Trần Yên Hòa hơn 55 năm làm thơ
Tác phẩm Trần Yên Hòa Hơn 55 Năm Thơ
Bài THANH PHONG
LITTLE SAIGON - “Bây giờ, thơ, văn là môn giải trí quí giá nhất của tôi. Có thể để làm cho mình đỡ cô đơn, xóa đi những giây phút trống rỗng, ở Mỹ, với cuộc đời đầy trầm luân, bầm dập của tôi. Nếu nói, thơ văn là nghiệp mà tôi đã vướng vào thì cũng đúng, vì hầu như suốt đời, tôi lúc nào cũng nghĩ đến nó. Đây là tâm tư thật lòng của tôi.”
Nhà thơ Trần Yên Hòa (ảnh cung cấp)
Trên đây là đoạn cuối trong lời tâm sự của nhà thơ Trần Yên Hòa trong trang đầu cuốn sách “ Trần Yên Hòa Hơn Năm Mươi Lăm Năm Thơ” vừa được tác giả gửi tặng nhật báo Viễn Đông.
Sinh trưởng tại Tam Kỳ, Quảng Nam trong một gia đình mà thân phụ và người chị cả đều mê Thơ, nên từ khi còn thơ ấu, Trần Yên Hòa đã nghe bố mình ngâm nga những bài thơ Đường, thơ thất ngôn bát cú do chính thân phụ sáng tác, cũng có lúc nghe bố họa lại thơ của các ông chú, ông bác trong làng, và những buổi trưa hè nghe mẹ ru mình ngủ bằng những câu ca dao thắm đượm mùi vị quê hương, tình yêu trai gái nên “thơ” đã thấm sâu vào lòng ông bằng những âm thanh ấy khiến sau này ông yêu thơ và làm nên những bài thơ tuyệt diệu.
Ngoài cha mẹ, Trần Yên Hòa còn có người chị cả là chị Khiêm cũng rất yêu thơ văn. Vào những buổi trưa hè hay những đêm trăng sáng, chị nằm trên võng ngâm nga những vần thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Bính khiến Trần Yên Hòa đâm mê thơ từ lúc nào không biết, và rồi quyết theo đuổi “nghiệp” thơ dù biết rằng sẽ khó khăn và nhiêu khê lắm.
Trần Yên Hòa bắt đầu làm thơ từ năm ông 12 tuổi, và chỉ qua một năm Đệ Thất ông đã làm được vài chục bài thơ viết trên giấy trắng mỏng, đóng thành tập, và Tập Thơ đầu tiên ông đặt cho cái tên “Lạnh Ngập Bờ Vai” trong đó ông nhớ nhất bốn câu:
Gió lạnh chiều nay thổi rạt rào
Ân tình mộng đẹp biết nói sao
Nhìn hoa tôi thấy màu tan tác
Gió lạnh bên đường biết biết bao!
Suốt những năm Trung Học, Trần Yên Hòa đã sáng tác được khoảng 20 bài thơ. Có một bài thơ, một truyện ngắn được đăng trên tập san Hoa Đàm của Tỉnh Hội Phật Giáo Quảng Tín vào năm 1964 với bút hiệu Thùy Phương Linh, và nhiều bài thơ được đăng trên một số báo tại Saigon. Đậu Tú Tài II ban B, ông ghi danh học Đại Học Khoa Học nhưng bỏ dở chuyển qua học Luật, đi lính rồi làm thầy giáo tại Mộ Đức.
Tuy nhiên dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, nàng thơ vẫn đeo đuổi ông. Trong thời gian ở Saigon ông sống chung nhà với người bạn làm ở nhà phát hành Nam Cường, hàng ngày anh đem rất nhiều báo về và Trần Yên Hòa tha hồ đọc, tha hồ nghiền ngẫm thơ, văn. Rồi ông được bạn giới thiệu làm quen với Thi Văn Đoàn “Mây Trời Việt.”
Ngay buổi họp đầu tiên, Trần Yên Hòa đã được bầu làm Hội Trưởng Thi Văn Đoàn này và năm 1968, 69, 70 thơ và truyện ngắn của ông được đăng trên các tờ Khởi Hành, Tuổi Ngọc, Thế Đứng, Tiền Tuyến v.v. tại Saigon.
Khi sang định cư tại hải ngoại, ông vẫn tiếp tục sáng tác và các bài thơ của ông được xuất hiện trên các tờ báo có giá trị như Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Sóng Văn, các nhật báo Viễn Đông, Người Việt, Việt Báo, các tuần bào Saigon Nhỏ, Hồn Việt, Trẻ Magazine, Phụ Nữ Diễn Đàn, Chí Linh, Sáng Tạo, Phố Văn v.v. đến khi tập thơ này ra đời thì đã tròm trèm 56 năm làm thơ. Ông tâm sự: Một chặng đường khá dài, coi như chiếm hết cả cuộc đời tôi, và có thể nói, khi tập thơ này in ra, tôi cũng sẽ còn làm thơ nữa.”
“Trần Yên Hòa Hơn Năm Mươi Năm Thơ” không thể gọi là “Tập Thơ” vì nó có bề dầy hơn 300 trang, chuyên chở 184 bài thơ thuộc nhiều thể loại khác nhau như thơ tự do, lục bát, thất ngôn bát cú, thơ tám chữ v.v. diễn tả đủ mọi hoàn cảnh từ khi còn là học sinh đến khi làm lính, làm quan, làm thầy nhưng đặc biệt là về cuộc tình, có lẽ qua những vần thơ như:
Ta Về, Qua Lại Bến Sông, Tiền Giang, Con Nước, Xuôi Giòng, Ngoài Kia, Giòng Sông, Nay Đã Chia Lìa, Tình Ta, Xa Ngái, Đi Về, Mịt Tăm (Tình Em Xa Ngái),
Hay: Ngày Em Đi, Có Nói Rằng, Kiếp Này Đành Đoạn, Chia Ranh Giới Rồi, Em Đã Là, Bến Ô Môi, Nên Ta Bỏ, Kiếp Này Thôi Anh À, Chờ Nhau, Qua Bến cùng Phà, Chờ Nhau Qua Hết, Ngày Ta Bội Tình, Em Đợi Anh, Kiếp Lai Sinh, Em Nguyên Si, Nguyện, Chúng Mình Trăm Năm (Kiếp Sau), hoặc một đoạn trong bài Kiếp Sau:
Thơ thất tình. Ta viết cả ngàn trang
Chưa xóa hết. Niềm Cô đơn. Tuyệt vọng
Niềm cô đơn. Khi ta quay. Ngó lại.
Em mù xa. Và ta. Cũng mù xa..
Và còn rất nhiều bài thơ khác diễn tả tâm trạng của ông, của những người si tình hay bị tình phụ mà có ở trong hoàn cảnh ấy mới thấy thấm thía và cảm thông với tác giả, và mới thấy được những vần thơ tuyệt diệu của ông. Người ta thường nói, người nghệ sĩ có lối sống, lối suy nghĩ khác người thường.
Ở đây chúng tôi thấy cách viết, cách dùng chữ, cách chấm câu của tác giả quả có khác người như mấy vần thơ vừa dẫn chứng. Trong bài “Em vẫn là Saigon, Hồng Ân Mười Năm, Khan Cổ Gọi Tình Về I và III, Gởi Tam Kỳ Thương Khó....không hề có một chữ nào được viết hoa dù là danh từ riêng như Saigon, Tam Kỳ, Quảng Tín. Ngược lại, những bài như “Tự Tình Cùng Đất Nước, Mắt Buồn v..v..thì được viết hoa như chúng ta thường thấy. Phải chăng, đây là cái khác biệt cố ý của một người nghệ sĩ làm thơ?
Nhà thơ Luân Hoán có viết ba bài thơ tặng Trần Yên Hòa: Tặng Một Trang Chủ, Tấm Chân Dung Trần Yên Hòa, Trần Yên Hòa & Rớt Xuống Tuổi Thơ, Tôi. Trong đó, bài Tấm Chân Dung Trần Yên Hòa, trích hai câu thi sĩ Luân Hoán tả:
Ông phương phi tốt tướng
Y như một đại gia
Na ná dáng bộ trưởng
Thần tượng của nhiều bà
Qua hình dung tôi đoán
Ông là người đào hoa
Hay ít ra rất khoái
Hương sắc cánh mượt mà.
Trần Yên Hòa & Rớt Xuống Tuổi Thơ.Tôi, Thi sĩ Luân Hoán viết:
Thơ văn ông viết đều tay,
Mặt nào cũng có sách bày bán chơi
Dĩ nhiên chưa dễ nghỉ ngơi
Sức trai mắn đẻ còn hơi nhiều nhiều
Loanh quanh đề tài thương yêu
Viết hoài không hết những điều ưu tư
Tình ông nếu có hơi dư
Cho tôi vay đỡ viết hù anh em
Trước tiên vẽ rõ ông lên
Tình sách tôi chợt lem nhem bất ngờ
Tôi không ảo thuật bằng thơ
Ham chơi đời cũng nghi ngờ mưu toan.
Xin mượn vần thơ trên của thi sĩ Luân Hoán để giới thiệu quý độc giả yêu thơ một tuyển tập Thơ thật giá trị với hơn 100 bài thơ hay của một thi sĩ đam mê Thơ với hơn 55 năm miệt mài làm thơ ca tụng tình yêu, cuộc sống và con người.
Xin liên lạc tác giả qua email:tran-hao47@yahoo.com.
Điện thoại (714) 360-7356.
source: báo Viễn Đông ( Mỹ)
==================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét