Nhà thơ Ý Nhi nhận giải thưởng của Thụy Điển
Hôm nay, 30.11, nhà thơ Ý Nhi có mặt tại Hà Nội để nhận giải thưởng văn học Cikada 2015 do Đại sứ quán Thụy Điển trao tặng. Đây là nhà thơ đầu tiên của VN vinh dự nhận giải thưởng văn học đặc biệt này.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết giải thưởng Cikada được lập ra năm 2004 nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Thụy Điển Harry Martinson (1904 - 1978), người được giải thưởng Nobel Văn học (1974). Tên giải thưởng là tên tập thơ Cikada của H.Martinson xuất bản năm 1953. Năm 2015, giải trao cho 2 nhà thơ: Ý Nhi (VN) và Bei Dao (Trung Quốc). Giải thưởng gồm một bằng chứng nhận, 20.000 SEK (tiền Thụy Điển, tương đương 50 triệu đồng) và một tác phẩm nghệ thuật bằng gốm.
Nhà thơ Ý Nhi (tên khai sinh Hoàng Thị Ý Nhi), sinh ngày 18.9.1944, quê Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1968, chị về công tác tại Viện Văn học rồi làm cán bộ biên tập NXB Văn nghệ Giải phóng, NXB Hội Nhà văn, hiện chị sống ở TP.HCM. Ý Nhi đã in 11 tập thơ, được trao giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1969 và giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 1986 cho tập thơ Người đàn bà ngồi đan.
Cùng thời với các nhà thơ nữ nổi trội thời chống Mỹ cứu nước như: Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ..., ngay từ những sáng tác đầu tiên, Ý Nhi đã cho thấy một bản lĩnh thơ luôn hướng tới những chân trời mới của thi ca đương đại. Đấy là Ý Nhi của Người đàn bà ngồi đan với những câu thơ giản dị lặng lẽ, trải nghiệm và đau xót: “Giữa chiều lạnh/một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã/nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời/vội vã như thể đó là lần sau chót/Không thở dài/không mỉm cười/chị đang giữ kín đau thương/hay là hạnh phúc/lòng chị đang tràn đầy niềm tin/hay là ngờ vực/Không một lần chị ngẩng nhìn lên/chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt/hay sau buổi chia ly/Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu/trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng/Giữa chiều lạnh/một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/dưới chân chị/cuộn len như quả cầu xanh/đang lăn những vòng chậm rãi”. Ý Nhi có khá nhiều bài thơ thành công; sức lan tỏa của những bài thơ viết theo thể thơ tự do, vừa mới mẻ, vừa có chiều sâu ấy đã đưa chị trở thành một gương mặt thơ nữ độc đáo cho đến tận hôm nay.
Nhà thơ Ý Nhi tâm sự: “Mối quan hệ giữa thơ và đời sống sẽ còn được tiếp tục đặt ra, được thảo luận cho đến khi nào người ta còn… làm thơ. Mà tôi thì nghĩ rằng người ta sẽ còn làm thơ khi nào còn con người, còn lo toan, còn yêu thương, còn giận dữ… Có lẽ giờ đây mọi người đều hiểu rằng, không có thứ thơ tách biệt hoàn toàn đời sống. Vấn đề là mỗi nhà thơ giải quyết mối liên hệ giữa họ và đời sống phải độc đáo, riêng biệt…”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét