiếc ly không
(…)
“Ai đi ngang che giấu mặt nõn nường
Mưa vang âm dòng suối”
(Trích “Khi Yêu”)
……
“Buổi chiều mưa bất thường trái mùa
Khúc trầm bên chén trà
Người phụ nữ bước qua bên kia đường đón xe buýt
Dưới tàng cây che phủ vệ đường núp mưa những cô gái nhỏ xì sầm
Cảnh tượng chiều xám”
(trích “Thơ Cuối Năm”)
……
“Những ngày này thường có cơn mưa đêm về sáng
Ðều đều như lời kinh dịu dàng cám dỗ
Mùa mưa chưa qua sao”
(trích “Lời Cám Dỗ Dịu Dàng”)
……
“Cơn mưa đi qua ánh sáng của ngày
Khúc hát ru chiều sẩm tối
Người thanh niên đứng trong hẻm cụt nói rằng
Môi hôn trên cây và nụ cười trên gió”
(trích “Khi Mùa Mưa Bắt Ðầu”)
……
“Buổi chiều về qua ngõ
Không nghe tiếng dương cầm
Vị mặn ở đầu lưỡi
Mưa và em”
(trích “Là Khi Em Ði”)
……
“Chiếc dù che góc quán nhỏ vệ đường ngồi hai người
Những chiếc ly không đầy nước
Ngày mưa qua
Ðôi mắt ẩm ướt em nhìn ngắm giọt đều không tạnh…”
(trích “Thành Phố Mưa”)
…….
Ngay với những trang thơ không có một chữ “mưa” nào của Từ Hoài Tấn, nhưng ngữ-cảnh toàn bài, cũng cho tôi cảm được đâu đó, hơi hướm những cơn mưa chờ đợi.
Tôi nghĩ, có dễ “mưa,” chiếc bóng thứ hai, đeo đẳng hành trình và, cũng là định mệnh thi ca của tác giả này?

Du Tử Lê
(Calif. Tháng Giêng 2017)

———–
Chú thích

(*) nguồn: Võ Công Liêm: “Dòng chảy không ngừng ở Từ Hoài Tấn,” Bạt, thi tập “Ði, Ðứng và, chạy… với thời gian,” (2012)
(**) Từ Hoài Tấn  tốt nghiệp Sĩ Quan Trừ Bị Khóa 3/70 Trường Bộ Binh Thủ Đức.



=============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét