Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

" Ngo Thảo & ' bốn nhà văn quân đội "/ bài viết: Trung Trung Đỉnh ( Hà Nội) -- nguồn: vannghequandoi.com.vn>

 


Ngô Thảo &

 “bốn nhà văn  quân đội "


.TRUNG TRUNG ĐỈNH
 

Xuyên suốt 499 trang của cuốn sách Bốn nhà văn nhà số 4 (Nxb Hội Nhà văn, 2020) là một tấm lòng trân trọng, yêu thương và ngưỡng mộ của một ông nhà văn 80 tuổi Ngô Thảo đối với bốn ông anh thuở hàn vi: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Thu Bồn. Thực ra không phải chỉ có bốn ông anh ấy, và càng không phải vì bốn ông ở nhà số 4 thời đẹp nhất của ngôi nhà văn học thời chống Pháp, chống Mĩ rồi xây dựng đất nước khi hòa bình lập lại. Nhưng bốn ông đứng xếp hàng đầu của cái hàng… những nhà văn mặc áo lính được ông “em” 80 xuân nắm tay từng ông “anh” bước vào trang sách, gọi khiêm tốn là “tư liệu văn học” với một ngòi bút rất chân thật đầy chất liệu sống động và cả giảo hoạt. Cuộc sống của các văn nghệ sĩ trong các thời điểm khó khăn nhất của đất nước mà tác giả đã chớp được trước và cả sau mỗi câu chuyện thường ngày. Khi tác giả dựng lại các cuộc tiếp xúc, các cuộc giao lưu của mỗi ông anh với các ông anh thời đất nước gian lao và anh dũng ấy, họ sống trong dân, đúng nghĩa cùng ăn cùng ở cùng làm cùng chia sẻ. Bút pháp sinh động không phải tự nó sinh ra mà nó được tạo nên bởi lòng ngưỡng mộ yêu thương và cả bằng đức tính chỉn chu, tỉ mẩn, phẩm chất một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, nhưng vẫn đầy chất tài tử hào hoa, không kinh viện, không bài bản, không sách vở mà người đọc nhận được tình cảm gần gũi chân tình của tác giả cuốn sách với các nhân vật chính và cùng nhận được những thông điệp của tác giả với cả một số nhân vật phụ mà không phụ chút nào, bởi có một số lí do tế nhị thế thời thời phải thế.

Giai đoạn đất nước chiến tranh, văn chương nghệ thuật đối với thế hệ các nhà văn thời đó thì tự họ nhận trách nhiệm tiên phong. Nhà nghiên cứu phê bình Ngô Thảo đã tự nguyện làm người sưu tập ghi chép tư liệu sống trước các nhà văn đàn anh của mình như là một thư kí thuần túy để sau này, tức là bây giờ, đưa các đoạn ghi chép tươi rói đó vào cuốn sách. Cuốn sách được bạn đọc bạn nghề đề cao không phải do có điều gì đặc biệt mà là do cái thông điệp rất khó nói ra, hay đúng hơn là không thể nói ra, bởi đằng sau nó còn có những cái bóng không hình luôn nhắc nhở này nọ. Cuốn sách mà Ngô Thảo đã làm được, để ta có trên tay, tự thân tư liệu sống đã vượt qua định kiến của ai đó về tác giả này tác giả kia một cách nhẹ nhàng. Ngô Thảo đã bù lại cho người đọc bằng tấm lòng chân thành của mình để điều hòa cái sự lệch ấy được cân bằng có lí có tình. Chính vì thế cuốn sách tư liệu về Bốn nhà văn nhà số 4 có một dung lượng lớn hơn so với ý định ban đầu của ông. Ông không chỉ nói tới bốn nhà văn, bởi nói tới nhà số 4 là nói đến đội ngũ mà bốn nhà văn được chọn đây không ai là riêng lẻ. Tác giả không nói ra nhưng văn bản tự nó nêu tên nhà văn có vai trò tiên phong ở đây hồi ấy là Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi và Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành. Tiêu đề cho một bài viết ở phần đầu cuốn sách tác giả đã lấy một câu của Nguyễn Trung Thành: “Trong cuộc hành quân gian lao và vĩ đại”. Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi cùng trở về Nam chiến đấu và viết từ 1962 với những tùy bút, bút kí làm náo nức cả xã hội, nhất là lớp trẻ. Với giọng văn hào sảng đầy khích lệ như là tiếng lòng của cả thế hệ trẻ với non sông đất nước đang nguy biến, Nguyễn Thi, bằng tài năng và lòng chân thành đã viết nên những trang văn đầy sức sống của quân và dân từ tuyến lửa gửi ra Thủ đô: Ở xã Trung Nghĩa và Sen trong đồng, Cô gái đất Ba Dừa. Cũng khoảng thời gian đó độc giả được đón nhận những truyện ngắn, bút kí, tùy bút nóng hổi của Nguyễn Trung Thành gửi ra từ chiến trường Tây Nguyên - khu V ác liệt với những tác phẩm đặc sắc như Rừng xà nu. Từ Rừng xà nu, Đường chúng ta đi đến Đất Quảng là những dấu ấn quan trọng trong sáng tác và trong tư tưởng của nhà văn.

Nhà nghiên cứu văn học Ngô Thảo với nguồn tư liệu đầy ắp không phải chỉ bằng văn bản. Hơn thế nữa, ông là người dường như được số phận giao cho nhiều vai trò, nhưng cái chính là vai trò một nhà phê bình sống chung với các bạn văn cùng thời nên cuốn sách giản dị mà sâu nặng này tạo nên một hiệu ứng rất thuyết phục, ấy là các ông anh cho mãi tới bây giờ và chắc chắn sau này như ngọc càng mài càng sáng với tên tuổi không thể mờ: Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Thu Bồn, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Xuân Thiều, Xuân Sách… Bốn nhà văn nhà số 4 cho chúng ta, bạn đọc bây giờ, được gặp lại các gương mặt văn chương tiêu biểu không phải chỉ làm “thư kí của thời đại mình” mà họ là những nhà tư tưởng. Cái tư tưởng cá nhân một thời họ phải tự mình nén lại, lạng lách, né tránh, để cho ngòi bút một lòng phục vụ nhiệm vụ chung mà cách mạng yêu cầu. Đọc cuốn sách người đọc được nhận dạng một cách thật trân trọng đối với các nhà văn một thời phải tự kiềm chế mình để đến thời kì Đổi mới được mở cửa và cởi trói họ đích thị là những công dân yêu nước thương nòi, được nói ra viết ra chân thành như những trăn trở, những bộc lộ đầy tâm huyết của Nguyễn Minh Châu, từ truyện ngắn Bức tranh đến Phiên chợ Giát, từ nhân vật lão Khúng đến mẹ con chị Hằng, rồi bài tiểu luận Hãy đọc lời ai điếu…

Chúng ta, tức người đọc, được gặp một Nguyễn Khải thật với một loạt truyện ngắn và đặc biệt là kịch nói mới mẻ đầy tâm trạng. Hai ông nhà văn Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu là hai nhà văn nổi bật trên văn đàn những năm bước vào Đổi mới, theo cách nhìn nhận của tôi, là hai ngôi sao siêu nhất. Đó là một thời họ đã tự cho mình là “dát” (nhát gan) nhất. Nhưng khi cái sự dát ấy trong đời sống, qua nguồn tư liệu được nhà “tư liệu học” Ngô Thảo trình ra một cách nhẹ nhàng mà thật khủng, theo cách nói bây giờ, ấy là chỉ chưa đầy một trang kể về chuyến đi thực tế của Nguyễn Minh Châu cùng Xuân Sách tại chiến trường, khi mà Nguyễn Minh Châu đang ngồi làm việc với Đại đội trưởng công binh ở lán, hầm, bị một quả pháo bắn trúng. Người Đại đội trưởng ngã xuống, ôm, đè lên Nguyễn Minh Châu, khi hết loạt pháo thì người anh Châu bê bết máu của đồng đội… Những trăn trở sau cái chết của Đại đội trưởng đã nhấc nhà văn ra khỏi cái tâm lí nhát gan trước đó. Ngô Thảo không lí luận không giãi bày, mà chỉ đưa ra tư liệu sống thật của nhà văn và nhắc đến những tác phẩm đổi mới quyết liệt về tư tưởng mà nhà văn đã chuyển biến. Với nhà văn Nguyễn Khải thì có vẻ phức tạp hơn, vừa đơn giản hơn, lại cũng khéo léo lượn lờ giữa đời thường và cả trong trang viết. Bằng nguồn tư liệu, nhà “tư liệu học” Ngô Thảo không bình xét rườm rà, mà đưa ra những văn bản Thư trả lời độc giả của nhà văn viết cho những người chạnh lòng khi đọc truyện của ông lại vận vào mình… Những cú né tránh ngoạn mục của Nguyễn Khải để vượt qua nhiều sự hiểu lầm hay sự cố tình hiểu lầm của một vài vị lãnh đạo văn nghệ một thời, bây giờ chưa chắc đã thành dĩ vãng…

Trong cuốn Bốn nhà văn nhà số 4, Ngô Thảo đặc biệt ưu ái, dành riêng cho Thu Bồn một góc nhìn khác. Góc nhìn nghĩa tình thiêng liêng cao cả đầy trắc trở do cá tính mỗi người và do công việc, do hoàn cảnh và do nhiều thứ khác của đời sống mà hình thành cặp đôi bạn hữu đặc biệt giữa Nguyễn Chí Trung với Thu Bồn. Thu Bồn là một tác giả lớn với công lao đánh thức thể loại trường ca cho văn học đương đại Việt Nam. Bài ca chim Chơ-rao là trường ca đầu tiên của Thu Bồn và nó đã làm được cái sứ mệnh mở đầu cho thể loại trường ca - sử thi về cuộc chiến tranh với số phận mỗi một con người gắn liền với số phận dân tộc trước vận mệnh của đất nước. Vẫn nhắc lại cái ý Ngô Thảo gọi đây là tư liệu văn học, đúng thế, hơn thế, đây là một cách dựng truyện như lâu nay ta vẫn hay nói, không cần nhiều thủ pháp. Ông vẫn một mực kể chuyện thật, bằng tư liệu thật mà hai con người rất khác nhau là Nguyễn Chí Trung và Thu Bồn được ông cùng sống, cùng vui, cùng buồn, cùng khó chịu, cùng hài lòng và cùng đi với hai nhân vật chính và cả phụ ấy suốt đời.

Cuốn sách, như đã nói, không phải chỉ viết về bốn nhà văn ở nhà số 4. Đây là cuốn sách quý giúp bạn đọc càng về sau này càng có dịp tiếp cận với thế hệ các nhà văn mặc áo lính thời gian lao và anh dũng. Họ không phải chỉ đi qua hai, ba cuộc chiến tranh mà còn phải tiếp tục gian lao và anh dũng tự vượt lên chính mình khi đất nước thống nhất với bao bộn bề mới - cũ, cấp tiến - bảo thủ, tiến bộ - chây ỳ trong cuộc sống và trong tư tưởng. Cuốn sách định danh thể loại đơn giản là tư liệu văn học đã làm sống lại cái không khí hào hùng lãng mạn một thời đã đi qua và nó sẽ còn mãi mãi…  ./.

T.T.Đ

=========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét