Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

đọc thêm (4) : " Phan Khôi, nhà văn, nhà báo, nhà lý luận xuất sắc "/ Huỳnh Văn Hoa ( Đà Nẵng) -- nguồn: daotaotruyenhinh.vn >

 

PHAN KHÔI, NHÀ VĂN, NHÀ BÁO, NHÀ LÝ LUẬN XUẤT SẮC


HUỲNH VĂN HOA



Có lẽ ít có mảnh đất nào lại tạo ra tính cách con người một cách rõ nét như mảnh đất Quảng Nam. Tính cách đó đã góp phần tạo nên những con người tài ba và nhân cách trong lịch sử đất nước, trong lịch sử văn chương. Phan Khôi là một người như thế. Trong lịch sử văn học và báo chí  Việt Nam, Phan Khôi luôn là hiện tượng mà người ta không ngừng phân tích và giải mã. Ông  sừng sững một Phan Khôi.

              Anh Huỳnh Văn Hoa nguyên giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TP Đà Nẵng vừa gửi cho tôi một bài viết về Phan Khôi và đồng ý đăng lên trang blog này. Xin giới thiệu cùng các bạn. 

 


 

                                          -  cụ Phan Khôi và gia đình

Kể từ ngày Phan Khôi nằm xuống (16-01-1959), vào tuổi 72, lặng lẽ với cỗ xe song mã màu đen, đưa ông đến yên nghỉ tại nghĩa trang Hợp Thiện, phía đông ngoại thành Hà Nội, người ta ít nói, ít viết về ông. Điều đó có lý do của nó. Tuy nhiên, dần dần, lịch sử đã thấy: “Ông đã góp công nhiều vào làng báo, làng văn và trở nên nhân vật nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam” ( Xem Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam, tập I, NXB Văn học, Hà Nội, 1997, trang 477).

Phan Khôi là một hiện tượng văn học độc đáo, có đầy đủ bản lĩnh, cốt cách của một nhân cách độc lập. Ông cũng đại diện cho cái hay và lẫn cả cái dở của người Quảng Nam. Song, nhất quán ở ông, vẫn là một con người trung thực, thẳng thắn, …với chính mình và cuộc đời. Ở ông, sống và viết đều rõ ràng, bộc lộ cái bản ngã, yêu cũng như ghét, thích cũng như không thích, cứ bày ra cả đấy! Phải vậy chăng mà ông đã gánh nhiều oan khiên cả một đời người cũng như với con cháu sau này của ông ! Trước khi chết hơn một tháng, ông có viết một bài có tiêu đề là Chết, như một tổng kết về cuộc đời của mình:

” Người Châu Âu khi gần chết có làm một thứ nghi thức, xin người khác khoan thứ mình, mình cũng khoan thứ cho người khác…Tôi thì thù oán đông lắm. Tôi không khoan thứ cho một ai hết, để mặc họ cứ oán hận”.

Nhất quán quan niệm sống này, vì thế, trong “Bài nói chuyện ở cuộc lễ kỉ niệm Lỗ Tấn ngày 30-10-1955 tại thủ đô“, Phan Khôi viết:

Lỗ Tấn phản đối trung dung, phản đối cải lương, phản đối thỏa hiệp, tư tưởng bao giờ cũng triệt để, mà nổi bật nên nhất là không khoan thứ kẻ thù địch và không khoan thứ cho đến cùng”.    

          Âu đây cũng là một biểu hiện của tính cách người Quảng Nam chăng !

             

Phan Khôi sinh ngày 20 tháng 08 năm Đinh Hợi (6-10-1887) tại làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, Nho học, cha ông là Phó bảng Phan Trân, từng làm tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa), mẹ là Hoàng Thị Lệ, con gái của Tổng đốc Hoàng Diệu, người tuẫn tiết khi Hà thành thất thủ năm 1882.

Em gái Phan Khôi là Phan Thị Diệm, lấy chồng là Lê Dư-người từng xuất dương sang Nhật và nổi tiếng trên văn đàn với bút danh Sở Cuồng. Con gái đầu lòng của ông bà Lê Dư-Phan Thị Diệm là nữ sĩ Hằng Phương, vợ nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan, mẹ của giáo sư-viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng.

Thuở nhỏ, ông học chữ Hán và nổi tiếng thông minh, có trí nhớ tốt. Năm 1905, lúc 18 tuổi, Phan Khôi đỗ tú tài Hán học. Nhưng, những năm đầu thế kỷ XX, ngọn gió Âu Tây tràn sang, cái học cũ lỗi thời, ông liền chuyển sang học chữ quốc ngữ và Pháp văn. Năm 1907, ra Hà Nội học thêm tiếng Pháp và tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục, viết giúpcho tờ Đăng cổ tùng báo. Kịp đến năm 1908, vụ kháng thuế Trung Kỳ diễn ra, Phan Khôi nhiệt tình ủng hộ, cho nên, sau khi phong trào bị khủng bố, những người chủ xướng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Tiểu La, … bị bắt và đày ra Côn Đảo, thì ông cũng bị chính quyền thực dân-phong kiến bắt, giải về giam tại lao xá Hội An, mãi đến năm 1911 mới được tha.

Những ngày trong ngục thất, Phan Khôi vẫn rèn luyện ý chí, tự học thêm tiếng Pháp. Chuyện kể lại rằng, ông siêng học đến nỗi án sát Quảng Nam Trần Văn Thông, vào tận nhà lao, tịch thu sách vở và bảo: ” Anh học để làm gi ? Ai cho anh thi cử nữa mà học ?”. Thế nhưng, ông không nản chí. Riêng về mặt tự học, ông là một tấm gương sáng, Không kể hoàn cảnh, tuổi tác, ở đâu và lúc nào, nhu cầu hiếu tri đã thôi thúc Phan Khôi không ngừng dung nạp những tri thức mới mẻ của phương Tây, nhất là những kiến thức về luận lý học, kinh tế học, triết học, đạo đức học,…Cái tài của ông là, những gì đọc được từ sách vở, ông vận dụng vào thực tiễn và trên cơ sở đó, có những kiến giải riêng.

Hãy nhìn vào công trình như Chương Dân thi thoại, NXB Đà Nẵng, 1996, Việt ngữ nghiên cứu, NXB Đà Nẵng, 1997, Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn, NXB Văn nghệ, Hà Nội, 1955, Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn, NXB Văn nghệ, Hà Nội 1956 hoặc những chương đầy chất thơ như Thi thiên, Châm ngôn, Nhã ca trong Kinh thánh Tin Lành do Phan Khôi dịch,… thì rõ.

Ra tù, ông mở trường dạy học, truyền đạt những kiến thức mới, những canh tân mới của Đông Kinh nghĩa thục, của phong trào Duy Tân. Song, cái chí không dừng lại ở đó. Ông lại ra Hải Phòng, làm thư ký cho Công ty đường biển, đường sông của Bạch Thái Bưởi, giữ việc soạn thảo các văn bản chữ Hán, chữ Pháp để giao dịch với các hãng buôn lớn của Hồng-Công, Vân Nam, Pháp. Những trải nghiệm này giúp ông có những vốn liếng để sống và viết.

Năm 1918, được sự giới thiệu của Nguyễn Bá Trác, người cùng làng, Phan Khôi viết cho Nam Phong tạp chí, một tờ báo nổi tiếng lúc bấy giờ. Thời gian cộng tác không lâu, thế nhưng, thời kỳ này để lại trong ông những ấn tượng khó quên, những chuyển đổi cơ bản về luận lý học, về văn lý phương tây, về những tư trào triết học tiến bộ của phong trào Tân dân chủ từ Trung Quốc truyền sang. Sự chuyển hướng về tư tưởng, cách viết, cách tư duy của Phan Khôi bắt đầu từ đây. Sau đó, ông lại vào Sài Gòn, viết cho tờ Lục tỉnh tân văn.

          Những năm 1920, 1921, ông ra Hà Nội, lúc này, vừa viết cho tờ Thực nghiệp dân báo và Hữu thanh tạp chí, vừa đồng thời nhận lời dịch kinh thánh cho Hội Tin Lành, dùng bản chữ Hán đối chiếu với bản chữ Pháp rồi dịch ra tiếng Việt theo cấu trúc ngữ pháp mới. Ở Hà Nội được thời gian, ông quay vào Sài Gòn, tiếp tục viết báo để kiếm sống. Tại đây, Phan Khôi bị tình nghi nên phải lẩn tránh xuống Cà Mau, xa hẳn thế giới chữ nghĩa. Mãi đến 1925, ông mới trở lại Sài Gòn, viết cho các báo Thần Chung, Đông Pháp thời báo, Văn học tạp chí và gửi bài cho Đông Tây tuần báoở Hà Nội .

Thời kỳ đắc ý của Phan Khôi là từ 1928 đến 1936. Năm 1929 đến 1932, ông làm chủ bút tuần báo Phụ Nữ tân văn . Đây là thời kỳ Phan Khôi viết nhiều và viết sắc sảo nhất. Lại Nguyên Ân trong Phan Khôi-Tác phẩm đăng báo 1928, đã thống kê chưa đầy đủ, cũng đã cho thấy chỉ duy một năm mà có đến gần 170 bài viết, bài dịch (Xem Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928, NXB Đà Nẵng và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2003). Đặc biệt là, năm 1932, trên Phụ Nữ tân văn số 122, ngày 10-3-1932, Phan Khôi đã  đưa ra “một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ. Nói như Hoài Thanh, “lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ hiện ra một lổ thủng. Ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận”. Thế là “cuộc cách mệnh về thơ ca đã nhóm dậy“. Tình già, một bài thơ không bó buộc bởi niêm luật, đã mở ra một chân trời cho thơ ca Việt Nam  giai đoạn 1932-1945(Xem Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh-Hoài Chân, NXB Thiều Quang, SàiGòn, 1967, trang16). Ở Hà Nội, ông làm chủ bút Phụ nữ thời đàm, viết “Văn minh vật chất và văn minh tinh thần, dẫn tới bút chiến với Hải Triều, Hải Khách, Bùi Công Trừng, Hồ Xanh,…

Những năm 1934, 1935, 1936, ông về Huế, chủ bút báo Tràng An, dạy Việt văn cho trường tư thục Hồ Đắc Hàm; sáng lập tuần báo Sông Hương và cộng tác với Hà Nội báo. Năm 1936, Phan Khôi cho in Chương Dân thi thoại, gồm 43 chương (tác giả gọi là tắc), tức 43 câu chuyện về thơ được ông chọn lại trong gần 20 năm giữ mục Nam Âm thi thoại, do Đắc Lập-Huế in. Đây là tập sách tập hợp những bài đã đăng trên các báo Nam Phong tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần Chung, Phụ nữ tân văn, Trung Lập báo từ năm 1918 đến 1932, đề cập đến nhiều vấn đề về sáng tạo thi ca.

Có thể nói, từ việc nghiên cứu, khảo sát những tư liệu về thơ, nhất là đi sâu vào bản chất thể loại, chức năng xã hội , đặc trưng ngôn ngữ,… cũng như những vấn đề về cái chân, cái giả, cái hay, cái dở đến trí tưởng tượng trong sáng tạo, phẩm chất của người nghệ sĩ,… đều được ông bàn tới trong Chương Dân thi thoại. Có những chỗ, những đoạn, những luận giải, bây giờ đọc lại, vẫn thấy mới mẻ và thích thú vô cùng. Điều đáng ghi nhận là, văn phong của Chương Dân thi thoại khúc chiết vô cùng. Ý tưởng trình bày rõ ràng, mạch lạc, cụ thể, dù vấn đề đang bàn không đơn giản tí nào. Phải chăng cái tinh thần luận lý học (logique học) đã thấm nhuần  trong cách viết, cách trình bày các nội dung, các vấn đề mà ông đưa ra !

Bây giờ đọc lại những bài viết về văn học dân gian, văn học chữ Hán, về vấn đề quốc học, về chống học phiệt, về Truyện Kiều, về luận lý học, về ngôn ngữ học…không ai không ngỡ ngàng cho sức đọc, sức nghĩ và sức viết của Phan Khôi.         Không có ông thì dứt khoát không có những cuộc bút chiến lẫy lừng trong văn chương Việt Nam thập niên 20, 30 của thế kỷ XX. Đó là, tranh luận với Trần Trọng Kim chung quanh về Nho giáo, tranh luận với Phạm Quỳnh về luân lý của Truyện Kiều, tranh luận về quốc học với Tản Đà, Trịnh Đình Rư, tranh luận về duy tâm và duy vật với Hải Triều, Hải Thanh, Bùi Công Trừng ,…Những năm 20, 30, một mình một ngựa, ông tả xung hữu đột, luận chiến, bút chiến trên văn đàn, làm ngự sử văn học, mở ra chương mới về phê bình, lý luận văn học. Đằng sau câu chữ ông viết , dù có chỗ trực diện, khó nghe, song, đó là cả một tấm lòng, một trách nhiệm của ông đối với nền văn chương học thuật nước nhà.

Thời kỳ tiền khởi nghĩa, cả việc dạy học và làm báo đều khó khăn, ông quay về quê nhà, nghỉ ngơi và đoàn tụ gia đình. Những ngày tháng đó, Phan Khôi luôn theo dõi thời cuộc. Tháng 2-1945, đích thân Nguyễn Bá Trác đến tận nhà, mời ông tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng ông từ chối (Xem Phan Khôi niên biểu trong Chương Dân thi thoại, NXB Đà Nẵng, 1996).

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, theo cơ quan Hội Văn nghệ, Phan Khôi lên chiến khu Việt Bắc. Lúc bấy giờ, đã 60 tuổi, một thân một mình, nhưng suốt những năm tháng đó, ông vẫn nghiên cứu và dịch thuật. Tình cảm của ông đối với dân, với nước vẫn nguyên vẹn, trước sau như một. Tại hội nghị Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam mở rộng, họp từ ngày 18 đến ngày 20-3-1951, Chế Lan Viên ghi lại hình ảnh của Phan Khôi : “Tôi tưởng hình ảnh bác Phan hôm nay ở giữa hội trường, râu dài, tóc trắng, nói lên những lời rung động cả tâm can hội nghị,…” . Năm 1948, ông làm một bài thơ, có tên Thơ tặng một Vệ quốc quân, như sau:


Vượt suối trèo non, tôi đến đây,

Gặp anh về nghỉ dưới chân mây,

Chúc nhau mạnh khoẻ rồi ra trận,

Máu sức càng hăng để đánh Tây.

 

Đánh đến bao giờ độc lập thành,

Tôi dù già rụi ở quê anh,

Cũng nguyền nhắm mắt không ân hận,

Nằm dưới mồ nghe khúc thái bình.

(Văn nghệ, số 7, tháng 12, 1948, trang 68)


Hòa bình lập lại, về Hà Nội, ông công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1956, nhân kỉ niệm 20 ngày mất Lỗ Tấn, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, ông được cử sang Bắc Kinh dự lễ. Sau đó, Phan Khôi đứng tên, xin giấy phép ra báo Nhân văn. Và, cũng từ đấy, tai ương ập đến với ông.

Giờ đây, sau hơn nửa thế kỷ, với thời gian, mọi việc đã rõ. Những người tham gia Nhân văn-Giai phẩm như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm,… đã được chiêu tuyết, được tặng các giải thưởng văn học nhà nước.

Riêng Phan Khôi,  vào những ngày cuối đông Mậu Tuất (1958), tuổi già, sức yếu và buồn bực, ông bệnh, nằm quay mặt vào tường, ngẫm bao điều thế sự, vẫn giữ sự thủy chung với đất nước và văn chương, sắt son với bạn bè, đồng nghiệp, bình yên từ giã cõi đời tại nhà riêng, số 73, phố Thuốc Bắc, Hà Nội.

Thanh Lãng có một nhận định: “Phan Khôi là khuôn mặt đẹp đẽ nhất của thời đại ta, một tổng hợp kỳ diệu được hình thành do những gì tinh túy nhất của nền cổ học vô cùng tế nhị Đông phương và nền học thuật minh bạch khúc triết của Tây phương” (Tạp chí Văn học, Sàigòn, số 122, ngày 15-2-1971).

Tiếc rằng, đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào bao quát toàn bộ sự nghiệp văn chương và học thuật của Phan Khôi. Trong nỗ lực của mình, với tấm lòng và bụng liên tài, chỉ mới Vu Gia, người con của xứ Quảng, đã có khảo luận “Phan Khôi-Tiếng Việt, báo chí và Thơ mới“, do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh , 2003, là khá toàn diện, công phu.


Đà Nẵng, tháng 3.2011

HUỲNH VĂN HOA


nguồn Võ Kim Ngân


--------------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét