Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

đọc thêm (2) : " nhà báo Lý Nhân : " mấy chuyện kể lại "/ Hoàng Nhân -- nguồn: cand.com.vn>


luc luong cong an nhan dan

Nhà báo Lý Nhân: Mấy chuyện kể lại


HOÀNG NHÂN

01:20 07/10/2015
Nhà báo Lý Nhân được biết đến trong làng báo miền Nam trước 1975 với tên thật Phan Kim Thịnh khi ông làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Văn học. Sau 1975, ông là tác giả của nhiều cuốn sách về các nhân vật từng “làm mưa làm gió” một thời ở bờ Nam Vĩ tuyến 17 trở vào.

Dưới đây là một vài chuyện nhỏ thú vị trong cuộc đời mà nhà báo Lý Nhân sẻ chia trong cuộc trò chuyện với phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng.

- Phóng viên: Gần đây kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Văn Cao, nhiều báo in kèm tranh Văn Cao vẽ chân dung nhà báo Phan Kim Thịnh, tức Lý Nhân. Thưa, ông quen Văn Cao khi nào?

- Nhà báo Lý Nhân: Năm 1983, tôi cộng tác với Viện Văn hóa Nghệ thuật (văn phòng 2 tại TP HCM), công việc của tôi là soạn thảo thư mục các tạp chí xuất bản tại Sài Gòn trước 1975, như: Bách khoa, Sáng tạo, Quê hương, Văn học, Hiện đại, Thế kỷ hai mươi, Văn, Văn hóa...

Tại đây, tôi có gặp nữ họa sĩ Văn Dương Thành và cô ấy hỏi tôi trước năm 1975 làm gì? Tôi nói làm Chủ biên Tạp chí Văn học. Văn học viết về các văn nghệ sĩ tên tuổi từ thời tiền chiến đến hiện đại của hai miền Nam Bắc. Tôi đã in các số chủ đề về: Văn Cao, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Nguyễn Bính, Phan Khôi, Tản Đà, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Trương, Nguyên Sa, Tam Ích... Đặc biệt, riêng số về Văn Cao tôi đã in bức chân dung do Văn Cao tự họa.

Họa sĩ Văn Dương Thành nói khi nào tôi có dịp ra thăm Hà Nội, cô sẽ đưa tới thăm cụ Văn Cao, nếu Văn Cao gặp tôi, cụ sẽ mừng và cám ơn tôi đã ấn hành một số báo Văn học về cụ để người miền Nam biết rõ về nghệ sĩ Văn Cao. Tôi nói cũng muốn ra thăm miền Bắc, thăm Hà Nội chốn xưa một thời tôi đã sống những năm 1938 - 1945.

- Và ông đã đi cùng họa sĩ Văn Dương Thành ra Hà Nội trong năm đó, bức tranh Văn Cao vẽ ông ra đời dịp này?

- Vợ chồng tôi đi tàu lửa cùng cô Thành và ở nhà cô trên đường Quán Thánh. Chiều hôm sau, cô Thành đã mời các cụ Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Giáo sư Văn Tâm tới nhà cô để tôi có dịp gặp mặt. Vợ chồng tôi xin phép làm mâm cơm đạm bạc mời các cụ. Cô Thành cho biết, ngoài Bắc các cụ chỉ thích “cuốc lủi”, còn rượu Tây, rượu Tàu... chỉ có các “đại cán” mới có hoàn cảnh uống. Vì thế, tôi đã nhờ cô Thành mua 5 lít “cuốc lủi” loại thật ngon về để mời các cụ.

Trong khi nhâm nhi ly rượu, cụ Phái bảo cô Thành lấy mấy tờ giấy vẽ và mượn cây bút màu đen để cụ Phái phác họa chân dung tôi nhân dịp anh em văn hữu gặp nhau lần đầu tiên. Cụ Bùi Xuân Phái không những vẽ ký họa chân dung tôi, mà còn vẽ thêm ký họa vợ tôi. Những bức ký họa này hiện nay chúng tôi còn lưu giữ.

Nhạc sĩ Văn Cao thấy cụ Phái múa cọ vẽ nên cũng hứng khởi và bảo cô Thành cho thêm giấy vẽ để cụ Cao ký họa vợ chồng tôi. Vẽ xong, cụ Văn Cao cầm lên coi, thấy chưa vừa ý nên bảo: “Cô Thành có sẵn miếng ván ép và bột màu cho xin để vẽ chân dung nhà báo Phan Kim Thịnh, vì cái ông Thịnh này có nét mặt đặc biệt, nếu vẽ chân dung sẽ có thần”. Cụ Văn Cao còn nói: “Cái ông nhà báo Văn học này sống ở trong miền Nam mà chỉ thích mấy ông văn nghệ Bắc Kỳ, lại còn khen chê chúng tôi nữa nên ngoài Hà Nội họ gọi chúng tôi lên… “làm việc”.

Nghe Văn Cao nói thế, tôi phân trần: “Trong Sài Gòn, họ đã tịch thu những số báo Văn học chủ đề về các văn nghệ sĩ miền Bắc, với nội dung họ ghi trong giấy mời là truy tố ra tòa án về cái tội: “Tuyên truyền và đề cao các văn nghệ sĩ Cộng sản miền Bắc”.

Cụ Văn Cao còn nói tiếp: “Phải vẽ cái nét mặt ông Thịnh có hai phần nửa tối, nửa sáng mới đúng”. Gần một giờ, bức chân dung cụ Văn Cao vẽ tôi trên tấm ván ép đã hoàn tất.

- “Tấm ván ép” đó hiện ông còn giữ?

- Bức trên ván ép vì sau mấy chục năm bị phai màu, và có mấy đường mặt gỗ nứt bong, sau này tôi nhường lại cho nhà sưu tầm Đức Minh. Bức thứ nhì do Văn Cao vẽ tôi bằng sơn dầu thì tôi còn giữ. Thực ra, hai bức tranh này là một.

Một lần Văn Cao vào Sài Gòn tổ chức Đêm nhạc Văn Cao, tôi nhớ có ca sĩ Tâm Vấn, Tuyết Mai hát... Kết thúc đêm nhạc tôi mời nhạc sĩ Văn Cao đến nhà tôi ở 228 Bis đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để họp mặt. Tôi có mời nhạc sĩ Lê Thương, vợ chồng ca sĩ Tâm Vấn và một hai người bạn văn trẻ rất ngưỡng mộ tài năng của cụ Văn Cao tới dự. Tôi có mang bức chân dung “ván ép” Văn Cao vẽ tôi ở Hà Nội ra khoe. Cụ Văn Cao đề nghị tôi chụp hình lại bức tranh và phải rửa trên vải bố, rồi đưa cho cụ tô sơn dầu cho đẹp để giữ miên viễn không bao giờ bị hư. Nay bức tranh do Văn Cao vẽ lần hai, tôi đã gửi cho cậu em trai tôi giữ ở bên bang Cali, Mỹ.

- Ông cầm bút từ trước 1975, xin hỏi bút danh Lý Nhân ông dùng từ khi nào và tại sao lại là Lý Nhân ?

- Tôi sinh năm 1936, quê ở Lý Nhân (Hà Nam), tên Phan Kim Thịnh. Tháng 8-1954, tôi theo gia đình vào Sài Gòn. Tôi tiếp tục theo học trung học và tốt nghiệp năm1959. Tôi chọn nghề viết báo, vì nghề này được hoãn đi lính. Tôi ký tên Lý Nhân khi trở lại cầm bút sau 1975. Khi đó, nhà thơ Trương Nam Hương làm ở Chuyên đề An ninh Thế giới đã đặt bài tôi viết về gia đình Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Tôi ký tên Lý Công Nhân, đơn giản đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nơi tôi ở khi trước có tên là đường Công Lý, nên Lý Công Nhân có nghĩa là người ở đường Công Lý. Nhưng anh Trương Nam Hương đề nghị rút gọn còn Lý Nhân và bút danh đó theo tôi đến mãi hôm nay.

Mới đầu tôi làm ở nguyệt san Quê hương, một tờ báo tập hợp các vị khoa bảng, trí thức, nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ tên tuổi của miền Nam. Để vào làm Quê hương phải được bác sĩ Trần Kim Tuyến đồng ý. Tôi nhờ một người họ hàng là ông Sĩ, vì trước năm 1954, khi ông Tuyến vừa ở Thanh Hóa ra Hà Nội tới trọ nhà ông Sĩ và ăn cơm tháng tại đó. Ông Sĩ viết mấy chữ giới thiệu đến bác sĩ Tuyến xin cho tôi vào làm trong báo Quê hương.

Tôi được nhận vào làm báo Quê hương với chân thư ký quèn, ngồi trực để nhận bài, rồi sắp xếp bài và giao cho nhà in. Ngoài ra, tôi còn tiếp khách đến đưa bài và trả tiền nhuận bút cho các tác giả.

- Vậy còn tờ Văn học mà ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút ra đời như thế nào?

- Năm 1962 tòa soạn Quê hương giải tán, chúng tôi mỗi người một ngả. Tôi mạnh bạo xin giấy phép xuất bản tờ tạp chí Văn học. Giấy phép đứng tên tôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, tương đương với chức Tổng biên tập hiện nay. Thời gian này một mình tôi quán xuyến, nào chọn đề tài chủ đề cho số báo, nào mời người viết cho hợp với đề tài, rồi nhận đọc bài của anh chị em văn nghệ gửi tới đóng góp, và chọn những bài có giá trị. Về thơ, văn... đa số tôi chọn những bài phản chiến, vì lúc nào trong tâm tôi cũng cầu mong đất nước hòa bình, anh em Bắc - Trung - Nam một nhà. Những anh chị em gửi bài tới Văn học tôi không phân biệt chính kiến, tôn giáo, địa phương, đã quen hay chưa quen. Tờ Văn học sống được đúng 13 năm thì đình bản vào tháng 4/1975.

- Những bài viết và các cuốn sách ông viết về các nhân vật miền Nam một thời không hẳn chỉ dựa vào tư liệu?

- Sau 1975, tôi gác bút, nằm nhà suy nghĩ khi nào có dịp sẽ viết tư liệu, bút ký về chính trường miền Nam với những nhân vật tai to mặt lớn mà tôi đã biết rõ chân tướng. Trước 1975, những vụ tòa án xử các quan to, như xử chém đầu tướng Ba Cụt, xử bắn Ngô Đình Cẩn…, tôi đều tới chứng kiến, chụp ảnh, ghi âm... để làm tư liệu khi cần. Vì thế sau này, tôi mới có những tư liệu sống động để viết nên những cuốn sách mà bạn đọc đang đọc.

- Với bút danh Lý Nhân, ông viết và in khá nhiều sách về các nhân vật, sự kiện của chế độ Sài Gòn. Xin hỏi nhân vật nào khiến ông ấn tượng nhất khi viết về họ?

- Tôi ưng ý nhất là cuốn Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng triều Nguyễn. Bà Nam Phương là một đệ nhất phu nhân được cả sắc lẫn tài đức.

Cuốn thứ hai là Trần Lệ Xuân - giấc mộng chính trường. Tôi khen bà Trần Lệ Xuân, vì bà đã can đảm tới tận thủ đô nước Mỹ để “vén mồm” lên chửi Mỹ. Bà Nhu còn từng đề nghị để con gái là Ngô Đình Lệ Thủy ra Hà Nội khi có ý định xích lại gần hơn với miền Bắc. Việc chưa đi đến đâu thì ông Diệm và ông Nhu bị Mỹ cho tay sai hạ sát.

- Được biết, bà Đặng Tuyết Mai - vợ cũ của tướng Nguyễn Cao Kỳ - từng nhờ ông viết hồi ký?

- Cách đây gần 10 năm, bà Đặng Tuyết Mai có về Sài Gòn và mở quán phở lấy tên là Phở Ta. Nghe nói nhiều ông bà Việt kiều về nước đều kéo nhau tới quán Phở Ta thưởng thức. Trước là ăn phở, sau là để “chiêm ngưỡng” bà Mai cựu “đệ nhị phu nhân” của ông Kỳ bây giờ còn “chim sa cá lặn” như trước năm 1975 hay bây giờ cũng đã tàn tạ theo năm tháng.

Tôi cũng tò mò rủ hai người bạn gái tới quán Phở Ta nằm ở đường Lê Quý Đôn. Chúng tôi đang ngồi ăn thì bà Mai cùng người chồng mới là anh Hiến ra chào khách. Bà Tuyết Mai nghe nói tôi đã viết về ông Kỳ nên đã mời chúng tôi lên phòng làm việc để trao đổi với tôi về một cuốn hồi ký của bà đang viết dở dang.

Bà Mai nói: “Nếu tôi viết về tôi và ký tên Đặng Tuyết Mai, rồi tôi cho in thì người ta lại phê bình “mẹ hát con khen hay”. Vì thế nên tôi muốn nhờ bác Lý Nhân là nhà báo thời danh chấp bút hộ và ký tên Lý Nhân cho tốt hơn”.

Tôi trả lời: “Cám ơn chị, nhưng từ xưa tới nay tôi chưa viết sách theo toa đặt hàng, tôi chỉ viết theo ý tưởng của tôi. Nếu tôi viết theo đề nghị đặt hàng thì tôi là tên “bồi bút”, chuyên viết “nâng bi” để kiếm tiền, kiếm danh. Vậy tôi xin cáo từ. Tuy nhiên, nếu có dịp tôi sẽ viết một cuốn sách về “mấy phu nhân” tên tuổi một thời theo quan điểm của tôi”.

Từ nay tới cuối năm, tôi sẽ in cuốn sách viết về hai bà Đệ nhất và Đệ nhị phu nhân,  tức bà Nguyễn Thị Mai Anh, vợ Nguyễn Văn Thiệu và bà Đặng Tuyết Mai vợ cũ của ông Nguyễn Cao Kỳ. Hai bà phu nhân này đã “một thời vang bóng” và “mỗi người một vẻ, một cách sống”.


Hoàng Nhân 


============

Hoàng Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét