Lê Văn Nghĩa đi xa, để lại gương mặt biết cười
Nhà văn Lê Văn Nghĩa vừa qua đời vào tối 25-7, ở tuổi 68. Tang lễ ông được tổ chức tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM)
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20-5-1953 tại Chợ Lớn - Sài Gòn. Thời trai trẻ, anh đã có mặt trong phong trào học sinh - sinh viên đấu tranh đô thị. Đất nước thống nhất, Lê Văn Nghĩa trở thành một nhà báo chuyên nghiệp và tạo ra dấu ấn quan trọng trong lịch sử báo chí nước nhà với đặc san trào phúng mang thương hiệu Tuổi Trẻ Cười.
Yêu Sài Gòn - TP HCM tha thiết
Với những đóng góp cho Tuổi Trẻ Cười, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã có một sự nghiệp đáng kính trọng. Thế nhưng, anh không chỉ là Hai Cù Nèo. Từng viết kịch trước khi làm báo, anh luôn có cảm giác nợ nần với văn chương. Vì vậy, khi bắt đầu phát hiện bản thân mắc bệnh nan y, anh quyết định ngồi xuống và viết về những hồi ức tuổi thơ Sài Gòn năm cũ. Liên tục những truyện dài thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa ra mắt và nhanh chóng chiếm được cảm tình độc giả như "Mùa hè năm Petrus", "Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy", "Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ", "Mùa tiểu học cuối cùng"...
Không thể phủ nhận những truyện dài thiếu nhi của nhà văn Lê Văn Nghĩa có những nét riêng biệt. Cảnh và người trong quá khứ cứ nối nhau trên từng dòng, từng trang của anh, như những chất liệu quý báu mà một người gắn bó với Sài Gòn - TP HCM cả cuộc đời mới có được. Thế nhưng, điều làm nên sự thú vị vượt trội của phong cách văn xuôi Lê Văn Nghĩa chính là ngôn ngữ dí dỏm. Đặc biệt, anh lưu giữ được cả kỷ niệm lẫn cách nói của tuổi học trò thập niên 60-70 của thế kỷ trước.
Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa.-- (ảnh tư liệu)
Nhà văn Lê Văn Nghĩa tự thấy những truyện dài thiếu nhi vẫn chưa đủ để cảm tạ mảnh đất đã nuôi dưỡng mình, nên anh viết thêm những tạp bút nhằm hé lộ những buồn vui với Sài Gòn - TP HCM. Những cuốn sách "Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian", "Sài Gòn dòng sông tuổi thơ" và "Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ" không chỉ là những trang tư liệu của một nhà khảo cứu, mà còn là những trang tâm tình của một người trọng tình. Tác giả thể hiện đầy đủ phẩm chất một nhân chứng tha thiết yêu Sài Gòn - TP HCM, đồng thời anh biết cách đối chiếu các nguồn tài liệu, để tài liệu báo chí và tài liệu văn học được tương tác và tôn vinh nhau.
Đọc "Rạp hát - những thiên đường tuổi nhỏ", người ta ngỡ ngàng vì bây giờ TP HCM đang mất dần các địa chỉ văn hóa lừng lẫy một thời như Vĩnh Khánh, Nam Quang, Thủ Đô, Lệ Ngọc, Đại Đồng, Long Vân... Đọc "Mua một giấc mơ", người ta thích thú vì hiểu thêm về nghề bán vé số ở Sài Gòn từ ngày nghệ nhân Trần Văn Trạch còn hát "triệu phú đến nơi, chỉ mươi đồng thôi, mua lấy xe nhà, giàu sang mấy hồi"... Đọc "Đi ngược về những cái tên", người ta bồi hồi về những địa danh đang phai mờ theo tốc độ công nghiệp hóa, từ Xóm Lách, Xóm Cải, Xóm Chỉ, Xóm Củi đến Lò Siêu, Lò Gốm, Lò Lu, Lò Than...
Nặng lòng với văn chương
Một tác phẩm mà nhà văn Lê Văn Nghĩa dành nhiều tâm huyết là "Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề". Anh đã mất hơn 10 năm ngụp lặn trong các nguồn tài liệu khác nhau để có được cuốn sách này. "Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề" không sắp xếp theo trình tự thời gian hay khu biệt tác giả, mà được thể hiện ngẫu hứng như những câu chuyện nhàn đàm đắc ý. Độc giả vì vậy có thể đọc bất chợt một đề mục nào đó hoặc một nhân vật nào đó khi mở cuốn sách.
Nhiều năm qua, trên các diễn đàn văn hóa, đã có không ít ý kiến về việc đánh giá lại một cách nghiêm túc hơn về những đóng góp của văn chương miền Nam trước ngày đất nước thống nhất.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã trình làng cuốn "Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề" như một sự khai mở: "Tác giả không mong (và cũng không đủ sức) làm một nhà lý luận để nhận định hay ghi lại tiến trình văn học của Sài Gòn. Anh chỉ là cóp nhặt trong thời đại làm biếng, lười lẫm khi có máy tính với các nút chức năng cắt và dán. Tác giả chỉ có chút xíu công trạng là đọc, viết và chép lại, trích đoạn những hồi ký, tạp chí, sách vở. Mọi sự kiện, dù chính xác hay không đều nằm ngoài tầm tay và kiến thức của người chép. Nếu hồi ký của một nhà văn, bài báo nào đó trung thực, chính xác thì những điều ghi lại trong sách này sẽ đúng nhưng còn ngược lại thì người chép bó toàn thân chấm com luôn. Nói trước vậy cho nó lành!".
***
Lê Văn Nghĩa đã mắc bạo bệnh hơn 10 năm nay. Thế nhưng, anh không bi quan và cũng không sợ hãi. Sau mỗi đợt hóa trị, anh lại tiếp tục viết. Sau mỗi lần ra viện, anh lại phóng chiếc xe máy cà tàng đi gặp gỡ bạn bè. Anh đã nỗ lực để không uổng phí ngày nào và cũng không từ chối bất cứ lời đề nghị giúp đỡ nào của đồng nghiệp.
Cách đây không lâu, anh nhận lời làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi - Hội Nhà văn TP HCM và làm giám khảo cho một cuộc thi, với thổ lộ "tui cố gắng đến phút cuối cùng nhưng hãy chuẩn bị nhân sự thay thế nhé". Và bây giờ, anh lặng lẽ chìm vào xa vắng, để lại một gương mặt biết cười lặng lẽ trong làng văn - làng báo nước nhà.
LÊ THIẾU NHƠN
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét