Con người, cuộc đời trong truyện Cõi đời, Cõi người của Thanh Thương Hoàng
- Diên Nghị
Thanh Thương Hoàng vừa cho xuất bản tập truyện ngắn Cõi Đời Cõi Người của ông. Là một nhà báo, nhà văn kỳ cựu, thành danh từ trước năm 1975 tại Miền Nam Việt Nam, ông từng đảm nhận chức vụ chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả VN, Phó chủ tịch Hội Đồng Báo Chí Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hợp Tác Xã Kiến Ốc Nghiệp Đoàn Ký Giả VN xây dựng Làng Báo Chí VN (gần cầu xa lộ Saigon). Ngoài ra ông còn đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong Làng báo như: chủ bút, tổng thư ký các nhật báo, tuần báo, nguyệt san và chủ trương Nhà xuất bản Vinh Sơn (năm 1964) xuất bản nhiều tác phẩm giá trị trong đó có cuốn Một Cơn Gió Bụi của học giả Trần Trọng Kim.
Làm báo chuyên nghiệp nhưng nguồn cảm hứng sôi nổi của Thanh Thương Hoàng lại nghiêng về sáng tác truyện ngắn truyện dài. Điều này không lạ vì ông khởi đầu là nhà văn (từ năm 1953) sau đó mới trở thành Nhà báo (1963). Những sáng tác của Thanh Thương Hoàng chứa đựng nhiều góc cạnh phong phú mà phức tạp của xã hội đương thời.
Đến tỵ nạn tại Hoa Kỳ, Thanh Thương Hoàng tiếp tục cầm bút, sức viết vẫn khỏe khoắn nhiều hứng cảm sinh động như thời còn trai trẻ.
Những gì ghi lại trong Cõi Đời Cõi Người minh chứng tác giả luôn tha thiết với con người, mang nội hàm yêu thương sâu đậm, đồng cảm trong sáng.
Truyện đầu Chiếc Xích Lô Chở Mùa Xuân đã được rất nhiều trang diễn đàn văn nghệ trên mạng điện tử đón nhận, phổ biến, đồng thời cũng được hồi đáp bằng số độc giả tìm đọc cao khắp Hoa Kỳ cũng như ở mọi nơi có đông đảo người Việt tỵ nạn sinh sống.
Những nhân vật trong truyện là những nhân vật qua đêm thời đại, phải gánh chịu số phận đổi thay, hoàn cảnh nghiệt ngã của kẻ thua cuộc.
Sau khi ra khỏi địa ngục cải tạo, thân tàn ma dại, đại úy Đỗ Tân - phi công Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa - phải mưu sinh bằng sức lao động ở tầng thấp nhất của xã hội: đạp xích lô chở khách của Sài Gòn hoa lệ ngày xưa giờ đã thay tên đổi chủ và bệ rạc khốn khó. Trong lúc “hành nghề” Tân tình cờ gặp một nữ du khách người Mỹ đi xe. Qua một hai lần đi xe, qua câu chuyện tâm sự lòng vòng, họ đã trở thành hai người bạn tâm giao và thân thiết. Rồi mối duyên “tiền định” hiếm hoi đã đến với anh chàng cựu sĩ quan Không quân VNCH tù về nghèo khổ đạp xích lô với thiếu phụ Mỹ tới VN tìm chồng (phi công Mỹ mất tích trong cuộc chiến VN).Tôi được mấy ông bạn HO già cho biết khi đọc truyện này (trên Net) đã xúc động đến chẩy nước mắt và thắc mắc không biết thực hay hư. Còn trên các trang nhà các độc giả tranh luận sôi nổi về chuyện có thật hay hư cấu. Chính chiếc xích lô đã đưa đẩy kết hợp hạnh phúc của hai con người từ hai phương trời xa tắp, cùng đau nỗi đau mất mát do lịch sử đưa đẩy.
Cũng từ tháng Tư đen của đại nạn, truyện Gió Mùa Xuân minh họa nhân vật thương binh tên Lâm bị thương tích trầm trọng trong trận đánh cuối cùng ở Long Khánh, cùng các đồng bạn bị kẻ thắng trận tàn nhẫn xua đuổi ra khỏi Tổng Y viện Cộng Hoà trong lúc vết thương chưa chữa xong. Lâm bị hư một mắt với hai chân và một tay cụt, tất cả còn băng bó được đồng bạn cõng ra đường. Trước cảnh vô gia cư, không người thân thích, không nơi nương tựa, trong bước đường khốn cùng tuyệt vọng, Lâm quyết định tìm cái chết. Đoàn xe nhà binh cộng sản rầm rộ phóng qua, Lâm bò lết ra đường quyết lao đầu vào xe kẻ thù tự tử cho trọn cuộc đời người chiến sĩ. Nhưng anh được một bà già ăn mày ngăn cản cứu thoát đem về cái lều dựng ở một nghĩa địa hoang nuôi. Tôi muốn ngưng câu chuyện lý thú và đầy ắp tình đồng đội, tình người ở đây để bạn đọc tự coi tiếp.
Một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và Campuchia khi về nước luôn trăn trở mối ân tình và lòng cảm phục người bạn đồng minh chiến đấu, đại úy Lữ Sơn, một chiến sĩ quân đội VNCH (đã hy sinh). Ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản, người chiến binh Mỹ nôn nóng mong muốn tìm “gặp” bằng được ngôi mộ của Lữ Sơn “để ôm vào lòng nói lời tri ân”. Sau bao lần về Việt nam tìm kiếm tốn công tốn của và cả nguy hiểm tới tính mạng mới tìm được ngôi mộ Lữ Sơn nơi Nghĩa trang quân đội ở Biên Hòa. Và người cựu chiến binh Mỹ đem Bông Hoa Đời đặt lên ngôi mộ hoang phế của Lữ Sơn và nói: “Anh (Lữ Sơn) là một anh hùng. Dân tộc anh là một dân tộc kiêu hùng bất khuất. Máu người Việt Nam đã tô đậm năm chữ vàng son ‘Tự Do Hay Là Chết’”.
Cuộc chiến đã lui vào quá khứ nhiều năm nhưng hệ lụy vẫn dai dẳng ám ảnh người trong cuộc không rời. Tình cảm luân lý đạo đức luôn thúc gọi con người phải giải đáp. Ông bạn Mỹ già chưa tìm được đứa con trai với người vợ Việt Nam thời gian ông tham dự cuộc chiến trước 1975. Khi mãn hạn công vụ ông về Mỹ. Đang lo thủ tục bảo lãnh vợ con qua đoàn tụ. Nhưng tiến trình chưa hoàn tất thì Miền Nam sụp đổ. Lạc mất nhau từ đó. Và cũng từ đó đến hôm nay ông bạn già Mỹ vẫn canh cánh bên lòng trách nhiệm món nợ tình khi tuổi đời ngày càng cao lại sống còm cõi ở nursing home. Gặp người Việt Nam nào ông cũng dò hỏi, làm quen, tâm sự kèm theo lời cậy giúp (truyện Những Phiên Chợ Trời Và Người Bạn Già Mỹ, trang 89). Mỗi thứ bẩy chủ nhật ông trốn khỏi nursing home đến chợ trời để được hòa mình vào cuộc sống, hít thở không khí sống và nhất là biết mình còn sống trong lòng đời. Nhưng rồi ngày tháng trôi qua ông vắng bóng, có lẽ ông mất rồi, để lại người bạn già Việt Nam (tâm giao của ông) mỗi lần tới chợ trời không khỏi ngậm ngùi vì cả hai còn thiếu nhau một món nợ…
Nhìn về xã hội quốc nội hôm nay trên những trang nhật báo ghi nhận biết bao bi kịch xẩy ra thường xuyên, trong đó một số thôn nữ nghèo phải lấy chồng ngoại quốc. Niềm hy vọng duy nhất là giúp đỡ gia đình mẹ già em dại. Ông chồng ngoại mặt mũi thân thể ra sao không cần biết, miễn là có hình hài con người bằng xương thịt. Qua đó nghịch cảnh, hý trường phơi bầy rõ nét. Thanh Thương Hoàng trong truyện mô tả nỗi bi đát của thân phận làm dâu xứ người. Cô gái Việt đáng thương sớm chiều trở thành kẻ nô lệ tình dục trong một gia đinh loạn luân sa đọa. Dĩ nhiên cô vùng lên chống cự nhưng “lực bất tòng tâm”, cô nhẫn nhục chờ cơ hội vùng thoát. Trong khi đó thư từ gửi về cho mẹ, cô không hề đả động đến nỗi đau đớn ê chề mình phải gánh chịu, vì sợ mẹ đau buồn. Cô cố vẽ ra những cảnh hạnh phúc không thực để mẹ an tâm. (truyện Những Trang Nhật Ký Buồn).
Trong một truyện khác, Thanh Thương Hoàng soi rọi với hư cấu mang tính thời sự lồng vào triết lý nhân sinh sâu xa mà hiện thực. Nhiều lớp trai tráng trong một ngôi làng nào đó ở Miền Bắc VN. Họ là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh được lùa hết ra chiến trường để xâm chiếm miền Nam. Họ ra đi với khẩu hiệu “sinh Bắc tử Nam”, có thể không chết hôm nay thì ngày mai cũng sẽ chết. Nếu may mắn sống sót trở về cũng trở thành những kẻ thân tàn ma dại. Còn những phụ nữ thuộc đủ mọi lứa tuổi ở lại hậu phương thì héo hắt trong cô đơn vì thiếu vắng tình yêu. Một anh chuyên hành nghề gieo giống heo với con heo nọc và một thằng khùng đã mang mùa Xuân đến cho họ. Từ đó ngôi làng quạnh hiu đã có tiếng hát lời ru. Những kẻ được mệnh danh anh hùng từ mặt trận trở về với tấm thân què quặt bệnh hoạn già nua bất lực, đã bị chính vợ con họ xua đuổi vì “Chúng tôi cần đàn ông. Chúng tôi không cần anh hùng. Các người hãy cút xéo về với đền đài vinh quang (hão huyền) của các người” (truyện Mùa Xuân).
Nhiều truyện trong Cõi Đời Cõi Người mang dấu ấn nghịch cảnh khắc nghiệt, con người biến dạng đầy đọa, thua thiệt… May mà họ còn chút niềm tin, nhẫn nhục, chịu đựng chờ vượt qua bế tắc. Hình ảnh nhân vật hiện lên kết cục truyện xuất phát từ tư tưởng xây dựng vì con người của tác giả.
Con người trong tác phẩm Thanh Thương Hoàng không xa lạ với bạn đọc, họ là những nạn nhân trong cuộc chiến quyết liệt với quân thù, không thể và không bao giờ hòa hợp, phải tìm cách vượt thoát, hoặc những kẻ còn kẹt giữa vòng vây thống trị tại quê nhà phải cúi mặt ngậm ngùi trước bất công, nghèo khổ, áp bức.
Là nhà văn nhân hậu, nhiều kinh nghiệm sống, Thanh Thương Hoàng luôn hướng về thế giới nội tâm, đồng cảm nỗi đau, mất mát, hệ lụy của đồng loại.
DIÊN NGHỊ
source : VOA
==============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét