Sách “NGUYỄN HIẾN LÊ, Con Người và Tác Phẩm”
Nguyễn Hiến Lê, Con Người và Tác Phẩm
Nhiều Tác Giả
vừa được Nhà xuất bản TP. HCM tái bản, bổ sung khá phong phú với nhiều bài viết của các tác giả gần gũi với học giả Nguyễn Hiến Lê từ xưa như Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, Quách Tấn, Minh Quân, Lê Minh Đức, Văn Phố…
Nhân dịp này, xin gởi đến các bạn một bài viết của Đỗ Hồng Ngọc, trên báo Bách Khoa số 426 ngày 17.4.1975 (được in lại trong tập này). Bài báo do GS Huỳnh Chiếu Đẳng gởi về tặng (từ trong bộ báo Bách Khoa số hóa do nhà văn Phạm Xuân Đài thực hiện) và đã được Đèn Biển gõ lại dưới dạng word. Xin trân trọng cảm ơn tất cả.
Đỗ Hồng Ngọc.
Ông Nguyễn – Hiến – Lê và Tôi
Lời Bách Khoa .- Tác giả bài viết dưới đây, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng là nhà thơ Đỗ Nghê (*) một bút hiệu quen thuộc thường có sáng tác đăng trên Bách Khoa. Đỗ Hồng Ngọc đã có một thời niên thiếu thật khốn khó: Cha mất sớm, nhà nghèo, ông phải phụ giúp mẹ trông nom cửa hàng xén tại chợ BT. Nhờ được đọc những tác phẩm tự luyện trí đức của Nguyễn Hiến Lê, lại có chí, ông đã đạt được nhiều kết quả tốt trên đường học vấn. Ông vẫn liên lạc thường xuyên với người đã viết nên những tác phẩm dìu dắt mình từ thuở còn niên thiếu. Nhân đọc mục Thời sự Văn nghệ trên Bách Khoa loan tin nhà văn Nguyễn Hiến Lê cho xuất bản tác phẩm thứ 100 của mình, người hằng quan tâm đến sức khỏe của “lứa tuổi học trò” liền gửi đến Bách Khoa bài sau đây “gọi là để góp một món quà nhỏ” dành tặng cho người đã đem toàn tâm toàn lực cung cấp các món ăn tinh thần cho mọi lứa tuổi từ mấy chục năm qua.
…………………………………………………………..
Tác phẩm đầu tiên của ông, Tổ chức công việc theo khoa học, ra đời năm 1949 nhưng mãi đến năm 1956 tôi mới được làm quen với tên tuổi ông. Còn nhớ lần đó tôi theo xe chở cá nước đá về Saigon “bổ hàng” cho mẹ – mẹ tôi có quán hàng xén tại chợ B.T. – một buổi trưa lang thang trên vỉa hè Trần Hưng Đạo, dừng chân ngắm hàng sách “sôn” bày la liệt, tình cờ thấy cuốn “Kim chỉ nam của học-sinh” của Nguyễn Hiến Lê, một tác giả hoàn toàn xa lạ với tôi lúc đó. Đọc qua lời Tựa, tôi mua ngay.
Tản cư về, tôi bị trễ học đến 4, 5 năm, nhà nghèo, cha mất sớm, tôi phải phụ giúp mẹ trông nom cửa hàng cho nên dù hiếu học, tôi cũng không biết cách nào để tiến thân. May quá, “Kim chỉ nam” đã mở cho tôi một chân trời mới. Đọc xong, tôi thấy mình gần gũi với ông kỳ lạ. Có những điều tôi đã thoáng nghĩ, đã từng làm nhưng vì thối chí ngã lòng, vì không được hướng dẫn nên không đạt được mấy kết quả. Ông đã hệ-thống-hóa, đặt ra những nguyên-tắc giúp cho việc học đỡ mệt, đỡ tốn thì giờ mà được nhiều kết quả hơn. Điều quan trọng là sách trình bày những phương pháp thực hành, không có những lý thuyết viển vông nhàm chán. Thời gian sau đó tôi lại tìm mượn được thêm các cuốn Tự học để thành công, Rèn nghị lực của ông tại nhà một anh bạn làm nghề may. (anh Chín, khi đọc những dòng này, anh có nhớ bọn mình đã góp chung tiền để mua loại sách này chăng và bây giờ, làm chủ một tiệm may nho nhỏ chắc anh đã đủ tiền mua trọn bộ sách Nguyễn Hiến Lê cho các con anh như đã từng ao ước rồi phải không?).
Với niềm tin mới, tôi bắt tay vào việc lập chương trình “học nhảy”. Tôi viết thư hỏi ý kiến ông về việc này và ông trả lời “được” vì qua bức thư thấy tôi khá già giặn và sức học đã vững. (Trong Kim chỉ nam của học sinh ông đả kích việc học nhảy lớp dữ lắm!). Lúc đó tôi đang theo học đệ thất – lớp đệ thất đầu tiên, mới mở của tỉnh – và tôi đã rất xấu hổ phải ngồi bên cạnh các học trò nhỏ hơn mình 4, 5 tuổi. Nhờ có chí và biết áp dụng những phương pháp học chỉ dẫn trong Kim chỉ nam và Bí quyết thi đậu, tôi đã rút ngắn chương trình Trung-học được ba năm, đuổi kịp các bạn bè cùng lứa. Được bà con khuyến khích, mẹ tôi bằng lòng cho tôi đi Saigon “du học”.
Đến Saigon, việc đầu tiên của tôi là tìm thăm ông, định bụng sẽ báo tin cho ông biết là đã thi đỗ và bày tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn của tôi ; nhưng khi gặp ông, tôi đã lúng túng không biết phải nói gì, chỉ ấp úng trả lời ông vài ba câu rồi ra về. Thấy ông có vẻ nghiêm nghị quá, lại đang bận sửa bản vỗ cho một tác phẩm nào đó. Như thế là lần này tôi đã hoàn toàn thất bại, cuốn Đắc nhân tâm của ông không giúp tôi được tí gì cả! Từ đó, mỗi lần đến thăm ông tôi thường rất ngần ngại, lúc nào cũng có cảm tưởng như quấy rầy ông, không để cho ông “sống đủ 24 giờ một ngày”. Nhiều người quen biết ông chắc cũng cùng cảm tưởng đó lúc ban đầu. Về sau, nhiều năm trôi qua, quen thân ông nhiều hơn, tôi biết tôi đã lầm lẫn. Phong thái ông là phong thái của một nhà nho, giao tình dù thật thắm thiết thì bên ngoài vẫn có vẻ hờ hững, khác xa với cái vồn vã ồn ào của người Tây-phương. Chính cái ánh mắt ông và cái bắt tay chặt chẽ của ông đã bộc lộ tâm tình ông nhiều hơn. Bây giờ tóc ông đã bạc nhiều, da sậm và nhăn nheo nhiều hơn, nhưng ánh mắt vẫn tinh anh và cái bắt tay vẫn nồng nhiệt như thuở đó. Những lúc đến thăm, tôi thấy ông luôn mặc bộ bà ba trắng nhạt, cũ kỹ quen thuộc, cũ kỹ quen thuộc như loại bì thư ông quen dùng trong bao nhiêu năm qua. Ông không thích đổi thay. Hình như ông hút thuốc hơi nhiều quá! Lúc nào cũng có lon thuốc rê bên mình, ông vừa trò chuyện với khách vừa vấn vấn vê vê điếu thuốc lá, liếm nhẹ rồi bật quẹt hút. Các ngón tay ông nhanh nhẹn, thuần thục đến vàng sậm màu khói. Ông khen Lâm Ngữ Đường là “cận nhân tình” có lẽ vì họ Lâm “bồ” với ông, đã không cấm ông hút thuốc dù cái bao tử của ông cứ đau đi đau lại hoài!
Thỉnh thoảng khi có chuyện thắc mắc, chuyện vui buồn gì mà không tiện đến thăm, tôi viết thư cho ông. Lần nào ông cũng sốt sắng trả lời, ân cần chỉ dẫn, khuyến khích tôi.
Quen biết ông mới thấy ít có ai yêu tiếng mẹ như ông. Muốn cho ông “thao thao bất tuyệt” thì cứ việc nói đến tiếng Việt với ông. Ông chịu không nổi khi thấy một chữ bị dùng sai. Còn nhớ khi bọn sinh viên chúng tôi vận động chuyển ngữ Việt tại trường Y-khoa, ông đã hỗ trợ bằng những bài báo nẩy lửa. Lúc đó giọng ông không còn cái vẻ nghiêm túc, hiền lành, bình đạm thường ngày nữa mà sôi nổi, gay gắt, phẫn nộ, đầy khích động ; giá có ai giật lấy bút của ông đi, tôi chắc là ông sẽ lấy dao “viết lên đá” như Trần Dần nói.
Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của ông. Cuốn sách đầu tay của tôi Những tật bệnh thông thường trong lức tuổi học trò, chỉ là một phần bổ túc cho cuốn Kim chỉ nam của học sinh. Sau đó tôi viết thêm một cuốn khác, cùng loại y-học phổ thông, cũng nằm trong chiều hướng nâng cao trình độ đại chúng mà ông đã vạch. Ông nói muốn cho nước giàu, dân mạnh thì không phải chỉ một người hay một nhóm người làm được, mà phải là toàn dân cùng ý thức, cùng thực hiện. Muốn vậy phải đặt nặng vấn đề giáo dục đại chúng.
Với tôi, ông là một tấm gương sáng. Tấm gương của Nghị lực, của Tự học và của Phụng sự. Ông tận tụy cả đời viết sách, đem kinh nghiệm bản thân ra hướng dẫn thanh thiếu niên, mong giúp được cho người khác chút gì ; lúc bỏ cây viết ra thì vớ ngay cuốn sách để đọc, để học không ngừng. Tôi đoán sở dĩ ông đã không nhận một chức vụ gì trong guồng máy công quyền là để giữ cho ngòi bút mình độc lập, để có thể đóng trọn vai trò giám sát của người trí thức mà Alain đã nói. Nhờ đó ông không có mặc cảm, thấy điều gì đáng khen thì khen, điều gì không ưa thì nói. Và ông đã nói bất cứ điều gì từ việc dịch sách, chuyển ngữ đến việc nhân mãn, ô nhiễm… Có thể đôi lúc ông cũng sai lầm, nhưng điều quan trọng là ông đã thành thực với chính ông.
Đến nay ông đã cho ra được 100 tác phẩm, có những tác phẩm dày vài ngàn trang, có những tác phẩm 3. 4 cuốn, về đủ mọi bộ môn, từ văn chương, y-học, giáo dục, đến lịch sử, triết học… làm nhiều người kinh ngạc về sức làm việc của ông. Tôi biết có những tác giả “sản xuất” còn nhiều hơn ông, viết mau và viết mạnh hơn ông, nhưng đọc họ người ta thấy rõ ràng là những tác phẩm máy móc, sản xuất hàng loạt. Ở ông thì không. Ở ông là con người. Tác phẩm ông là con người ông. Ông “dạy” cho thanh niên rèn nghị lực thì chính ông là một tấm gương nghị lực ; ông viết về tổ chức thì chính nếp sống ông là một sự tổ chức ; ông viết về tự học thì chính ông đã nhờ tự học mà thành công. Nhờ viết từ những kinh nghiệm sống thực đó, người đọc thấy gần gũi với ông và những lời ông chỉ dẫn đều có thể ứng dụng được.
Nhìn lại toàn bộ tác phẩm ông, không ai chối cãi giá trị của những Đông kinh nghĩa thục, Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đại cương Triết-học Trung-quốc, Ngữ pháp Việt-nam… và những Chiến tranh và Hòa bình, Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến quốc sách… Những tác phẩm đó thực sự có ích cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên đại học và đã đóng góp một phần đáng kể cho nền văn hóa miền Nam. Nhưng theo tôi, những tác phẩm quan trọng trong đời ông, đáng cho ông hãnh diện chính là những tác phẩm nho nhỏ, ông viết nhằm giáo dục thanh thiếu niên, hướng dẫn họ trong việc tự huấn luyện trí, đức. Đó là Kim chỉ nam của học sinh, Tự học để thành công, Tương lai trong tay ta, Rèn nghị lực… và nhất là bộ Gương danh nhân của ông. Mà họ là ai? Là những thiếu niên thất chí bán hàng xén như tôi thuở đó, là anh thợ may lận đận như anh Chín NS, là một giáo viên tiểu học, một y tá hương thôn, một thơ ký nghèo trong một công tư sở nào đó. Họ là những người có thiện chí, có tinh thần cầu tiến, hiếu học nhưng vì hoàn cảnh mà lỡ dở. Họ là thành phần đông đảo nhất trong xã hội ta bây giờ, một xã hội có vốn liếng hơn ba mươi năm chiến tranh. Nhờ những cuốn sách đó, trước mắt họ mở ra những cánh cửa mới, trong lòng họ nhen lên ngọn lửa nồng, và dù họ có không “thành công” nhiều thì đời sống họ cũng sẽ được nâng cao ít ra là về mặt tinh thần. Thú thực, tôi rất bực mình khi thấy chính tác giả có lần đã xếp những loại sách đó vào hàng thứ yếu. Ông nói “… nhưng chẳng qua cũng chỉ để cho thanh niên đọc (Kỷ niệm Văn-thi-sĩ hiện đại – Bàng Bá Lân). André Maurois 80 tuổi mới viết “Thư ngỏ gởi tuổi đôi mươi”!
*
Những năm gần đây ông chuyên viết về cuộc đời và tư tưởng của các triết gia Đông phương: Liệt tử và Dương tử, Khổng tử, Mạnh tử, Hàn Phi tử… Ông viết chậm và ít hứng hơn, có lẽ một phần vì tuổi đã lớn, một phần vì sức khỏe suy kém.
Các nhà phê bình sau này nhắc đến sự nghiệp ông mà quên không nói đến sức khỏe ông là một điều thiếu sót lớn! Thực không ai ngờ rằng một người viết hằng trăm tác phẩm như vậy lại là một người đau yếu liên miên. Chứng đau bao tử kinh niên của ông thỉnh thoảng trở đi trở lại. Mỗi lần gặp ông mà thấy ông có vẻ cau có thì chắc chắn là ông bị cơn đau bao tử hành rồi! Thứ bệnh đó thực là khó chịu (vì chính tôi cũng mắc phải nên hiểu lắm!) : nó làm cho ta trở thành một con người… xa lạ, không thích giao du, không chịu được đám đông. Phải ăn đúng giờ, nghỉ đúng giấc. Phải cữ món này, kiêng món nọ, không uống rượu, ít hút thuốc. Tâm hồn rán cho yên tĩnh. Nếu không vậy thì đau. Trong một bức thư, ông cho tôi biết ông vừa bị sưng bao tử (gastrite) vừa bị loét ở cuống (ulcère duodénal). Mỗi lần gặp chuyện lo lắng, buồn phiền hay gặp một chương sách khó viết, ông lại đau. Những lúc đó tay cầm viết của ông bị run rẩy. Có lần ông bị nấc cục mấy hôm liền và thường hay bị mất ngủ, bón, trĩ… Tất cả những chứng đó đều có bà con xa gần với bệnh đau bao tử. Cho đến ngày nay, y học cũng chưa có thuốc chữa dứt khoát bịnh này mà nguyên nhân một phần lớn là do tâm thần. Các thứ thuốc chữa chỉ có tính cách ngăn chận cơn đau tạm thời, lại thường gây những phản tác dụng như làm mất ngủ, bón, trĩ v.v… Bịnh có thể tự nhiên khỏi. Một tạp chí y học mới đây đăng kết quả một cuộc thí nghiệm chữa bịnh đau bao tử như sau: một nhóm bịnh nhân được chữa bằng thuốc đau bao tử, một nhóm khác được chữa bằng Placébo (1). Tỉ lệ lành bịnh gần gần như nhau. Thỉnh thoảng tôi đến thăm, nghe ông khoe một thứ thuốc trị đau bao tử mới, uống khá hiệu nghiệm ; còn tôi thì khoe với ông một phương pháp chữa đau bao từ cũng mới, là đọc truyện kiếm hiệp của Kim-Dung, để quên hết những căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi. Rồi tôi gửi biếu ông một bộ “Cô Gái Đồ Long”. Rất tiếc là ông không đọc được kiếm hiệp. Ông thử đọc cuốn đầu rồi thôi, chịu, không đọc thêm được nữa!
Năm ngoái tự nhiên mắt ông nhìn kém đi, vẫn đọc sách được, nhưng trong khoảng cách hai thước ông nhìn thấy lờ mờ như có lớp sương mù. Tôi ngại rằng ông có thể mắc bệnh hột cườm ở người già (cataracte sénile), định giới thiệu ông đến một bác sĩ nhãn khoa, nhưng ông chưa đi thì bệnh bớt dần rồi khỏi. Những ngày gần đây ông còn bị đau răng, rồi bị thận viêm. Bịnh tuy không có gì nặng nhưng là những thứ bịnh khó chịu, và làm kém sức khỏe. Nhiều lúc tôi ngờ rằng sự nghiệp trước tác của ông một phần xây dựng từ những bịnh tật của ông.
Mắc bịnh đau bao tử, một thứ bịnh đòi hỏi phải sống, phải làm việc có tiết độ, ông chú trọng nhiều đến tổ chức, viết Tổ chức công việc theo khoa học, Tổ chức gia đình v.v… Để có thể tự chữa thứ bịnh tâm thể (Psychosomatique) đó của mình, ông viết Sống 365 ngày một năm, Sống theo sở thích, Chấp nhận cuộc đời v.v… Những lúc buồn phiền, lo lắng, ông viết Quẳng gánh lo đi, Trút nỗi sợ đi, Xây dựng hạnh phúc… Những lúc bệnh bớt, thấy khỏe khoắn, hăng hái trở lại, ông viết Thẳng tiến trên đường đời, Tương lai trong tay ta… và khi mệt mỏi, căng thẳng ông xả hơi bằng Tô Đông Pha, Sống Đẹp… Có phải tôi đã hơi méo mó mà nghĩ ra mấy chuyện đó không? Và như vậy ta sẽ có một thứ quan điểm phê bình gọi là phê bình bịnh-lý-học chăng?
*
Mơ ước lớn nhất của đời ông bây giờ có lẽ là được thấy cảnh thanh bình, con cháu đoàn tụ, rồi lui về sống với mảnh vườn ở miền quê. Năm kia tôi gửi ông một bài thơ, bài “Đi cho đỡ nhớ” viết từ nỗi xúc động thấy những chuyến xe lửa lại lăn trên đường sắt, dù chỉ mới lăn đến… Biên Hòa, mà mơ một chuyến tàu nam bắc. Ông trả lời:
“(…) Nhưng cháu làm cho tôi thèm đi quá! A, bao giờ Saigon mới được nối với Hà-nội bằng xe lửa đây? Lúc đó tôi sẽ bỏ hết công việc, nhờ cháu làm revision gérénale cho bộ máy của tôi, rồi lên xe lửa thăm non sông Nam Trung Bắc một lần cuối cùng. Sẽ uống dừa Tam Quan, ăn cam xã Đoài, rồi ăn nhãn Hưng Yên, hồng Bạch Hạc, cốm Vòng v.v…”
Rồi cuối năm ngoái, có lẽ đã đợi mãi, hy vọng rồi thất vọng mãi vẫn chưa thấy thanh bình về trên quê hương mà chiến tranh càng ngày càng thêm thảm khốc, ông viết “Bây giờ tôi chỉ mong được nghỉ ở thôn quê thôi. Hai mươi mấy năm viết lách liên tiếp, chưa bao giờ được nghỉ lấy một tháng (…)” Ý muốn này ông đã lập đi lập lại như một điệp khúc từ nhiều năm qua mà không sao thực hiện được. Cứ nghỉ ít lâu ông lại chịu không nổi, phải cầm viết lại. Ông đã nghiện nặng rồi chăng?
Cuộc đời ông quả thực là một tác phẩm lớn. Tôi ước mong trong tuổi già ông sẽ viết hồi ký, kể lại đời mình cho bọn trẻ chúng tôi đọc như André Maurois viết “Portrait d’un ami qui s’appelait moi” vậy. Tôi là độc giả của ông từ ngày còn là một học trò đệ thất, lại được quen biết ông hơn 15 năm nay, nghĩ lại, nếu trong thời thơ ấu không được đọc những sách đó của ông, không được gặp ông, có lẽ tôi đã khác ; nên tuy không được may mắn học với ông ngày nào, từ lâu tôi vẫn xem ông là một vị thầy của mình, hơn thế, một người thân. Tôi đâu có cần phải nói cám ơn ông!
ĐỖ HỒNG NGỌC
___________
(*) Lời B.K. – Những tác phẩm của tác giả mang tên Đỗ Hồng Ngọc là: Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972 – tái bản 1974), Viết cho các bà mẹ sanh con đầu lòng (1975), những thi phẩm mang tên Đỗ Nghê là: Tình người (1967), thơ Đỗ Nghê(1974).
(1) Một loại “thuốc giả” chỉ có tác dụng tâm lý, dùng để thí nghiệm.
============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét