Nhìn từ một Sài Gòn tận tụy
TT - Cái tên sách nghe lạ: Từ Dòn Mé Sán đến... Chỉ vậy thôi, nhưng mỗi bài tạp bút mà nhà xuất bản giới thiệu là “ghi chép của Lý Lan” trong tập sách này có thể cuốn hút bất kỳ ai nếu đã lật ra với một chút tò mò: sách viết chuyện gì vậy?
Sách do NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền |
Và Lý Lan viết rất nhiều chuyện, có chuyện hay, có chuyện xúc động, nhưng chuyện nào cũng được viết ra với tất cả sự chí tình, lạc quan... bằng giọng văn bình dị như cuộc sống bình dị vẫn rất cần những giá trị chuyên chở trong mỗi câu chuyện.
Dòn Mé Sán là tên gọi theo âm Hoa Việt của một xóm nhà hẻm thuộc Chợ Lớn, nơi nhà văn Lý Lan và gia đình cư ngụ ở đây “từ khi tản cư rời quê”. Dòn Mé Sán lưu giữ ký ức thời bé thơ của Lý Lan và là kỷ niệm trở lại lúc tuổi xế chiều của người cha già.
Nguyên một tập sách không chia bài, không mục lục, chỉ là một chuỗi câu chuyện phân biệt nhau bằng mở đầu và kết thúc, như dòng chảy miên man tung tăng bất cần trật tự của hồi ức và cả ý tưởng nảy ra trong đầu hay bắt gặp trong cuộc sống của người viết. Bắt đầu từ con hẻm Dòn Mé Sán, những câu chuyện gia đình, những tình cảm lúc chăm sóc người cha già nằm bệnh hay tình cảnh trong vai khách ly hương lâu ngày về thăm xóm cũ... được thuật lại tinh tế, người đọc thoắt thấy mình như cũng quen thuộc với một góc sống ở xóm nghèo Chợ Lớn vậy.
Có vẻ như Lý Lan chọn cách nói nhẹ tưng để tránh kiểu “trầm trọng hóa vấn đề”, nhưng trang viết của chị chuyển tải không ít vấn đề nghiêm trọng. Như câu chuyện đô thị hóa và nạn kẹt xe, vấn đề đồng tính của con cái qua cái nhìn của phụ huynh, chuyện hiếp dâm và nỗi đau của người phụ nữ...
Quan trọng hơn, Lý Lan thuyết phục người đọc ở những quan niệm sống, thường được phát biểu gãy gọn: “Theo kinh nghiệm của riêng tôi thì viết giản dị khó hơn viết phức tạp. Sống giản dị cũng khó hơn sống phức tạp”. Câu chuyện mà chị mang đến cho người đọc là cả một hành trình khó khăn khi con người ta từ nhỏ đã huân tập thói quen phức tạp hóa sự đời, để rồi đến một ngày bỗng “ngộ” ra sống giản dị mới là giá trị.
Trong mạch văn đó, bên cạnh những trang viết về cuộc sống hiện đại nơi xứ người, người ta thấy, như một sự tự nhiên, Lý Lan cập nhật ngay những câu chuyện ở quê nhà như việc ra đời đại lộ Võ Văn Kiệt, hay câu chuyện “nghe nói đường 91 đi Châu Đốc bị hà bá cạp mất một khúc, tôi bèn đi coi”.
Tình cảm với bà con quê hương trong trang viết, sâu nặng và tận tụy như vậy, còn “đòi” gì nữa...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét