Nhà văn Lý Lan: “Tôi là mình”!
THƯ HIÊN
“Nên thấy rằng, người giỏi cũng không hoàn hảo, người dở cũng phải kiếm sống. Đó là điều bình thường
Khoảng 20 năm trước, tôi bắt đầu quen biết nhà văn Lý Lan cũng từ một cuộc phỏng vấn để viết một bài báo. Khi ấy chị đang là giáo viên Anh văn của Trường Hùng Vương, Q.5 - TPHCM.
Trong hai mươi năm qua, Lý Lan đã kịp làm thêm nhiều việc khác, có thêm nhiều “chức danh” khác- ngoài nhà giáo, nhà văn chị còn là nhà báo, nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh và dịch giả; đã giành được một suất học bổng Fulbright về Cao học Văn chương ở Mỹ và hoàn tất chương trình học này, đồng thời cũng đã kịp xây dựng cho mình một tổ ấm riêng. Không ồn ào phô trương, không vội vàng đua chen, bền bỉ tự đặt ra cho mình những “cột mốc” riêng để tự vượt qua chính mình, Lý Lan lẳng lặng học và làm việc. .
Phóng viên: Chào chị Lý Lan. Độc giả VN nhất là các em thiếu nhi, thiếu niên VN rất thích bản dịch Việt ngữ cuốn Harry Potter của chị. Sau cuốn sách này chị có định tiếp tục công việc dịch thuật không? Và nếu có thì chị sẽ giới thiệu đến độc giả VN những cuốn sách gì tiếp theo?
- Nhà văn Lý Lan: Tôi đang dịch truyện ngắn của 24 nữ văn sĩ Mỹ sang Việt ngữ, đang hoàn tất bản dịch tập thơ của nhà thơ Ái Nhĩ Lan Yeats. Tôi cũng đang cộng tác với nhà thơ Bruce Weigl dịch thơ của tôi sang tiếng Anh và một kế hoạch cùng với nhà thơ Joe Duemer dịch Chinh phụ ngâm sang tiếng Anh. Tôi cũng đang cân nhắc vài ba bộ sách thiếu nhi rất hay khác xem có thể chọn bộ nào để tiếp tục giới thiệu cho độc giả nhỏ tuổi VN (hóa ra các em rất chịu đọc sách và đã gởi hàng ngàn email cho tôi để mong tôi dịch tiếp Harry Potter và những tác phẩm hay khác trên thế giới cho các em đọc). . Gần đây một số dịch giả đã phải lên tiếng than thở về tình trạng dịch ẩu, kém chất lượng và không đáng tin của nhiều bản dịch tác phẩm văn học nước ngoài ở VN. Không kể đến những bản dịch của những dịch giả không tên tuổi, theo chị, vì sao không ít người thậm chí có bằng cấp cao về ngoại ngữ, ngôn ngữ nhưng bản dịch vẫn chưa hoàn hảo? - Công việc gì cũng vậy, thường có người này làm thành công hơn người kia. Ở đâu, thời nào cũng có nhiều thầy giáo / bác sĩ / kỹ sư / nông dân / thợ mộc / chính khách / dịch giả / ca sĩ giỏi và vô số thầy giáo / bác sĩ / kỹ sư / nông dân / thợ mộc / chính khách / dịch giả / ca sĩ dở. Điều này bình thường. Và nên thấy rằng người giỏi cũng không hoàn hảo, mà người dở cũng cần phải kiếm sống. . Sống ở nước ngoài chắc là chị có điều kiện đọc nhiều tác phẩm văn học của các nước. Trong lĩnh vực truyện ngắn và tiểu thuyết, nhìn chung chị cảm thấy về mặt ý tưởng, bút pháp, khuynh hướng sáng tác... các nhà văn đương đại VN có “cũ” lắm không so với các nhà văn đương đại ở các nước? - Tôi sống ở hai nơi, như năm 2005 này tôi ở Mỹ 6 tháng và ở Việt Nam 6 tháng, nên có điều kiện đọc cả sách của người lẫn sách của ta, nhưng dù chăm chỉ đọc mỗi ngày tôi cũng chỉ đọc được một phần rất rất, rất nhỏ trong thế giới tiểu thuyết (dài, ngắn), nên tôi cố chọn đọc những thứ KHÁC NHAU, và nếu “nhìn chung” qua những gì tôi đọc thì tính chất nổi bật là ĐA DẠNG, phong phú, biến đổi, và tất cả đều khả dĩ tồn tại hay tiêu vong. Mình có chỗ giống và chỗ khác người ta, chứ mình không cũ hay mới hơn người ta. . Là một nhà văn người Việt gốc Hoa, có thể thấy trong sáng tác của chị từ tạp bút, truyện ngắn, tiểu thuyết cho tới kịch bản phim... những năm qua đã phần nào vẽ nên diện mạo, tâm tư, cuộc sống của cộng đồng này trên quê hương thứ hai của mình. Sắp tới chị vẫn sẽ tiếp tục mảng đề tài này hay sẽ viết về người Việt trên đất Mỹ?- Tôi vẫn đang viết tiếp tập 2 Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh và còn nuôi tham vọng viết Người Hoa ở Việt Nam nữa. Còn người Việt trên đất Mỹ thì tôi mới làm xong phần Người Việt ở Bellingham (đề tài được Quỹ Rockefeller tài trợ thông qua Trung tâm Nghiên cứu chiến tranh và hậu quả William Joiner của Trường Đại học Massachusetts ở Boston). . Chị có thể nói một chút về cuộc sống hiện nay và người chồng của chị? Anh có quan tâm đến những gì chị viết, chị làm không? - Hiện nay tôi vẫn đọc, viết và dịch như trước đây. Kiểu lao động tự do này thích hợp với tánh khí và thói quen làm việc thất thường, tùy hứng, vô kỷ luật, vô nguyên tắc của tôi. Chồng tôi, Mart Stewart, là người đàn ông rất nhẫn nại với vợ (hồi tôi chưa về nhà chồng, em gái tôi đã khốn khổ biết bao!). Anh phải đi làm (giáo sư lịch sử ở Trường Đại học Western Washington) để nuôi vợ, về nhà phải xuống bếp vì vợ nấu ăn dở quá. Tôi nghĩ mình rất may mắn tìm được một người bạn đời ủng hộ hết lòng hết sức công việc của mình, lại giúp đỡ mình rất nhiều trong việc nghiên cứu, học tập, và quan trọng là chia sẻ buồn vui sướng khổ với mình. Tập thơ đầu tiên của tôi là để tặng anh. . Anh có bao giờ nói với chị điều gì ở người phụ nữ VN khiến anh thích nhất và quyết định lấy làm vợ không? - Có. Nhưng tôi xin giữ riêng bí mật này. . Đồng nghiệp bạn bè nhiều người nói rằng Lý Lan là một người rất có ý chí, đọc, học và làm việc không mệt mỏi, một người rất độc lập nhưng ít cởi mở, hơi thiếu sự nồng nhiệt. Còn chị, chị tự nhận xét về mình như thế nào?
- Tôi là mình!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét