THURSDAY, AUGUST 12, 2021
2111. Elizabeth Silance Ballard Truyện ngắn NGƯỜI THẦY Dịch và giới thiệu THÂN TRỌNG SƠN
Một truyện ngắn cảm động về tình thầy trò. Có hai chi tiết khiến người đọc có thể nghĩ chuyện xảy ra ở Việt Nam, không phải ở Mỹ, chuyện hôm nay, không phải cách đây hơn bốn mươi năm. Đó là việc giáo viên đối xử công bằng, đồng đều với tất cả học sinh là điều rất khó, đến nỗi nếu giáo viên hứa với học sinh của mình như thế, thì chính thầy hay cô đó biết ngay là mình đang nói dối! Thứ hai là việc học sinh tặng quà đồng loạt cho giáo viên nhân một cơ hội nào đó, tưởng là đơn giản nhưng có khi lại khá tế nhị, gây bối rối cho học sinh nếu em nào đó không có điều kiện, chỉ có thể mang đến một món quà tầm thường, khiến cả lớp phải cười nhạo. Xử lý tình huống này tuỳ bản lĩnh và cái tâm của người thầy.
Kể từ khi được đăng tải trên tạp chí Home Life năm 1976, truyện trở nên nổi tiếng, được phổ biến rộng rãi, dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhiều người tin đây là một câu chuyện có thật, và hơn thế nữa, còn quả quyết nhân vật chính hiện nay là bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm Ung thư của một bệnh viện thuộc tiểu bang Iowa.
Tác giả Elisabeth Silance Ballard ( một nhà hoạt động xã hội, tác giả nhiều truyện ngắn ) phải lên tiếng xác nhận truyện hoàn toàn hư cấu, không có cô giáo Thompson nào, cũng không có học sinh cá biệt Teddy nào cả, tuy bà có dựa vào vài chi tiết đời tư để sáng tác.
Người đọc khỏi cần bận tâm về chuyện hư thực đó vẫn thấy được vấn đề cốt lõi của công việc người thầy là lương tâm chức nghiệp và quan hệ thầy trò được tác giả nêu lên và giải quyết khá tinh tế. Không giải thích, không bình luận, rất ít lời, chỉ những sự kiện sắp xếp cạnh nhau, ngắt câu, ngắt đoạn bất ngờ, độc đáo, văn phong giản dị. Chừng đó đủ để tạo ra một câu chuyện thú vị, gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc, nhất là những ai đang hoặc đã từng dạy học.
( Có thể đọc thêm tiểu sử tác giả ở đây:
https://makeadifference.com/TYG/BK20.htm )
Cách đây nhiều năm rồi, có một câu chuyện về một cô giáo dạy tiểu học. Tên cô là Cô Thompson. Hôm đó là ngày đầu tiên của năm học. Khi cô đứng trước lớp 5 do cô phụ trách, cô đã nói với bọn trẻ điều dối trá. Cũng như hầu hết giáo viên khác, cô đưa mắt nhìn học trò và nói là cô sẽ yêu thương và đối xử công bằng với tất cả. Nhưng điều đó có lẽ sẽ khó thực hiện, bởi ngay ở hàng ghế đầu, cô thấy ngồi lù lù thằng bé Teddy Stoddard.
Cô Thompson đã biết đến thằng Teddy từ năm ngoái và đã nhận xét rằng nó chẳng chơi được với bọn trẻ khác, áo quần thì lôi thôi lếch thếch và có vẻ như lúc nào cũng cần phải tắm gội. Tóm lại, nó thật khó ưa.
Chuyện dẫn tới mức cô giáo cứ gặp bài của thằng nhỏ là sẵn sàng đánh dấu X thật đậm - với cây bút đỏ to - và ghi chữ F thật lớn trên đầu tờ giấy. (1)
Trong trường cô Thompson dạy, như các giáo viên khác, cô phải xem lại kết quả học tập những năm trước của học sinh và cô đã để hồ sơ của Teddy đến cuối cùng mới xem.
Tuy nhiên, khi cô xem đến hồ sơ của thằng nhỏ, cô đã rất mực ngạc nhiên.
Giáo viên lớp một phê, “ Teddy là một học sinh sáng dạ và vui nhộn, làm việc gì cũng ngăn nắp, cư xử tốt... Em luôn mang đến niềm vui cho những người xung quanh...”
Giáo viên lớp hai nhận xét, “ Teddy là một học sinh xuất sắc, bạn bè đều yêu mến, nhưng em đang gặp khó khăn vì mẹ em đang mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống gia đình hẳn là vất vả lắm.”
Giáo viên lớp ba ghi, “Cái chết của mẹ đã gây chấn động mạnh lên Teddy. Em đã cố gắng hết sức nhưng người cha thiếu quan tâm, cuộc sống ở nhà sẽ ảnh hưởng đến em nếu tình hình không cải thiện.”
Giáo viên lớp bốn phàn nàn, “ Teddy buông xuôi, và không thể hiện niềm hứng thú trong việc học hành. Em không có nhiều bạn bè và thường ngủ gật trong lớp.”
Đến lúc đó, cô Thompson đã hiểu được vấn đề và thấy xấu hổ về mình. Cô càng thấy ray rứt hơn khi học sinh tặng cô quà Giáng sinh, tất cả đều được gói giấy bóng loáng và cột dải ruy băng xinh xắn, chỉ trừ quà của Teddy.
Quà của thằng nhỏ được gói vụng về trong một tờ giấy nâu thô ráp, có lẽ lấy từ bọc giấy đựng đồ tạp nham nào đó. Cô Thompson thấy nhói đau khi mở gói quà của Teddy giữa những món quà khác. Một số đứa đã bật cười khi cô lấy ra một vòng đeo tay bằng đá thiếu mất vài hột và một lọ nước hoa chỉ còn một phần tư.
Nhưng cô đã làm cho những tiếng cười kia im bặt khi cô khen chiếc vòng đẹp, rồi đeo vào tay, và thoa một ít nước hoa lên cổ tay.
Và hôm đó Teddy Stoddard đã nấn ná ở lại trường một lát chỉ để nói, “ Cô ơi, hôm nay cô thơm như mẹ em trước đây vậy.”
Bọn trẻ về hết, cô giáo khóc cả tiếng đồng hồ. Và cũng từ ngày đó, cô không chỉ dạy đọc, dạy viết, dạy làm toán, cô bắt đầu dạy dỗ bọn trẻ. Cô đặc biệt quan tâm đến Teddy.
Và do được cô theo sát, đầu óc thằng nhỏ như sinh động hẳn lên. Cô càng khích lệ thì nó càng đáp ứng nhanh. Đến cuối năm học, Teddy trở thành một trong những học sinh xuất sắc nhất lớp, và, tuy cô đã nói dối là sẽ yêu thương bọn trẻ như nhau, Teddy đã trở thành “ học trò cưng “ của cô giáo.
Một năm sau, ở bục cửa nhà mình, cô thấy có tờ giấy nhỏ của Teddy, nói rằng cô là người thầy tuyệt với nhất nó từng gặp trong đời.
Sáu năm sau cô lại thấy một mảnh giấy khác của Teddy. Nó viết rằng nó đã học xong trung học, được xếp hạng ba trong lớp, và cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất.
Bốn năm nữa trôi qua, cô lại nhận một lá thư khác của Teddy, cậu nói rằng tuy có lúc gặp khó khăn bất ổn trong đời, cậu vẫn theo đuổi việc học và sắp tốt nghiệp thủ khoa đại học. Cậu đoan chắc rằng cô vẫn là người thầy tuyệt vời, mà cậu yêu quý nhất trong đời.
Rồi lại bốn năm nữa trôi qua, lại một bức thư nữa được gởi đến cô. Lần này cậu giải thích là sau khi đỗ cử nhân, cậu quyết định tiến xa hơn. Bức thư nói rằng cô vẫn cứ là người thầy tuyệt vời, được yêu quý nhất trong đời cậu. Nhưng giờ đây, tên của cậu đã dài hơn, tên cậu ký bây giờ ghi thế này: Theodore F. Stoddard, Bác sĩ Y khoa.
Thế nhưng, câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Đến mùa xuân lại có một bức thư khác. Teddy kể là cậu đã gặp một cô gái và họ sắp kết hôn. Cậu nói là cha cậu đã mất mấy năm trước, cậu hỏi rằng liệu cô có thể đến dự đám cưới và ngồi vào vị trí vẫn thường dành cho mẹ chú rể không.
Tất nhiên cô Thompson nhận lời. Bạn thử đoán chuyện gì xảy ra. Cô đã đeo chiếc vòng tay khuyết mấy hạt đó. Và cô cũng đã xức thứ nước hoa cũ mà Teddy nhớ là mẹ cậu vẫn thường dùng trong dịp lễ Giáng sinh cuối cùng họ ở cùng nhau.
Hai cô trò ôm choàng lấy nhau, và Bác sĩ Stoddar thì thầm vào tai cô, “ Thưa Cô, con cám ơn cô đã đặt niềm tin vào con. Cám ơn Cô rất nhiều vì cô đã làm cho con có cảm giác mình là quan trọng, chỉ cho con thấy rằng con có thể tạo ra điều khác biệt.” Cô Thompson, mắt đẫm lệ, khẽ đáp: “ Teddy, em nhầm hoàn toàn rồi. Em mới chính là người đã dạy cho cô rằng cô có thể làm nên điều khác biệt. Thực ra cô không biết dạy như thế nào cho đến khi cô gặp được em.”
—————————————————
(1) Dấu X để đánh dấu chỗ sai trong bài làm, F là điểm kém.
THÂN TRỌNG SƠN
dịch và giới thiệu.
Nguồn: http://www.livinglifefully.com/flo/flothreeletters.htm
==============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét